Ngót 35 năm trước, tôi được một cán bộ Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Đức dẫn đến thăm bà Johanna - phu nhân của cố Thủ tướng Otto Grotewohl, tại nhà riêng ở Păngcô.
Giọng nói của bà rất dịu dàng. Ở tuổi 64, bà vẫn giữ được dáng vẻ nhanh nhẹn. Duy một chân bị đau, bà phải chống gậy. Bà rất vui vẻ tiếp chúng tôi. Bà mời chúng tôi ngồi ở nơi mà trước kia ông bà vẫn cùng nhau ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện, một nơi thoáng mát, hướng ra khu vườn rộng, cỏ mọc xanh rì. Những câu chuyện bà kể về mối quan hệ thắm thiết của Bác Hồ với Thủ tướng Grotewohl thật cảm động:
Lần đầu tiên tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại điện Kremlin, nhân đi dự Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 2 năm 1952. Bấy giờ nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp. Tại Đại hội, Bác ngồi đối diện với Đoàn đại biểu đảng chúng tôi. Tôi không thể nào quên được gương mặt gầy, nhưng lúc nào cũng toát ra một nghị lực phi thường, một thái độ cương quyết của Người. Suốt từ đấy, mỗi lần nghĩ đến Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, tôi lại nhớ đến đôi mắt của Người. Hai năm sau, khi được tin đại thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi hết sức vui mừng.
Nhưng đó mới là những ấn tượng buổi đầu. Mãi đến những ngày Bác sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ Đức chúng tôi, vào mùa Hè năm 1957, tôi mới có dịp được hiểu biết nhiều về Người.
Bác Hồ tặng bà phu nhân Thủ tướng Otto Grotewohl một bông hồng - tháng 1.1959.
Chừng bốn, năm ngày trước khi Bác tới Đức, nhà tôi bảo tôi: Em ôn lại những bài thơ của đồng chí Hồ Chí Minh đi nhé! Thế nào cũng có dịp em đọc cho đồng chí Hồ Chí Minh nghe...
Hôm đầu tiên, đón Bác từ sân bay quốc tế vào trung tâm thành phố Berlin, đang ngồi cùng xe với Người, tôi cảm thấy như đang giữa một giấc mơ. Đồng chí Hồ Chí Minh vĩ đại, vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, trong giờ phút này, đang ngồi cạnh chúng tôi đây... Tôi nhận thấy, ngay phút đầu, Bác trò chuyện với nhà tôi rất cởi mở. Đúng là câu chuyện của một đôi bạn thân lâu ngày gặp lại nhau. Bác hỏi rất tỉ mỉ tình hình sức khỏe của Chủ tịch Wilhelm Pieck và tỏ ý nóng lòng được gặp lại người đồng chí thân yêu của mình. Cũng vì điều kiện sức khỏe không cho phép, Chủ tịch Wilhelm Pieck không thể ra sân bay đón Bác Hồ, đã ủy nhiệm cho nhà tôi, trên cương vị đồng Chủ tịch đảng, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Walter Ulbricht - Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng được thay mặt đi đón Bác.
Xe đi được một đoạn dài, tôi thưa với Người: Kính thưa đồng chí Chủ tịch, đồng chí làm thơ hay lắm! Nếu đồng chí cho phép, tôi xin đọc một hai bài thơ của đồng chí đã dịch ra tiếng Đức và đăng trên báo chí nước tôi.
Bác gật đầu nhìn tôi và mỉm cười trìu mến. Tôi liền đọc bài “Cảnh khuya” do Người viết năm 1947, tức là trước đấy mười năm. Bác Hồ nói bằng giọng rất vui: Ồ! Chị thuộc cả thơ tôi ư?
Sau đó, tôi còn đọc cho Bác nghe bài “Đối nguyệt” và “Lên núi” nữa. Bác nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi và nói với nhà tôi: Đồng chí Otto, đồng chí có người vợ thật đáng quý! Nhà tôi lễ phép đáp lại: Vâng, tôi biết...
Trong thời gian ở thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, Bác có mấy lần đến thăm chúng tôi tại nhà riêng. Và chúng tôi cũng thường đến thăm Người tại biệt thự đặc biệt dành cho các nguyên thủ quốc gia. Biệt thự ấy không xa chỗ ở của chúng tôi bao nhiêu... Trong những lần gặp nhau, Bác và nhà tôi nói chuyện rất thân tình. Tôi có cảm tưởng đó là hai con người có tâm hồn đồng điệu. Đó là hai nhà chính trị, mà cũng là hai nghệ sĩ. Bác là một nhà thơ lớn, cũng đã từng viết kịch và diễn kịch. Nhà tôi là một họa sĩ, lại rất ham đọc kịch và nghe âm nhạc.
Bác rất thích kiểu trang trí của gia đình tôi. Kiểu trang trí này hoàn toàn do nhà tôi dự thảo, xếp đặt, từ góc độ ánh sáng đến màu sắc. Bác khen kiểu trình bày trang nhã, gọn gàng, lịch sự. Người cũng thích cái bồn hoa và bãi cỏ bên thềm.
Bác và nhà tôi trao đổi rất nhiều về nghệ thuật. Otto mời Bác xem một số tranh do anh vẽ từ thời phátxít. Trong bầu không khí anh em, nhà tôi kể cho Bác nghe quá trình hình thành chiếc huy hiệu Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức. Chính nhà tôi đã tự mình phác thảo chiếc huy hiệu đó... Nói chuyện về hội họa, nhà tôi tỏ ra rất hâm mộ nghệ thuật sơn mài của Việt Nam. Anh ấy nói với Bác: Trên những bức sơn mài là cả một thế giới rất mới lạ và hấp dẫn. Đồng chí Hồ ạ, dân tộc đồng chí rất anh hùng mà cũng rất tài hoa. Dân tộc đó làm được nhiều thứ đáng yêu, đáng phục quá!
Hai người còn nói nhiều về bảo tàng, về nghệ thuật sân khấu và nhất là về âm nhạc.
Tôi còn nhớ, một buổi tối, khi Bác tới, nhà tôi mời Bác nghe một đĩa hát thu bản giao hưởng số 9 của Beethoven sáng tác trong những năm 1822 – 1824. Sự xúc động lộ rõ trên gương mặt Bác. Trong giờ phút này, tôi nhìn thấy đôi mắt Bác mơ màng, tư lự, đúng là đôi mắt của nhà nghệ sĩ giàu cảm xúc. Nhìn gương mặt ấy, người ta có thể liên tưởng đến Lê-nin khi nghe bản nhạc “Appasionata” cũng của Beethoven. Khi bản nhạc vừa dứt, Bác thong thả nói: Quả là đúng như Beethoven có lần nói: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa từ trong tâm hồn bùng cháy.
Tối ấy, Otto nói với Bác rất nhiều về quá trình hình thành bản giao hưởng số 9 và về cuộc đời gian khổ, đau thương, mà cũng đầy nghị lực, đầy tin tưởng của Beethoven, coi đó là một trong những nhà sáng tạo vĩ đại nhất mà nhân dân Đức đã hiến dâng cho nhân loại. Anh có niềm tự hào đặc biệt về Beethoven. Anh thường nhắc đến một câu của nhạc sĩ viết cho đại thi hào Goethe: “Bọn vua quan, lãnh chúa có thể làm ủy viên mật vụ, có thể đeo huân chương khắp ngực và mang những học vị này nọ, song chúng không bao giờ thành những bậc vĩ nhân”.
Mắt chớp chớp, Otto tâm sự với Bác: Đồng chí Hồ ạ, đối với người Đức chúng tôi, thế giới tuyệt vời trong bản giao hưởng số 9 là cả một sự hòa hợp của nỗi khổ đau, của niềm hy vọng, của lòng mong muốn hòa bình và của cả nghĩa vụ đối với tương lai. Tôi cứ nghĩ, dù sao thì âm nhạc cũng không biết đến ranh giới giữa các nước. Tiếng vang của âm nhạc là ngôn ngữ của thế giới, nó thực sự có tính quốc tế!”.
Bác Hồ và vợ chồng tôi đã cùng nhau đi dạo trong Vườn bách thú Berlin cả buổi sáng ngày 31.7. Người cũng yêu cầu chúng tôi cùng đi thăm Berlin vào ban đêm. Người nói: “Đồng chí Otto ơi, chúng ta đã thưởng thức nghệ thuật. Hôm nay, chúng ta cùng đi vào cuộc sống, tôi muốn được nhìn Berlin vào ban đêm!”. Nhà tôi có phần lo lắng vì chưa có sự chuẩn bị nào cả. Nhất là, hồi bấy giờ, giữa Thủ đô chúng tôi và Tây Berlin chưa có đường biên giới, còn đi lại tự do, sợ không được an toàn. Otto mỉm cười nói với Bác: Vào giờ này, đồng chí Hồ ạ, Berlin không có người đi đường đâu.
Bác đáp:
- Nhưng có nhiều ánh sáng!
Cuộc đi thăm Berlin đêm ấy để lại nhiều kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng tôi. Sau này - vào tháng giêng năm 1959, tôi lại được đi theo nhà tôi sang thăm Việt Nam, trong chuyến nhà tôi dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức đi thăm một số nước ở Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á.
Dịp ấy, Bác Hồ đón chúng tôi tại Phủ Chủ tịch. Bác và nhà tôi ôm hôn nhau thắm thiết. Người quay sang phía tôi và hỏi:
- Nữ đồng chí vẫn mạnh khỏe đấy chứ?
Tôi cảm ơn Bác và bày tỏ lòng sung sướng được gặp lại Người trên đất nước Việt Nam. Bác cười:
- Thế là điều mong ước của chúng ta đã được thực hiện!
Tại cuộc chiêu đãi chào mừng Đoàn, tôi được ngồi bên phải Bác. Bác Tôn Đức Thắng cũng ngồi bên tôi. Người đã tặng tôi một đóa hoa hồng. Tôi sung sướng đón từ tay Người món quà quý báu.
Trong những ngày ở Việt Nam, tôi còn được Bác cho vào thăm chỗ ở và nơi làm việc của Người, được ngồi câu cá với Bác và được Bác hái tặng một quả quít trong vườn cây của Người. Tại buổi chia tay, Người còn tặng tôi chiếc đồng hồ sản xuất ở Thụy Sĩ, hiệu “Movado” trên mặt có hình Bác. Chiếc đồng hồ đó, cho đến nay, tôi vẫn dùng và hiện nó chạy rất tốt. Trong những món quà của Bác, còn có một chiếc áo dài duyên dáng của phụ nữ Hà Nội để trong hộp sơn mài, một bộ đồ ăn bằng bạc. Sau này, vào dịp đầu năm 1968, Bác còn gửi tặng tôi một chiếc lược làm bằng xác máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam...
Buổi chia tay ấy ở Hà Nội, vào một sớm đầu Xuân lất phất mưa, thật lưu luyến. Bác nhìn vợ chồng chúng tôi trìu mến như mọi lần, ôm hôn chúng tôi và hẹn ngày gặp lại./.
Theo Báo Lao động
Kim Yến (st)