Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi để lại ấn tượng, tình cảm sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới nói chung.
Bởi thế mà hằng ngày, hằng giờ, rất nhiều người dân Việt Nam, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế học tập, nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo tác phẩm hoặc gìn giữ những kỷ vật về Người với một tình yêu thiết tha nhất.
Bức tranh có một không hai
Trong số hàng trăm hiện vật, tài liệu mà Bảo tàng Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận, bức tranh "Hương Sen" của họa sĩ Phan Văn Đắc (ở số 9, ngõ12, phố Lê Trực, thành phố Đồng Hới - Quảng Bình) để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem. Lấy cảm hứng từ bài thơ "Sáng Tháng Năm" của nhà thơ Tố Hữu, người họa sĩ Quảng Bình đã dùng bẹ chuối khô tạo tác chân dung Bác Hồ. Bác hiện lên, râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ, nụ cười trìu mến, chân thực và sinh động như hình ảnh chúng ta vẫn thấy. Phía trước chân dung Bác là bông sen đang nở, tôn vẻ cao quý mà rất đỗi giản dị, khiêm nhường như cốt cách, tác phong của Bác, khiến chúng ta nhớ đến khung cảnh làng Sen nơi Bác sinh ra.
Du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Theo lời kể của họa sĩ Phan Văn Đắc, tranh "Hương Sen" được ông sáng tác năm 2012, nhân dịp sinh nhật lần thứ 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bẹ chuối tạo nên bức tranh đặc biệt này được lấy từ những cây chuối lâu năm, khô tự nhiên với nhiều gam màu thích hợp. Sau khi ép phẳng, cắt xén, tác giả cố định bẹ chuối trên tấm bìa gỗ, rắc cát mịn và dùng keo kết dính. Nhờ đó, bức tranh "Hương Sen" thoạt nhìn giống như vân gỗ chứ không thấy sợi dọc, sợi ngang của bẹ chuối. Bằng tình yêu, sự biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Phan Văn Đắc hoàn thành bức tranh có một không hai này chỉ trong vòng 8 ngày.
Chiếc kéo đặc biệt và người thợ cắt cờ thưởng khéo tay
Ngoài bức tranh "Hương Sen", chiếc kéo chuyên cắt chữ thêu trên lá cờ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã được bổ sung vào kho hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh năm nay. Chủ nhân của chiếc kéo đó là ông Bùi Thế Năng, người thợ lành nghề của Công ty Bông vải sợi may mặc Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ông Bùi Thế Năng say sưa kể lại quá trình cắt chữ thêu
trên lá cờ "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở 125 Lê Ngọc Hân - Hà Nội, ông Bùi Thế Năng kể: Năm 1965, tổ sản xuất chúng tôi được giao làm cờ luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", mẫu chữ in lên cờ do Bác Hồ tự tay viết. Đảm nhận phần việc cắt chữ, tôi đã nghĩ ra mẫu kéo mũi nhỏ, nhọn, có thể lách, cắt lượn theo từng con chữ. Tôi vẽ mẫu kéo ra giấy và đặt làm tại phố Sinh Từ (phố Nguyễn Khuyến ngày nay). Cờ luân lưu màu đỏ, những hàng chữ thêu chỉ màu vàng, tên địa phương lập thành tích thêu chỉ màu xanh da trời, chữ nghiêng, dưới cùng bên phải có hai chữ "Bác Hồ". Thời gian này, quân và dân ta lập nhiều thành tích, cần phải may nhiều cờ luân lưu nên chúng tôi nảy sáng kiến cắt mẫu chữ hoàn chỉnh dán lên tấm bìa, mỗi lần thêu chúng tôi lại đem ra sử dụng, vừa nhanh vừa bảo đảm tính chính xác. "Tôi cảm thấy may mắn khi được góp công sức làm những chiếc cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ. Tôi nâng niu chiếc kéo như báu vật suốt gần nửa thế kỷ qua, nay tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh với mong muốn thế hệ trẻ có cơ hội hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử hào hùng" - ông Bùi Thế Năng nói.
Điều thú vị là người thợ cắt khéo tay này sinh đúng ngày 2-9 (năm 1935). Có lẽ đó cũng là cái duyên đưa ông đến với những chiếc cờ thưởng luân lưu của Bác.
Người sưu tầm tư liệu về Bác trên đất Thái Lan
Nhiều năm làm công tác sưu tầm, chị Phí Thị Hồng Vân, phòng Sưu tầm - Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gặp nhiều người, nhiều nhân chứng, nhiều hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những người để lại ấn tượng đặc biệt đối với chị là ông Ngô Vĩnh Bao, người kỳ công sưu tầm tư liệu về Bác trên đất Thái Lan.
Ông Ngô Vĩnh Bao sinh năm 1944 tại Lào, năm 2 tuổi theo gia đình di cư sang Thái Lan, đến năm 1960 thì về Việt Nam. Hiện nay, gia đình ông sống tại số nhà 46, ngõ 127, phố Hào Nam (Hà Nội). Với lòng kính yêu Bác sâu sắc, lại được bà con Việt kiều tiếp sức, ông kiên trì theo đuổi mục tiêu sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. Sau nhiều năm, sau rất nhiều chuyến đi, ông sưu tập được nhiều hiện vật quý, điển hình là chiếc phản gỗ mà Người dùng trong những ngày ở Thái Lan, bức tượng "Phật hoa Bác Hồ", cuốn album lưu giữ hình ảnh Bác qua các thời kỳ… Từ năm 2002 đến 2011, ông Ngô Vĩnh Bao đem tất cả những bài viết, tư liệu sưu tầm được đóng thành 25 quyển, mỗi quyển về một giai đoạn, phản ánh hành trình hoạt động cách mạng của Bác từ năm 1911 đến 1969 với mong muốn "tất cả mọi người đều được biết về cuộc đời của Bác một cách giản dị và dễ hiểu nhất".
Những điều kể trên là ví dụ tiêu biểu trong công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Mỗi hiện vật, tư liệu không chỉ cho ta biết thêm về Người, mà còn thể hiện niềm kính yêu vô hạn của muôn vạn người đối với Bác Hồ.
Minh Ngọc
Theo hanoimoi.
Bùi Hảo(st)