Giờ đây đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về Bác Hồ, ông Nguyễn Mỹ Tiến lại rưng rưng xúc động… Ông là người thanh niên xung phong năm xưa đã vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác đặt tên.
Ông tên thật là Nguyễn Mỹ Quẩn, sinh năm 1927 tại xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Nhớ lại quá khứ đầy vinh dự, tự hào, ông Quẩn kể: Tháng 12/1951, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên dân tộc Mường hăng hái tham gia thanh niên xung phong, lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển súng đạn và đi theo bộ đội thu chiến lợi phẩm trong Chiến dịch Hòa Bình.
Ông Quẩn bên những kỷ vật ghi dấu thời thanh niên xung phong
(Ảnh: Báo Hòa Bình)
Tháng 2/1952, Nguyễn Mỹ Quẩn tiếp tục tham gia thanh niên xung phong Chiến dịch Tây Bắc - Nà Sản (hay còn gọi là thanh niên xung phong Cù Chính Lan) và được phân công phục vụ bến phà Phương Lâm, vận chuyển phương tiện, hàng hóa đưa ra chiến trường.
Đến tháng 3/1953, sau khi đủ điều kiện, Nguyễn Mỹ Quẩn vinh dự, tự hào cùng với hơn 20 thanh niên xung phong của tỉnh Hòa Bình được Đội Thanh niên xung phong công tác đặc biệt, tuyển chọn đưa lên Chiến khu Việt Bắc để xây dựng lán trại, đào hầm hào, bảo vệ an toàn chiến khu, tiếp phẩm phục vụ các hội nghị lớn của Trung ương. Tại đây, ngày 26/3/1953, Đội Thanh niên xung phong “XP” được thành lập.
Trong quá trình làm việc ở (Khu A) ATK, Nguyễn Mỹ Quẩn vinh dự được tham gia phục vụ các Hội nghị lịch sử của Bộ Chính trị “Thông qua kế hoạch tác chiến mở Chiến dịch Điện Biên Phủ” ngày 6/11/1953, của Quốc hội “Thông qua Luật cải cách ruộng đất” tháng 12/1953… và phục vụ các đồng chí trong Bộ Chính trị, đặc biệt là Bác Hồ.
Khuôn mặt ông dường như rạng rỡ hơn khi được sống lại những giây phút, những ngày bên Bác năm xưa. Ông Quẩn nhớ như in lần đầu tiên gặp Bác và được Bác đặt tên: “Đó là vào một buổi chiều thứ Bảy, khi ông Quẩn cùng với một người bạn đang ngồi thổi sáo, hát dưới gốc cây, Bác đến xoa đầu hai người và khen “Các cháu đàn, sáo hay quá nhỉ ?”.
Lúc này, tôi mừng phát khóc và rất hồi hộp, nhưng cảm giác đó cũng nhanh chóng qua đi, vì Bác hỏi thăm từng người rất ân cần, gần gũi. Bác hỏi tôi: “Tên cháu là gì ? Quê ở đâu ?”. Khi ông Quẩn trả lời “Cháu là Nguyễn Mỹ Quẩn, quê ở Hòa Bình ạ!”. Nghe xong, Bác cười bảo: “Họ là Nguyễn thì cùng họ với Bác, đệm là Mỹ thì đẹp đấy nhưng tên là Quẩn thì nghe chừng luẩn quẩn quá. Vậy, Bác đặt tên mới cho cháu là Tiến (Nguyễn Mỹ Tiến) để lúc nào cũng tiến lên, hướng về phía trước mà phấn đấu nhé!”.
Rồi Bác hỏi tiếp: “Cháu là người Mường phải không? Tôi: “Vâng ạ!”, Bác liền đọc: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”, cháu có biết không ?”. Khi đó, còn quá trẻ, tôi không hiểu cho lắm, chỉ cúi đầu xấu hổ, Bác nói ngay: “Mình là người dân tộc thì phải hiểu về văn hóa và phong tục tập quán của mình chứ”. Rồi Bác vẫy tay chào và đi về khu làm việc, trong khi tôi và người bạn còn đang ngỡ ngàng.
Tại Chiến khu Việt Bắc, Bác dành nhiều tình cảm cho thanh niên xung phong hơn bao giờ hết. Ngoài giờ làm việc, Bác thường vui vẻ trò chuyện, động viên thanh niên xung phong và chơi thể thao, thậm chí là cuốc đất trồng rau cùng thanh niên xung phong.
Bác cũng rất quan tâm đến đời sống, bữa ăn, giấc ngủ của thanh niên xung phong. Hàng tuần, Bác đều xuống kiểm tra khu nhà ăn, bếp và khu vệ sinh, Bác luôn căn dặn: “Các cháu phải gọn gàng, giữ vệ sinh sạch sẽ”. Ông Tiến kể lại: Có lần Bác xuống nhà ăn tập thể, xem khẩu phần ăn và thức ăn có đảm bảo không. Trông thấy cơm rơi vãi nhiều dưới chân bàn ăn (bàn đan bằng nứa), Bác liền cầm chổi gạt lại thành từng mô nhỏ rồi gọi một vài người lại, trong đó có tôi, Bác nhắc nhở: “Các cháu khi ăn phải gọn gàng, tiết kiệm, chứ để cơm rơi vãi thế này, không được đâu! Vì đây là gạo của nông dân và của gia đình các cháu, vất vả lắm mới làm ra. Chỗ cơm vãi này cũng đủ để hai người ăn”.
Những năm tháng được vinh dự sống gần Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã để lại cho ông bài học lớn về tác phong làm việc, ý thức tiết kiệm, tính dân chủ, bàn bạc, hòa đồng với quần chúng, suốt đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, giữa núi rừng Việt Bắc, cái tên Nguyễn Mỹ Tiến - một kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ phai nhòa, đã gắn với cuộc đời ông hơn nửa thế kỷ qua. Những lời dạy bảo của Người luôn luôn là kim chỉ nam giúp ông rèn luyện và phấn đấu sau này. Đúng là Tiến chứ không Quần.
Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (5/1954). Hoàn thành nhiệm vụ tại Chiến khu Việt Bắc (9/1954), Đội thanh niên “XP” của ông Nguyễn Mỹ Tiến rút về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Ở đây ông lại may mắn được gặp Bác lần thứ hai, đó là: Tháng 1/1955, khi Hà Nội chuẩn bị lễ đài để tổ chức mít tinh đón Bác về thăm, ông vinh dự được đứng trong hàng tiêu binh phía trên gần Bác và được Bác tặng cho mỗi người một chiếc khăn quàng đỏ. Nhớ lại lần đó, ông Tiến ngậm ngùi: “Tôi cũng bất ngờ vì được gặp lại Bác.
Tuy chỉ được đứng nhìn nhưng thấy tóc Bác đã bạc nhiều, người cũng gầy rộc đi, có lẽ sức khỏe của Bác đã yếu đi nhiều. Được gặp Bác, lòng tôi vẫn vui mừng không sao tả nổi”.
Khi chúng tôi quàng lên vai chiếc khăn quàng đỏ, Bác xua tay và nói: “Chiếc khăn đỏ này, các cháu cất đi, giữ lấy làm kỷ niệm. Vì, nếu bọn phản động thấy các cháu quàng khăn đỏ trên vai lúc này, chúng cho là dân cộng sản”.
Vậy là chiếc khăn quàng đỏ ấy đã được ông Nguyễn Mỹ Tiến trân trọng nâng niu gìn giữ suốt bao nhiêu năm qua. Nó đã gợi cho ông nhớ về những năm tháng sống ý nghĩa và đáng nhớ với tinh thần “Ba sẵn sàng” vì đất nước. Càng tự hào hơn, cho đến ngày các con của ông lần lượt được kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, ông tặng lại chiếc khăn quàng đỏ cho con với lời dặn: “Đây là chiếc khăn quàng đỏ của Bác Hồ, các con nhớ học tập và làm theo 6 điều Bác dạy!”.
Kết thúc thời gian phục vụ kháng chiến, tháng 4/1955, ông Nguyễn Mỹ Quẩn (Tiến) chuyển ngành sang Tổng cục Bưu điện Việt Nam, rồi về Ty Bưu điện Hòa Bình, tỉnh Đoàn Hòa Bình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn. Năm 1984, ông về nghỉ hưu theo chế độ tại xóm Thạch Lý, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc (quê vợ) và được bà con tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ Hợp tác xã.
Năm 1991, ông, bà chuyển về ở cùng con trai cả ở tổ 21, phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình. Ông tiếp tục tham gia Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh của phường, thành phố và tỉnh. Dù ở đâu, hay cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Với những thành tích đó, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương, của tỉnh.
Ở tuổi 86, gần 50 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Mỹ Quẩn vẫn luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Còn sức, còn phục vụ; việc nhỏ nhất có lợi cho cách mạng thì phải làm, việc mà có hại cho cách mạng thì hết sức phải tránh”. Hiện nay, ông đang là Phó ban Kiểm tra Tỉnh Hội thanh niên xung phong tỉnh Hòa Bình, với nhiệm vụ giải quyết các đơn từ, chế độ chính sách của thanh niên./.
Vũ Hà
Theo tamnhin.net
Minh Thu (st)