Tôi gặp chị Nguyễn Thị Mai Lan trong Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh Kon Tum và rất ấn tượng với 3 mô hình làm theo Bác của Hội Phụ nữ thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) nơi chị làm Chủ tịch hội.

Day dứt khi người dân còn nghèo

Mặc dù là chủ nhân của ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, nhưng chị Mai Lan vẫn mang dáng dấp của một nông dân thuần phác. Chị ra mở cửa đón tôi khi đôi tay vẫn dính đầy cám lợn, chị cười hiền và giải thích: “Về đến nhà là phải tranh thủ ngay chú ạ!”. Tôi hiểu, một người mang sứ mệnh “vác tù và hàng tổng” như chị thì thời gian ở nhà quý lắm. Chả thế mà tôi hẹn cả tháng, chị mới “ưu tiên” dành cho một buổi sáng chủ nhật. Chưa đến 5 giờ, chị đã điện: “Chú xuống trong buổi sáng nhé, chiều chị phải vào làng để hướng dẫn đồng bào cách tăng gia, chăn nuôi…”.

Tôi chiêm ngưỡng ngôi nhà của chị: “Chị giàu thật đấy!”. Vậy nhưng chính điều đó đã “động” đến những ký ức của chị.

hoc-bac-bqllang.gov.vn
Chị Nguyễn Thị Mai Lan chăm sóc đàn lợn của gia đình

Năm 1994, anh chị và cháu đầu lòng rời quê hương Phú Thọ vào lập nghiệp ở Tây Nguyên với hai bàn tay trắng. Lúc đó, Đăk Rve còn heo hút lắm, anh chị phải lên rừng lấy cây về dựng một căn nhà tạm, rồi phát rẫy, làm nương. “Khó có thể kể hết những nỗi cơ cực lúc đó chú ạ! Có củ sắn, củ khoai qua ngày là tốt lắm rồi. Lúc đó, nằm mơ chị cũng không dám nghĩ sẽ được như ngày hôm nay” - chị tâm sự.

Vậy mà, giờ đây, tôi được biết anh chị là chủ của hàng chục héc-ta điều, cà phê; đàn heo trong chuồng lúc nào cũng có hơn 30 con cả lợn nái và lợn thịt, thu nhập bình quân của gia đình mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Nhưng điều làm tôi khâm phục người phụ nữ này là chị “muốn mọi người cũng được như mình”, từ nghèo vươn lên làm giàu. Và để thực hiện mục đích đó, khi kinh tế gia đình ổn định, năm 2000 chị bắt đầu tham gia công tác hội với cương vị Chi hội trưởng phụ nữ thôn.

Sau khi tốt nghiệp các lớp trung cấp phụ vận, trung cấp chính trị của Trường Chính trị tỉnh Kon Tum, năm 2006 chị làm Hội phó, rồi Hội trưởng Hội Phụ nữ thị trấn Đăk Rve cho đến nay. Ước mơ giúp đồng bào thoát đói nghèo của chị càng được chắp cánh khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chị tâm niệm: “Học Bác là phải giúp dân, làm cho dân hết đói, hết nghèo; còn một gia đình trong thị trấn bị đứt bữa là tôi còn day dứt, đau lòng lắm!”. Chị Đinh Ngọc Lan, người dân tộc Ka Dong ở thôn 8, thị trấn Đăk Rve xúc động khi nói về chị Mai Lan: “Không có Mai Lan và “hũ gạo tình thương” thì mẹ con mình thành “con ma đói rồi”. Mình biết ơn chị em trong Hội Phụ nữ thị trấn và Mai Lan lắm”.

Những mô hình làm theo Bác

Ba mô hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Hội phụ nữ thị trấn Đăk Rve có sức lan tỏa và cộng hưởng những tấm lòng nhân ái “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng dân cư, gồm: “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”, “Nhóm phụ nữ giúp nhau sắm sửa vật dụng gia đình”, mà chị Nguyễn Thị Mai Lan là người khởi xướng, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các chi hội thực hiện. Đúng như chị Đinh Ngọc Lan nói: “Không kể hết được những việc làm nhân nghĩa của chị em thị trấn Đăk Rve mà chị Mai Lan là thủ lĩnh. Nhiều gia đình đã được động viên, được hỗ trợ thoát nghèo một cách bền vững, như gia đình chị Đinh Thị Vinh ở thôn 3, chị I'lớp ở thôn 6…”.

Được biết, thị trấn Đăk Rve có 1.364 hộ dân, với 5.304 nhân khẩu, trong đó, có 538 hộ dân tộc thiểu số (chiếm gần 40%). Hội Phụ nữ thị trấn Đăk Rve có 9 chi hội và 5 tổ nữ công trường học, với 678 hội viên. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thậm chí có thôn với 65 hộ, thì có đến 51 hộ nghèo. Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo, nhưng cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn thị trấn nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là hội viên người dân tộc thiểu số.

Năm 2007, thấy nhiều gia đình chịu cảnh đói giáp hạt, thậm chí là một bát gạo nấu cháo qua ngày cũng không có, sau nhiều đêm thức trắng chị Mai Lan nhớ đến phong trào “Hũ gạo kháng chiến” do Bác Hồ phát động. Và mô hình “Hũ gạo tình thương” ra đời. Chị Mai Lan cho biết: “Lúc đầu, mô hình được triển khai tại Chi hội 8 và Chi hội 7. Vì hai chi hội này, 100% hội viên là nông dân, tỷ lệ hội viên người dân tộc thiểu số cao. Chi hội 7 có 100% hội viên là người dân tộc thiểu số, còn nhiều chị em thiếu đói”.

Cách làm của mô hình rất đơn giản, mỗi chị em trong chi hội mua một hũ nhựa và cứ mỗi bữa nấu ăn bớt lại một nắm gạo cho vào hũ. Định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, chi hội họp để mở hũ. Số gạo tiết kiệm được sẽ giúp đỡ những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, làng. Qua 4 năm thực hiện, số gạo chị em tiết kiệm được là hơn 600kg, đã giúp được 22 hộ gia đình khó khăn trong thôn, làng. Điều đáng quý hơn, khi thấy chị em phụ nữ tương thân, tương ái, góp gạo giúp nhau lúc hoạn nạn đã làm cho nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều gia đình mang gạo đến góp cùng với các chi hội để giúp người nghèo.

Chị Hồ Thị Phụng, dân tộc Kor ở Chi hội 8, người đã nhận được gạo từ mô hình “Hũ gạo tình thương” xúc động nói: “Những hạt gạo lúc đói quý lắm, nó không chỉ giúp nhiều chị em qua cơn hoạn nạn, mà còn thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo”.

Phần thưởng vô giá: Được dân mến, dân tin

Một điều rất thú vị khi tôi đến thị trấn Đăk Rve, đó là khi hỏi nhà chị Lan, người thì hỏi: “Chị Lan nào? Lan "Hũ gạo tình thương" phải không?”; có người hỏi lại “Lan heo đất hả?”... Những danh hiệu người dân thị trấn Đăk Rve tặng chị đã nói lên tất cả. Đó là phần thưởng quý nhất, vì lòng dân đã ghi nhận những việc làm của chị, một cán bộ hội, một đảng viên vì dân. Điều này chúng tôi đã thấy, trong phòng khách nhà chị rộng hơn 20m2 chật kín chỗ vì để bằng khen, giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đó là kết quả mà chị được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Kon Tum, huyện Kon Rẫy và bà con nơi đây ghi nhận.

Chị Võ Thị Minh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 8 không giấu được niềm cảm phục khi nói về cấp trên của mình: “Chị Lan là trụ cột của phong trào Hội Phụ nữ thị trấn Đăk Rve; ở đâu khó khăn, đâu cần giúp đỡ là có chị”. Còn ông Võ Duy Ngọc, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đăk Rve nhận xét với sự trân trọng: “Chị Lan xứng đáng là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các mô hình, phong trào hội phụ nữ do chị Lan khởi xướng, tổ chức và thực hiện có sức lan tỏa và lay động lòng người, làm cho người dân thị trấn tin yêu Hội Phụ nữ, tin yêu cán bộ, đảng viên hơn”./.

Bài và ảnh: Nguyễn Anh Sơn

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: