Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960 - Ảnh tư liệu

Ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang

Quê tôi ở Kim Lũ, gọi nôm là làng Lủ, nhưng cha mẹ tôi có cửa hiệu Vạn Tường ở số nhà 21 Hàng Đào... Trong những ngày đầu tháng đến trung tuần tháng Tám, đặc biệt là sau những ngày phát xít Nhật đầu hàng thì tình hình ngoài phố vừa nhộn nhịp vừa căng thẳng vì có nhiều đảng phái hoạt động, vì không khí Tổng khởi nghĩa đang lan tràn khắp nơi...

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang xưa là ngôi nhà có hai tầng làm theo lối cổ. Tôi đã cho sửa lại thành 4 tầng... Cũng mãi về sau này tôi mới biết rằng các đồng chí Trung ương Đảng sở dĩ chọn nhà tôi để đến ở và làm việc vì trước hết nhà tôi là một cơ sở đáng tin cậy, sau nữa vì nó ở giữa một phố buôn bán sầm uất, người đi kẻ lại lúc nào cũng đông đúc và ngay chính nhà tôi khách hàng cũng ra vào nhiều nên khó phân biệt được ai với ai. Một buổi sáng đồng chí Trường Chinh bảo tôi:

- Chị chuẩn bị thêm cho  một phòng để đưa mấy cụ già đến ở.

Tôi nhớ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà tôi, Người mặc rất giản dị: Áo nâu, quần soóc nâu, đội mũ dạ, đi dép cao su Con hổ trắng và tay cầm can... Tôi rất chú ý đến việc ăn uống của Chủ tịch và các đồng chí trung ương nên thường đứng ra trông coi và luôn thay đổi món cốt sao cho mọi người ăn ngon miệng.

Một hôm quãng 9h sáng, tôi mua được mấy quả bưởi Nghệ. Tôi gọt bưởi, pha nước, rồi chính tay tôi mang lên phòng Chủ tịch làm việc. Lúc ấy, Người đang ngồi đánh máy. Người bảo tôi cùng ăn rồi vừa ăn bưởi, Người vừa bảo tôi:

- Cô thật là sung sướng, cha mẹ, con cái đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng, chả có gì phải khổ cả!

Không hiểu sao lúc đấy tôi lại nghĩ đến người phu kéo xe bị thằng Tây say ngồi trên xe đá giày Tây vào gáy gục xuống vệ đường, tôi nghĩ đến những người hàng rong bị bọn đội xếp Tây đánh bằng dùi cui làm cho gánh hàng còm cõi đổ tung tóe, tôi nghĩ đến việc cha tôi bị Pháp bắt giam và nhất là khi những lời cha tôi nói cho tôi biết thế nào là cái nhục của một người mất nước.

Vì thế, tôi thưa với Người:

- Thưa Cụ, cháu cũng có cái nhục của một người dân mất nước.

Tôi thấy Người im lặng, một lát sau Người mới hỏi tôi:

- Thế bây giờ cô đang làm công tác gì?

- Thưa Cụ, cháu làm ở chỗ chị Diệu Hồng, Hội Phụ nữ cứu quốc.

Người thân mật dặn tôi:

- Làm gì cũng phải kiên trì nhẫn nại cô ạ!

Tôi nhắc lại lời căn dặn ấy của Người:

- Vâng, thưa Cụ, làm gì cũng cần phải kiên trì nhẫn nại ạ!

Tôi ghi nhớ mãi lời dặn dò ấy của Người và lời dặn dò ấy đã có tác dụng rất lớn trong suốt cuộc đời tôi, đặc biệt là trong 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ...

Những ngày tháng đầu tiên sục sôi khí thế cách mạng đó trôi đi rất nhanh. Cái Tết đầu tiên của một đất nước độc lập cũng đã đến và một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên bởi nó là vinh dự lớn một lần nữa đến với gia đình tôi vào tối 30 Tết năm đó.

Hôm ấy, khi vợ chồng tôi cùng anh Hồng Lĩnh (Nguyễn Khánh Toàn) và vợ chồng anh Khuất Duy Tiến vừa ăn uống xong, tôi bỗng nghe thấy tiếng mở cửa ở dưới nhà, tiếp đó là tiếng chân nhiều người bước lên thang. Anh Nguyễn Khánh Toàn chạy ra và anh bỗng reo lên:

- Ô, Bác!

Thế là tất cả chúng tôi chạy ồ ra đón Người. Thấy chúng tôi, Người nói:

- Chào các cô, các chú...

Khi tất cả đã tập trung ở phòng khách và sau khi thăm hỏi, Người nói:

- Hôm nay là năm mới - Người cười giải thích - Tuy chưa đến năm mới nhưng sắp sang năm mới, nên cũng gọi là năm mới - Năm mới chúc mọi người thật khỏe mạnh này, làm việc thật hăng say này, và ăn Tết thật ngon lành nhưng tiết kiệm...

Người cũng không quên chúc mừng sức khỏe của mẹ chồng tôi, người cao tuổi nhất trong nhà. Cho đến mãi sau này, mẹ chồng tôi vẫn thường bảo vợ chồng tôi và các cháu rằng:

- Một vị Chủ tịch nước mà sống giản dị, tình cảm, gần gũi nhân dân như thế đấy!

Những tình cảm quý báu của Người dành cho gia đình tôi thật quá to lớn, điều đó khiến tôi càng hăng hái tham gia các công việc xã hội hơn. Đó cũng là điều giải thích tại sao gia đình tôi lại đóng góp gần như toàn bộ tài sản và cuộc đời mình cho cách mạng, cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, giành Độc lập cho đất nước.

Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nay đây mai đó, nhiều lúc vô cùng gian khổ nhưng tôi không một phút nản lòng, bởi tôi luôn nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dặn dò tôi: Phải kiên trì, nhẫn nại...

(Theo lời kể của bà Hoàng Thị Minh Hồ - tức bà Trịnh Văn Bô
Trích trong sách Bác Hồ với Phụ nữ Hà Nội, NXB Hà Nội, 1985, tr. 23)

Các cô còn phong kiến thế à?

Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên, tổ chức ở Việt Bắc hồi tháng 5 năm 1952...

Chiều mát, Bác đến từng tổ chiến sĩ ân cần thăm hỏi, rồi mọi người theo Bác ra một quãng đồi san phẳng để vui chơi tập thể. Hồi đó, phong trào nông tác vũ “son la son” mới gia nhập Chiến khu Việt Bắc. Bác bảo các chiến sĩ: “Các cô, các chú, chiến đấu đã chiến đấu hăng, vui nhộn phải vui nhộn mạnh. Nào, ta nhảy đi!”. Đám thanh niên rất sẵn sàng, nhưng đám thiếu nữ còn sượng sùng ra ý rụt rè... Bác bảo: “Các cô còn phong kiến thế à?”. Được Bác khuyến khích, cả nam lẫn nữ bấy giờ mới cầm tay, nhảy tưng bừng giữa dàn nhạc mồm: “Son la son...” vang dội cả khu đồi.

 ( trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta
 NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 2, tr.53)

Muôn vàn tình thân yêu dành cho các cháu gái

Một điều Bác dạy bảo mà suốt đời tôi không bao giờ quên là: “Báo chí là đại biểu cho dư luận, phải giúp Chính phủ đạt được thành công trong các chính sách đối nội đối ngoại. Sau này những lúc tình hình cách mạng có chuyển biến mới, người làm báo phải suy nghĩ nhiều. Câu nói của Bác giúp tôi nhớ tới vị trí và tính chất của báo chí ta. Một lần, Bác hỏi chị Thanh Thủy và tôi: “Các cô đã có con chưa? Các cô đã biết bế con, nuôi con chưa? Làm báo Phụ nữ không phải chỉ nói chính trị suông, giải phóng phụ nữ chung chung mà còn phải hướng dẫn cho chị em cách nuôi con, dạy con chăm lo việc gia đình."

Chị em trong cơ quan hỏi Bác nhiều điều. Bác trả lời cả những câu hỏi nhỏ nhặt nhất: “Tại sao trong họa báo Liên Xô lại thấy ảnh nhiều chị em để tóc dài? Có phải là sau khi vận động phụ nữ cắt tóc ngắn rồi lại phải vận động phụ nữ để tóc dài hay sao?”. Bác trả lời đại ý: Sau Cách mạng tháng Mười, Liên Xô có rất nhiều khó  khăn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Phụ nữ phải đem hết sức mình ra chiến đấu và sản xuất, cho nên chị em ăn mặc giản dị, tóc cũng cắt ngắn để đi lại cho gọn. Bây giờ, chiến tranh thứ hai kết thúc đã nhiều năm, nền kinh tế đã được khôi phục và phát triển, đời sống được nâng cao, phụ nữ đã có thể trang điểm cho thêm đẹp, ai cho rằng để tóc dài đẹp và không vướng víu gì trong sản xuất thì cứ để...

Năm 1952 có Đại hội liên hoan các anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị bàn về chiến tranh du kích. Sau hai cuộc họp lớn đó, mọi người náo nức khen ngợi hai bản báo cáo của anh hùng Nguyễn Thị Chiên và của chị Phạm Thị Nhật, bí thư chi bộ. Một hôm, Bác đến thăm cơ quan, chị em chúng tôi đều nói đến hai bản báo cáo ấy. Bác hỏi: “Các cô có biết vì sao mà báo cáo của các cô ấy hay không?”. Chị Đinh Thị Cẩn thưa: “Đó là do chị Chiên, chị Nhật đều lăn lộn, xông pha nhiều trong thực tiễn chiến đấu cho nên mới nói lên sự thật rất sinh động. Bác vừa cười vừa nói: “Đúng là như thế, nhưng không phải chỉ có thế. Các bản báo cáo ấy hay còn là do không có sự sửa chữa, thêm thắt của nhiều người khác...”. Tôi suy nghĩ rất nhiều. Câu nói ý nhị của Bác nhắc nhở tôi mỗi khi sử dụng hoặc biên tập lại bài của thông tin viên, bạn đọc trong đông đảo nhân dân, phải luôn luôn cố gắng ghi lại đúng đắn, trung thực những lời nói, những ý nghĩ mộc mạc, giản dị của những con người trong thực tiễn sản xuất và chiến đấu... không thể tùy tiện sửa đổi thêm bớt theo ý nghĩ chủ quan của mình.

(Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ,
 NXB Phụ nữ, 2005, tr.117)

Niềm vinh dự lớn

Tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc năm 1958, tôi được bầu là Anh hùng lao động, được chính phủ và Quốc hội tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và được gặp Bác Hồ...

Bác căn dặn:

- Xã của cô khá lắm. Cô về cố gắng cùng các đồng chí ở xã thúc đẩy phong trào tiến lên, đã tốt rồi thì tốt hơn nữa. Các cô, các chú được bầu là anh hùng, chiến sĩ rồi phải phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, không được tự kiêu, tự mãn. Nói phải làm và làm phải nói như cô là rất tốt. Nói không làm là nói suông, làm không nói là tự bó mình lại, làm thay quần chúng, không phát huy được vai trò đầu tàu...

(Theo sách Bác Hồ với sự tiến bộ của Phụ nữ
 NXB Phụ nữ, 2008, tr. 16)

Quà tặng của Bác

Một buổi sáng mùa Thu năm 1950, Bác Hồ đi công tác, vừa đi qua vọng gác ATK thì gặp một cô bé... Thoáng thấy cụ già mặc áo kaki vàng, khăn quàng bên vai, cô sững sờ giây phút rồi hét lên:

- Bác! Bác Hồ!

Bác đi lại gần, hỏi:

- Cháu đi đâu mà sớm thế?

Cô gái nhanh nhảu thưa:

- Thưa Bác, cháu bên chú Tô (bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng) sang đưa công văn ạ!

Ít lâu sau, cô liên lạc được chuyển sang Văn phòng của Chủ tịch... Cuối năm, cơ quan chọn một số thanh  niên đi sang Trung Quốc học. Cô cũng có trong danh sách, nhưng không muốn đi.

Một hôm, Bác cho gọi cô. Bác hỏi:

- Cháu có muốn công tác tốt không?

- Có ạ.

- Có muốn phục vụ nhân dân được nhiều không?

- Có ạ.

- Thế thì phải đi học. Học tập để hiểu biết thêm, hiểu biết nhiều. Có hiểu biết nhiều mới phục vụ nhân dân được nhiều, được tốt.

Bác đưa cho cô hộp thuốc lá của Bác:

- Bác tặng cháu cái hộp này để đựng kim chỉ. Ngoài giờ học phải học thêu thùa, may vá. Con gái là phải biết làm các việc đó...

(Theo sách Bác Hồ với sự tiến bộ của Phụ nữ
 NXB Phụ nữ, 2008, tr. 92)

Gian khổ phải rèn luyện, sung sướng không cần ai dạy

Bà Đặng Quỳnh Anh, năm 1911, bấy giờ chưa đầy hai mươi tuổi đã theo các anh “Hội kín” vượt Trường Sơn, sang Xiêm, nuôi chí nguyện theo cha chú, những Đặng Thúc Hứa, Đặng Nguyên Cẩn... làm cách mạng.

Năm 1928-1929, ông Thầu Chín (Bác Hồ) đã ở nhà bà Anh một thời gian... Vào một ngày cuối năm 1979, một số cán bộ Bảo tàng Quân đội đến thăm bà tại nhà riêng ở khu tập thể Tương Mai.

Bà vừa qua một cơn đau nặng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cử bác sĩ đến chăm sóc - mặc dù chị Dung, con gái bà là bác sĩ tặng bà thuốc bổ, sâm  nhưng bà không dùng...

Khi người nhà bưng bát cháo lên để bà dùng, bà tự tay đón lấy. Tay phải bà run run, cầm cái thìa con đã buộc chặt vào hai ngón cái và ngón trỏ. Khi bàn tay trái đưa bát cháo gần miệng, có lúc bát cháo lại “đi” qua sang phải, sang trái, bà cố ghìm lại để “xúc” cháo.

Chị Dung vẫn ngồi yên, cầm cái quạt giấy quạt cho mẹ. Anh em gắt lên:

- Sao chị không bón cho bà?

Chị Dung cười và bà cũng cười. Chị nói:

- Mẹ tôi không cho. Mẹ bảo để mẹ tự làm lấy. Còn tại sao các anh hỏi mẹ ấy!

Bà đặt bát cháo xuống kể:

- Các cháu ạ, hồi ở Xiêm, Bác Hồ sống như mọi người dân, lao động bắt cá, kiếm củi, làm công, ăn đói mặc rét. Bác có lần nói với bà rằng: “O ơi! Sung sướng không ai dạy mà vẫn biết, còn muốn chịu đựng được gian khổ để làm cách mạng thì phải luyện rèn. Không ai nắm được tay từ sáng đến tối. Phòng khi khó khăn, còn vượt được, còn tham gia cách mạng được.” Bà nhờ câu nói ấy của Bác mà sống đến ngày nay... Bà còn cử động được tay, bà tự làm lấy theo lời Bác Hồ dạy mà thôi!

(Theo tài liệu của Trung tâm Thông tin tư liệu,
Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)

Các cô cứ cố gắng, đã có Đảng giúp

... Bác hỏi các đồng chí trong Đảng đoàn về tình hình công tác phụ nữ, về việc chuẩn bị đại hội và cả về tình hình sức khỏe, tình hình gia đình từng người. Bác nhìn chúng tôi như mẹ nhìn con. Một số chị em không khỏe lắm, Bác rất thương. Bác hỏi chị em nỗi lo lắng về công việc và cả hoàn cảnh riêng của mình... Bác dạy: “Các cô cố gắng, các cô chú ý giữ gìn sức khỏe, còn công tác thì có Đảng giúp.”...

Sau này, mỗi khi tôi đi dự các cuộc họp, được gặp Bác, Bác hay bảo tôi báo cáo Bác nghe về tình hình phong trào phụ nữ. Công tác phụ nữ có rất nhiều khó khăn, nhưng sự chăm sóc, động viên của Bác động viên tôi rất nhiều.

Năm 1952, đầu mùa hè, các cơ quan lục tục kéo về châu Tự do... Lần đầu tiên, cơ quan Hội phụ nữ có những cái nhà xinh xắn làm bằng tre nứa đan rất kỹ và có hầm đào sâu ngập đầu người theo hình chữ chi... Lúc bấy giờ, chị em trong cơ quan ăn uống rất kém, sốt rét luôn. Có một lần ghé thăm, Bác hỏi: “Các cô có trồng rau không?”.

Chị em thưa có. Bác bảo đưa Bác ra thăm vườn rau. Bác ra vườn. Quả tình rau mọc quá lơ thơ. Bác bảo: “Bác phải cúi xuống nhìn kỹ mới trông thấy rau.” Chúng tôi nhìn nhau, biết rằng Bác phê bình mình làm chưa tốt. Bác bảo tiếp: “Chỗ Bác có nhiều giống rau. Bác còn thả cải xoong ở suối tốt lắm. Các cô cố gắng trồng nhiều rau và cố nuôi gà lấy trứng mà ăn cho khỏe”. Nghe lời Bác, chúng tôi củng cố lại ban tăng gia sản xuất. Đi qua thấy vườn rau chúng tôi xanh tốt, Bác vui lòng...

(Trích lời kể của bà Hoàng Thị Ái – Bí thư Phụ nữ cứu quốc, Bí thư Đảng đoàn, Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa I, II, III)

Từ kỷ niệm tuổi thơ

Những năm học ở bên Pháp, tôi vẫn luôn luôn hướng về Tổ quốc. Một đêm giao thừa, tất cả anh chị em người Việt Nam tụ tập tại trụ sở đón Tết của quê hương trên đất Pháp...

Tối hôm đó, Bác gặp Việt kiều ở Pari. Anh chị em Việt kiều quây quần xung quanh Bác như những người con tụ lại bên cha già. Trong tình cảm thương yêu rộng  lớn, Bác dặn dò tất cả mọi người thế này: “Các cô, các chú phải cố gắng mỗi người học giỏi một nghề, sau này trở về giúp nước nhà, góp phần làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh”. Lời dạy của Bác đã trở thành bó đuốc soi đường cho tôi suốt những năm học tập ở xa quê hương.

Giữa năm 1959, tôi thi đỗ bằng thạc sĩ toán học. Nhớ lời Bác, tôi tình nguyện xin về nước phục vụ.

Trong những năm công tác ở Hà Nội, tôi được gặp Bác ba lần, một lần Bác đến thăm Trường Đại học Sư phạm của chúng tôi. Lần thứ hai, vào dịp Tết, tôi được gặp Bác. Trong buổi liên hoan đón năm mới hôm ấy Bác rất vui. Tôi lại được ngồi gần Bác. Bác cười chỉ vào tôi và nói với các đồng chí lãnh đạo ngồi bên cạnh:

- Sao ít phụ nữ thế? Bác muốn phong trào phụ nữ tiến bộ mạnh hơn nữa...

Tôi nghĩ trong đời tôi lúc bé đã được một lần Bác dạy cho cách học, những năm sống xa quê hương, hình ảnh Bác là nguồn động viên tôi khắc phục khó khăn để học tập. Khi trưởng thành lại được Bác săn sóc từ bữa ăn. Tôi là một trong hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã được Bác, Đảng, Cách mạng giải phóng và trở thành người có ích, được đem sức lực của mình phục vụ nhân dân, đất nước. Đối với tôi, không có gì sung sướng hơn là giữ gìn những kỷ niệm về Bác - cái vốn quý báu mà Bác đã trao cho tôi từ khi còn bé. Cái vốn quý đó mỗi ngày càng được nhân lên gấp bội, như cuộc đời tôi, được Bác, Đảng dìu dắt mãi mãi đi trên con đường sáng...

(Trích lời kể của nữ Giáo sư, Tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính)

Kim Yến (Tổng hợp)

 

Bài viết khác: