.19.

SÔNG HƯƠNG DẬY SÓNG

 

Đầu năm 1908 có tin ở Đại Lộc (Quảng Nam) “dân dậy” chống thuế. Phong trào bị dìm trong biển máu  nhưng càng ngày càng lan ra các huyện và các tỉnh Nam – Ngãi – Bình - Phú. Anh Thành cùng các cơ sở bí mật ở Huế đang nghe ngóng thực hư như thế nào, thì có tin Tây cho lính lên trường Quốc học bắt thầy Hoàng Thông. Anh em lại nghe tin chúng đã tra tấn thầy rất dã man để truy lùng những cơ sở yêu nước do cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tổ chức, cùng những người chủ mưu sẽ chống thuế ở Kinh đô. Chúng lục soát trong nhà thầy lấy hết Tân Thơ, Tân Sách trong đó có cuốn Tự Trị Thượng Sách do thầy viết để giáo dục các tầng lớp thành niên học sinh. Chúng tra tấn thầy đủ các cực hình nhưng vẫn chẳng khai thác được ở  thầy một lời. Chúng trích một câu văn trong cuốn sách của thầy ra chất vấn: “Nước dù bất hạnh mà mất, không phải mất nước của một họ (Nguyễn) riêng mà thôi; cùng với nước mất dân tộc bị diệt chủng”. Chúng cho rằng câu này là có ý phản nghịch. Nét chữ của thầy rành rành, nghĩa của từng chữ cũng đã rõ không thể chối được. Để có thể chạy “tội”thầy phải nói:

- Tôi lúc rượu say đã viết ra câu ấy. Lúc tỉnh rượu không còn nhớ nữa!

Bọn Pháp biết thầy nói thế là ngụy biện, nhưng như thế cũng chưa đủ lý để đem thầy ra chém ngang lưng. Không có cách nào hơn chúng đưa thầy vào giam ở lao Thừa Phủ.

Tất cả đường giao thông thủy, bộ, xe hỏa từ Quảng Nam ra Huế đều bị kiểm soát chặt chẽ. Chúng bắt hàng loạt người mà chúng tình nghi là “mầm loạn” trên đường về Huế. Nhưng cái gì đến nó đã đến.

Với danh nghĩa là một người đi bán quế, ông khóa Nối (Nguyễn Hàn Chi) đã đem tin tức tài liệu về cuộc khất sưu xin thuế của dân Quảng Nam ra Huế. Ông Ấm Mộng người Giạ Lê chánh, cháu gọi ông Nguyễn Văn Mại từng làm Hiệu phó trường Quốc học bằng cậu ruột là người chủ đạo cuộc đấu tranh này. Ấm Mộng đã từng học với Nguyễn Lộ Trạch và là cơ sở nòng cốt của cụ Phan Bội Châu tại Thừa Thiên Huế. Ông hoạt động với bà Lê Thị Đàn (tức bà Ấu Triệu hay thường gọi là Đinh phu nhân). Cuộc chống thuế ở Huế được tổ chức khắp sáu huyện. Nhưng khác với các nơi, ở đây không kéo lẻ tẻ tới các huyện đường mà tất cả đều hẹn một ngày tập trung vào Huế, ngay cơ quan đầu não sinh ra các sắc thuế là Tòa Khâm sứ. Anh Thành đi truyền đạt địa điểm tập trung bí mật: “Diên Đại sa trung, Ngự Bình sơn hậu”. (Ở giữa bãi cát làng Diên Đại và ngay sau lưng núi Ngự Bình).

Bọn Pháp đánh hơi thấy dịch chống thuế đã lan đến đất Kinh sư. Dò biết phong trào đang âm ỉ ở vùng Diên Đại (Phú Vang), bọn Pháp liền tính một nước cờ bằng cách cử ông Trần Trạm, Phủ Doãn Thừa Thiên – về vùng quê đi hiểu dụ dân chúng. Chúng muốn nhờ cái miệng của ông quan nổi tiếng thanh liêm được dân chúng kính trọng này nói cho dân biết không nên đi chống thuế nguy hiểm đến tánh mạng, có đòi hỏi gì cứ nhờ ông Phủ Doãn rồi ông Phủ sẽ can thiệp với nhà nước Bảo Hộ. Không ngờ đoàn tùy tùng của ông Phủ Doãn vào sáng ngày 9-4-1908 vừa đến làng Công Lương và Giạ Lê chánh (quê hương ông Ấm Mộng) đã đụng đầu với dân chúng. Ông Nguyễn Cưỡng bị Trần Phán – Phó quản đi bảo vệ ông Phủ Doãn, bắn chết. Một cuộc bạo động ác liệt đã diễn ra. Toàn bộ đoàn tùy tùng mấy chục người đều bị dân trói ngoe. Những tên ngoan cố hay có ý chạy lên Huế kêu Tây về cứu đều bị nhận nước bán sống bán chết. Dân thương ông Trần Trạm thanh liêm, chẳng qua nhẹ dạ đi làm tay sai cho giặc, nên họ chỉ bắt ông bỏ vào thúng, chuẩn bị gánh lên Dinh đấu tranh.

Đúng y hẹn, sáng hôm sau – ngày 10 tháng 4, đồng bào sáu huyện Thừa Thiên, từ nhiều hướng, nhiều ngả đã đổ xô về Huế. Đồng bào đi chống thuế lần này thật đặc biệt: Áo quần rách rưới, mũ nón xác xơ, tóc cắt ngắn, người thì mang theo cơm nắm, người mang nồi niêu soong chảo, có người mang theo cả manh chiếu rách. Tất cả đều gọi nhau  là “đồng bào”. Đặc biệt, đoàn người khởi đi từ Giạ Lê – Công Lương có khiêng theo hai người. Người thứ nhất là ông Phủ Doãn Trần Trạm ngồi trong thúng, người thứ hai là ông Nguyễn Cưỡng đã bị bắn chết được dân chúng ướp bằng lá thầu dầu nằm trên võng.

Dân quê tuôn về Huế đầy đường đầy sá. Lúc đầu bọn Pháp định đuổi dân lui nhưng sau thấy đông quá, chúng cũng chịu bó tay. Một nhóm học trò ở chợ Cống thấy khí thế rầm rộ quá bèn lấy lý do tới trường để ra phố xem người. Khi họ đi đến trước Phủ Doãn Thừa Thiên thì gặp anh Thành đi ngược từ trên trường về phía Toàn Khâm. Thấy các bạn, anh Thành đi nhanh đến và bảo:

- Các bạn đi mô đó? Dân sáu huyện người ta đang đi xin xâu, xin thuế với Pháp mà không biết tiếng Tây, bọn mình là học sinh biết tiếng Tây hãy đi giúp làm thông ngôn cho đồng bào!

Các bạn học sinh có người cũng sợ Tây, nhưng nghe anh Thành nói thế, họ cũng đi theo, bởi vì anh Thành xưa nay là người có uy tín, nói điều gì cũng đúng đắn cả. Họ cũng có cảm giác anh Thành là một người hoạt động bí mật, lúc này mà không nghe anh chắc cũng không được yên. Thế là một số quay lui theo anh. Những người còn phân vân bị anh Thành cầm vai xoay lại và bảo:

- Nào chúng ta cùng về Toàn Khâm với đồng bào nào!

Lúc ấy tất cả đều đi theo anh. Đi một lúc anh lấy một cái nón lá mà các bạn đội trên đầu xuống, lận bên trong ra ngoài, làm cho 16 cái vành tre ngó lên trời rồi bảo tiếp:

- Phải đấu tranh để lật lại tình thế như lận cái nón này!

Các bạn không hiểu anh, chỉ tiếc hư một cái nón.

Khi anh Thành cùng các bạn học trò làm thông ngôn đến trước cửa Tòa Khâm thì đồng bào các huyện đã đến tập trung đông nghẹt. Anh cùng các bạn chen lên trước. Tên Hộ lý bộ Lại De la Suisse điều khiển bọn lính khố xanh cầm dùi cui, gậy tre đánh đập không cho dân tràn vô sân  Tòa Khâm. Anh Thành là người cao lớn, lại xông lên trước nên bị đánh rất dữ. Tuy vậy, đám người đông đảo vẫn cứ lăn xả vào. Thấy không thể ngăn được, Khâm sứ Lévecque ra lệnh cho phép dân vào và bằng lòng gặp đại diện của dân. Một người tên là Khóa Mãnh thay mặt Lê Đình Mộng lên gặp Lévecque, anh Thành đi theo làm thông ngôn.

Lévecque hỏi bằng tiếng Pháp:

- Có điều gì muốn nói thì đệ đơn lên quan Đại Pháp xét chứ tại sao lại làm loạn như thế này?

Anh Thành thông ngôn cho Khóa Mãnh nghe, đoạn Khóa Mãnh nói:

- Dạ mất mùa dân đói không có tiền nạp thuế, đi sưu nên đồng lòng lên xin thuế, khất sưu!

Khâm sứ Lévecque trợn mắt nói như nạt:

- Bảo hộ bỏ ra hàng chục vạn bạc để làm Đập Đá ngăn nước mặn cho dân làm ruộng, bây giờ không nạp thuế thì lấy gì mà trả? Không nạp thuế thì lấy đâu mà bắc cầu Trường Tiền cho dân đi và còn biết bao công trình sẽ làm nữa?

          Câu hỏi bất ngờ làm cho ông Khóa Mãnh hơi lúng túng, ông đáp một cách ấp úng không đúng với khí thế của đồng bào. Anh Thành nhớ lại có một lần cụ Phan đã tranh luận với bố mình về vấn đề này, nên anh liền sửa câu trả lời của ông Khóa cho thật đúng và thông ngôn ra tiếng Pháp cho viên Khâm sứ:

- Bảo hộ làm Đập Đá ngăn mặn, nhưng nước mặn vẫn vào được bằng sông Lợi Nông và khi nước rút bị Đập Đá chận lại không có đường ra làm cho mùa màng càng thêm thất bát. Bảo hộ làm cầu Trường Tiền trước nhất để cho Bảo hộ đi, còn nông dân chúng tôi ở thôn quê có cần chi cầu Trường Tiền. Làm cầu chẳng qua chỉ là danh nghĩa để Bảo hộ tăng sưu cao, thuế nặng mà thôi!

          Tên Khâm sứ bị chọc vào đúng chỗ hiểm nên đã nổi cáu chửi:

- Đồ làm loạn, khốn nạn!

          Anh Thành thông ngôn câu đó thật to cho dân nghe. Dân ức quá lại ùa lên.

          Rồi cứ thế, câu nào dân nói không đúng khí thế thì anh sửa lại cho đúng để bọn Pháp kính nể, cầu nào bọn Pháp nói xúc phạm đến dân, anh thông ngôn thật to cho dân nghe để họ càng căm giận chen nhau tiến lên.

          Cuộc đấu tranh kéo dài khá lâu. Dân các huyện về ngồi kín cả con đường Jules Ferry, từ Tòa Khâm lên đến Phủ Doãn, kín cả cầu Trường Tiền, một số ngồi tràn cả sang phố Trường Tiền. Ông Phủ Doãn nấu cơm, làm bò cho dân ăn và khuyên dân về, dân vẫn không về. Bà con buôn bán ở chợ Đông Ba và phố Trường Tiền nấu cơm vắt để sẵn trước hè phố, ai muốn ăn thì cứ lấy ăn, không mất tiền. Bọn Pháp không giải tán được dân, chúng liền yêu cầu vua Duy Tân ra thăm dân và khuyên dân về. Khi nhà vua qua cầu Trường Tiền dân giãn ra cho xe nhà vua đi, nhưng nhà vua đi qua rồi thì lại bị bịt kín. Vua Duy Tân hiểu dân đang muốn gì và hoàn cảnh của ông cũng chẳng có gì tốt hơn, cho nên theo lịnh Lévecque ông đi thăm cho biết chứ không nói gì.

          Cuối cùng, Pháp đã gọi một Đại đội lính Tây ở đồn Mang Cá lên chĩa súng bằn vào đồng bào, đến lúc ấy đồng bào mới giải tán. Máu của những người dân vô tội đã chảy đỏ con đường chạy qua mười hai nhịp cầu Trường Tiền.

          Sau cuộc chống thuế, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm người bị tù đầy đi Lao Bảo, Côn Lôn, hàng chục người bị án tử hình. Ông Ấm Mộng tuy lãnh đạo trong bí mật vẫn bị phát giác và bị án “trảm giam hậu” (giam để chờ chém). Nhưng vì ông mồ côi cha, được nhiều người có uy tín trong chính quyền can thiệp, ông được đổi án tù Côn  Lôn. Anh Thành cũng bị truy  nã nên anh đã trốn khỏi trường Quốc học.

.20.

GIÃ TỪ MẢNH ĐẤT YÊU THƯƠNG

 

Ông Phó bảng Huy bị khiển trách vì hạnh kiểm của hai người con đã có những lời lẽ chống Pháp trước mặt quan viên Pháp.

Sau lần đó, để tránh phiền phức cho cha, hai anh Đạt, Thành ít về nhà, mỗi người tản đi một ngã. Anh Thành khi thì trốn tránh ở nhà một người quen ngay sau lưng Phủ Doãn nơi mà bọn mật thám ít để ý, khi thì ngủ lại vài ba đêm ở quán Ao Hồ dành riêng cho những người quê ở Nghệ An. Có người nói với anh Thành đã theo ghe buồm về Nghệ An, nhưng về ngoài đó tình thế cũng căng thẳng không trốn tránh được nên anh lại phải trở vào Huế. Thấy anh nghỉ học mất học bổng, người ta đề nghị anh nên nạp đơn lên làm ở Công ty vôi Long Thọ hay làm cho hãng cỏ may Cốt-xa-ra, anh từ chối với lý do tên tuổi của anh đã bị bọn mật thám ghi vào sổ đen, đi đâu ở cái xứ Huế này lại không gặp chúng!

Sau khi bị khiển trách, ông Phó bảng buồn, ít nói năng giao tiếp với ai, ông buồn một phần về thế sự, một phần vì con cái học hành chưa tới đầu tới đũa mà đã phải lao đao lận đận. Chiều chiều, ông hay uống rượu giải buồn. Có lẽ thấy ông Phó bảng khác thường như thế nên bọn Hộ lý bộ Lễ trình với Khâm sứ theo dõi ông, tìm cơ hội đưa ông rời khỏi Huế cho rảnh tay. Cuối năm sau (1909), nhân huyện Bình Khê khuyết Tri huyện, bọn Pháp đã can thiệp với Nam triều đày ông lên đó. Tuy ngạch trật có nâng lên một vài bậc, nhưng đến Bình Khê là chỗ chết. Bình Khê là quê hương của phong trào Tây Sơn – những người triều Nguyễn không đội trời chung. Sau khi Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn đã dùng đất ấy để giam bọn “du thủ du thực”. Ông Phó bảng lên đó nếu cứng rắn với bọn này thì sẽ bị chúng giết ngay, nếu để cho chúng tự do hoành hành thì Triều đình sẽ có lý do triệt hồi ông. Đường nào cũng đưa con người này vào chỗ bế tắc.

Cha đi nhận chân Tri huyện Bình Khê, anh Thành ở lại trong sự đùm bọc của người dân lao động Huế.

Một hôm, anh cùng với con trai cụ Hoàng Thông là Hoàng Dương Sanh đến lao Thừa phủ thăm thầy. Thoạt nhìn thấy cụ Hoàng Thông ngồi trên một miếng ván kê sát đất, thân hình gầy còm nhễ nhại mồ hôi, cả học trò lẫn con trai đều thương xót khóc thút thít. Tưởng cụ Hoàng cũng sẽ cảm động mà chảy nước mắt khóc theo. Nhưng không ngờ cụ Hoàng quắc mắt, một tay đấm xuống ván, một tay vỗ vào ngực nói lớn:

- Làm con mà có một người cha như ta, làm học trò mà có một người thầy như ta không lấy làm tự hào thì thôi chớ cớ làm sao lại khóc? Hãy để những giọt nước mắt ấy khóc cho dân, cho nước.

Anh Thành và cậu Sanh giật mình, chắp tay vái thầy vái cha rồi, kéo vạt áo lau khô nước mắt.

Về nhà đêm đó anh Thành trằn trọc không ngủ được. Anh suy nghĩ để cố hiểu cho hết những gì ẩn đằng sau lời thầy Hoàng Thông dạy từ bên trong bốn bức tường lao Thừa phủ. Đền gần sáng anh thầm nhủ mình:

- Ở đây không phải là nơi dụng võ.

Huế là mảnh đất anh đã được học chữ Hán, học chữ Quốc ngữ và học chữ Pháp, là nơi đã  giúp cho anh hiểu thế nào là sự bất lực của vua triều Nguyễn và tội ác của thằng giặc Tây dương. Huế cũng là nơi đã chôn chặt nấm mồ thân yêu của mẹ hiền; bao bọc gia đình anh trong những ngày khốn đốn. Và cũng chính Huế là mảnh đất mà anh đã bắt đầu biết đứng dạy đấu tranh chống cường quyền bên cạnh những người khố rách áo ôm. Quyết định phải xa Huế làm anh cảm thấy bịn rịn không khác gì một người khi phải xa quê cha đất tổ của mình. Anh vùng dậy giữa những tia nắng bình minh:

- Phải xa Huế để còn yêu mến Huế mãi mãi.

Vào một ngày cuối Thu năm 1909, anh Thành đã bước lên tàu hỏa vào Đà Nẵng - chặng  đường đầu tiên vào các tỉnh phía Nam - giã từ Huế thân yêu./.

*****

Hết

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: