Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực
Hiến pháp (sửa đổi) vừa được Quốc hội Khoá XI thông qua sẽ có hiệu lực kể từ 01/01/2014 gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992. Bản Hiến pháp sửa đổi lần này tiếp tục kế thừa phát triển, những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1992. Đó là hiến định về nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội….
Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi cũng thể hiện một số nội dung mới, trong đó có hiến định “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Ngay sau khi có hiệu lực, Quốc hội và các cơ quan liên quan nhanh chóng bắt tay vào việc tuyên truyền phổ biến những nội dung Hiến pháp cho người dân, đồng thời các cơ quan công quyền có trách nhiệm phải cụ thể hóa, thể chế hóa những nguyên tắc của Hiến pháp thành các luật cụ thể và hoàn thành trước năm 2015 để từ năm 2016, nhiệm kỳ mới là phải thực hiện theo tinh thần của Hiến pháp mới.
Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng mới đối với NLĐ làm việc ở DN, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan tổ chức có thuê mướn lao động.
Từ ngày 01/01/2014, mức lương tối thiểu vùng sẽ từ 1.900.000 đến 2.700.000 đồng/tháng, tăng 250.000-350.000 đồng/tháng so với hiện nay.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 01/01/2014 tới đây như sau:
Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng.
Vùng II: 2.400.000 đồng/tháng.
Vùng III: 2.100.000 đồng/tháng.
Vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
Theo Nghị định hầu hết các mức xử phạt không tăng mà còn giảm so với trước, như hành vi đi xe máy không chính chủ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (Nghị định 71 là 800.000 đến 1,2 triệu đồng), ô tô từ 1 đến 2 triệu đồng (Nghị định 71 là 6 đến 10 triệu đồng).
Nghị định cũng quy định thêm một số hành vi mới sẽ bị xử phạt như: Không dừng lại cấp cứu người bị nạn khi gây TNGT sẽ bị xử phạt nặng nếu không chứng minh được hành vi bỏ trốn của mình là do bị uy hiếp...
Đặc biệt, một số hành vi tại Nghị định được mô tả rõ hơn để tránh nhầm lẫn, giúp người dân hiểu rõ hơn hành vi của mình có thực sự vi phạm hay không, như hành vi không đội mũ bảo hiểm.
Quy định xử phạt xe không chính chủ với ôtô thực hiện từ 01/01/2015 và môtô, xe máy từ 01/01/2017.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, thay thế Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, Nghị định số 44/2006/NĐ-CP.
Thông tư 161/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012 – 2014
Bắt đầu từ ngày 1/1/2014, thuế suất thuế nhập khẩu rất nhiều loại ôtô từ các nước ASEAN sẽ giảm về mức 50%.
Mức thuế suất này được quy định tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2012 - 2014 do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư 161/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011.
Cũng theo biểu thuế này, thuế nhập khẩu các mặt hàng tương tự hiện đang áp dụng ở mức 60% và trước đó, năm 2012 áp dụng ở mức 70%. Riêng các loại xe tải và xe chuyên dụng sẽ được hưởng mức thuế suất 0-5%.
Như vậy, rất nhiều loại ôtô nhập khẩu sẽ có cơ hội giảm giá đáng kể do được giảm thuế nhập khẩu.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng năm 2013 đã có 8.826 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu từ 2 quốc gia trong khu vực là Thái Lan và Indonesia, đạt giá trị kim ngạch gần 150 triệu USD.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012 và thay thế Quyết định số 36/2008/QĐ-BTC ngày 12/06/2008 và Quyết định số 73/2008/TT-BTC ngày 05/09/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT/AFTA giai đoạn 2008 - 2013.
Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Phạt từ 30-50 triệu đồng trong trường hợp quảng cáo các nộ dung phản cảm trên Đài Phát thanh, Đài Truyền hình trong khoảng từ 18h tới 20h hằng ngày.
Phạt từ 10-20 triệu đồng được áp dụng cho các hành vi quảng cáo sau: Quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định; quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc; phân biệt chủng tộc; xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; định kiến về giới; định kiến về người khuyết tật.
Mức phạt từ 50-70 triệu đồng cho các hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia; sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trong quảng cáo.
Phạt từ 10-15 triệu đồng áp dụng với các hành vi như: Gửi thư điện tử, tin nhắn nhằm cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ khi chưa được sự đồng ý của người nhận; không chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư quảng cáo điện tử khi người nhận gửi thông báo từ chối quảng cáo; thu phí dịch vụ đối với tin nhắn từ chối quảng cáo…
Trường hợp quảng cáo ảnh hưởng tới trẻ em, Nghị định quy định mức phạt từ 30-40 triệu đồng với hành vi quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
Nghị định cũng quy định, các hành vi vi phạm các trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo xảy ra trước ngày 01/07/2013 mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm.
Kim Yến (Tổng hợp)