Thư gửi các cháu lưu học sinh ở Mát-xcơ-va
Thân gửi các cháu lưu học sinh kỹ thuật, tiếng Nga và các cháu thiếu nhi Việt Nam học ở Mát-xcơ-va.
Bác và phái đoàn muốn thăm tất cả các cháu. Tiếc vì bận quá không thể đi được.
Bác rất vui lòng được biết tất cả các cháu đều cố gắng chăm chỉ học tập và biết tiết kiệm. Như thế là rất tốt. Thế là các cháu đã thực hiện được lời Bác dặn: Ở Liên Xô cũng phải luôn luôn nhớ đến hoàn cảnh khó khăn ở trong nước.
Nay phái đoàn trở về nước, Bác có mấy điều dặn chung các cháu:
1. Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học ngành nào cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của Tổ quốc, của nhân dân mà định, không thể tuỳ theo sở thích riêng của mình.
2. Các cháu thiếu niên phải luôn luôn ngoan ngoãn, kính trọng, vâng lời cô giáo, thầy giáo và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Nghe nói có vài cháu chưa được thật ngoan, còn hơi bướng bỉnh. Bác mong các cháu ấy hãy cố gắng sửa chữa để tất cả các cháu trở thành những thiếu nhi ngoan ngoãn, xứng đáng là cháu ngoan của Bác.
3. Nhờ Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô hết lòng giúp đỡ các cháu ăn học, vậy các cháu phải chăm học tiến bộ và đoàn kết với các bạn Liên Xô. Như thế mới xứng đáng với công ơn giáo dục của Liên Xô.
Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất mong muốn các cháu ngày càng tiến bộ, học tập được nhiều kết quả để mai sau về nước phục vụ nhân dân. Bác luôn theo dõi sự tiến bộ của các cháu. Bác mong các cháu có nhiều thành tích mới báo cáo cho Bác.
Bác hôn các cháu.
Lếccút, ngày 19 tháng 7 năm 1955
BÁC HỒ
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t8, tr25.
Gửi các em học sinh
Nhân dịp ngày mở trường, báo Nhân Dân thân ái chào mừng các em và có mấy lời nhắn nhủ các em:
Biết rằng bố mẹ, thầy giáo, Đảng và Chính phủ đều quan tâm đến mình - chắc các em sẽ vui vẻ và hăng hái học tập.
Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc.
Nước ta mới giải phóng được một năm, chế độ cũ của thực dân và phong kiến không khỏi còn để lại ít nhiều ảnh hưởng không tốt trong những đầu óc trẻ non. Vậy chúng ta phải dùng tinh thần và đạo đức mới để rửa gọt những ảnh hưởng ấy. Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công, (5 cái yêu).
Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm.
Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.
Ở xã hội, thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung.
Đảng, Chính phủ và nhân dân ta lo cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, tăng cường quốc phòng, củng cố miền Bắc... để thống nhất nước nhà - đều nhằm mục đích xây dựng cho các em một đời sống tươi vui, sung sướng. Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Chúc các em thi đua học tập và tiến bộ, cho xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ!
(Sẵn đây, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục cùng các thầy giáo và các đại biểu của học sinh xét lại "10 điều ghi nhớ" của tiểu học và "12 điều ghi nhớ" của trung học, để cho các em học sinh dễ ghi nhớ và dễ thực hành hơn.)
C.B. (Bút danh của Bác Hồ).
Báo Nhân Dân số 600, ngày 24-10-1955
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t8, tr. 74-75.
Thư gửi giáo viên, học sinh cán bộ thanh niên và nhi đồng
Thân ái gửi toàn thể thầy giáo, học trò và cán bộ thanh niên và nhi đồng,
Nhân dịp các trường bước vào năm học mới, tôi có mấy lời gửi anh chị em và các cháu:
Trong năm học vừa qua, từ khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, các thầy giáo và cán bộ đã cố gắng nhiều. Các cháu học trò đã có những tiến bộ khá. Nhà trường đông đúc vui vẻ. Đó là một thành tích đáng mừng.
Nhưng đó mới là bước đầu.
Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa.
Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: Dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tuỳ hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân.
Ngoài ra, mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
- Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các các cháu.
Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân.
Chúc các thầy giáo, cán bộ và các cháu năm học mới: Đoàn kết, cố gắng, tiến bộ.
Chào thân ái!
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1955
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân Dân, số 610, ngày 3-11-1955.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t8, tr 80-81
Thiếp chúc mừng năm học mới
Thân ái gửi các trường học,
Nhân dịp đầu năm học mới,
Bác mong các cháu học sinh thi đua học hành, kính thầy yêu bạn và tiến bộ nhiều.
Tôi mong các giáo viên thi đua dạy bảo cho các cháu mau tiến bộ.
Tôi mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp.
Chào thân ái!
Ngày 20 tháng 9 năm 1956
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân Dân, số 930, ngày 21-9-1956.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t8, tr 251.
Thư gửi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ
Gửi đồng bào thị xã Phát Diệm và các xã Vĩnh Khang, Tam Cường, Diễn Liên, Liên Sơn,
Tôi rất vui lòng được báo cáo nhiều nơi đồng bào đã thanh toán nạn mù chữ. Nông thôn cả nước thì Vĩnh Khang là xã dẫn đầu trong thành tích thoát nạn mù chữ, rồi tiếp đến các xã Tam Cường, Liên Sơn, Diễn Liên và nhiều xã khác.
Các thị xã thì Phát Diệm là thị xã đã thanh toán nạn mù chữ trước nhất.
Đó là một thắng lợi vẻ vang bước đầu trên mặt trận vǎn hoá; vẻ vang riêng cho đồng bào các địa phương ấy và vẻ vang chung cho cả nước ta.
Có thắng lợi ấy là nhờ sự đoàn kết nhất trí: Toàn thể đồng bào cố gắng, toàn thể cán bộ, nhất là cán bộ bình dân học vụ, tận tụy không ngừng.
Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi đồng bào và cán bộ, đồng thời khuyên đồng bào và cán bộ tiếp tục cố gắng học thêm mãi để tiến bộ mãi.
Tôi cũng khuyên đồng bào và cán bộ các địa phương khác ra sức thi đua theo cho kịp đồng bào Vĩnh Khang, Phát Diệm... trong công tác bình dân học vụ.
Thanh toán nạn mù chữ là bước đầu nâng cao trình độ vǎn hoá. Trình độ vǎn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ vǎn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Tôi mong đồng bào và cán bộ đều cố gắng.
Chào thân ái và thành công
Ngày 21 tháng 12 nǎm 1956
HỒ CHÍ MINH
Hồ Chí Minh toàn tập,NXB Chính trị Quốc gia Tập 8, tr 281-282.
Báo Nhân Dân, số 1024, ngày 24-12-1956.
Thư gửi các cụ “Phụ lão diệt dốt” xã Nam Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ Tĩnh
Kính gửi các cụ " Phụ lão diệt dốt”
Tôi xin cảm ơn các cụ đã gửi thư cho tôi và rất vui lòng được biết rằng xã ta đã thanh toán xong nạn mù chữ.
Các cụ đã ra sức đôn đốc và giúp đỡ đồng bào trong việc bình dân học vụ, như vậy các cụ thật xứng đáng là “lão đương ích tráng”.
Tôi rất mong rằng từ nay các cụ sẽ tiếp tục đôn đốc và giúp đỡ đồng bào trong xã:
- Cố gắng học thêm nữa để nâng cao hơn trình độ vǎn hoá.
- Đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã một cách khẩn trương và chắc chắn, làm nhiều tiểu thuỷ nông, dùng nhiều phân bón, cải tiến kỹ thuật, thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để nâng cao mức sống hơn nữa.
- Đoàn kết chặt chẽ, xây dựng và phát triển mĩ tục thuần phong.
Như các cụ đã biết, đồng bào trong nước và nhân dân các nước anh em rất chú ý đến xã ta. Vì vậy, xã ta nên cố gắng thành một xã kiểu mẫu về mọi mặt: kinh tế, chính trị, vǎn hoá, xã hội
Kính chúc các cụ mạnh khoẻ, sống lâu và nhờ các cụ chuyển lời chào thân ái của tôi đến tất cả anh em, bà con và các cháu thanh niên, nhi đồng trong xã ta và các xã láng giềng.
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 nǎm 1958
HỒ CHÍ MINH
Bản chụp bút tích, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t9, tr271.
Lời căn dặn giáo viên mẫu giáo
Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt.
Công tác giáo viên và mẫu giáo có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích đào tạo những người công dân tốt, cán bộ tốt cho Tổ quốc, cho chủ nghĩa xã hội. Điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức. Anh chị em giáo viên và mẫu giáo cần luôn luôn gương mẫu về đạo đức để các cháu noi theo.
Hồ Chí Minh
Báo Nhân Dân, số 2016 ngày 23-9-1959
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t9, tr509.
Thư gửi cán bộ và giáo viên bổ túc văn hóa
Gửi các đồng chí cán bộ và giáo viên bổ túc văn hóa,
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì càng phải tăng gia sản xuất.
Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến.
Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hoá.
Vì vậy công việc bổ túc văn hoá là cực kỳ cần thiết.
Công việc bổ túc văn hoá đối với người dạy và người học đều có khó khăn hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng với quyết tâm và tinh thần xã hội chủ nghĩa thì khó khăn gì cũng khắc phục được và bổ túc văn hoá nhất định sẽ thành công.
Chúc các bạn cố gắng thi đua và thu được nhiều thắng lợi.
Chào thân ái
Ngày 17 tháng 12 năm 1959
HỒ CHÍ MINH
Bản chụp bút tích, lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t9, tr577.
Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa
Nhân dịp bắt đầu năm học 1960 – 1961, tôi thân ái gửi lời hỏi thăm các đồng chí cán bộ giáo dục và các cháu học sinh, sinh viên các trường.
Mười lăm năm qua, các trường học và ngành Giáo dục đã thu được những thành tích tốt. Trong những năm gần đây, các trường học đã tiến bộ trong việc xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa.
Năm học này là năm kết thúc kế hoạch 3 năm và bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Văn hoá giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng. Văn hoá giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Các đồng chí cán bộ và các cháu phải thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mặt trận ấy.
Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế.
Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất.
Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập.
Thân ái chúc các đồng chí cán bộ giáo dục và các cháu mạnh khoẻ, cố gắng nhiều và tiến bộ nhiều.
Ngày 31 tháng 8 năm 1960
HỒ CHÍ MINH
Báo Nhân Dân, số 2360, ngày 4-9-1960.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 10, tr. 190 – 191.
Thư khen tỉnh Hòa Bình, tỉnh miền núi đầu tiên xóa xong nạn mù chữ
Thân ái gửi đồng bào và cán bộ tỉnh Hoà Bình,
Tôi rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời khen ngợi tỉnh nhà, là tỉnh miền núi đầu tiên đã xoá xong nạn mù chữ.
Trước đây, dưới chế độ thực dân và phong kiến, ở Hoà Bình hơn 95% người mù chữ, cả tỉnh chỉ có một trường tiểu học.
Ngày nay, dưới chế độ dân chủ tốt đẹp của ta, 95% nhân dân biết đọc biết viết, tất cả 194 xã đều có trường tiểu học, trong tỉnh lại có nhiều trường cấp II, cấp III và trường sư phạm. Đó là một thắng lợi vẻ vang.
Thắng lợi vẻ vang đó là do sự cố gắng của toàn thể đồng bào và cán bộ, do chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta.
Nhưng đồng bào và cán bộ ta chớ vì thắng lợi mà tự mãn. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá, phải ra sức củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1961, để cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Chúc đồng bào và cán bộ hăng hái thi đua và thu nhiều thắng lợi.
HỒ CHÍ MINH
Thư gửi ngày 17-1-1961
Báo Nhân Dân, số 2512, ngày 3-2-1961.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, t10, tr 249.
Thư gửi thiếu niên, nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong
Các cháu yêu quý,
15 tháng 5 nǎm 1961 là ngày kỷ niệm 20 tuổi của Đội thiếu niên tiền phong. Bác gửi các cháu lời chúc mừng thân ái nhất.
Trong thời kỳ qua, từ Bắc đến Nam, thiếu niên và nhi đồng đã hǎng hái tham gia cách mạng và kháng chiến, có những thiếu niên và nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc, như Kim Đồng, Lê Vǎn Tám và nhiều cháu khác.
Từ ngày hoà bình trở lại, ở miền Bắc có Đảng lãnh đạo, có Đoàn giúp đỡ, các cháu đều chǎm chỉ học hành, tham gia lao động, cháu nào cũng ngoan. Bác vui lòng khen ngợi các cháu.
Nhưng chúng ta phải luôn luôn nhớ đến thiếu niên và nhi đồng ở miền Nam ruột thịt, đang bị bọn Mỹ – Diệm áp bức đoạ đày.
Để ủng hộ đồng bào miền Nam (kể cả thiếu niên và nhi đồng) đấu tranh chống Mỹ – Diệm, đồng bào miền Bắc phải thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh để thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Các cháu cũng tham gia đấu tranh, bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
- Yêu Tổquốc, yêu đồng bào.
- Học tập tốt, lao động tốt.
- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
- Giữ gìn vệ sinh.
- Thật thà, dũng cảm.
Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Bác gửi các cháu nhiều cái hôn!
BÁC HỒ
Báo Nhân Dân, số 2610, ngày 14-5-1961.
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia,t10, tr 356-357.
Thư Bác Hồ và Bác Tôn gửi các cháu thiếu nhi Trường Hoàng Lệ Kha
(Tây Ninh) và tất cả các cháu miền Nam
Các cháu yêu quí,
Đọc thư các cháu trường Hoàng Lệ Kha gửi cho hai Bác nhân dịp tết Trung thu, hai Bác rất vui mừng và cảm động. Các cháu rất nhớ hai Bác và mong đến ngày nước nhà thống nhất. Cũng như đồng bào miền Bắc, hai Bác rất thương các cháu thiếu nhi miền Nam và mong miền Nam mau đến ngày giải phóng, cho Bắc Nam sum họp một nhà.
Vì giặc Mỹ và bọn tay sai bán nước mà đồng bào và các cháu miền Nam phải chịu nhiều đau khổ. Các cháu như hoa mới nở, như mầm non mới lên, mà quân thù dã man đã ra tay vùi dập.
Chính vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì tương lai hạnh phúc của con em, mà hơn mười năm nay đồng bào miền Nam, cha mẹ cô bác của các cháu đã chiến đấu vô cùng oanh liệt, hy sinh tất cả để đánh đuổi giặc Mỹ và lũ tay sai. Và các cháu thiếu nhi miền Nam cũng sớm theo gót cha anh mà góp phần chống Mỹ cứu nước.
Hai Bác rất vui lòng nghe nói các cháu đã làm được nhiều việc có ích như: giúp gia đình sản xuất, làm công tác thông tin liên lạc, đào hầm, vót chông, giúp các cô bác xây dựng làng chiến đấu..v.v.. Hai Bác càng mừng được biết các cháu luôn luôn cố gắng học tập tốt trong hoàn cảnh rất khó khăn, dù là những nơi quân lính giặc luôn luôn càn quét xóm làng, máy bay Mỹ luôn luôn bắn phá trường học. Nhiều cháu đã tỏ ra gan dạ, thông minh, xứng đáng là con em của miền Nam anh hùng.
Đồng bào miền Nam ta rất anh hùng. Thiếu nhi miền Nam ta cũng rất anh hùng.
Cuộc đấu tranh yêu nước vô cùng anh dũng của đồng bào miền Nam ta, có sự giúp đỡ hết lòng của đồng bào miền Bắc, của các nước xã hội chủ nghĩa, và của nhân dân tiến bộ toàn thế giới nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.
Nhất định miền Nam ta sẽ được giải phóng !
Nước Việt Nam ta nhất định sẽ thống nhất hoàn toàn !
Hai Bác tin chắc rằng :
"Bắc Nam sẽ sum họp một nhà,
Bác cháu ta sẽ gặp mặt, trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi".
Hai Bác, đồng bào và thiếu nhi miền Bắc gửi các cháu cái hôn, và thân ái gửi lời hỏi thăm các thầy cô giáo cùng bố mẹ của các cháu.
Bác Hồ và Bác Tôn,
Bác Hồ với Giáo dục, NXB Giáo dục, tr 244-245.
Thư gửi các cháu học sinh xã Nam Liên (Nghệ An)
Thân ái gửi các cháu học sinh xã Nam Liên,
Bác đã nhận được thư của các cháu, Bác rất vui mừng. Các cháu học sinh đã cố gắng thi đua học tập tốt, lao động tốt, góp phần xây dựng quê hương chống Mỹ, cứu nước.
Bác hoan nghênh đồng bào, cấp uỷ đảng, chính quyền, các thầy giáo, cô giáo xã Nam Liên đã chăm lo đến việc dạy và học và đảm bảo tốt phòng không an toàn cho các thầy giáo, cô giáo và các cháu.
Bác hôn các cháu.
Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 1967
BÁC HỒ
Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ - Tĩnh,
Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ - Tĩnh, 1977, tr.155.
Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy cô, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (Tháng 10-1968)
Các cô các chú và các cháu thân mến,
Nhân dịp đầu nǎm học thứ tư chống Mỹ, cứu nước, Bác thân ái gửi lời thǎm hỏi tất cả các cô, các chú và các cháu.
Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết.
Bác vui lòng biết rằng mặc dù hoàn cảnh khó khǎn, hiện nay miền Bắc nước ta đã có một vạn hai nghìn trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp một, nhiều xã đã có trường cấp hai, các huyện đều có ít nhất một trường cấp 3. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ và công nông đang học bổ túc vǎn hoá. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tǎng gần gấp 3 lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức.
Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ.
Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, quân sự, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ.
Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng; và cũng do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khǎn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhân dịp này, Bác khen ngợi những cố gắng và thành tích mà các cô, các chú và các cháu đã đạt được.
Nhưng đế quốc Mỹ vẫn còn ngoan cố. Cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khǎn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, Đảng và nhân dân giao cho các cô, các chú, các cháu nhiệm vụ lớn hơn trước. Vì vậy, Bác nhắc các cô, các chú và các cháu mấy điều sau đây:
- Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đốí trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
- Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
- Các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn.
Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang.
Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.
Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâmhơn nữa đến sự nghiệp này, phải chǎm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.
Bác mong chờ những thành tích mới của các cô, các chú và các cháu.
Chào thân ái và quyết thắng
BÁC HỒ
Báo Nhân Dân, số 5299,ngày 16-10-1968
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia t12, tr 402-404.
Kim Yến (Tổng hợp)