nho-mua-xuan-nam-ngo-bqllang.gov.vn
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 1930. Tranh: Phan Kế An

Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014, lại nhớ Xuân Canh Ngọ 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở trang sử mới chói lọi của dân tộc Việt Nam.

Năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô sang Trung Quốc, chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản kiểu mới cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Người xác định rõ việc này khi đặt câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, đó là: “Trước hết phải có Ðảng cách mệnh”. Do vậy, Người xúc tiến thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Người xây dựng lực lượng cách mạng bao gồm: Tổ chức huấn luyện chính trị để xây dựng đội ngũ nòng cốt; gửi thanh niên yêu nước đi học ở các trường như Trường Đại học Phương Ðông, Trường Quân sự Hoàng Phố…; giác ngộ, giáo dục, tuyên truyền lý luận cách mạng bằng việc ra báo Thanh niên, báo Thân ái… truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam…

Ở Việt Nam khi đó, có ba tổ chức Ðảng được thành lập và cùng phát triển: Ðông Dương Cộng sản Ðảng (17-6-1929), An Nam Cộng sản Ðảng (8-1929), Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn (9-1929)... Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc, bí danh là Vương, thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị thống nhất Ðảng tại Cửu Long thuộc Hương Cảng (Trung Quốc) với sự có mặt đại biểu Ðông Dương Cộng sản Ðảng (Nguyễn Ðức Cảnh, Trịnh Ðình Cửu), đại biểu An Nam Cộng sản Ðảng (Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu) và hai đại biểu Việt Nam hoạt động ở nước ngoài là Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Riêng Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn (tiền thân là Tân Việt Cách mạng Ðảng) không kịp cử đại diện dự Hội nghị. Hội nghị diễn ra đúng vào dịp Tết năm Canh Ngọ. Hồi ký của các đồng chí tham dự Hội nghị hợp nhất Ðảng kể lại: Trong một tháng trời ròng rã, Hội nghị đã diễn ra ở nhiều địa điểm, khi thì ở trong nhà một người công nhân nghèo, giả làm đám người chơi mạt chược phòng cảnh sát bất ngờ ập vào, khi thì giả đi xem bóng đá, khi thì trên một quả đồi gần sân bay, bến cảng…

Sự kiện lịch sử thành lập Ðảng vô cùng quan trọng nhưng đến nay, chính sử gần như không có tài liệu nào đề cập địa chỉ chính xác nơi thành lập Ðảng. Vậy nơi thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là địa điểm nào?

Trước hết, cần khẳng định, nơi thành lập Ðảng là tại bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Công (Trung Quốc). Trong hồi ký của mình, bà Lý Phương Thuận kể rằng: “Trước khi bị thực dân Anh bắt, Bác Hồ, Hồ Tùng Mậu và Lý Phương Thuận vẫn ở Cửu Long”. Lý Phương Thuận, hay Lý Ưng Thuận, Lý Sâm, Lý Thị Tâm, tức Lê Thị Tâm, quê Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Bà là một trong tám người được đưa từ Xiêm sang Quảng Châu (Trung Quốc) theo học lớp thiếu niên tiền phong. Năm 1931, bà bị nhà cầm quyền Pháp phát lệnh truy nã cùng với Nguyễn Ái Quốc và các thành viên trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngày 6-6-1931, bà bị bắt cùng Nguyễn Ái Quốc, khai tên là Lý Sâm, quê ở Nam Kinh, Trung Quốc. Tại phiên tòa thứ ba, ngày 15-8-1931, Tòa án tối cao Hồng Công xét thấy không có chứng cứ buộc tội, nên ra lệnh phóng thích Lý Sâm, cho phép bà rời Hồng Công.

Hồi ký của đồng chí Nguyễn Nghĩa, một trong những đại biểu dự Hội nghị thành lập Ðảng kể, cuộc họp được bố trí tại một căn nhà nhỏ hẹp ở xóm thợ thuyền gần Cửu Long Thành. Theo hồi ký của Nhiêu Vệ Hoa (Ðảng viên Ðảng Cộng sản Trung Quốc, lúc đó công tác ở cơ quan tỉnh ủy Quảng Ðông, được cử tới giúp đỡ Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam), thì Hội nghị thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành ở khu vực Tống Vương Ðài.

Tống Vương Ðài (Sung Wong Toi) là một địa danh ở Cửu Long, từ xa xưa đã có đền thờ Zhao Bình, ông vua cuối cùng của triều đại nhà Tống, khi bị quân Mông Cổ truy đuổi đã chạy về ẩn náu và mất ở đây. Trước năm 1930, khu vực Tống Vương Ðài có một quả đồi không cao lắm, trên đỉnh có đền thờ Tống Vương. Chung quanh chân đồi là khu dân cư, có hai con đường lớn chạy cắt nhau là Tam Kung và Sung Wong.

Năm 1925, người Nhật xây sân bay Kai Tak ở bên chân đồi Tống Vương, năm 1940, quân đội Nhật mở rộng sân bay, đã phá hủy một phần đồi Tống Vương. Năm 1969, chính quyền Hồng Công phá bỏ đoạn đường Tam Kung từ số nhà 150 trở về sau để mở Ðại lộ Olympic như hiện nay.

Ngày nay, ở một bên Ðại lộ Olympic, từ vị trí của số nhà 150 Tam Kung kéo dài về sau có một công viên nhỏ. Giữa công viên có viên đá hình chữ nhật, khắc ba dòng chữ “Tống Vương Ðài” bằng chữ Hán. Nhân dân trong vùng nói viên đá này trước đây nằm trên đỉnh đồi Tống Vương. Khi quân Nhật phá đồi Tống Vương để mở rộng sân bay đã lăn bỏ viên đá này xuống núi. Chính quyền đưa về đặt trong công viên. Trong công viên còn có bia ghi lịch sử Tống Vương Ðài, tóm tắt cuộc trốn chạy qua Cửu Long của Zhao Bình.

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cử nhiều đoàn cán bộ sang Hồng Công khảo sát và khai thác tư liệu. Là người dẫn đầu đoàn nghiên cứu năm 2007, tôi thấy rằng khu vực Tống Vương Ðài thuộc bán đảo Cửu Long hội tụ đủ các yếu tố như trong các hồi ký kể về địa điểm thành lập Ðảng: Có dấu tích đài kỷ niệm Vua Tống, có sân bay, có bờ biển, có dãy phố của những người công nhân nghèo đường Tam Kung.

Tiếp đó, qua nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, có người trong chúng tôi nêu giả thuyết: Phải chăng Hội nghị thành lập Ðảng được tổ chức tại số nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long, Hồng Công, chính là ngôi nhà mà ngày 6-6-1931, cảnh sát Anh bắt Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc)? Ðến nay, chúng tôi chưa dám khẳng định, nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long, Hồng Công có phải là địa điểm diễn ra sự kiện thành lập Ðảng năm 1930 hay không. Dù không phải thì chắc chắn cũng ở một ngôi nhà trên con phố Tam Kung lịch sử. Dãy phố này tuy bị phá hủy, nhưng khu vực Tống Vương Ðài vẫn còn. Trên thực tế, Hội nghị thành lập Ðảng không họp cố định ở một nơi, không phải trong một lần thảo luận mà kết thúc… Nhưng tất cả các cuộc họp đó, như các hồi ký kể lại, đều nằm trong khu vực Tống Vương Ðài với thời gian gần một tháng.

Vì vậy, việc ghi dấu sự kiện thành lập Ðảng bằng hình thức bia biển ở Công viên Tống Vương Ðài là hết sức thiết thực đối với lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, với người dân Việt Nam nói chung. Hơn nữa, Công viên Tống Vương Ðài cũng là một di tích lịch sử quan trọng của Hồng Công nên việc gắn biển sẽ làm tăng thêm giá trị lịch sử, gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa Ðảng Cộng sản hai nước, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người vun đắp, xây dựng./.

TS CHU ĐỨC TÍNH

Theo Báo Thời Nay

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: