Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, song tư tưởng của Người về giáo dục vẫn còn là những bài học quý giá, quan trọng cho nền giáo dục Việt Nam. Người hấp thụ truyền thống hiếu học của dân tộc ngay từ quê hương, đặc biệt là nôi gia đình với ảnh hưởng sâu sắc tấm gương kiên trì học tập của cha mình, tấm gương nhà giáo mẫu mực của ông ngoại. Và Bác Hồ vẫn thường nhắc nhở mọi người hãy nhớ lời Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”.
Bác Hồ có một tri thức dồi dào, toàn diện và sâu sắc. Người tự học, đi học, học nhiều, học kết hợp với hành và kiên trì học tập. Do vậy, Người đã đạt đến một trình độ học vấn uyên bác, hiểu biết tường tận các nền văn hóa đông tây kim cổ.
Một trong ước mong tột đỉnh của Bác Hồ là “nhân dân ta ai cũng được học hành”. Theo Bác: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu đất nước ta được độc lập, Hồ Chủ tịch đã ký những sắc lệnh quan trọng về ngành giáo dục, kêu gọi và khuyến khích việc học tập của nhân dân cả nước. Trong hoàn cảnh nước nhà gặp nhiều khó khăn, phải đấu tranh cật lực với thù trong giặc ngoài, tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Người vẫn khẳng định: Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt, có dạy tốt và học tốt thì mới có đủ kiến thức cần thiết để có thể hiểu được tình hình chính trị, xã hội trong nước và quốc tế đang có diễn biến phức tạp, có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc cách mạng của nhân dân ta và cách mạng thế giới, đồng thời mới có thể tham gia vào công tác cách mạng một cách có hiệu quả. Học để bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp. Người nói: “Học để làm việc, học để làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dạy, “Các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên đua nhau học. Đồng thời biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật. Phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho học trò trí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ. Người cho rằng: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc quan trọng”. Bồi dưỡng giáo dục phải trên tất cả các mặt đức, trí, thể, mỹ. Bác có thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ, thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955, Người nêu: Mỗi cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
Trung học thì cần đảm bảo cho học sinh những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho cuộc sống thực tế.
Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn, phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu.
Có thể nhận thấy, giáo dục chính là nền móng của việc hình thành nhân cách con người - theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã có câu thơ nổi tiếng trong tác phẩm Nhật ký trong tù: “Thiện ác phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Từng là một nhà sư phạm mẫu mực, Bác đã chỉ rõ: Sản phẩm của việc dạy tốt là con người tốt và ngược lại, dạy không tốt thì ra con người xấu. “Học để hành, học với hành phải luôn đi đôi”.
Học mà không hành, tức là chỉ học thuộc lòng từng chữ để lòe thiên hạ - kiến thức ấy cũng vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Phương châm giáo dục và học tập của Bác Hồ là cần phải toàn diện, phải kết hợp nhiều hệ thống giáo dục: “Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng nếu thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Người nhấn mạnh: Tốt nhất phải dạy cho học trò trí tự lập tự cường, trọng về môn tinh thần đạo đức, khuyên học trò tham gia sản xuất, biết kính trọng cần lao, tập cho họ quen lao khổ, có chí khí “tự thực ký lực”, không ăn bám xã hội.
Bác Hồ luôn đánh giá nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang, bởi nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Do vậy, phải xây dựng đội ngũ thầy giáo tốt “thầy giáo xứng đáng là người thầy giáo” với những phẩm chất: Phải thật thà yêu nghề mình; phải có đạo đức cách mạng; phải có chí khí cao thượng; phải “tiên ưu hậu lạc”; phải yêu thương các cháu như con em ruột thịt của mình; phải luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: giáo dục là quốc sách hàng đầu và đội ngũ thầy cô giáo được đánh giá lại đúng vai trò, vị trí quan trọng của mình. “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là điều rất vẻ vang” - phát biểu của Bác Hồ tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21/10/1964. Thiết nghĩ và tin rằng, các thầy cô giáo hôm nay phải luôn phấn đấu để xứng đáng với lời căn dặn này.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp tốt để mỗi cán bộ, đảng viên và học sinh thể hiện lòng biết ơn vô bờ bến đối với thầy giáo, cô giáo và mái trường thân yêu, đã giúp chúng ta trở thành người hữu ích cho xã hội hôm nay. Bằng những hành động thiết thực, giúp đỡ, hỗ trợ nhà trường duy trì, phát triển phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”.
T.Trang
Theo http://www.ldldct.org.vn
Bùi Hảo (st)