Lâu nay, nhiều người cho rằng làm tài chính thì “không phết cũng phẩy”, thế nhưng đối với Thượng tá Nguyễn Thế Hiến, Phó Hiệu trưởng, nguyên Trưởng ban Tài chính Trường Hạ sĩ quan (HSQ) xe tăng 1, Binh chủng Tăng - Thiết giáp thì chưa bao giờ anh tư lợi cá nhân mà luôn nghĩ và làm vì tập thể, mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị. Anh tâm niệm, cán bộ tài chính làm theo lời dạy của Bác là phải thực hiện tốt chữ “Kiệm”.
Tham mưu đúng, trúng
Mấy năm trước, Trường HSQ xe tăng 1 còn rất khó khăn. Cơ sở hạ tầng đơn sơ, vật chất thiếu thốn và xuống cấp; đời sống, nơi ăn, ở của cán bộ, học viên nghèo nàn, chật chội. Thời điểm đó, Thượng tá Nguyễn Thế Hiến được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Tài chính. Trước thực trạng khó khăn của đơn vị, với cương vị của mình anh trăn trở suy tư, tìm cách tháo gỡ. Việc đầu tiên anh nghĩ đến là đẩy mạnh công tác tăng gia, chăn nuôi tại các đơn vị theo tinh thần “thực túc binh cường”. Đại tá Lê Trúc, Hiệu trưởng Nhà trường nhớ lại:
- Trong Hội nghị quân chính, đồng chí Hiến đề xuất phương án quy hoạch hệ thống vườn, ao, chuồng tại các tiểu đoàn quản lý học viên; huy động nguồn vốn tạm ứng từ đội ngũ cán bộ để phát triển kinh tế tại chỗ. Phương án được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường chấp thuận triển khai thực hiện ngay. "Tích tiểu thành đại", đến nay nhà trường đã tự túc được 100% rau xanh và phần lớn thực phẩm, thiết thực nâng cao đời sống cho bộ đội.
Thượng tá Nguyễn Thế Hiến
Thực hiện các nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Thượng tá Nguyễn Thế Hiến đã tham mưu giúp Đảng ủy Nhà trường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng điện, nước. Với sáng kiến của anh, nhà trường tiết kiệm được hàng vạn ki-lô-oát điện và hàng ngàn khối nước mỗi năm, nhưng vẫn bảo đảm duy trì các hoạt động bình thường của bộ đội và đơn vị. Anh Hiến tâm sự: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, hà tiện, có việc không dám chi, mà phải sử dụng sao cho hợp lý, hiệu quả, có lợi cho tập thể. Do vậy, với số tiền đơn vị tiết kiệm được, tôi đề xuất phương án sử dụng tập trung củng cố cơ sở hạ tầng, bê tông hóa các trục đường nội bộ, tu sửa doanh trại, nhà kho bảo đảm tiện nghi sinh hoạt phục vụ bộ đội, góp phần thiết thực nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo.
Tấm gương của đức tính siêng năng, mẫn cán
Trong quá trình công tác, Thượng tá Nguyễn Thế Hiến luôn phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hằng ngày, anh luôn dành thời gian đến từng bếp ăn, trực tiếp kiểm tra tiêu chuẩn, định lượng của bộ đội; nhắc nhở nhân viên tài chính, quản lý các tiểu đoàn giám sát chặt chẽ, minh bạch thu, chi không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Anh bảo, công tác tài chính nhất định phải tỉ mỉ, cụ thể, sơ suất là vi phạm khuyết điểm ngay. Chủ động kiểm tra thường xuyên sẽ hạn chế được tiêu cực, vừa giữ cho cán bộ, nhân viên của mình trong sạch, vừa có lợi cho tập thể. Tuy nhiên, nhắc nhở phải trên tinh thần “phê bình việc chứ không phê bình người”.
Trưởng ban Ban Tài chính Nguyễn Thế Hiến (ngoài cùng, bên trái) trực tiếp kiểm tra việc bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn tại đơn vị.
Đức tính cần cù, siêng năng và tinh thần trách nhiệm của anh đã tác động trực tiếp đến cấp dưới, tạo thành phong trào thi đua làm nhiều việc tốt, lan rộng khắp các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, mấy năm gần đây Ban Tài chính luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo nhà trường tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Cá nhân Thượng tá Nguyễn Thế Hiến, từ năm 2010 đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân và nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nói về tấm gương Thượng tá Nguyễn Thế Hiến, Đại tá Nguyễn Lâm Khánh, Chính ủy Nhà trường khẳng định: Đồng chí Hiến là một cán bộ mẫu mực, mẫn cán, hết lòng vì tập thể, làm được nhiều việc tốt mang lại lợi ích cho đơn vị. Có được người cán bộ có tâm, có tài như vậy chúng tôi rất yên tâm./.
Hoàng Thành
Theo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)