Kỷ niệm 45 năm Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013), Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội đã tổ chức buổi giao lưu ôn lại những kỷ niệm, nhiều nhà giáo lão thành là những nhân chứng sống đã khẳng định chính những bức thư mà Bác Hồ gửi năm 1968 đã làm thay đổi nhận thức, cuộc đời họ.
Những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, phần lớn các trường phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp ở thành phố, thị xã ở miền Bắc nước ta phải sơ tán về các vùng nông thôn. Ngày 15/10/1968, Bác Hồ kính yêu đã gửi thư cho ngành Giáo dục với những mong là: Cán bộ quản lý các cấp, các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên hãy thi đua giữ vững mục tiêu giáo dục, vượt khó vươn lên dạy tốt, học tốt, dân chủ trong nhà trường và quản lý cho thật tốt, đặc biệt phải coi trọng đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Các nhà giáo tham gia buổi giao lưu. Ảnh Xuân Trung
45 năm đã đi qua nhưng về tinh thần của bức thư đã làm lay động trái tim của nhà giáo Thái Thị Hồng Thảo, nguyên giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà giáo Hồng Thảo đã có trên 30 năm gắn bó cho ngành giáo dục, lúc làm biên dịch ở Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc thì tham gia công tác giảng dạy tiếng Nga ở trường Sư phạm, nhưng những lần được đọc bức thư của Bác Hồ, nhất là hai bức thư đầu tiên vào ngày 3/9/1945 và bức thư cuối cùng vào ngày 15/10/1968 đã có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời dạy học của bà.
Nhà giáo Hồng Thảo nhớ lại, thời kỳ năm 1953 lúc đó bà bắt đầu bước chân vào nghề dạy học đã phải chứng kiến cảnh trường lớp, thầy và trò huyện Thạch Thành (Tỉnh Thanh Hóa) đi sơ tán tránh đạn bom của giặc, học sinh học trong ánh đèn dầu và phải học buổi tối.
Cũng trong thời gian này thầy và trò đã nhận được sự động viên kịp thời của Bác Hồ kính yêu, Bác đã gửi thư cho toàn ngành giáo dục, với 23 bức thư mà Bác gửi cho các thầy cô giáo thì bức thư đầu tiên tháng 9/1945 đã có sức lay động đặc biệt, bà Thảo nói rằng bức thư đó đã thấy rõ trách nhiệm của người thầy đối với sự nghiệp trồng người, đối với việc dạy học sinh thành người.
Suốt trong thời gian chiến tranh ác liệt, đặc biệt cuối năm 1968, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn đó các thầy cô, các em học sinh xúc động nhận được bức thư của Bác Hồ và đây cũng là bức thư cuối cùng mà Bác gửi cho ngành giáo dục.
“Tôi nhận được bức thư năm 1968 với tâm trạng lúc đó là cả nước đang một lòng đánh giặc, nhớ mãi khẩu hiệu dạy tốt, học tốt của Bác. Bác Hồ đã dạy, cùng là một bài giảng người thầy phải có sáng kiến để học sinh tiếp thu được lâu, muốn dạy tốt phải chuẩn bị giáo án cẩn thận, lúc đó ai cũng sợ lên lớp cháy giáo án” bà Thảo nhớ lại kỷ niệm.
Cuộc đời làm giáo dục của bà Hồng Thảo còn vinh dự khi bà trực tiếp là người phụ trách trường thiếu nhi Việt Nam tại Liên Xô cũ, Bác Hồ rất quan tâm tới các thế hệ trẻ, trường này có 100 em thì sau đó cả 100 em rất thành đạt, Bác đã khen ngợi trường và giành sự quan tâm đặc biệt cho các thế hệ trẻ này.
Đối với bà Lê Thị Ngọc Tuyết, là vợ của quân nhân trong chiến tranh, kết thúc chiến tranh bà là vợ của liệt sỹ, bà nguyên là Hiệu trưởng trường THCS Nội Duệ, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non Bắc Ninh. Vào ngành Giáo dục năm 1952, lúc đó cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn ác liệt, lúc đó bà dạy cấp một, lên cấp hai vừa dạy học vừa đi sơ tán cùng học sinh.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm nói về những kỷ niệm
dạy học trong kháng chiến của mình. Ảnh Xuân Trung
Dọc tuyến đường Quốc lộ số 1 từ Lạng Sơn – Hà Nội bị địch đánh bom rất ác liệt, học sinh trường THCS Nội Duệ phải đi sơ tán sang Bắc Lư, mỗi một tháng sơ tán một lần, tuy nhiên thực hiện theo lời dạy của Bác, mỗi một năm học đi qua tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn đảm bảo.
Năm 1968 bức thư cuối cùng của Bác Hồ gửi cho toàn ngành Giáo dục cũng là lúc bà Tuyết được chuyển lên làm Hiệu trưởng tại trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non Hà Bắc, điều này càng có ý nghĩa vì đây là bức thư giao nhiệm vụ cho toàn ngành giáo dục lúc đó phải “Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Lớp thế hệ sinh viên của trường năm 1968 là lớp giáo viên mầm non đầu tiên của tỉnh Hà Bắc lúc bấy giờ.
“Giờ nghĩ lại sao mình làm được nhiều việc thế, làm hăng say, vui vẻ. Lúc đó tôi cũng chỉ xác định chồng chiến đấu ngoài mặt trận thì mình phải là hậu phương vững chắc, phải có trách nhiệm tới học sinh của mình” bà Tuyết tự hào nhớ lại.
Với người lính già đồng thời là người thầy trên mặt trận trồng người thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Trần Văn Thục, trưởng bộ môn Văn hóa Du lịch (Đại học Hùng Vương – Phú Thọ) thì ký ức tham gia chiến đấu, được dạy học trong thời gian chiến tranh là hào hùng và đầy tự hào.
Trong 23 bức thư mà Bác Hồ gửi cho ngành Giáo dục, bức thư năm 1968 có ý nghĩa rất lớn và động viên cho thầy và trò các vùng khó khăn. Thầy giáo Thục lục lại ký ức: “Lúc đó học sinh lớp 8 học tại Xóm Rừng, xã Cổ Tuyết, Tam Nông, Phú Thọ, lớp học không có bàn ghế, thậm chí lật thúng để làm bàn viết và ngồi dưới hầm để học. Nhưng trong điều kiện khó khăn vô cùng như thế nhận được bức thư của Bác toàn thầy cô và học sinh rưng lệ. Chúng tôi đã thề dù có khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Nhìn những học sinh, sinh viên hiện nay học trong điều kiện vô cùng đầy đủ, thầy giáo Trần Văn Thục nhắn nhủ: “Nếu mình là con dân Việt Nam, con dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì hãy nhớ lấy “Mặt trời chân lý” ấy, cố gắng giữ lấy một trái tim là con dân Việt Nam”.
GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc cũng thổ lộ, những năm tháng kháng chiến, đó là thời kỳ phát triển giáo dục và nhà trường trong kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền Bắc Nam suốt 20 năm, kế thừa truyền thống giáo dục nhà trường trong kháng chiến chống Pháp, dạy và học là diệt giặc dốt gắn với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, dạy học là tham gia kháng chiến, là thể hiện lòng yêu nước, là gìn giữ và tiếp nối truyền thống hiếu học văn hiến anh hùng của dân tộc.
Từ những mái trường cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, những mái trường ở nơi sơ tán, cả một thế hệ tuổi trẻ học đường được rèn luyện theo lý tưởng cách mạng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đã trưởng thành về tư tưởng và tình cảm, về ý thức và phương pháp tự học, tự rèn luyện để trở thành những người lao động, những chiến sỹ có văn hóa, có kiến thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngay trong tình hình đất nước có chiến tranh và trở thành nguồn lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội sau ngày toàn thắng.
“45 năm qua nhớ về những ngày Bác Hồ gửi thư cho toàn ngành Giáo dục, suy nghĩ về trách nhiệm của người thầy và học trò hôm nay càng thấm thía lời khuyên bảo của Bác Hồ trong thư của Người. Càng trân trọng, gìn giữ, phát huy những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu của nhà trường, của ngành giáo dục trong thời kỳ kháng chiến. Giờ đây bài học đó càng phải được phát huy sáng tạo trong tình hình nhiệm vụ mới” GS. VS. NGND Phạm Minh Hạc nhấn mạnh./.
Theo Báo Giáodục.net
Minh Thu (st)