Cụ Vương Thúc Quí là ông đồ nho, thầy dạy Bác Hồ, cụ thường sai học trò đốt đèn để hút thuốc. Một hôm, một cậu học trò do vô ý, vụng về, đổ dầu vương ra đế đèn. Cụ Vương nhân đó ra vế đối: “Thắp đèn lên, dầu vương ra đế”. Chữ vương là đổ, cũng đồng nghĩa với chữ đế là vua.

Một học trò xin đối:

“Đốt nhanh rồi, gió quạt tàn bay!”

Cụ Vương cho câu gió quạt tàn bay là buồn và xui lắm.

 Bấy giờ Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ) xin đối:

 “Cỡi ngựa dong, thẳng Tấn lên Đường”

 Tấn là tiến lên còn có nghĩa nước Tấn cùng với Đường là hai nước mạnh. Cụ Vương khen câu đối của Bác Hồ là có khí phách, tiến lên.

 Nhà văn Sơn Tùng, tác giả Búp Sen Xanh, trong “Chân dung một con người”, có kể: Năm lên 5 tuổi Bác Hồ được bố mẹ và anh cả Khiêm chuyển từ Nghệ An vào Huế đô học hành và sinh sống. Bà Thanh ở lại với ngoại. Đường xa, không có xe cộ giày dép. Mỗi người phải bện mo cau đi bộ cho đỡ đau chân. Đến dốc đèo Ngang, mẹ Bác Hồ đặt gánh xuống đề nghị nghỉ, ăn cơm. Anh Khiêm thì ôm bàn chân bỏng rộp đau rát, nhăn nhó. Bác Hồ vì đã được cha thay cõng nên khoẻ hơn thấy cái gì cũng hỏi:

 - Cha ơi! Cái gì ở trên cao ngoằn ngoèo như thế?

 Cụ Sắc bảo: Đó là con đường vượt ra đèo, tí nữa ta lên đó.

 Nghe xong, chú bé Nguyễn Tất Thành ứng khẩu bài thơ, mà bác cả Khiêm sau này nhớ lại ghi vào “Tất đạt trị ngôn” (Tất Đạt là tên bác cả Khiêm, cũng như Nguyễn Tất Thành là tên Bác Hồ)

 “Núi cõng con đường mòn. Cha thì cõng theo con.

 Núi nằm một chỗ. Con tập chạy lon ton

 Cha siêng hơn hòn núi. Con đường lười hơn con”.

 Núi cõng đường gọi đường bám lưng núi, bảo là đường lười hơn con, đúng là con người có khẩu khí. Cụ Sắc bảo vợ:

 - Cái thiên tri này khó nuôi. Có lẽ cụ Đào Tấn với ông ngoại đã nói như thế không nhầm!

Bấy lâu ở làng Sen, anh em ông Khiêm chỉ biết ao, biết sông, hồ, biết núi; chứ chưa biết biển. Hôm đó được cõng trên lưng đến đỉnh đèo Ngang nhìn thấy biển. Ở đây đi xuống đến Ròn, tức Cảnh Dương của Quảng Bình. Bác Hồ thấy biển, tưởng ao, hỏi: - Cha ơi! Cái ao này sao lớn thế?

 Cụ Sắc bảo:

- Không phải ao đâu con. Đó là biển đấy chứ!

 - Tại sao bò nó lại lội trên biển?

 - Không phải là bò con ạ. Đó là cánh buồm thuyền chạy trên biển đó. Nghe thế Bác Hồ ứng khẩu đọc:

 Biển là ao lớn. Thuyền là con bò.

 Bò ăn gió no lội trên mặt nước.

 Em nhìn thấy trước. Anh nhìn thấy sau.

 Ta lớn mau mau vượt qua ao lớn.

 Bác cả Khiêm bảo: “Chú ấy lại ứng khẩu bảo ta lớn mau mau vượt qua ao lớn. Cái khẩu khí ấy ứng với cuộc đời hoạt động đi đây đó khắp bốn biển năm châu sau này của  Bác Hồ.

Mấy năm sau, Hoàng Cao Khải ăn mừng khánh thành dinh quận công, có mời các quan đầu tỉnh, huyện tới dự.

 Lớp trẻ thấy đông đến xem trong đó có Phạm Gia Cầu, Lê Thước, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Tất Thành (tức Bác Hồ)

 Các quan đọc thơ trong sân, nơi có bể cạn, hòn núi non bộ cao, có cây si 100 tuổi và ba ông lão nho nhỏ. Ngoài Hoàng Cao Khải là tuần phủ Hưng Yên còn có con Khải là Hoàng Trọng Phu, du học ở Tây về cùng với bạn Phu là Thân Trọng Huề, Lê Văn Miến .

 Bỗng có tiếng trong đám trẻ bảo:

“Các quan làm thơ dở quá!”

 Hoàng Trọng Phu nghe thế, ra quát.

 Hoàng Cao Khải ra can:

- Thôi đừng nạt, nhà có vui lớn. Cháu nào khi nãy chê thì vào làm thơ, có thưởng!

 Nguyễn Tất Thành thấy ba ông phổng trên hòn non bộ, bảo:

 - Thưa cụ, cháu đọc thơ ứng khẩu, có sai cụ đừng phạt!

Hoàng Cao Khải động viên:

- Cháu cứ đọc.

 Thành đọc:

 Kìa ba ông lão bé cỏn con.

 Biết có tình gì với nước non.

 Trương mắt làm chi ngồi mãi đó.

 Hỏi xem non nước mất hay còn.

 Ngạc nhiên, Hoàng Cao Khải hỏi:

“Thế cháu con ai?”

 Thành không trả lời. Lê Thước bảo:

 - Con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bên Nghệ An.

 Lúc bấy giờ Hoàng Cao Khải chỉ mới đậu vớt cử nhân, còn cụ Sắc đỗ Đại khoa cùng với cụ Ngô Đức Kế. Khải lắc đầu bảo:

 - Hổ phụ sanh hổ tử.

 Cụ Nguyễn Khuyến, đỗ Tam nguyên, làm án sát tỉnh Sơn Tây mấy năm rồi bất hợp tác với Pháp xin về, có bài thơ vịnh Ba ông Phổng như sau:

Ông đứng làm chi đó hỡi ông

 Trơ trơ như đá vững như đồng

 Đêm ngày gìn giữ cho ai vậy

 Non nước đầy vơi, có biết không?

 Bài thơ vịnh ông Phổng của Bác Hồ hoàn toàn khác bài của Nguyễn Khuyến, nhưng không kém phần khẩu khí./.

Theo Báo Nam Định
Kim Yến (st) 

Bài viết khác: