bac ho
Ảnh Tư liệu

          Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, thiên tài của dân tộc Việt Nam - người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng luôn dành những tình cảm và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, bởi đó là điều mong muốn lớn nhất của Người – “ai cũng được học hành”.

Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bộn bề khó khăn của một Chính phủ lâm thời phải chống chọi với các thế lực thù địch nhưng Bác vẫn đặc biệt quan tâm tới giáo dục. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng như thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác luôn có thư gửi cho các cấp lãnh đạo, các cấp học, ngành học, các học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, các lực lượng tham gia "diệt dốt" xóa nạn mù chữ để động viên, khen ngợi, căn dặn và yêu cầu rất kịp thời.

Năm 1968, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh nhưng Bác vẫn ân cần căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”. Bác còn chỉ rõ: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những bức tâm thư của Bác gửi thăm hỏi, chúc mừng, khen ngợi, động viên khích lệ và luôn căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi và yêu cầu đối với ngành giáo dục trong việc đào tạo thế hệ.

1. Thư gửi các học sinh

Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.

Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Đối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: Chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội Cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.

Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ.

Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu
Tháng 9-1945
HỒ CHÍ MINH

- Viết khoảng tháng 9-1945.

Tài liệu lưu tại Phòng lưu trữ Văn phòng Hội đồng Chính phủ.

2. Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ

Anh, chị em yêu quý,

Chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho toàn quốc đồng bào ai cũng có ăn, có mặc, có học.

Vậy nên khẩu hiệu của chúng ta là:

1. Tăng gia sản xuất.

2. Chống nạn mù chữ.

Anh chị em là đội tiên phong trong sự nghiệp số 2 đó. Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc.

Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người "vô danh anh hùng". Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em.

Tôi mong rằng trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang, đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng.

Tôi lại mong rằng đồng bào các nơi ra sức giúp cho anh chị em bình dân học vụ trong công việc giáo dục đó.

Tôi gửi lời chào thân ái và chúc anh chị em thành công.

Tháng 5-1946
HỒ CHÍ MINH

- Bút tích lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

3. Thư gửi Ty Giáo dục, các hiệu trưởng, giáo viên và các học trò Khu 10

(Nhờ Uỷ ban Hành chính khu chuyển giao)

          Tôi rất vui lòng nghe Đặc phái đoàn của Chính phủ đi kinh lí về, báo cáo rằng:

          Nhân viên giáo dục và các học sinh Khu 10 khá hoạt động, và có nhiều sáng kiến tham gia công cuộc kháng chiến.

          - Ở mỗi trường có 1 vườn tăng gia sản xuất.

          - Học trò trường trung học kháng chiến ở Đào Giã đã trồng được 30000 cây sắn.

          - Những trường tiểu học, các học trò đã trồng và đã lấy được khoai, ngô, sắn làm lương khô tặng bộ đội.

          Năm nay, các trường đang trồng rau, để bán lấy tiền giúp quỹ Thương binh và Mùa Đông kháng chiến.

          - Học trò trường Cao Xá (Hạc Trì) sáng thì học, chiều thì giúp việc xã hội trong các làng, đã sửa giếng và lấy bông gạo may áo trấn thủ để tặng bộ đội. Ngày nghỉ thì đi thăm thương binh.

          - Các giáo viên đã quyên 1 ngày lương để giúp thương binh.

          - Trước kia, trong khu không có trường trung học nào, từ ngày độc lập, trong khu đã sửa được 5 trường trung học.

          - Đồng bào các xã đã tự hùn tiền mở 1 trường trung học.

          - Nhờ sự cố gắng của ông Hiệu trưởng và sự sốt sắng giúp đỡ của đồng bào trong làng, mà Yên Luật đã lập được 1 trường trung học.

          - Do sự hoạt động của ông Ty trưởng Vương Kiêm Toàn và sự hăng hái của nam nữ giáo viên bình dân học vụ mà đã có sách in để cho đồng bào thiểu số học.

Đó là những thành tích khá tốt đẹp trong mặt trận văn hoá của ta. Tôi thay mặt Chính phủ mà khen ngợi:

          Các ông Ty trưởng giáo dục và Bình dân học vụ.

          Các ông Hiệu trưởng và các anh chị em giáo viên, cùng các cháu học trò, đã áp dụng Học với Hành, đã thực hiện kháng chiến bằng văn hoá, văn hoá của kháng chiến.

          Đồng thời, tôi cảm ơn đồng bào Cao Xá, Yên Luật, và các làng, mặc dầu những sự khó khăn thiếu thốn trong lúc này, đồng bào đã ra sức ủng hộ giáo dục, ủng hộ kháng chiến.

          Tôi mong rằng sẵn cái nền tảng đó, các ông Ty trưởng, các anh chị em giáo viên, các cháu học sinh, cùng toàn thể đồng bào cố gắng thêm, làm sao cho khu 10 trở nêm một khu kiểu mẫu về mặt giáo dục cũng như về mặt kháng chiến.

          Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 1 nǎm 1948
HỒ CHÍ MINH

(*) Khu 10: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Vính Yên.

Hồ Chí Minh toàn tập Nhà XB Sự thật – Hà Nội- 1985, tập V,  trang 41.

4. Thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc

(Nhờ ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục chuyển)

Nhân dịp Hội nghị giáo dục toàn quốc họp, tôi có lời thân ái chào thǎm các đại biểu.

Về vấn đề giáo dục, tôi có mấy ý kiến sau đây cống hiến với Hội nghị.

Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc. Vì vậy, chúng ta:

1. Phải sửa đổi triệt để chương trình giáo dục cho hợp với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

2. Muốn như thế, chúng ta phải có sách kháng chiến và kiến quốc cho các trường.

3. Chúng ta phải sửa đổi cách dạy cho hợp với sự đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc.

4. Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc.

5. Về bình dân học vụ, nhờ sự hy sinh cố gắng của nam nữ giáo viên, đã có kết quả rất tốt đẹp. Bây giờ, số đông đồng bào đã biết đọc biết viết thì chúng ta phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ vǎn hoá phổ thông của đồng bào.

Với sự lãnh đạo của Bộ trưởng và sự cố gắng thi đua ái quốc của toàn thể nhân viên giáo dục, tôi chắc Hội nghị sẽ có một chương trình hoạt động thiết thực để đi đến thành công.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 7 nǎm 1948
HỒ CHÍ MINH

Sách Hồ Chí Minh Bàn về Công tác giáo dục,

NXB Sự thật, Hà Nội, 1972, tr.24-25.

5. Thư gửi Phái đoàn diệt giặc dốt hoạt động ở Bắc Giang

Tôi được báo cáo rằng: 30 cán bộ Bình dân học vụ xung phong đến Bắc Giang, với mục đích thanh toán nạn mù chữ cho toàn tỉnh trong nǎm 1949.

Quân và dân Bắc Giang hiện nay đang anh dũng chống giặc thực dân. Các bạn đến đó, cũng là một đội quân hậu viện. Đồng bào Bắc Giang sẽ cố gắng vừa diệt giặc dốt vừa diệt giặc ngoại xâm.

Tôi gửi lời khen ngợi các bạn và dặn dò các bạn:

- Mỗi cán bộ phải là một chiến sĩ, thi đua với nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau và hợp tác chặt chẽ với nhau.

- Mỗi cán bộ phải là một người tuyên truyền đắc lực về các công việc kháng chiến kiến quốc, như cổ động giúp đỡ bộ đội và dân quân du kích, tǎng gia sản xuất để đủ ǎn đủ mặc, vệ sinh thường thức, v.v..

Tôi chắc rằng các cơ quan, đoàn thể và tất cả đồng bào trong tỉnh sẽ sốt sắng giúp các bạn thành công.

Tôi sẽ có giải thưởng đặc biệt cho huyện nào thanh toán nạn mù chữ trước nhất, và cán bộ nào có thành tích xuất sắc nhất. Chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 7 nǎm 1949
HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh toàn tập - Tập V

Nhà XB Sự thật - Hà Nội - 1985, tr.258.

6. Thư gửi ông Trưởng Ty bình dân học vụ tỉnh Hà Tĩnh

Tôi rất vui lòng nhận được báo cáo rằng: Tỉnh Hà Tĩnh đã có mấy làng thanh toán nạn mù chữ. Kết quả ấy là do ông khéo tổ chức và lãnh đạo, do các nam nữ giáo viên chịu khó và cố gắng, do đồng bào hǎng hái và ham học.

Tôi thay mặt Chính phủ gửi Giấy khen đồng bào những làng đó. Đồng thời gửi lời khen ngợi và cám ơn ông, những bạn giúp việc trong Ty và tất cả nam nữ giáo viên.

Sau đây là vài ý kiến của tôi về công việc Bình dân học vụ trong tỉnh ta:

1. Cố gắng làm cho toàn tỉnh thanh toán nạn mù chữ trong một thời gian khá mau.

2. Nâng cao chương trình học tập của những làng đã thanh toán nạn mù chữ. Dạy thêm lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học thường thức.

3. Các lớp bình dân học vụ nên kiêm thêm trách nhiệm tuyên truyền cổ động cho mọi công việc kháng chiến như giúp đỡ bộ đội, thi đua tǎng gia sản xuất, v.v..

Tôi hứa sẽ có giải thưởng khuyến khích cho huyện nào mà đại đa số làng thanh toán nạn mù chữ trước các huyện khác, và giải thưởng chính thức cho huyện nào thanh toán hoàn toàn nạn mù chữ. Nhờ ông thông tri cho đồng bào trong tỉnh biết để mọi người đều cố gắng.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 8 nǎm 1948
HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh toàn tập - Tập V,

Nhà XB Sự thật - Hà Nội - 1985, tr.119.

7. Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc

Tôi thân ái gửi lời chúc các đại biểu mạnh khoẻ và cố gắng làm việc. Sau đây là vài ý kiến để giúp phần vào việc thảo luận của các vị.

Đại hội nên kiểm thảo kĩ công tác “cải cách” về chương trình, chủ trương và cách thi hành để tìm thấy những khuyết điểm mà sửa đổi, những ưu điểm mà phát triển thêm.

Đại hội nên chú ý làm thế nào cho việc giáo dục liên kết với đời sống của nhân dân, với công cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc. Làm thế nào để phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân.

Cán bộ giáo dục của chúng ta nói chung đều rất cố gắng, nhất là nam nữ cán bộ Bình dân học vụ và Tiểu học. Tôi rất vui lòng nhờ Đại hội chuyển lời khen ngợi và khuyến khích các chiến sĩ ấy.

Xin chúc Hội nghị có kết quả tốt đẹp.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 7 nǎm 1951

HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh- Toàn tập - Tập VI,

Nhà XB Sự thật - Hà Nội - 1986, tr.97.

 

8. Thư gửi giáo sư và sinh viên ở Trường Dự bị đại học tỉnh Thanh Hóa

Gửi các thầy giáo và các cháu học sinh Trường dự bị đại học ở Thanh Hoá,

Cảm ơn các bạn đã gửi thư thǎm tôi, do giáo sư Nguyễn Mạnh Tường chuyển.

Được biết các bạn cố gắng dạy và học, tôi rất vui lòng.

Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân.

Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: Thật thà phụng sự nhân dân.

Trong phong trào toàn dân thi đua, chắc rằng ở trường cũng thi đua. Thầy thi đua dạy, trò thi đua học. Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi.

Các cháu học trò xin ảnh. Bác gửi vào mấy tấm và đề nghị: Để trường làm giải thưởng cho những tổ nào thi đua có thành tích khá nhất. Chắc các cháu tán thành đề nghị ấy chứ nhỉ.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 4 nǎm 1952
             HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh – Toàn tập - Tập VI,

Nhà XB Sự thật - Hà Nội - 1986, tr.239.

9. Thư gửi các học sinh Trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp khai giảng

Các cháu thân mến,

Nhân dịp Trường Sư phạm khai giảng, Bác gửi lời thân ái hỏi thăm và chúc các cháu học tập tiến bộ.

Các cháu thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều địa phương. Nhưng các cháu đều là con em của đại gia đình chung: Là gia đình Việt Nam; đều có một Tổ quốc chung: Là Tổ quốc Việt Nam.

Trong hơn 80 năm, vì chúng ta bị thực dân Pháp và bọn vua chúa áp bức cho nên chúng ta lạc hậu, văn hoá kém cỏi, mà chúng nó áp bức được là vì chúng nó chia rẽ chúng ta, vì chúng ta chưa biết đoàn kết.

Ngày nay, các dân tộc anh em chúng ta muốn tiến bộ, muốn phát triển văn hoá của mình thì chúng ta phải tẩy trừ những thành kiến giữa các dân tộc, phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau như anh em một nhà.

Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Bác sẽ có giải thưởng cho những cháu nào thi đua khá nhất.

Mong các cháu cố gắng và thành công.

Ngày 19 tháng 3 năm 1955
HỒ CHÍ MINH

Báo Nhân Dân, số 385, ngày 22-3-1955.

Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t.7, tr.496.

10. Thư gửi các cháu và các cán bộ các trường miền Nam nhân dịp khai giảng

Thân ái gửi các cháu và các cán bộ các trường miền Nam,

Bác muốn đi thǎm các cháu và các cô, các chú, nhưng vì bận nhiều việc quá chưa đi được.

Nhân dịp ngày Nhi đồng quốc tế (1-6), Bác thân ái chúc các cháu mạnh khoẻ, vui vẻ và Bác khuyên các cháu mấy điều sau đây:

- Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ.

Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé.

Đoàn kết giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác.

Đoàn kết giữa các cháu miền Nam với các cháu và đồng bào địa phương.

Đoàn kết giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ.

- Các cháu phải yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, vì tự do phóng túng là không tốt.

- Trong sinh hoạt hằng ngày, các cháu nên tập tự lực cánh sinh cho quen. Các cháu bé cũng vậy, không nên làm nũng.

- Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc để trở nên những nhi đồng có tổ chức, có kỷ luật, có sáng kiến, có lực lượng.

Các cô, các chú cán bộ thì:

- Nên yên tâm công tác. Phải hiểu rằng không có công tác gì vẻ vang bằng việc chǎm nom bồi dưỡng cho các cháu là những người chủ tương lai của nước nhà.

- Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, các cô, các chú phải thật thà đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, không nên “đứng núi này trông núi nọ”, muốn thay đổi công tác, kèn cựa vì địa vị.

- Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta, cũng là do Đảng và Chính phủ giao cho các cô, các chú phụ trách nuôi dạy.

- Trong công tác, trong học tập, các cô, các chú nên cố gắng thi đua, trao đổi kinh nghiệm, để cùng nhau tiến bộ không ngừng.

Trong thời gian ở đây, gần Đảng, gần Chính phủ, gần Bác, các cháu và các cô, các chú nên hǎng hái học tập và công tác: Sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, trở lại quê hương, các cháu và các cô, các chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, cũng như về mọi mặt khác.

Từ nay, các cháu và các cô, các chú nên tổ chức thi đua. Đến ngày Quốc khánh (2-9), Bác sẽ có giải thưởng cho những cháu và những cô, những chú có thành tích khá nhất.

Bác gửi các cháu và các cô, các chú nhiều cái hôn.

Ngày 1 tháng 6 nǎm 1955
HỒ CHÍ MINH

Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t7, tr 561-562.

(Còn nữa…)
Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: