Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Báo cáo Chính trị xác định: “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp  hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam hiện nay dưới chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước thuộc tất cả các châu lục và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường nước ngoài, là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế. Trong mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước trên thế giới, mối quan hệ ngoại giao Việt - Xô trước đây và Việt - Nga ngày nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước đây, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trải qua bao biến cố, bao thăng trầm lịch sử, nhưng Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay vẫn luôn là người bạn lớn, là nước có quan hệ bền chặt và tốt đẹp với Việt Nam. Trong khung cảnh thế giới hiện đại, Việt Nam và Nga đã xác định mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Chính phủ hai nước phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hai nước triển khai hợp tác sâu rộng và toàn diện trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển trong giai đoạn lịch sử mới.

Nhìn lại lịch sử ngoại giao, có thể nói, tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp, lâu dài giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Nga đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh, đặt nền móng và dày công vun đắp, xây dựng cho mối quan hệ này ngày càng gần gũi, tin cậy, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều mặt. Cách đây 90 năm, ngày 30 tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Nga Xô-viết, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, đất nước của Lê-nin vĩ đại. Khi đó tại Nga vẫn còn đang tràn ngập không khí chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười soi sáng khắp năm Châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người đứng lên đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc…”. Mang trong mình khao khát cháy bỏng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tới nước Nga Xô-viết với tình cảm đặc biệt, là nơi Người có thời gian gắn bó lâu nhất. Có thể nói, nước Nga có một vị trí và tầm ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại quê hương của Cách mạng Tháng Mười, Người đã trực tiếp nghiên cứu lý luận và thực tiễn chủ nghĩa xã hội hiện thực theo hình mẫu nước Nga Xô-viết, tích cực học tập, tiếp thu nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin, lý luận đấu tranh cách mạng vô sản và đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu về xây dựng Nhà nước và chính quyền công nông, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Và cũng chính nơi đây, Người đã chứng kiến bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Người và cũng là bước ngoặt quyết định đối với cách mạng Việt Nam đó là tìm thấy ánh sáng, trí tuệ của chủ nghĩa Lê-nin. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước sang một trang mới dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và sự giúp đỡ nhiệt tình của người anh lớn, người bạn tốt - nước Nga Xô-viết.

Năm 1911, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, tìm kiếm con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc. Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, vừa lao động kiếm sống, vừa hoạt động trong phong trào các dân tộc bị áp bức, phong trào công nhân. Trong thời gian này, chàng trai trẻ yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã được tiếp xúc với tư tưởng của Lê-nin từ sớm. Tháng 7-1920, trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc được đọc tác phẩm: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin, đăng trên Báo Nhân Đạo (L'Humanité) của Đảng Xã hội Pháp. Đây là sự gặp gỡ mang tính lịch sử của Nguyễn Ái Quốc với chủ nghĩa Lê-nin. Người đã hồi tưởng lại: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên”. Ngồi một mình mà Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đồng bào cả nước: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu và viết nhiều tác phẩm về Lê-nin và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Người ca ngợi thiên tài và tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Lê-nin, tin tưởng và đi theo con đường cách mạng do Lê-nin lãnh đạo. Người đã  đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và ủng hộ Quốc tế thứ III do Lê-nin thành lập đồng thời Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Từ lòng kính trọng và biết ơn vô cùng sâu nặng, sau khi Lê-nin mất, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài: “Lê-nin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Sự Thật, số ra ngày 27-1-1924, với những tình cảm chân thành, vô cùng xúc động: “Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lê-nin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Cũng bắt đầu từ năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã theo học Trường Đại học Phương Đông tại Máxcơva. Sau những năm tháng học tập, hoạt động, nghiên cứu trên đất nước Xô-viết, vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách Đường Kách mệnh làm tài liệu huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong tác phẩm quan trọng này, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng có vững, cách mạng mới thành công. Ngày nay, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng cách mạng nhất, chân chính nhất là chủ nghĩa Lê-nin…; trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và đã thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới. Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Chủ nghĩa Mác-Lênin…”. Cũng chính nhờ có sự truyền bá của Bác mà nhân dân Việt Nam, trước hết là các trí thức cách mạng, hiểu rõ hơn về nhân dân Nga, về sự vĩ đại của cách mạng Nga, từ đó mà thêm mến yêu đất nước Nga như Bác đã yêu mến.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà hoạt động cách mạng yêu nước chủ trương ủng hộ chủ nghĩa cộng sản, ủng hộ Liên Xô, xây dựng mối quan hệ cách mạng mật thiết, tốt đẹp. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập. Trong Chương trình tóm tắt của hội nghị thành lập Đảng, đã nêu rõ: “Cách mạng Đông Dương phải liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản thế giới…”. Chương trình cũng nêu vấn đề “ủng hộ Liên bang Xô-viết”. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một đất nước non trẻ giành được độc lập chưa được bao lâu đã phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp trong tình hình bất lợi nhất về quan hệ đối ngoại. Từ những ngày đầu thành lập nước, trước tình thế đất nước bị hoàn toàn bao vây, khó khăn trăm bề, thông tin tuyên truyền, quan hệ quốc tế, viện trợ hầu như không có, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc việc xây dựng và phát triển quan hệ đối ngoại với các nước bạn là vô cùng quan trọng và việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước nhà. Đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho lãnh đạo của Liên hợp quốc và các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ nêu rõ chính sách của Việt Nam là thực hiện chính sách mở cửa và hợp tác, mời các nhà đầu tư, các nhà kỹ thuật nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, sẵn sàng mở các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế, chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Sau nhiều cố gắng trong các hoạt động ngoại giao và chính sách ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 30/1/1950 Chính phủ Liên Xô chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta.

Từ Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần bí mật đến nước Nga: Tháng 2-1950, tháng 10-1952 và tháng 4-1954, nhằm tìm cách phá vỡ vòng vây của kẻ thù, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn. Ngày 3/2/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến công tác ngoại giao đặc biệt. Người đã tới Mátxcơva, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên Xô để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng và tài ngoại giao khéo léo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Xô-viết hiểu và ủng hộ đường lối kháng chiến và kiến quốc của Ðảng ta. Do vậy, trong suốt thời kỳ kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhân dân ta nhận được sự đồng tình sâu sắc và sự giúp đỡ về vật chất, tinh thần rất lớn từ Liên Xô. Đây là một thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng vì đã phá tan tình thế bị bao vây, cô lập của nước ta. Thực hiện lời hứa giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam của các nhà lãnh đạo Liên Xô, những năm 1955-1960, 1961-1964, 1965-1968, Liên Xô đã viện trợ, cung cấp cho Việt Nam hàng chục, hàng trăm nghìn tấn hàng quân sự, trong đó có rất nhiều vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh...và giúp chúng ta đào tạo các cán bộ quân sự. Bên cạnh những viện trợ về mặt quân sự, các chuyên gia Liên Xô còn sang giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng những công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển kinh tế - xã hội, như các mỏ than, mỏ quặng, thiếc; nhà máy cơ khí, nhà máy nhiệt điện, nhà máy thủy điện, các Trường đại học, các bệnh viện… Sự trao đổi, giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt-Nga cũng diễn ra hết sức tích cực. Nhiều tác phẩm văn học của những tên tuổi lớn như Puskin, Lev Tolstoi, Maksim Gorky,….được dịch ra tiếng Việt. Ngược lại, nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam cũng đã được dịch sang tiếng Nga như các tác phẩm của Nam Cao, tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh…..

Nhờ vào mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp Việt-Nga mà Bác Hồ đã khai sinh và dày công xây dựng, đã diễn ra những cuộc tiếp xúc, viếng thăm thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên Xô. Điều đó đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc không ngừng củng cố tình đoàn kết và mở rộng hợp tác giữa hai nước. Các chuyến đi thăm, đi nghỉ tại Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1955, 1957, 1959, 1960, 1961; sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Liên Xô sang thăm Việt Nam vào những năm 1956, 1957, 1962 1963, 1965… đã đi vào lịch sử ngoại giao của hai nước, như một minh chứng cho sự thân thiết của mối quan hệ anh em truyền thống.

Tình cảm của Bác Hồ đối với đất nước và người dân trên quê hương Cách mạng Tháng Mười và của nhân dân, đất nước Nga đối với Bác, không chỉ thể hiện ở tầm vĩ mô mà còn thể hiện qua nhiều câu chuyện cụ thể, đời thường dung dị khác. Tại những nơi Người đến, người dân Liên Xô - từ những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước Liên Xô, cho tới những người lao động bình thường, các cháu thiếu nhi luôn dành cho Người những tình cảm quý mến và sự kính trọng đặc biệt mà ít Nguyên thủ Quốc gia nào có được. Đã có những lần, cha mẹ của các trẻ em Nga viết thư gửi Bác, đề nghị với Bác nhận con cái họ làm con đỡ đầu, và Bác luôn gửi thư lại trả lời đồng ý một cách trìu mến, thân mật. Dù bận trăm nghìn công việc, nhưng nhiều lần Bác đã gửi thư, gửi thiệp, những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa cho những người con đó của mình vào những dịp sinh nhật họ. Hay như trường hợp một “Người con Nga” 40 năm đi tìm hiện vật về Bác Hồ. Đó là ông Gladunov, Chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt. Người đàn ông năm nay hơn 80 tuổi, mái tóc bạc trắng đã trao tặng hơn 100 hiện vật về Bác Hồ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Số hiện vật đó ông đã tìm kiếm khắp nước Nga và gìn giữ hơn 40 năm nay. Ông cho biết, ông có vinh dự đặc biệt là đã nhiều lần được làm phiên dịch cho Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo cấp cao khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam và lần đầu tiên gặp Bác, ông đã khóc vì không ngờ lại được gặp và phiên dịch cho một con người vĩ đại đến vậy. Tuy những ngày tháng đặc biệt ấy đã cách đây gần nửa thế kỷ nhưng những kí ức về Bác Hồ, ông không bao giờ quên.

Thieu tuong Nguyen Van Cuong.pg

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng điểm lại quá trình gìn giữ lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong Hội nghị Khoa học tổng kết 40 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2009. Ảnh internet

Ngay từ năm 1967, Liên Xô đã giúp đỡ đào tạo chuyên ngành giữ gìn thi hài cho 3 bác sỹ của Việt Nam. Trong những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng, Bạn đã cử 5 chuyên gia y tế sang để chuẩn bị giữ gìn thi hài khi Người đi xa. Kể từ ngày 2/9/1969 khi Bác Hồ kính yêu đi vào cõi vĩnh hằng và trong những năm tháng chiến tranh, các chuyên gia Liên Xô đã kề vai sát cánh cùng cán bộ Việt Nam vượt qua mọi khó khăn để giữ gìn nguyên vẹn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Người; đồng thời Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã giúp đỡ nước ta thiết kế, xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1992, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva trong học tập và nghiên cứu khoa học. Từ năm 2004 đến nay, các nhà khoa học y tế Việt Nam đã phối hợp với chuyên gia y tế Liên bang Nga tiến hành pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ. Hơn 40 năm qua, thi hài Bác được giữ gìn, bảo quản trong trạng thái tốt nhất, giữ gìn nguyên vẹn các nét đặc trưng của Người lúc sinh thời.

Năm 2012, Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva (Liên bang Nga) đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992 - 2012). Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là tâm nguyện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, sự hợp tác giữa hai bên đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần giữ gìn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ở trong trạng thái tốt nhất. Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt đặt ra trong giai đoạn mới, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam mong muốn Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ban Quản lý Lăng để phát huy nhiều kết quả việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp giữa Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1992-2012), GS, Viện sĩ Mát-vê-chúc I-go Va-si-li-ê-vích, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y sinh Mátxcơva khẳng định: “Điều tự hào nhất trong kết quả hợp tác giữa hai bên là sau 43 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, người dân Việt Nam và du khách quốc tế vẫn được chiêm ngưỡng thi hài của Người trong trạng thái tốt nhất. Đó cũng là điều khiến chúng tôi hài lòng nhất.”

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nhấn mạnh: “Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhiều thế hệ chuyên gia y tế, kỹ thuật của Liên Xô và Liên bang Nga đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp, dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, truyền thụ kinh nghiệm, cũng như trực tiếp tham gia nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công là kết quả của sự hợp tác hữu nghị giữa hai Nhà nước Việt Nam - Liên bang Nga nói chung, giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva nói riêng. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhận và trân trọng sự giúp đỡ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, đặc biệt là những chuyên gia đã trực tiếp gắn bó với Việt Nam hơn 40 năm qua”.

Đã 90 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lần đầu tiên lên đất nước Nga vĩ đại (30/6/1923-30/6/2013), 63 năm kể từ ngày mối quan hệ ngoại giao gắn bó keo sơn giữa hai đất nước, dân tộc Việt - Nga được thiết lập (30/1/1950 - 30/1/2013), tình hữu nghị đặc biệt mẫu mực, gắn bó giữa Việt Nam - Liên Xô trước đây và Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay vẫn luôn luôn và sẽ mãi mãi bền chặt. Chính sách ngoại giao xuất phát từ tấm lòng chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi nguồn, đặt nền móng và vun đắp, xây dựng lên mối quan hệ Việt-Nga thủy chung keo sơn suốt hơn nửa thế kỷ qua. Người đã giúp nhân dân Việt Nam tạo dựng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân Nga, để ngày nay, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga không ngừng phát triển, bước lên một tầm cao mới, hợp tác một cách bình đẳng, chiến lược toàn diện và bền vững như ước nguyện của Người.

Sau đây là một số hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga

 CTHCM voi nc Nga 1

Thị thực cho phép nhập cảnh vào nước Nga, số 1829, ngày 16-6-1923, của đại diện Liên Bang CHXHCN Xô Viết tại Béc-lin, Đức cấp cho Cheng Vang (Nguyễn Ái Quốc), tiếng Nga, Pháp 

CTHCM voi nc Nga 2

Thẻ đại biểu tư vấn cấp cho Nguyễn Ái Quốc để tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Thủ đô Mat-xcơ-va, Nga, 1924

 CTHCM voi nc Nga 3

Bác Hồ cùng nhà làm phim nổi tiếng của Liên Xô - Roman Karmen

trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh internet

CTHCM voi nc Nga 4

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Liên-Xô (tháng 7-1955). Ảnh internet

 CTHCM voi nc Nga 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đại học Tổng hợp MGU - ngày 16 tháng 7 năm 1955. Ảnh internet

 CTHCM voi nc Nga 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam vào Lăng viếng lãnh tụ Lê-nin tại Moscow, trong dịp Đoàn sang dự lễ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga vào năm 1957. Ảnh internet

 CTHCM voi nc Nga 7

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Liên Xô, tháng 8.1957 Ảnh internet

 CTHCM voi nc Nga 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng Chủ tịch Đoàn Xô-viết tối cao Liên Xô - K. E. Vorosilov - Ngày 26 tháng 8 năm 1957. Ảnh internet

CTHCM voi nc Nga 9

Bác Hồ tới thăm một thắng cảnh ở Liên Xô - Tháng 7 năm 1959. Ảnh internet

CTHCM voi nc Nga 10

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà hát Bolshoi ở Moscow, Nga, năm 1959. Ảnh internet

 CTHCM voi nc Nga 11

          Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp các chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại Việt Nam năm 1960. Ảnh internet

 CTHCM voi nc Nga 12

Cuộc gặp gỡ thân thiết của Bác Hồ cùng phi hành gia nổi tiếng của Liên Xô - German Titov vào năm 1962. Ảnh internet

CTHCM voi nc Nga 13

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường mang tên Người ở Thủ đô Mátxcơva - Liên bang Nga. Ảnh internet

 

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: