1. - Ngày 6-1-1946 được Chính phủ lâm thời ấn định là ngày nhân dân Việt Nam lần đầu tiên thực hiện Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của mình, sau khi giành được độc lập dân tộc. Gần đến ngày bầu cử, nhân dân ngoại thành Hà Nội gửi một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Không chỉ đồng bào Hà Nội, từ nhiều nơi trong cả nước, nhân dân cũng viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào và đồng lòng nhất trí đề cử Người vào Quốc hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
Trước tình cảm tin yêu của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư ngắn cảm tạ và đề nghị đồng bào để cho mình thực hiện quyền công dân như mọi người khác: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.
Biểu hiện tiêu biểu và nổi bật của dân chủ chính là công bằng, bình đẳng. Từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, hướng dẫn nhân dân hưởng dụng quyền dân chủ và cũng là người gương mẫu thực hiện đầu tiên. Dù ở cương vị Chủ tịch nước, được nhân dân tin yêu nhưng Người vẫn không và không bao giờ xác định một đặc quyền riêng cho mình. Thông điệp đó đã được Người nêu qua việc từ chối được đề cử trong lần bầu cử Quốc hội đầu tiên của nhân dân cả nước.
2. - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”. Dân chủ là của báu vì đó là thành quả đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhân dân. Dân chủ là của báu vì nó đem lại quyền làm chủ vận mệnh của mình cho nhân dân, tạo ra những điều kiện, những tiền đề công bằng để toàn xã hội, cũng như mỗi cá nhân phát triển và hoàn thiện. Dân chủ là của báu vì đó còn là lý tưởng, là ước vọng về một tương lai tốt đẹp của xã hội. Thực hành dân chủ có tác dụng giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhân dân và trở thành động lực của sự tiến bộ và phát triển. Người cũng cho rằng, nếu trong cán bộ, nhân dân “Ít sáng kiến, ít hăng hái là vì nhiều lẽ… Mà trước hết là vì cách lãnh đạo của ta không được dân chủ”.
Những quan điểm đó và sự chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người không chỉ đề cao tác dụng của thực hành dân chủ, mà còn đưa việc thực hành dân chủ trở thành các phong trào, phát huy sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, vì lợi ích của nhân dân. Nền dân chủ cộng hòa ngay sau khi được thiết lập đã phát huy sức mạnh của toàn dân Việt Nam chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, bảo vệ chính quyền nhân dân, đưa cách mạng vượt qua bước hiểm nghèo. Thành công của công cuộc đổi mới hôm nay cũng được khởi đầu bằng quá trình dân chủ hóa trong các lĩnh vực, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, đã minh chứng sinh động hiệu quả của động lực dân chủ đối với sự phát triển xã hội. Đó cũng là sự tiếp nối tinh thần dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Ngô Vương Anh
Theo báo Quân đội nhân dân
Thu Hiền (st)