Chế độ chính trị, tên nước chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với dự thảo ban đầu...
Sáng 22/10, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp, Quốc hội nghe Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về dự thảo.
Theo bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, những vấn đề hệ trọng như: Chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với dự thảo ban đầu.
Và, cả những vấn đề có lúc đã không còn nằm trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân như hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thì lần này lại được đưa trở lại.
Bên cạnh đó, điểm mới tại dự thảo lấy ý kiến nhân dân là quy định về Hội đồng Hiến pháp, nay đã lại không còn ở dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Ở báo cáo một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).
Báo cáo nêu: Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Về các nội dung cụ thể, liên quan đến hiến định vai trò của kinh tế nhà nước, Ủy ban giải thích, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Ủy ban đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1, điều 51: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”
Với việc thành lập hội đồng hiến pháp, Ủy ban nhấn mạnh đây là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo.
Cũng theo quan điểm của Ủy ban, để bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp, không cần thiết quy định những nội dung cụ thể và đối tượng của việc trưng cầu ý dân trong Hiến pháp theo một số góp ý, mà để luật quy định.
Bên cạnh rất nhiều nội dung “xin giữ như dự thảo” một số vấn đề cũng đã được tiếp thu, chỉnh sửa. Theo đó, mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân (điều 14) đã được chỉnh lý như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Hay điều 6 cũng được tiếp thu, sửa thành :“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước.”
Với vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến thu hồi đất, khoản 3 điều 54 được chỉnh lý: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ngay sáng 23/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngày 5/11, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận này. Sau đó Quốc hội cùng thảo luận ở hội trường về những khác nhau đó.
Ngày 18/11, ông Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Sau đó Quốc hội lại thảo luận ở hội trường về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Và trong phiên họp được truyền hình trực tiếp vào sáng 28/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo VnEconomy