Giáp Ngọ 1954, sáu mươi năm về trước, quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quân ủy Trung ương chỉ huy
Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 5/1954).
Mùa Xuân năm ấy, Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương đã dành nhiều tâm sức cho mặt trận quân sự, cho các chiến trường toàn quốc, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ.
Theo kế hoạch Nava, từ tháng 11/1953, quân Pháp đã nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ý đồ là giăng thành một cái bẫy, cuốn hút lực lượng chủ lực của Việt Minh lao vào để tiêu diệt và xoay chuyển tình thế.
Nhưng kẻ giăng bẫy lại chính là người bị mắc bẫy.
Đầu tháng 12/1953, quân ta bắt đầu cuộc tiến công Đông - Xuân, bằng Chiến dịch Lai Châu, đánh vào Tây Bắc, tiếp đó là các Chiến dịch Thượng Lào, Trung - Hạ Lào, Chiến dịch Tây Nguyên ở Liên khu 5, vừa giải phóng được nhiều vùng, vừa bẻ gãy được âm mưu địch, buộc lực lượng của chúng đã phân tán càng thêm phân tán.
Bác Hồ, trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân, đã phát biểu ý kiến, trình bày tư tưởng chiến lược bằng một động tác giản dị. Bác giơ bàn tay phải lên, nắm lại, xòe ra và nói:
- Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bị bẻ gãy từng ngón. Ta phải buộc khối quân sự cơ động của địch phải chia ra thành năm, bảy mảng mà tiêu diệt dần, làm cho chúng thất bại hoàn toàn.
Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên chỉ huy mặt trận Điện Biên, Bác nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Tết Giáp Ngọ đến, như thường lệ, Bác gửi thư chúc Tết đồng bào, chiến sĩ trong và ngoài nước:
Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành
- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do
- Cải cách ruộng đất là công việc rất to
Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn
Quân và dân ta nhất trí kết đoàn
Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.
Bác quyết định cho thêu cờ luân lưu “Quyết chiến quyết thắng” động viên bộ đội thi đua lập công và in thiếp hồng chúc Tết gửi gấp cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.
Đại tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại:
“Có một niềm hạnh phúc bất ngờ mà chúng tôi không bao giờ tưởng tới là Bác mời anh Văn, chị Hà và tôi sang ăn Tết với Bác tại nhà Bác ở Tỉn Keo. Chúng tôi rưng rưng xúc động vì hiểu tấm lòng Bác đối với quân đội. Tôi thầm nhủ, tấm lòng yêu thương của Bác bao la biết mấy, song cũng tế nhị biết mấy. Phải chăng Bác dành bữa cơm tất niên này ở “Phủ Chủ tịch” để trực tiếp tiễn anh Văn ra mặt trận, tiễn người học trò gần gũi của mình mà mai đây phải gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề…
Bác đã dành cho chúng tôi một buổi sum họp gia đình, sum họp giữa cha và con, giữa anh và em vào giờ phút thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền dân tộc. Chỉ còn ít ngày nữa Bác Hồ của chúng ta tròn tuổi 64. Bác đã giành lại cho dân tộc cả non sông đất nước, còn phần Bác một chút gì cũng không có. Con người ấy trên đời này lấy gì sánh nổi” (*)
Bác Hồ không trực tiếp ra trận. Nhưng thông tin về tình hình chiến trường thì Bác thường xuyên được Bộ Tổng tham mưu báo cáo. Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: Có một lần tôi mạnh dạn tỏ ý lo lắng về sức khỏe của Bác, Bác cười rất vui:
- Cuộc chiến năm nay địch không hiểu ta làm gì, thế là khác thường. Địch lập cứ điểm Điện Biên Phủ và bảo rằng sẽ là nơi nghiền nát quân ta. Ta phải có nỗ lực khác thường, nếu ta chủ động làm được những việc mà địch không nghĩ ra được, hoặc chưa nghĩ ra được, hoặc chưa nghĩ tới được, quân và dân ta sẽ khỏe lên nhiều, ta sẽ chiến thắng và thế là Bác khỏe chứ.
Lại có lần, Bác hỏi Đại tướng Văn Tiến Dũng có biết câu này không: “Quân đội thắng lợi vì họ chắc thắng rồi mới đánh. Quân đội thất bại thì ra đánh rồi mới cầu thắng”. Đại tướng thú thật là chưa biết, nhưng từ đó không bao giờ quên câu này.
Ngày 13/3/1954, quân đội ta mở cuộc tiến công lớn đầu tiên vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 30/3 lại mở cuộc tiến công lần thứ hai. Cả hai đợt tiến công đó đều làm rung chuyển toàn bộ quân đội Pháp ở đấy và báo hiệu thất bại hoàn toàn của họ là không tránh khỏi. Tại Việt Bắc, nhà báo Úc Wlfred Brerchett xin gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỏi: “Mỗi ngày tôi nghe đài Hà Nội đến ba, bốn lần. Họ nói đến cái địa điểm nào đó gọi là Điện Biên Phủ. Xin Cụ cho hay điều gì xảy ra ở đó vậy?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lật chiếc mũ cát vừa đặt ra bàn, rồi Người phác một vòng quanh vành mũ, chỉ xuống đáy chiếc mũ: “Điện Biên Phủ là một thung lũng bị đồi núi vây quanh. Đội hình của quân đội Pháp đang ở đáy mũ rồi, còn chúng tôi đang ở quanh vành mũ này. Họ đang bị vây hãm bởi các đồi xung quanh. Họ không thoát khỏi chỗ này được”.
Rực nắng hoa ban - Ảnh: Đ.T
Ngày 1/5, đợt tiến công thứ ba, cũng là đợt tiến công cuối cùng của quân ta vào Điện Biên Phủ. Ngày 7/5, quân địch thất thủ xin đầu hàng. Tướng De Castries và toàn bộ chỉ huy của ông ta bị bắt sống.
Ngay hôm đó, lúc 16 giờ 45 phút (theo giờ Pháp chậm hơn Việt Nam 6 tiếng), Thủ tướng Pháp Lanien mặc quần áo đen, mặt co rúm vì xúc động nặng nề bước lên các bậc diễn đàn của điện Bourbon, thông báo bằng một giọng đứt quãng: “Chính phủ Pháp vừa được tin Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 ngày chiến đấu gay go liên tục”. Lanien nói chậm rãi trong hội trường rộng rãi âm vang, người ta nghe tiếng nói của ông như tiếng khóc nức nở của một thiếu phụ ở chốn xa xăm nào đó.
Báo Pháp Rạng Đông (L’Aurore), ngày 8/5 đưa tin như vậy.
Trong khi đó, cũng ngày 8/5, Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Bác nhắc nhở quân và dân ta: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình.”
Ngày 15/5/1954, trong thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ đăng trên Báo Nhân Dân, Bác viết:
“Toàn thể các chú cũng như các cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.
Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tùy theo điều kiện nhưng nhất định khao.
Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.
Bác và Chính phủ định thưởng cho các chú huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Các chú tán thành không?”
Thế đấy! Thật khiêm nhường. Thật thanh nhã. Mà cũng thật thanh cao. Mùa Xuân của Bác Hồ với Điện Biên Phủ đã kết thúc một cách dung dị như vậy.
Xuân Giáp Ngọ 2014./.
----------------------------------
(*) Đại tướng Văn Tiến Dũng tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, tr 214-215.
Hà Đăng
Theo http://www.baophuyen.com.vn
Thu Hiền (st)