Căn nhà tình nghĩa cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở khóm 6, phường 9, thành phố Cà Mau của anh thương binh 3/4 Đỗ Lê Huy có rất nhiều hình ảnh, sách, báo nói về Bác Hồ kính yêu. Đó là tài sản vô giá được anh bỏ công sưu tập từ hơn 20 năm qua.
Nơi trang trọng nhất trong nhà được anh lập bàn để thờ Bác Hồ. Xung quanh vách tường trong nhà treo những khuôn hình Bác Hồ chụp ở nhiều góc độ, sự kiện khác nhau được anh ghi chú cẩn thận về thời gian, nội dung từng bức ảnh. Ở đây gần như là một “thư viện” Bác Hồ thu nhỏ.
Trong căn nhà ấy, hằng đêm có anh thương binh đọc những cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những câu chuyện nhân văn thể hiện tư tưởng, đạo đức, thể hiện lòng yêu nước, thương người và yêu hòa bình của Người đến tận giữa khuya.
Có khi đang đọc anh lại sụt sùi vì xúc động về đức hy sinh, lòng nhân hậu và tình thương bao la của Bác đối với đồng bào.
Anh Đỗ Lê Huy trao tặng ảnh Bác Hồ cho một người dân. Ảnh Phương Bằng
Được biết, đến nay trong căn nhà của anh có trên 400 ảnh Bác Hồ và hơn 40 đầu sách viết về Bác. Mỗi cuốn sách, mỗi khuôn hình là một câu chuyện được sưu tập.
Lý do để sưu tập ảnh, sách về Bác Hồ được anh Huy giải bày: “Bởi vì Bác Hồ quá vĩ đại, suốt cuộc đời Người chỉ có hy sinh cho đồng bào, hy sinh cho sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Không những thế, Bác còn là người cao cả, Bác thương yêu tất cả những người dân trên thế giới, Bác chống áp bức bóc lột, chống chiến tranh phi nghĩa không chỉ cho riêng nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân loại.
Bác còn là người giản dị, hòa đồng cuộc sống, trong cách ăn, cách mặc, Bác luôn gần gũi tìm hiểu cuộc sống từ cán bộ, chiến sĩ đến những người dân nghèo nhất để Bác tìm cách giúp đỡ,… Nói chung là Bác quá cao cả, tôi không thể diễn tả được hết.
Càng đọc nhiều những câu chuyện, tìm hiểu nhiều những bức ảnh về Bác Hồ tôi thấy mình càng tích lũy được nhiều bài học về nghị lực và niềm tin để vượt lên khó khăn trong cuộc sống”. Đó là những hiểu biết về Bác Hồ của anh thương binh có trình độ học vấn lớp 9 phổ thông.
Viếng đồng đội. Ảnh: Phương Bằng
Không chỉ có sưu tập sách, ảnh về Bác mà khi bạn bè, người thân ai cần có ảnh Bác treo trong nhà hoặc thờ thì anh sẵn sàng bỏ tiền lương làm bảo vệ ở Trường Tiểu học Nguyễn Tạo ra làm để tặng. Anh tặng ảnh Bác không chỉ cho những người thân quen trong thành phố mà còn tặng cho cả những người dân ở vùng nông thôn sâu như Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước… Đến bây giờ anh không nhớ chính xác là mình đã tặng cho bà con bao nhiêu bức ảnh Bác Hồ nhưng chắc chắn là hơn 500 bức.
Khi hỏi lý do anh bỏ tiền lương ít ỏi của mình ra làm ảnh Bác Hồ để tặng cho người nhiều như vậy, anh Huy cho biết: “Tôi nghĩ mọi người ai cũng mang ơn Bác Hồ, kính trọng và thương yêu Bác mà không chỉ có người Việt Nam mình đâu, cả thế giới đều rất kính trọng và thương yêu Bác.
Công ơn của Bác Hồ đối với nhân dân mình to lớn hơn cả công ơn cha mẹ thì việc thờ Bác hay treo ảnh Bác để tỏ lòng kính yêu với Bác là việc làm thể hiện đạo lý của con, cháu.
Nhiều anh em làm việc ở cơ sở, nhiều người dân vùng sâu muốn có ảnh Bác treo trong nhà, để thờ nhưng không biết ở đâu có hoặc không có điều kiện để có được ảnh Bác. Chính vì thế, khi bạn bè thân quen cần ảnh Bác thì tôi làm tặng để bà con có ảnh Bác, trong nhà thêm ấm áp hơn”.
Thương binh Đỗ Lê Huy sinh năm 1969. Năm 1987 anh tình nguyện vào quân đội, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi bọn diệt chủng Pôn - Pốt.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh trở về quê hương là một thương binh ¾, một chân của anh đã để lại chiến trường, chân còn lại cũng bị thương, nguy hại nhất là chất độc từ thuốc mìn ngấm vào da thịt suốt hơn chục năm ròng.
Với nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, anh đã làm nhiều nghề để nuôi thân, từ cán bộ lâm trường, đến năm 1996 anh về làm bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, TP Cà Mau đến nay. Sau gần 15 năm công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, năm 2011, thương binh Đỗ Lê Huy vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh Đỗ Lê Huy kính cẩn đâng hương Bác Hồ.
Đó là nguồn động viên lớn để anh phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Nói về anh Đỗ Lê Huy, cô Lê Thị Lệ Thu, Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ: “Nhà trường rất yên tâm với tinh thần trách nhiệm của anh Huy.
Anh luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, trực rất nghiêm túc giờ giấc theo quy định. Trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp anh luôn hòa đồng, thẳng thắn với tinh thần đoàn kết, xây dựng tập thể, xây dựng đồng chí, đồng nghiệp một cách vô tư, thấy cái nào sai là anh mạnh dạn chỉ ra để đồng chí mình tiến bộ. Đó là đức tính rất tốt của anh Huy”.
Ngoài làm tốt nhiệm vụ ở trường, anh Huy còn là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu trong các phong trào ở xóm 6, phường 9, thành phố Cà Mau.
Trong mái ấm riêng của mình, anh Huy có một người vợ hiền là chị Trần Thị Hồng, hiện làm cấp dưỡng ở Trường Mẫu giáo Hoa Hồng, phường 9.
Anh Huy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hướng dẫn học sinh ra về trật tự, an toàn.
Ảnh: Phương Bằng
Tuy hai vợ chồng anh không có con vì nhiều năm dài anh bị vết thương ở chiến trường hành hạ, phải sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh dẫn đến mất khả năng sinh con. Tuy vậy, vợ chồng anh sống rất hạnh phúc bởi sự thông cảm, chia sẻ và động viên nhau trong cuộc sống.
Anh Huy tâm sự: “Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng điều quan trọng hơn hết là mình biết chia sẻ, thương yêu nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn.Tôi may mắn đọc được nhiều sách về Bác Hồ, học ở Bác đức hy sinh, niềm tin, nghị lực và tinh thần lạc quan để vươn lên trong cuộc sống”./.
Bài và ảnh: Đan Thanh
Theo http://www.baocamau.com.vn
Thu Hiền (st)