Đầu thế kỷ XX, dân ta vẫn chìm đắm trong vòng nô lệ của thực dân Pháp. Các sĩ phu yêu nước đi tìm những con đường cứu dân cứu nước nhưng chưa mấy thành công. Cụ Phan Bội Châu là một trong những số đó. Cụ đang tìm cách xuất du sang Nhật, dựa vào sự viện trợ của Nhật để đánh Pháp.

Vào dịp Tết Ất Tỵ (1905), cụ Phan Bội Châu về làng Sen thăm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Nhìn thấy cụ Phan từ xa, cậu Nguyễn Sinh Cung (tên hồi nhỏ của Bác) lúc ấy 15 tuổi vội chạy ra đón. Cụ Sắc ân cần mời bạn vào nhà. Sau tuần trà nước, cụ Sắc hỏi:

- Kế liệu sắp tới thế nào, ông Giải? (Cụ Phan đỗ Giải nguyên nên mọi người đều gọi Ông Giải).

Cụ Phan suy nghĩ rồi đáp:

- Tiết hậu đăng trình, lao cán thiên trùng, vọng hoàn thắng viện.

(Sau Tết khởi hành, nghìn trùng vất vả, mong được viện trợ mà thắng lợi).

Cụ Nguyễn Sinh Sắc trầm tư chưa vội trả lời. Cậu Cung đứng hầu bên cạnh, bỗng xin phép được nói. Cậu bảo:

- Đông tiền thượng lộ, tri khu vạn lý, cầu đạt chính thư.

(Trước Đông lên đường, vạn dặm gian nan, cầu được chính sách đúng đắn).

Câu ứng khẩu của cậu Cung như một vế, cùng câu nói của cụ Giải San thành một cặp đối hay. Cụ Sắc nhìn con hơi ngạc nhiên. Còn cụ Giải San thì tấm tắc:

- Hay lắm! Đúng lắm! Phải “Cầu đạt chính thư!”, “Cầu đạt chính thư!” Câu nói của cậu Cung như một lời thề quyết tâm, một sự hứa hẹn, một dự báo tương lai cho con đường cứu nước sau này./.

Theo Báo Nam Định
Kim Yến (st)

Bài viết khác: