Những người ít nhiều tham gia công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động kể: Ngày đó Đà Nẵng chưa giải phóng, để có đá nền Non Nước (Đà Nẵng) dán đá đỏ, đá vàng lên trên, cơ sở của ta ở đây phải đóng vai thầu khoán đặt mua đá tấm theo quy cách.
Đóng gói đá núi Bền (Thanh Hoá) gửi ra để ốp cột trong Lăng
Đầu Xuân Đinh Hợi (2007), sau khi đi thăm làng Mía - làng duy nhất có hai vua ở nước ta: Lăng Ngô Quyền, đền Phùng Hưng... và những hàng ruối ngàn năm tuổi do quân khởi nghĩa trồng ở tỉnh Hà Tây, chúng tôi vào viếng Lăng Bác.
Chứng kiến cảnh đoàn chuyên gia hàng đầu về đá quý đến từ nước Italia xa xôi, trầm trồ trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng trong Lăng Bác, tôi tò mò hỏi kỹ sư Trần Ứng Thanh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà, Hà Nội) cũng là một chuyên gia về đá quý ở Việt Nam đang đứng cạnh tôi. Gương mặt và ánh mắt của anh thể hiện sự xúc động hiếm thấy. Vốn là người kiệm lời, nhưng thấy tôi “đeo bám”, cuối cùng anh trầm ngâm kể:
Năm 1970, sau khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng Lăng Bác để giữ gìn thi hài Người trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, nước bạn Liên Xô đảm nhiệm về trang thiết bị, vật liệu, kể cả đá ốp trong lăng. Nếu loại đá quý nào bạn không có, bạn sẽ mua của Italia cung cấp cho ta.
Riêng 2 lá cờ nơi đặt thi hài Bác, vì ý nghĩa chính trị, tình cảm cũng như ý thức dân tộc, Bộ Chính trị quyết định Việt Nam phải tự làm, bằng các loại đá quý của nước ta. Một số chuyên gia và thợ nghề tâm huyết như các ông Trần Phúc Ứng, Nguyễn Văn Canh, Phạm Tùng, Nguyễn Trung, Tống Minh Hoạt, Bùi Đức Thành, Nguyễn Ngọc Luận... thực hiện nhiệm vụ này.
Về việc tìm đá quý, Cục Bản đồ Việt Nam, do đồng chí Trần Đức Lương, Cục phó cùng nhóm công tác đi khảo sát, tìm kiếm những nơi có đá quý thích hợp với công trình (hiện nay, đồng chí là nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước).
Nhóm tìm đá được cấp hẳn 1 xe commăngca Rumani (của hiếm thời kỳ đó), tới nhiều vùng chưa hề có dấu xe, có khi đi mấy ngày đường không một bóng người dân. Sau nhiều tháng trời, căn cứ vào bản đồ địa chất và nhất là những thông tin được các đoàn địa chất, đặc biệt là các địa phương có các loại đá cần tìm báo về, nhóm đã bất chấp khó khăn gian khổ, thiếu thốn tới nhiều nơi, cuối cùng đã tìm kiếm được mẫu đá đỏ, đá vàng vừa rất đẹp, vừa đảm bảo tính chất cơ lý và nhất là tính an toàn về phóng xạ.
Vậy là 2 lá cờ mẫu bằng đá quý (kích thước thu nhỏ) được làm thử và được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Trường Chinh duyệt theo nhiều bước, rồi gửi đi Liên Xô, kiểm tra tính cơ lý, tính phóng xạ. Cuối cùng, đích thân đồng chí Trường Chinh ký duyệt trên mẫu lưu để bắt tay vào sản xuất.
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm đó, đoàn địa chất đang thăm dò tại khu vực Thanh Hóa, gửi về một mẫu đá đỏ đẹp lạ lùng, hơn hẳn mẫu đá đỏ trước đó cả về màu sắc và độ đồng nhất. Các nghệ nhân nhanh chóng tập trung nghiên cứu đồng thời cử người vào tận Bá Thước, gần xã Điền Lư, tìm cho đủ số lượng đá theo mẫu đá trên để chế tạo thử mẫu cờ, trình lên Bộ Chính trị, và được phê duyệt ngay.
Theo cụ Trần Phúc Ứng, loại đá này có tên Hồng Bảo Ngọc, trước đây, cụ đã thấy có trong Bảo tàng Địa chất Đông Dương, nhưng Bảo tàng không để lại tài liệu nơi phát hiện ra. Nhiều nước nổi tiếng có nhiều đá quý cũng không có loại đá này. Đây là loại đá thạch anh tái kết tinh, khi thạch anh được núi lửa làm nóng chảy, gặp nơi có ôxy sắt với tỉ lệ thích hợp, sẽ phối trộn. Khoáng vật tái kết tinh có màu đỏ giống màu đỏ Quốc kỳ và Đảng kỳ của ta.
Để có đủ lượng đá cho hai lá cờ, ngày đó huyện ủy và UBND huyện Bá Thước đã tuyển chọn hàng ngàn đoàn viên thanh niên ưu tú và dân quân, bộ đội đi bới tìm không sót từng tấc đất trong phạm vi hàng mấy kilômét vuông, ở từng ngọn đồi, khe suối, khoảng rừng,... nhặt từng viên đá (thường to bằng quả bưởi) tổng cộng được gần 20m3 đá nguyên liệu.
Thời đó, công đoạn xẻ những viên đá đó ra từng lát mỏng cỡ 6-7mm quả rất khó khăn. Vậy là đích thân đồng chí Đỗ Mười (lúc đó là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng Lăng Bác) ra lệnh cho Nhà máy Sông Chu (Thanh Hóa) chế tạo cấp tốc mấy chục máy cưa sắt (thường dùng để cưa những thanh sắt tròn 100-150mm).
Những lưỡi cưa sắt đã được cán bộ, công nhân Nhà máy Sông Chu làm bằng những lá thép mỏng cường độ cao. Phía trên máy cưa treo một thùng nước cộng cát vàng, tưới liên tục xuống rãnh cưa, ngày đêm kiên nhẫn và công phu; xẻ ra những lát đá dày 5-6 mm.
Có những lát đá trên, lại phải mài phẳng, đánh bóng rồi dùng máy cắt mẫu khoáng vật rất chính xác của Viện Khoa học Việt Nam - lúc đó cả nước chỉ có 2 máy này - cắt thành từng miếng hình chữ nhật bằng bàn tay, để khi ghép lại, đứng xa không nhìn thấy vết ghép. Gần một vạn miếng đá đỏ sơ chế, chỉ chọn được 4.000 miếng để ghép thành 2 lá cờ trong Lăng Bác.
Những người ít nhiều tham gia công trình này mà tôi đã gặp vẫn rất xúc động khi kể về những loại đá trong Lăng Bác. Ngày đó Đà Nẵng chưa giải phóng, để có đá nền Non Nước (Đà Nẵng) dán đá đỏ, đá vàng lên trên, cơ sở của ta ở đây phải đóng vai thầu khoán đặt mua đá tấm theo quy cách.
Khi có đủ đá theo đơn đặt hàng, Quân giải phóng cùng dân quân Non Nước đã tổ chức một trận đánh tiêu diệt đồn quân đội Sài Gòn khống chế khu vực núi này, tạo điều kiện cho lực lượng bố trí sẵn đưa số đá đã gia công ra Bắc xây dựng Lăng Bác. Đá Non Nước ngoài đặc tính dai, thích hợp làm nền gắn cờ Tổ quốc và cờ Đảng, còn mang ý nghĩa quan trọng là đá của miền Nam được sử dụng vào vị trí rất trang trọng trong công trình Lăng Bác.
Cũng xin nói thêm là, đá ốp lan can lối đi Lăng Bác là đá xanh La Giang (Đồng Bẩm - Thái Nguyên). Đá ghép hàng chữ “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên đỉnh Lăng là đá Ngọc Bích (Cao Bằng). Đá làm bậc thềm là đá hoa Hoa Pháp lấy từ Sài Sơn (Hà Tây). Đá ốp cột là đá núi Bền (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Riêng đá vàng để làm ngôi sao trên cờ Tổ quốc và biểu tượng búa liềm trên cờ Đảng là đá Cẩm Vân (Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Rồi đầu búa trên cờ Đảng là viên mã não do Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Văn Hiếu trực tiếp mang ra giao cho cụ Trần Phúc Ứng cất giữ trong két sắt hơn cả báu vật, thể hiện được tấm lòng của bà con miền Nam ruột thịt đối với Bác. Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo công trình Lăng, cùng cụ Trần Phúc Ứng và các nghệ nhân ghép đá thành hình búa liềm trên cờ Đảng.
Kỹ sư Trần Ứng Thanh đã chỉ cho tôi nơi ngày trước đặt xưởng dã chiến lợp bằng bạt xung quanh rào lưới thép mà Bộ Xây dựng lúc đó cho dựng trên sân của Nhà máy đá hoa granitô An Dương, có công an và bộ đội canh gác, tuần tra ngày đêm.
Keo dán gần 4.000 miếng đá đỏ trên nền của hai lá cờ dựa trên chất liệu chính là composit do Tiến sĩ Trần Vĩnh Diệu nghiên cứu ứng dụng, lần đầu tiên được sử dụng tại miền Bắc - đạt kết quả như mong đợi.
Rồi giờ khắc thiêng liêng, trọng thể: Ghép hai lá cờ vào trong Lăng Bác đã đến. Loại vữa đặc biệt để liên kết từng phần hai lá cờ trên vị trí tường Lăng do chính cụ Trần Phúc Ứng pha chế; từng môi vữa đã được lần lượt chuyển đến tay cụ Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng... để đổ vào các rãnh ghép đá với tường. Liền đó, phải dùng khăn lau thật nhanh vì vữa rất mau khô. Mọi việc diễn ra nhanh chóng đạt kết quả tốt đẹp.
Một sự trùng hợp rất lý thú, lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng được ghép bằng 4.000 miếng đá đỏ, tương ứng với con số 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Một thoáng hoài niệm hiện lên trên gương mặt kỹ sư Trần Ứng Thanh. Tôi hỏi, đến lần thứ hai, anh mới trả lời:
- Khi thời thế thay đổi, Nhà máy đá hoa An Dương không trụ lại được trong cơ chế thị trường, nhiều thứ phải bán thanh lý. May thay, chúng tôi được tin sớm đến mua hết số đá nguyên liệu còn lại, đủ làm hai lá cờ nữa, số nguyên liệu trên được lưu giữ tại Phương Liệt, Hà Nội.
Chỉ một lát sau, kỹ sư Trần Ứng Thanh lại vui và lộ rõ niềm tự hào về lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác được tạo dựng bằng hàng ngàn mảnh đá mang hồn thiêng sông núi Việt Nam. Đây chẳng những là biểu hiện cao nhất về tấm lòng cả nước đối với Bác mà còn là kỳ công về mặt kỹ thuật của Việt Nam lúc đó. Đến nay, nhiều năm đã trôi qua, hai lá cờ vẫn đẹp như mới./.
Huyền Trang (st)