Phong cách Hồ Chí Minh là một tài sản vô giá đối với dân tộc và nhân loại. Người không chỉ làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta, mà còn để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay vì nó liên quan đến nhân dân và cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Phong cách được hiểu là cái đặc sắc, độc đáo, riêng có của chủ thể, không lẫn vào đâu được; là sáng tạo thật sự, tự nhiên, không giả tạo, đích thực là chân - thiện - mỹ; phong cách chính là con người, là văn hóa làm người, là đạo làm người, trải nghiệm cả cuộc đời
Phong cách Hồ Chí Minh là một tài sản vô giá đối với dân tộc và nhân loại. Người không chỉ làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta, mà còn để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay vì nó liên quan đến nhân dân và cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Bài viết có một cái nhìn mới về phong cách Hồ Chí Minh, khẳng định một sức sống, một giá trị vĩnh hằng.
1. Cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh là một sự trải nghiệm trở nên huyền thoại
Có thể khái quát, sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh trải qua 5 giai đoạn: Tạo nền (1890-1911); tìm đường (1911-1920); mở đường (1920-1930); dẫn đường (1930-1945); thiết kế tương lai (1945-1969). Hiếm có một lãnh tụ nào đi nhiều, có mặt ở hầu khắp các châu lục trên thế giới như Hồ Chí Minh. Người làm nhiều nghề vừa lao động chân tay vừa lao động trí óc trong những điều kiện khắc nghiệt khác nhau. Hồ Chí Minh là số ít trong các lãnh tụ có dịp nói chuyện, đối thoại với tất cả các hạng người trong nước và trên thế giới. Sự trải nghiệm đó đem đến cho Hồ Chí Minh một phong cách rất khác với mối quan hệ xác lập giữa các tầng lớp quần chúng với các lãnh tụ khác, có một cái gì mang một bản sắc đặc biệt và chắc chắn không có gì thay thế được.
Nếu phong cách được hiểu là cái đặc sắc, độc đáo, riêng có của chủ thể, không lẫn vào đâu được; là sáng tạo, thật sự, tự nhiên, không giả tạo, đích thực là chân-thiện-mỹ; phong cách chính là con người, là văn hóa làm người, là đạo làm người, trải nghiệm cả cuộc đời, thì rõ ràng Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một tài sản vô giá về phong cách. Tài sản đó, theo cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là một kho tàng đầy của báu mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu. Đó là kho tàng về tư tưởng, đạo đức, phương pháp và phong cách… Kho tàng đó chứa đựng ba giá trị lớn: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cống hiến cho dân tộc và nhân loại là cực đại, nhưng với bản thân mình hoàn toàn không có gì, trên ngực áo không một tấm huân chương. Một lãnh tụ từ nhân dân mà ra, sống giữa lòng dân, không sống trong tháp ngà, làm việc theo tinh thần một công bộc, một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận, đến tận cuối đời vẫn muốn về với nhân dân, câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, với các em trẻ chăn trâu. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời không một sự tha hóa, luôn vượt lên chủ nghĩa cá nhân, đứng ngoài vòng danh lợi.
Có người chưa chết về thể xác nhưng đã chết về đạo đức theo cách nói của Lênin. Hồ Chí Minh, ngược lại, thuộc lớp người đặc biệt, cái chết gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt. Ngày 2-9-1969 một trái tim lớn ngừng đập nhưng đạo đức, nhân cách, phong cách của Người tỏa sáng mãi về sau. Người là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng; “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
2. Đứng ở đỉnh cao quyền lực nhưng Hồ Chí Minh không dựa vào quyền lực để buộc mọi người phục tùng
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài có chung một nhận xét về một khía cạnh lạ lùng nhất của con người Hồ Chí Minh. Đó là “sự pha trộn của sức cảm hóa và sự lịch thiệp đã tạo ra thành một nhân vật đặc biệt, biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở chỗ nào”. Giăng-La-cu-tuya (Jaen Lacouture) viết trong tác phẩm Hồ Chí Minh: “Người ta nhấn mạnh đến khía cạnh chủ yếu của uy quyền, của “sức hấp dẫn” mà Cụ Hồ có được với đồng bào của mình: Khía cạnh cảm hóa. Ở Cụ Hồ, có một cái gì khiến người ta không thể bác bỏ. Lòng ham muốn thuyết phục, một khát vọng rất dân chủ là làm cho lý lẽ thắng sự ép buộc, khác hẳn một quyền lực dẫn tới khía cạnh độc đoán và đòi hỏi phải dè chừng thường có ở các lãnh tụ tối cao” (1). Hồ Chí Minh thuyết phục mọi người bằng đạo đức và phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương vừa có tính nguyên tắc, khoa học vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc. Hành vi, phong cách có chất lượng tư tưởng là điều khó nhất, hết sức đặc biệt, nhiều khi còn quan trọng hơn cả đường lối. Bởi vì khi có quyền, con người rất dễ lạm dụng, sa vào những giá trị vật chất, danh lợi, địa vị tầm thường.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những năm 1925-1927, Hồ Chí Minh đã đưa 23 điều tư cách của người cách mạng lên hàng đầu trong bài giảng đầu tiên cho lớp thanh niên Việt Nam yêu nước bắt đầu bước chân vào con đường cách mạng, trong đó có những điều như “ít lòng ham muốn về vật chất”. Đến tận cuối đời, Người vẫn đặc biệt quan tâm đến việc mỗi đảng viên, cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và thật sự thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng.
Trong điều kiện cầm quyền, Đảng có quyền lực chính trị, lãnh đạo Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội. Uy tín và quyền uy của Đảng không như quyền lực Nhà nước là dựa vào sức mạnh pháp luật, mà dựa vào sự đúng đắn, khoa học của đường lối và phẩm chất, nhân cách, năng lực của đảng viên, cán bộ. Nhận thức rõ điều này, Hồ Chí Minh quan tâm đến việc gia tăng phẩm chất đạo đức cùng với sự gia tăng quyền lực của cán bộ. Độ chênh giữa phẩm chất đạo đức và quyền lực sẽ dẫn tới nguy cơ. Người cán bộ phải thấu hiểu rằng trước và trong quá trình làm cán bộ là “làm người”. Mà đổ vỡ nhân cách là đổ vỡ tất cả. Còn đổ vỡ tư cách cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt thì liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ.
Từ những phân tích và hiểu biết trên, một hệ luận rút ra là, ở đâu, đảng viên, cán bộ không tự hoàn thiện mình, không rèn luyện phong cách thì ở đó sớm hay muộn sẽ chuốc lấy tai họa, nhất định thất bại.
Từ chỗ có quyền dẫn đến lạm quyền và sinh ra hư hỏng, cần nhận thức có chất lượng khoa học và cách mạng về mối quan hệ giữa đánh thù trong và diệt giặc ngoài; giữa chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hồ Chí Minh chỉ rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc bên trong, bạn đồng minh với giặc bên ngoài. Giặc bên ngoài không đáng sợ, giặc bên trong đáng sợ hơn vì nó phá ta từ trong phá ra. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần kiệm liêm chính. V.I. Lê-nin viết: “Chúng ta khốn khổ trước hết về tội quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”(2). Như vậy, theo tinh thần của V.I. Lê-nin và Hồ Chí Minh, không một thế lực đế quốc, thù địch nào có thể tước bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ được chế độ ta ngoại trừ chúng ta tự xóa bỏ vì sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của ta; không ai bôi nhọ được ta ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ bởi sự hủ hóa, biến chất, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.
3. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nhân dân
Ngay khi Đảng bước lên địa vị cầm quyền, Hồ Chí Minh sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa người bị lãnh đạo là nhân dân với những người lãnh đạo; mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích bộ phận, toàn cục; lợi ích trước mắt và lâu dài. Từ đó Người đặc biệt quan tâm đến nhân dân. Hồ Chí Minh là người viết, nói về dân nhiều nhất, hay nhất, sâu sắc nhất, cảm động nhất. Theo Người, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”. Người viết: “Tiếng dân chính là truyền lại ý trời”(3). “Ý dân là ý trời”(4). “Đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì ta phải làm ấy”(5). “Nước ta là nước dân chủ, mọi người có quyền làm, có quyền nói” (6). “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (7).
Hồ Chí Minh khẳng định dân là gốc; dân là chủ và dân làm chủ. Dân là gốc bởi theo quan điểm của Người, lực lượng dân chúng nhiều vô cùng, họ nhiều mắt nhiều tai, cái gì cũng nghe, cũng thấy. Dân là những người trí tuệ nhất. Quyền hành ở trong tay dân. Dân rất tốt và họ có sức mạnh ở niềm tin. Khi họ có niềm tin vào Đảng thì đó là bức tường thành vững chắc nhất bảo vệ Đảng và chế độ. Trái lại, mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả. Còn khi nói dân là chủ là khẳng định người dân có địa vị và vị thế của người chủ; dân làm chủ là nhấn mạnh năng lực và bổn phận làm chủ của người dân. Phân tích như vậy để thấy việc Hồ Chí Minh quan tâm đến giá trị dân chủ là muốn khẳng định dân phải được hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ, dám nói và dám làm.
Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của dân. Người thường nhấn mạnh theo đúng đường lối nhân dân. Khi lý giải mối quan hệ giữa việc phụ trách trước Đảng và trước dân, Người viết: “Có người nói rằng, mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy, nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”(8). Theo đúng đường lối nhân dân còn ở chỗ, “việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Quan điểm của Hồ Chí Minh là phải để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến của họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị”.
Không phải như có người thường cho dân là dốt, không biết gì, mình là thông thái tài giỏi, Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” (9). Nhân dân không những có vai trò to lớn đối với công tác cán bộ mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, sửa đổi nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh viết: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(10).
Khi Hồ Chí Minh nói, “mỗi đảng viên và cán bộ phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” cần phải hiểu “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt” (11). Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ nói, viết nhiều và cảm động, sâu sắc về dân mà còn quan tâm nhiều nhất đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong khi phê phán thói quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch “đè đầu cưỡi cổ dân”, “vác mặt” làm quan cách mạng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tư duy phục vụ dân của cán bộ. Người coi đó là điều sơ đẳng nhất mà mỗi cán bộ, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được.
4. Hồ Chí Minh nghiêm minh trong việc thưởng phạt, khen chê
Là một đảng chân chính cách mạng thì phải có thái độ khen chê, thưởng phạt, xây và chống đúng đắn, rõ ràng, công bằng. Chê đúng, phạt đúng, mọi người tâm phục, khẩu phục. Khen, thưởng không đúng người ta cười mình.
Trước hết là vấn đề tự nhận khuyết điểm và khắc phục trong Đảng. Người đời không phải thánh thần, ai cũng có phần tốt, phần xấu trong lòng. Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra, không phải người người đều tốt, việc việc đều hay. Càng dấn thân vào công tác càng khó tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, chỉ sợ không dám nhận khuyết điểm và sửa chữa. Hồ Chí Minh dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (12).
Nhận ra khuyết điểm là một bước tiến về văn hóa trong Đảng. Sửa chữa khuyết điểm, cố nhiên, dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy, tuyệt nhiên không dùng xử phạt là hoàn toàn chưa đủ. Phải xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên theo đúng kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Hồ Chí Minh dạy: “Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng” (13). “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào và làm nghề nghiệp gì” (14). Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc” (15).
Hồ Chí Minh nói và gương mẫu thực hiện trong việc thưởng, phạt. Chúng ta biết câu chuyện Đại tá Trần Dụ Châu do lợi dụng chức vụ, đã bớt xén vật tư của bộ đội để sống phè phỡn, trụy lạc. Bị Tòa án Quân sự kết án tử hình, Trần Dụ Châu và gia đình kháng án lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin được khoan hồng. Mặc dù rất đau buồn, phải thức trắng đêm, nhưng cuối cùng Hồ Chí Minh vẫn ký lệnh bác đơn chống án của Trần Dụ Châu. Vụ án sau đó đã được thi hành.
Là lãnh tụ cả cuộc đời chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, nhưng Hồ Chí Minh không phải không hề nghĩ đến cá nhân. Hồ Chí Minh là người có ý thức cá nhân rất cao, một trong những đại biểu có giá trị nhất của ý thức cá nhân chân chính. Những con người như Hồ Chí Minh (một ẩn sĩ, một hòa thượng) muốn sống theo cách mà họ cho là duy nhất đúng, vì điều đó khẳng định một nhân cách, một giá trị, đó là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã từng nói với Linh mục Phạm Bá Trực, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I khi Linh mục khen Người là siêu nhiên (Vous - êtes surnature!): “Không! Chúng ta làm điều phản tự nhiên thôi (Non, nou sommes contre - nature), chứ không có gì là thánh thần cả... Mình cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng với hoàn cảnh đã qua và hiện nay, còn có điều kiện nào mà nghĩ đến chuyện lập gia đình, không phải vì đạo đức mà là phải chịu đạo đức đó thôi. Nhưng chưa lo được gia đình nhỏ thì ta hãy lo cho gia đình lớn vậy” (16). Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh luôn sống giữa cuộc đời, và đúng như câu phương ngôn mà Mác ưa thích, không có cái gì thuộc về con người đối với Hồ Chí Minh lại là xa lạ” (17).
Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương thật sự có chất lượng, hiệu quả là cách tốt nhất để giữ được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vấn đề cần quan tâm nhất trong tình hình hiện nay./.
PGS.TS. Bùi Đình Phong
----------------------------
(1) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao động -Nxb. QĐND, H, 1993, tr.47.
(2) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1979, t.54, tr.235.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập (xuất bản lần thứ ba), Nxb. CTQG, H, 2011, t.1, tr.97.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.63.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.169.
(6) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.295, 292.
(7) (8) (9) (10) (12) (13) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.326, 334, 335, 339-340, 301, 323-324, 89.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.127.
(16) Bác Hồ, con người và phong cách, Nxb. Lao động, H, 1993, tr.6.
(17) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, H, 1990, tr.65.
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Huyền Trang (st)