1. Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013.

Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên chính có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học (trường hợp giảng viên có sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận) là nội dung quy định tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Trong đó, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 05 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư và giáo sư lần lượt là tối đa 07 năm và 10 năm. Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về chính sách ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận. Cụ thể như: Ưu đãi thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; chia sẻ sử dụng, khai thác và miễn phí hoặc giảm kinh phí chia sẻ, sử dụng, khai thác tài nguyên chung của giáo dục đại học do Nhà nước đầu tư; ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên cơ sở cạnh tranh như các cơ sở giáo dục đại học công lập...

2. Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2013.

Theo Quyết định đối với người tham gia các khoá học nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Đối với người tham gia các khoá học nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa 600.000 đồng/người/tháng; mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế.

Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả.

Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng nghề và nhu cầu của từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng.

3. Nghị định số 143/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2013.

Nghị định áp dụng đối với người học được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam); người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Nghị định, có 2 trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

Thứ nhất, người học nêu trên không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp. Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo.

Thứ hai, người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc.

4. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Nghị định có hiệu lực từ 28-12-2013.

Theo Nghị định cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự công cộng có thể bị phạt đến mức cao nhất là 5 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân.

Nghị định quy định, cá nhân có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng hoặc gây mất trật tự nơi công cộng sẽ bị phạt từ 100.000-300.000 đồng.

Bên cạnh đó, hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

5. Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2013.

Theo Nghị định, mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với cá nhân là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt tiền đối với tổ chức.

Việc xử phạt đối với vấn đề dạy thêm trái phép và vấn đề tổ chức thu các khoản tiền trái quy định mà dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua được Nghị định quy định rất rõ. Cụ thể:  Kể từ ngày 10/12/2013, người có hành vi tổ chức hoạt động dạy "chui" (dạy thêm khi chưa được cấp phép) sẽ bị xử phạt từ 06 triệu đến 12 triệu đồng. Các hành vi: Tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép bị phạt từ 04 triệu đến 06 triệu đồng; dạy thêm không đúng đối tượng bị phạt từ 02 triệu đến 04 triệu đồng; dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định bị phạt từ 1 triệu đến 02 triệu đồng. Đối với hành vi thu tổ chức thu các khoản trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Phải hoàn trả toàn bộ số tiền thu được từ việc dạy "chui", dạy không đúng nội dung được cấp phép, dạy không đúng đối tượng, thu các khoản trái quy định; tước giấy phép dạy thêm, đình chỉ hoạt động dạy thêm (có thời hạn); ...

Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cá nhân có thẩm quyền. Thanh tra viên có quyền phạt tiền tối đa là 500.000 đồng; Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng.

Nghị định này thay thế các Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP.

6. Nghị định số 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão (có hiệu lực thi hành từ ngày 8-12-2013).

Nghị định quy định phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão.

Đối với một trong các hành vi: Khoan thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão; sử dụng sai mục đích của công trình phòng, chống lụt, bão thì sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

7. Thông tư 153/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12 /2013.

Theo đó, thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định rõ: Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

8. Thông tư số 140 /2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2013/TT-BTC ngày 28/3/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2013.

Theo Thông tư 140/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2013/TT-BTC  hướng dẫn về lệ phí trước bạ, đối với các loại xe ô tô biển số ngoại giao, biển số nước ngoài và biển số quốc tế của các tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam (không thuộc đối tượng quy định Khoản 2, Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP) thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng làm thủ tục kê khai, nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng theo quy định và nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu (từ 10-15%) theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với các loại xe ô tô biển số nước ngoài mà chủ xe là người nước ngoài (không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2011/NĐ-CP) khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng chủ tài sản đã kê khai và nộp lệ phí trước bạ theo mức thu lần đầu. Nay người nước ngoài chuyển nhượng lại tài sản cho các tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng phải kê khai nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng theo mức thu 2%./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: