I. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò người chiến sỹ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rằng chúng ta chỉ tiến hành chiến tranh khi không còn con đường nào khác, không còn bất kỳ tia hy vọng nào để cứu vãn hoà bình do kẻ thù ngoan cố và hiếu chiến. Vì thế, chúng ta luôn phải chuẩn bị lực lượng và sẵn sàng, khi đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và nhân dân thì phải chủ động và kiên quyết, không ngừng thế tấn công để kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất, trong điều kiện lực lượng ta và địch quá chênh lệch thì: “Đánh bại ý chí xâm lược từng bước, đi đến đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của kẻ thù”(1).
Bác Hồ thăm một đơn vị bộ đội thuộc Quân khu 4 (năm 1961). Ảnh:Tư liệu
Quan điểm về nghệ thuật chiến tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một phần trong lý thuyết quân sự thiên tài của Người đối với hệ thống lý luận quân sự hiện đại Việt Nam. Đó là quân sự của chính nghĩa, là tổng hợp những tinh hoa chiến lược, sách lược, là phát huy phối hợp thế mạnh của thời đại, lòng yêu nước của dân tộc, tình đoàn kết, trí thông minh sáng tạo hình thành nên sức mạnh vô địch, nhấn chìm mọi kẻ thù xâm lược.
Trong tư tưởng quân sự của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức một cách sâu sắc rằng người chiến sỹ chính là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Người chiến sỹ quân đội mới, anh bộ đội cụ Hồ, sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết hăng hái làm tròn nhiệm vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không coi nhẹ vũ khí, tuy “vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn là người vác súng”, vì thế “không sợ thiếu vũ khí, chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”. Vì vậy, trong suốt bề dày sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức để đào tạo, rèn luyện, chăm sóc những thế hệ chiến sỹ cầm súng trung thành, có bản lĩnh chính trị, tri thức về quân sự, trình độ văn hoá và sức khoẻ dồi dào, là những con người dám “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không quan tâm đến chiến sĩ một cách chung chung, mà Người chú trọng đến đời sống vật chất của bộ đội bằng chỉ thị “phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sỹ”.
Người cũng yêu cầu trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể, theo chức năng và cấp bậc, mỗi người cán bộ phải phấn đấu trở thành tấm gương có sức cảm hoá, thuyết phục trong mỗi hoạt động của mình. Người dạy: “Từ Tiểu Đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”(2).
Bên cạnh đó, để duy trì kỷ luật quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ cần phải: “Quyết tâm phản đối tất cả những hành động tiêu cực, lung lay, ích kỷ và báo cáo láo... Chính phủ, Bác và Tổng Tư lệnh sẵn sàng thưởng cho những người có thành tích, nhưng trái lại, người nào làm sai mệnh lệnh, báo cáo láo thì phải phạt nghiêm khắc”(3).
II. Sự quan tâm sâu sát , dạy bảo, động viên, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các quân binh chủng trong quân đội nhân dân Việt Nam(4)
Để phát huy nhân tố đặc biệt quan trọng là người chiến sỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan tâm tới mọi cán bộ chiến sỹ ở tất cả quân binh chủng khác nhau, có khi chỉ là một bức thư, một lần thăm hỏi, tình cờ gặp gỡ, cuộc nói chuyện tâm tình... nhưng mỗi lời dạy của Người đều là cẩm nang quý báu để bồi dưỡng, giáo dục thường xuyên cho cán bộ, chiến sỹ mãi mãi về sau.
Tháng 10.1945, tại Lễ Tốt nghiệp khoá học thứ tư Trường Quân chính Việt Nam, Hồ Chủ tịch căn dặn cán bộ, học viên: “Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”; Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm; Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm; Trung thành với những mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”.
Tháng 12.1945, Bác đến thăm Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu mới thành lập, Người căn dặn: “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan cơ mật giúp Trung ương và Chính phủ xây dựng và điều chỉnh bộ đội, bày mưu tính kế để đánh thắng kẻ thù. Muốn thắng địch phải biết địch, biết ta, nắm chắc ý định cấp trên, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Phải có mưu trí sáng tạo. Muốn làm tốt phải khiêm tốn không ngừng học hỏi, vừa làm vừa học thêm, học trong thực tế công tác, lại phải giữ nghiêm kỷ luật và giữ bí mật”.
Tháng 3.1948, trong thư gửi Hội nghị quân y, Hồ Chủ tịch viết về chiến sỹ quân y: “Người làm thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện thiếu thốn, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những trường hợp như vậy, chúng ta nên lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”.
Tháng 8.1949, trong thư gửi Hội nghị tình báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Biết địch là nhiệm vụ của tình báo. Bên ta phải biết rõ địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy, nhiệm vụ của tình báo là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: Bí mật - Cẩn thận - Khôn khéo - Kiên nhẫn và phải tuyệt đối tẩy sạch những chứng khoe khoang, ba hoa, cẩu thả, hấp tấp, lộ bí mật, làm việc luôm thuộm, sơ xuất hoặc làm bằng cách bàn giấy. Tình báo phải có huấn luyện hẳn hoi, huấn luyện tinh thần và kỹ thuật”.
Tháng 3.1951, Bác đến thăm Trung đội Công binh đang làm hầm cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hoàng Hoa Thám trong rừng Việt Bắc, Người giảng giải: “Quân đội ta có nhiều nhiệm vụ khác nhau và nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Bộ binh thì như nòng súng. Công binh như báng súng. Súng muốn bắn được phải cần có cả hai bộ phận ấy và nhiều bộ phận khác nữa, hoặc để dễ hiểu hơn: Quân đội ta ví như cái mác, bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác, lưỡi có sắc, cán có chắc thì mới đâm được giặc”. Cũng trong thời gian ấy, Người đến thăm các đơn vị ô tô đầu tiên của Cục Vận tải ôtô Bộ Quốc phòng, Bác căn dặn: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”.
Tháng 6.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất: “Bổn phận của cán bộ cung cấp là phục vụ chiến sĩ đi đánh giặc và những người dân công đi giúp chiến dịch. Đối với chiến sĩ, phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc. Đối với dân công cũng phải như vậy, nếu họ đói, họ ốm, ảnh hưởng đến công tác của các chú trước, rồi ảnh hưởng đến cả chiến dịch”.
Tháng 9. 1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), gặp gỡ với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tháng 10.1960, Bác đến thăm Trung đoàn Hàng không của Cục Không quân, Người nói: “Nước mình rồi phải có không quân hiện đại, phải có những chiến sỹ lái máy bay phản lực. Nhưng bước đầu thì phải đi từ những cái dễ hiểu, dễ sử dụng, rồi dần dần đầu óc sẽ được mở mang ra, chân tay thuần thục khéo léo thêm, thì rồi cái gì, dù tinh vi phức tạp đến đâu, ta cũng có thể nắm được, hiểu được và làm được. Đất nước giàu mạnh lên, quân dội cũng có đủ trang bị hiện đại như máy bay, xe tăng, tên lửa”.
Tháng 3.1961, Hồ Chủ tịch thăm bộ đội hải quân vùng biển Đông Bắc, Người dặn dò: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới”.
Tháng 7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Đại đội 6 Thông tin ở ngoại thành Hà Nội, Người chỉ rõ: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người".
Tháng 3. 1967, nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt".
Tháng 4. 1967, trong thư gửi Bộ đội Pháo binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Pháo binh ta có truyền thống oanh liệt chân đồng vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”.
Cuối cùng, trong bản Di chúc lịch sử, Người cũng không quên dặn dò Đảng và Nhà nước phải quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và nhất là công ăn việc làm của bộ đội phục viên, chuyển ngành khi cuộc kháng chiến của ta hoàn toàn thắng lợi./.
III. Tình cảm và tấm lòng Bác Hồ với cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam(5)
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn người chiến sỹ quân đội nhân dân ta phải được đào tạo và phát triển một cách toàn diện và phải được chăm lo đến quyền lợi, lợi ích, đặc biệt là những nhu cầu chính đáng để mỗi người có thể yên tâm, phấn khởi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bằng những hành động và việc làm hàng ngày của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương mẫu mực về sự quan tâm, săn sóc, gần gũi với đời sống cán bộ chiến sỹ một cách chân thành, giản dị, thấu tình đạt lý, công bằng, dân chủ nhưng cũng rất bao dung và độ lượng.
Năm 1954, trên Chiến khu Việt Bắc, một đêm mưa phùn gió rét, Bác đang đánh máy chữ trên nhà sàn bỗng nghe tiếng ngã bên ngoài, đó là anh chiến sỹ đứng gác sơ ý bị sa chân xuống hố tránh máy bay. Bác vội chạy xuống không kịp khoác áo bông, chỉ đi một chiếc guốc, kéo anh chiến sỹ lên rồi nắn chân tay anh nói: “Chú ngã thế đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau”. Đến khi anh chiến sỹ đứng dậy đi được, Bác mới quay vào nhà.
Lần khác, một chiến sỹ tuần đêm nhiễm lạnh bị ho, Bác lấy cái áo trấn thủ của mình đưa cho anh mặc cho đỡ rét, nhưng anh không dám nhận, Bác giục: “Chú cứ giữ lấy mà mặc. Bác đã có áo khác rồi. Thôi, mặc vào cháu!”. Và Người tự tay lồng chiếc áo vào vai anh lính trẻ.
Một hôm, có anh chiến sỹ liên lạc chạy công văn hoả tốc đến đưa tận tay Bác, Người xem công văn xong bảo anh liên lạc xuống trạm nghỉ, mai trả lời, tuy anh liên lạc băn khoăn vì Đại đội trưởng dặn là phải đi cùng Bác về ngay nhưng vẫn phải nghỉ lại. Sáng hôm sau, cơm nước xong, Bác gọi anh liên lạc lên nói: “Bác cảm ơn Đại đội đã mời Bác ăn liên hoan mộc tồn (thịt chó). Cháu cứ đi bình thường, không phải hoả tốc đâu”. Và anh Đại đội trưởng nhận phong thư Bác trả lời, ngoài ghi chữ thuỷ tốc.
Năm 1955, anh thương binh Vương Nhị Chi (bị thương mất cả hai tay) được mời đến Phủ Chủ tịch dự tiệc chiêu đãi mừng Quốc khánh. Vì lần đầu tiên được đến đây nên anh đến sớm đi vòng quanh ngắm tòa nhà và rẽ vào nhà vệ sinh. Lúc đó sớm quá, chưa có ai để nhờ nên anh đành loay hoay tự thao tác. Bỗng một giọng nói nhẹ, ấm cất lên: “Để Bác giúp chú”, anh giật mình quay lại, lúng túng hơn vì đó là Bác Hồ. Người đã giúp anh hoàn thành công việc và đưa anh lên phòng khách. Cho đến hết buổi chiêu đãi, anh vẫn bàng hoàng về sự giúp đỡ của Bác, một vị Chủ tịch nước(5a).
Mùng 1 Tết năm 1956, anh em trong đơn vị bảo vệ Phủ Chủ tịch về quê hết, chỉ còn một đồng chí ở lại trực. Khoảng 9h sáng, Bác sang chúc Tết, mừng tuổi anh chiến sỹ một chiếc bánh chưng, một gói kẹo và khen: “Các chú thật cần cù, chịu khó, quanh năm vất vả”, rồi Bác nắm tay anh chiến sỹ mời sang xông nhà cho Người. Đầu năm 1959, một Đoàn cán bộ chiến sỹ chuẩn bị mở đường vào Nam thì Bác đến thăm. Người xem từng chiếc balô, nhắc anh em kiểm tra từng que diêm, tờ giấy, thấy đồng chí Bạch không có đồng hồ, Bác hỏi rồi gật đầu không nói gì. Buổi tối hôm ấy, anh em đang liên hoan chia tay thì một đồng chí ở văn phòng Phủ Chủ tịch đến gặp đồng chí Bạch, đưa cho anh một chiếc dồng hồ và nói: “Đây là chiếc đồng hồ của Bác, Bác gửi tặng đồng chí”(5b). Một buổi sáng, có anh Tiểu đội trưởng đứng gác thấy bên cạnh nhà sàn của Bác có cây xoài rất sai quả bèn trèo lên hái. Đang ở trên cây anh hoảng hốt vì Bác dậy sớm đi tập thể dục qua phát hiện ra, lập tức Người chạy lại nhắc anh bình tĩnh hái đủ xoài cho cả Tiểu đội và còn đề nghị thả xuống cho Bác một qủa xanh. Khi anh chiến sỹ xuống đến mặt đất an toàn, Bác mới nói: “Trèo cây sớm, sương ướt lại không có dây bảo vệ rất nguy hiểm. May không sao. Bác cho chú thêm một quả!”. Tiểu đội trưởng cầm quả xoài cuả Bác nghẹn ngào. Cũng từ đó, anh em cảnh vệ đều nhận được qủa tươi mỗi mùa.
Lần ra thăm chiến sĩ đảo Vạn Hoa, Bác hỏi về khẩu phần lương thực, thực phẩm của anh em rồi phê bình đồng chí Tư lệnh Hải quân vì bộ đội ở cạnh biển mà thiếu cá ăn. Sau đó, Người hỏi tiếp và biết các chiến sỹ chưa được xem văn nghệ bao giờ và nửa năm mới được một tối xem phim, Người đã chất vấn và yêu cầu đồng chí Tổng Tham mưu trưởng hứa cụ thể thời gian bộ đội ngoài đảo được xem văn công, xem phim thì Người mới gật đầu đồng ý.
Chị Trần Thị Lý, người con gái anh hùng đất Quảng ra Bắc điều trị bệnh được vào gặp Bác nhiều lần, chị được chụp ảnh và ăn cơm cùng với Người tại nhà sàn. Chị kể rằng Bác chăm sóc chị bằng tình thương yêu vô bờ bến: Lúc đi dạo trong vườn Bác không đưa chị đi trên đường sỏi vì Người biết chân chị giẫm lên sỏi sẽ ảnh hưởng đến vết thương trên đầu; Bác cho chị nhiều quà, từ lọ nước hoa đến chai mật ong xoa vết thương, chiếc áo len đỏ chống rét, mấy thước vải hoa đến túi chườm nước nóng, chiếc quạt giấy, lọ cắm hoa và cả chiếc vali Người đang dùng...(5c).
Mùa hè năm 1967 rất nóng, Bác nói với đồng chí thư ký lên xem bộ đội phòng không trực chiến trên nóc Hội trường Ba Đình có đủ nước uống không. Được biết các chiến sỹ không có nước uống, Bác bảo đồng chí thư ký lấy sổ tiết kiệm của Bác (Bác gửi tiền nhuận bút các báo gửi cho Người vào đấy) xem còn khoảng hơn 25.000đ (lúc bấy giờ tương đương khoảng 60 lạng vàng), Người nói tặng ngay số tiền đó để Bộ Tư lệnh Phòng không mua nước ngọt cho anh em chiến sỹ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Về sau, Bác được báo cáo lại số tiền này đã mua nước uống cho bộ đội phòng không được một tuần.
Tháng 5.1969, sức khoẻ Bác lúc đó đã yếu lắm, nhưng Người vẫn đến thăm Hội nghị cao cấp toàn quân họp tại đình Hội đồng ở cuối đường Xoài. Bác dặn anh em bố trí sao để các đồng chí quân đội không biết Bác yếu, vì nếu biết sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng toàn quân nên khi mọi người hướng ra cửa chính đón Bác thì Người bí mật đi cửa sau. Buổi gặp gỡ rất vui vẻ, phấn khởi, cuối cùng Bác căn dặn: “Phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng”. Khi chia tay, mọi người đều muốn tiễn Bác ra xe, nhưng như thế thì lộ bí mật, thế là Bác hô khẩu lệnh: “Tất cả đứng dậy!”, rồi “Đằng sau quay!”, trong lúc mọi người nghe lệnh, anh em lại nhanh chóng dìu Bác ra xe về nhà sàn. Lần gặp gỡ cuối cùng của Bác Hồ với các cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đã diễn ra như thế(6).
Là người sáng lập và rèn luyện quân đội ta trưởng thành, lớn mạnh, là vị Tổng Tư lệnh tối cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp xây dựng, phát triển quân đội ta một cách toàn diện, chính quy, hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết nắm vững và xử lý một cách khách quan, khoa học nguyên tắc về mối quan hệ giữa tư tưởng, lý luận và thực tiễn. Vì vậy, không chỉ bằng câu nói, bài viết, lời dạy bảo ân cần mà thông qua các hoạt động thực tế của mình, Người đã dành cả tấm lòng thương yêu vô bờ như tình cảm cha con, bác cháu, đồng chí cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam.
Trải qua chặng đường 69 năm với những chiến công lừng lẫy quang vinh, cũng chính nhờ sự dìu dắt và tình cảm thương yêu lớn lao ấy của Đảng và Bác Hồ, người chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, nhân dân và lời ngợi khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(7)./.
Chú thích:
1, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia 2000, tr 252.
2, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 1996, tập IV, tr 247.
3, S.đ.đ nt tập VI, tr 560.
4, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 1996 (từ tập III đến tập X).
5, Bác Hồ với chiến sỹ. Nxb Quân đội nhân dân 2001 (từ tập I đến tập IV).
5a, Tuần báo Đại đoàn kết số 31, từ 31.7 đến 6. 8 năm 1990.
5b, Tấm lòng của Bác. Nxb Công an nhân dân 2004, tr 265.
5c, Bác Hồ với đất Quảng. Nxb CTQG 2000, tr 173.
6, Thư ký Bác Hồ kể chuyện. Nxb CTQG 2005, tr 574.
7, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 1996, tập XI, tr 350.
Bùi Kim Hồng
Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo ditichhochiminhphuchutich
Bùi Hảo (st)