Nhờ tập thể thao đều đặn, sống thanh tao, đạm bạc nên dù đã ngoài tám mươi tuổi, trông ông vẫn tráng kiện. Ông bảo, một trong những niềm vinh dự lớn nhất trong đời binh nghiệp của mình là được Bác Hồ đặt tên ngay trước ngày lên đường vào miền Nam chiến đấu...

Ký ức mùa đông Hà Nội

Người cựu chiến binh đặc công ấy là Đại tá Lê Anh Đào (tên thật Võ Văn Lực), quê Phan Thiết, nguyên là cán bộ Bộ Tư lệnh Đặc công, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 Đặc công Quân đoàn 4, hiện sinh sống tại Bình Dương. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, xung phong gia nhập lực lượng Đặc công thuộc Tiểu đoàn 30, đóng quân ở Hải Phòng.

le anh dao
Đại tá Lê Anh Đào

Sau 5 năm học tập, huấn luyện, những cán bộ Đặc công quê miền Nam tràn đầy sức trẻ đã xung phong trở lại miền Nam chiến đấu. Tháng 12-1959, Võ Văn Lực và nhiều đồng đội khác được đưa từ Hải Phòng lên Hà Nội, chuẩn bị đi B. Ông kể:

- Tôi vẫn nhớ mãi mùa Đông Hà Nội năm ấy, trời rét đậm, mưa rơi rả rích. Một ngày trước cuộc hành quân, chúng tôi được thông báo, sẽ được đón Bác Hồ đến thăm, động viên, khiến lòng ai cũng thêm thôi thúc, chộn rộn. Chiều hôm đó, Bác đến. Người xuất hiện bình dị, ấm áp, gần gũi như một người Cha. Chúng tôi xúm lại gần Bác để cảm nhận nghị lực và sức mạnh từ Người. Bác bắt tay, ôm hôn chúng tôi, hỏi tên tuổi, hoàn cảnh gia đình từng đồng chí, rồi ân cần dặn dò. Chúng tôi đồng thanh hứa với Bác, quyết chiến đấu hy sinh đến giọt máu cuối cùng để góp phần giải phóng miền Nam. Bác nở nụ cười hiền từ nhìn từng người một rồi nói tiếp: “Đặc công là làm công tác đặc biệt. Nhiệm vụ của các cháu đòi hỏi phải giữ bí mật tuyệt đối. Muốn bí mật, mỗi cháu cần phải mang một cái tên con gái để không ai biết mình là đặc công”. Thế là tất cả chúng tôi mỗi người nêu một cái tên rồi xin ý kiến Bác. Tôi thưa với Bác: “Dạ thưa Bác, cháu đặt tên là Đào được không ạ?”. Bác nói: “Đào, Lê, Mận, Lan, Huệ… đều được cả. Vậy họ tên của cháu là Lê Anh Đào nhé!”. Tôi thưa: Vâng! Trong lòng dậy lên cảm giác bồi hồi khó tả...

Người "anh cả" của Đặc công Quân đoàn 4

Vào miền Nam, Lê Anh Đào được biên chế vào Trung đoàn 16, Bộ Tư lệnh Miền, đảm nhiệm cương vị Đại đội trưởng Trinh sát trực thuộc. Giai đoạn 1965-1966, Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, tăng cường sức mạnh các cuộc hành quân càn quét. Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, áp dụng chiến thuật đặc công chặn đánh, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ binh chiến đấu giành chiến thắng. Đại đội 100 Đặc công trực thuộc Công trường 7 (nay là Sư đoàn 7, Quân đoàn 4) ra đời. Lê Anh Đào được điều về làm Đại đội trưởng. Dưới sự chỉ huy của Lê Anh Đào, Đại đội 100 Đặc công đã tổ chức mai phục, đột kích, đánh địch tại vùng rừng núi Đông Nam Bộ, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của quân Mỹ - Ngụy. Năm 1968, đơn vị được nâng cấp thành Tiểu đoàn Đặc công 28, tổ chức chiến đấu ròng rã đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. “Sau ngày chia tay Bác, đồng đội của tôi có nhiều người đã hy sinh. Tôi may mắn được sống trở về nên luôn tự răn mình, còn sống ngày nào là còn noi theo gương Bác. Sau ngày đất nước thống nhất, có nhiều người đề nghị tôi lấy lại tên khai sinh để tiện làm thủ tục, giấy tờ, nhưng tôi bảo, tên của tôi do Bác Hồ đặt, mãi mãi không bao giờ thay đổi!” - Đại tá Lê Anh Đào tâm sự./.

Bài và ảnh: Phan Tùng Sơn

Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: