142. C.K. 1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh C.K trong năm 1960. Người viết trên 20 bài báo về cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phải công nghiệp hóa nước nhà.
Bài đầu tiên: “Bắt đầu từ hai chữ”(1), đăng báo Nhân Dân, ngày 14-1-1960, viết về thực hành tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
143. Tuyết Lan. 1960
144. Giăng Pho (Jean Fort). 1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Tuyết Lan trong bài: “Ba mươi chai rượu sâm banh”, đăng trên báo Nhân Dân, số 2331, ngày 27-4-1960. Dưới hình thức dịch lại bức thư của một công nhân tên là Giăng Pho, ở Angiêri gửi cho tác giả nói về tình cảm của một người bạn quốc tế đối với Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Pari và những năm sau này.
145. Trần Lam. 1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Trần Lam trong bài: Chuyện giả mà có thật, đăng báo Nhân Dân, số 2242, ngày 9-5-1960.
Bài viết kể về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Thái Lan.
146. Một người Việt kiều ở Pháp về. 1960
Là tên đề dưới bài: “Vài mẩu chuyện trong hồi Bác sang thăm Pháp”(1). Bài viết gửi báo Nhân Dân, nhân dịp 19 tháng 5 năm 1960.
147. K.K.T. Khoảng năm 1960
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh K.K.T dưới viết: “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế(2)”; bài viết kêu gọi nhân dân Việt Nam nêu cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế, ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Angêiêri.
148. T.Lan. 1961
Bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khi viết tác phẩm: “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, đăng nhiều kỳ trên báo Nhân Dân, tháng 5-1961 và một bài báo khác nhan đề: “Bác ăn Tết với chúng tôi”, đăng báo Nhân Dân, ngày 14-2-1961.
“Vừa đi đường vừa kể chuyện” là những mẩu chuyện về đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước năm 1945 được tác giả kể lại trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950 và trở về căn cứ kháng chiến Việt Bắc. Câu chuyện bắt đầu từ những ngày hoạt động bí mật ở Pháp những năm 1920, cho đến ngày Người trở về Tổ quốc sau 30 năm xa cách.
Bằng lối kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa quá khứ và hiện tại, bằng những dẫn chứng cụ thể, tác giả khẳng định: Dù thế lực phản động có lớn mạnh, hung ác, quỷ quyệt, cuối cùng cũng bị lực lượng cách mạng đập tan, “chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thực hiện khắp thế giới: Điều đó cũng rõ rệt và chắc chắn như mặt trời mọc từ phương Đông”.
“Vừa đi đường vừa kể chuyện” đã cung cấp những tư liệu đặc biệt quý giá về những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
149. Luật sư Th.Lam.1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Luật sư Th.Lam trong bài: Kính hỏi Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm sát, đăng báo Nhân Dân, ngày 5-8-1961. Bài viết về việc Mỹ không thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam.
150. Ly. 1961
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên Ly trong bức điện đề ngày 13-12-1961, gửi đồng chí Ai dít, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Inđônêxia (1), báo tin đã nhận được điện của đồng chí và thông báo tình hình sức khỏe của Người.
151. Lê Thanh Long. 1963
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh lê Thanh Long trong bài: Nhân dịp mừng Đảng ta 33 tuổi, đăng báo Nhân Dân, ngày 4-2-1963. Bài viết về hoạt động và những thành tích của Đảng Lao động Việt Nam trong 33 năm qua; sự giúp đỡ của các Đảng anh em đối với Đảng Lao động Việt Nam.
152. CH-KOPP (A-la-ba-ma). 1963
Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bài báo: Chó Mỹ trắng cắn Mỹ da đen, đăng báo Nhân Dân, ngày 30-4-1963. Bài viết tố cáo chế độ phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
153. Thanh Lan. 1963
Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bài: Đại hội Phụ nữ Quốc tế, đăng báo Nhân Dân, số 3377, ngày 26-6-1963. Bài viết về Đại hội Phụ nữ Quốc tế họp ở Mátxcơva.
154. Ngô Tam. 1963
Ngày 7-9-1963, từ Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi đồng chí Lê Duẩn(1), thư ký tên Ngô Tam. Trong thư, Người thông báo tình hình sức khỏe của Người và hỏi thăm một số tình hình trong nước
155. Nguyễn Kim. 1963
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Nguyễn Kim trong bài: Thư bạn đọc, đăng báo Nhân Dân, ngày 7 -12-1951.
156. Ng~.Văn Trung. 1963
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Ng~.Văn Trung trong bài: “Phải chăng rồng lấy nước”(2), gửi Ban Biên tập báo Khoa học kỹ thuật, tháng 6-1963. Bài viết đề nghị báo Khoa học kỹ thuật giải thích hiện tượng rồng lấy nước.
157. Dân Việt. 1964
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Dân Việt trong bài: Thư ngỏ gửi ngài Ngoại trưởng Anh Cát Lợi, đăng báo Nhân Dân, ngày 22-1-1964.
159. C.S. 1964
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh C. S trong bài: “Chó Mỹ”, đăng báo Nhân Dân, ngày 10-9-1964. Bài viết về những thất bại của đế quốc Mỹ trong việc đưa các loại chó Mỹ, chó tay sai vào Việt Nam.
1960. Lê Nông. 1964
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Lê Nông trong các năm 1964-1966.
Bài viết đầu tiên Người ký bút danh Lê Nông là bài: “Một mẫu tây gặt được 13 tấn thóc, đăng báo Nhân Dân từ ngày 15 đến ngày 18-9-1964.
Có 4 bài ký bút danh Lê Nông. Trong đó có 3 bài viết về kinh nghiệm làm nông nghiệp.
161. L.K.Khoảng năm 1964
Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bài: “Báo chí Anh lột trần âm mưu của Mỹ ở Việt Nam(1).
162. K.O. 1965
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh K.O(2) trong bài: “Người mới việc mới”, đăng báo Nhân Dân, ngày 10-9-1965. Bài viết về gương người tốt việc tốt được Bác Hồ thưởng Huy hiệu.
163. Lê Ba. 1966
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Lê Ba trong bài: “Trả lời ông Men-Xphin thượng nghị sĩ Mỹ”, đăng báo Nhân Dân, số 4407, ngày 30-4-1966. Bài viết khẳng định lập trường của Chính phủ ở Việt Nam.
164. La Lập. 1966
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh La Lập trong năm 1966. Người ký bút danh La Lập trong hai bài báo. Trong đó có bài Tổng Giôn phạm tội ác tày trời, đăng báo Nhân Dân, số 4508, ngày 10-8-1966, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam, đặc biệt là việc chúng ném bom xuống các nhà thương, trong đó có nhà thương chữa bệnh phong ở Quỳnh Lập, Nghệ An.
165. Nói thật. 1966
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Nói Thật, đăng báo Nhân Dân.
166. Chiến Đấu.1967
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng bút danh Chiến Đấu trong năm 1967. Người viết hai bài báo. Bài “Giôn Sơn nhăn nhó mặt mo. Phần lo thua trận, phần lo dân cười”, đăng báo Nhân Dân, số 4813, ngày 14-6-1967 và bài: Lại thêm một thắng lợi to lớn của Trung Quốc anh em, đăng báo Nhân Dân, 4765, ngày 24-6-1967, viết về thắng lợi của Trung Quốc trong việc thử thành công quả bom khinh khí đầu tiên.
167.B.
Trong thư gửi đồng chí Lê Duẩn, ngày 10-3-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chữ B. ở cuối thư. Nội dung thư là việc chuẩn bị cho Bác đi thăm miền Nam. Người còn ký chữ B. trong một số thư gửi các đồng chí trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam trong những năm 60.
168. Việt Hồng. 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Việt Hồng trong bài: Vừa đi đường vừa nói chuyện về Các Mác, đăng báo Nhân Dân, số 5137, ngày 5-5-1968. Chủ tịch Hồ Chí Minh kể một số mẩu chuyện liên quan đến Các Mác; về những hoạt động của Người ở Pháp; về chủ nghĩa Mác.
169. Đinh Nhất. 1968
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên Đinh Nhất trong Thư gửi các đồng chí Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu(1), ngày 25-5-1968. Người thông báo tình hình sức khỏe của Người sau thời gian đi nghỉ ở Trung Quốc về.
Thư viết bằng chữ Hán.
NHỮNG TÊN GỌI, BÍ DANH, BÚT DANH
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH CẦN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU THÊM
1. U.L. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Người cùng khổ, năm 1922
2. H.A. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Người cùng khổ, năm 1923
3. Nguyễn Hữu Văn. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Công nhân Ba cu, năm 1927
4. Nguyễn Hải Khách. Bí danh dùng năm 1924
5. Diệu Hương. Bút danh ký dưới bài đăng báo Thanh niên, năm 1926
6. T.V. Bí danh dùng khi ở Hương Cảng
7. Wau you. Bí danh dùng khi ở Hương Cảng
8. Nguyễn Lai. Bí danh dùng khi hoạt động ở Thái Lan
9. Chính. Bí danh dùng khi hoạt động ở Thái Lan
10. Tín. Bí danh dùng khi hoạt động ở Thái Lan
11. Vương Bạc Nhược. Bí danh dùng khi hoạt động ở Quảng Châu, Trung Quốc, năm 1925
12. Đ.L.Đ. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Cứu quốc
13. T.R. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Cứu quốc
14. H.L. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Nhân Dân
15. H.C. Bút danh ký dưới bài viết đăng trên báo Nhân Dân
16. L. Bút danh ký dưới bài viết năm 1959
17. Lê Đinh. Ký trong một số bức điện gửi ra nước ngoài
Hết
Theo "Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,"
Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001
Huyền Trang (st)