Ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường. Bài viết nêu một số kiến giải bước đầu về triết lý giáo dục Hồ Chí Minh từ “Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội” của Người và qua đó muốn khẳng định triết lý giáo dục Hồ Chí Minh không phải chỉ thể hiện ở lời nói mà là cơ sở định hướng cho hoạt động thực tiễn giáo dục và xây dựng con người.
Ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người đã nói chuyện với các thầy cô giáo, sinh viên và cán bộ, công nhân viên của trường. Bài viết nêu một số kiến giải bước đầu về triết lý giáo dục Hồ Chí Minh từ “Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”(1) của Người và qua đó muốn khẳng định triết lý giáo dục Hồ Chí Minh không phải chỉ thể hiện ở lời nói mà là cơ sở định hướng cho hoạt động thực tiễn giáo dục và xây dựng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần về
thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh tư liệu.
1. Trường sư phạm phải là “trường mô phạm”
Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm rất lớn đối với đối với ngành Sư phạm và sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội – tiền thân trực tiếp của Trường ĐHSP Hà Nội. Trong đó, Chủ tịch Chính phủ khẳng định việc đào tạo giáo viên trung học là “rất nên cần thiết” để nâng cao nền văn hóa Việt Nam, “xứng danh với một nước độc lập và để theo kịp bước các nước tiên tiến trên hoàn cầu”. Sự kiện này đã hiện thực hóa triết lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Tiếp sau đó, Chính phủ cho thành lập ngành Sư phạm (1946) và Trường Sư phạm Cao cấp – Trường ĐHSP Hà Nội (1951).
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều lần tới thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội, thể hiện sự quan tâm tin tưởng đặc biệt của Người đối với trường sư phạm. Năm 1957, Người tới thăm và căn dặn cán bộ giáo viên về cách dạy dỗ phải xuất phát từ tình yêu thương, kiên nhẫn thuyết phục học trò,…. Năm 1960, tới thăm Trường, Người giáo dục sinh viên phát huy tinh thần phấn đấu trong học tập và cống hiến cho cách mạng. Năm 1964, Người tới thăm Trường cùng với Tổng thống Môđibô Câyta và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu nhà nước Cộng hòa Mali. Sự kiện này cũng khẳng định được vị thế, vai trò của trường sư phạm trong chính sách giáo dục quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
Mở đầu Bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc tự phê bình: “Vì bận nhiều việc, Bác ít đến thăm nhà trường”; sau đó, Người nêu lên những vấn đề mang tính triết lý giáo dục như sau:
- Giáo viên sư phạm cần phải xung phong gương mẫu đi đầu trong việc học tập cũng như trong mọi việc. Trong đó có nhiệm vụ phát triển giáo dục miền núi (“đưa cái hiểu biết văn hóa lên cho đồng bào”). Người khẳng định việc này đã có kết quả tốt và“đó đều là công lao của nhà trường, của các cô giáo, thầy giáo”.
- Sứ mệnh cao cả của Trường sư phạm cần phải thực hiện là “làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Từ “mô phạm” được hiểu là khuôn phép, mẫu mực, chuẩn mực để người khác tôn trọng và dựa vào đó mà noi theo. Khi Người nói “trường mô phạm” là nói đến con người – chủ thể – trong Nhà trường, đó chính là cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên. Điều này có nghĩa là Người đòi hỏi ở những chủ thể của Nhà trường phải (và phải phấn đấu để đạt được) là khuôn mẫu, chuẩn mực về cả đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn, tinh thần sáng tạo, tiên phong gương mẫu về mọi mặt. Đây là cái đích phấn đấu của tất cả mọi người trong Nhà trường. Bởi thế, đối với Trường ĐHSP Hà Nội, triết lý đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được coi là di sản tinh thần to lớn, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Nhà trường và thực tiễn phát triển 60 năm qua đã chứng minh “sự dẫn đường” bởi triết lý giáo dục đó của Người. Hiện nay, khẩu hiệu hành động của Trường ĐHSP Hà Nội là: “Mô phạm – Sáng tạo – Cống hiến”.
Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh về trường sư phạm “phải là trường mô phạm” cần phải được coi là tuyên ngôn về ngành sư phạm Việt Nam và các trường sư phạm cần coi đó là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của nhà trường. Đến nay triết lý còn nguyên giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn mang tính thời đại. Trước yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay, đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa đối với ngành sư phạm, đặc biệt tạo nhiều cơ chế đặc thù, mở ra những cơ hội phát triển thực sự mới cho mạng lưới các trường sư phạm, thúc đẩy hệ thống giáo dục quốc dân hội nhập quốc tế.
2. Phong trào thi đua phải thực chất, hiệu quả
Trong Bài nói chuyện, điều đầu tiên nói về ưu điểm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người đã khẳng định: “Một là tất cả mọi người, các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ, công nhân viên cũng như các cháu học sinh đều có tinh thần khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Đó là một điều tốt… Một ưu điểm nữa là phong trào thi đua “Hai tốt” ở đây làm khá. Bác nói rằng khá, chứ chưa phải trăm phần trăm tốt đâu nhé”.
Sức sống của phong trào thi đua “Hai tốt” (dù được triển khai cách đây nửa thế kỷ – 1961) tự nó đã khẳng định tính hiệu quả trong toàn ngành giáo dục. “Hai tốt” đơn giản chỉ là “dạy tốt, học tốt” nhưng bao chứa tất cả ý chí quyết tâm, lòng nhiệt huyết, tận tụy, sự nỗ lực cố gắng, phấn đấu bền bỉ, sự hy sinh, năng lực sáng tạo, chủ động, và cả niềm tin, sự kỳ vọng,… của hai chủ thể chính đó là nhà giáo và học trò. “Hai tốt” không phải là một phong trào mang tính hình thức nảy sinh từ tư duy các nhà quản lý mà là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn giáo dục của toàn ngành mà trực tiếp được bắt đầu nhân rộng, phổ biến từ một mô hình thi đua đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn ở một trường học tại địa phương – Trường THCS Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Sau này, trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục cả nước (10/1968), Người nhấn mạnh quyết tâm và kỳ vọng vào hiệu quả toàn diện của phong trào: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.
Từ kết quả của phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” với sự định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nêu lên nội dung triết lý giáo dục của Người: Phong trào thi đua chỉ có sức lan tỏa và phát huy hiệu quả thiết thực khi nó được bắt đầu từ mô hình của thực tiễn, đối tượng thực hiện rõ ràng, mục tiêu có tính xuyên suốt, dễ hiểu, phương thức tổ chức thực hiện cụ thể, sáng tạo, sinh động và việc kiểm tra đánh giá, tổng kết đơn giản (bởi hiệu quả thực hiện phải dễ thấy qua người thực(Thầy – Trò), việc thực (Dạy – Học),…
Hầu hết các phong trào thi đua sau này được ngành giáo dục phát động thực chất là cụ thể hóa hoặc dưới hình thức khác cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng về bản chất vẫn nhằm mục đích cơ bản nhất là “dạy tốt, học tốt”.
3. Trường sư phạm phải là thành trì vững chắc của đạo đức xã hội
Trong Bài nói chuyện, Người nêu mục tiêu giáo dục phải đạt được là đào tạo con người phát triển toàn diện cả về tài và đức: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”.
- Khi Người nêu yêu cầu trong dạy và học “phải biết chú trọng cả tài lẫn đức” cũng có nghĩa đặt ra nhiệm vụ và mục tiêu giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, việc Người đưa ra định nghĩa về “đức” và nhận định vai trò của đạo đức cách mạng thì không có nghĩa là hạ thấp vai trò của “tài”. Bởi trong mỗi thời điểm lịch sử nhất định, việc giáo dục toàn diện cho con người là nhiệm vụ cơ bản nhưng nhấn mạnh một mặt nào đó cũng là do xuất phát từ nhiệm vụ kinh tế – xã hội. Hồ Chí Minh dùng khái niệm “đạo đức cách mạng” để giải thích về “đức” và coi đó “là cái gốc, rất là quan trọng” nhằm phân biệt với đạo đức truyền thống được hình thành trong xã hội cũ. Theo Người, nhiệm vụ của giáo dục là xây dựng con người mới với đạo đức mới (có nội dung cốt lõi là “triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”). Như thế, nhiệm vụ giáo dục phải gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội, đào tạo con người phải nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
- Yêu cầu chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng được Người nêu lên ở Trường ĐHSP Hà Nội cho chúng ta thấy tư tưởng cốt lõi về đào tạo ngành sư phạm phải đặc biệt chú trọng đến nội dung giáo dục đạo đức bởi nghề dạy học “rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Người khẳng định: “Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Điều này không chỉ đặt ra ở phương diện triết lý giáo dục mà trong thực tiễn, đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên phải thấu triệt và không ngừng nỗ lực hiện thực hóa yêu cầu này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu lên những yêu cầu cụ thể:
- Yêu cầu về lý tưởng sống phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, “quyết tâm phải làm tròn nhiệm vụ”, phải hòa mình vào thực tế sinh động đầy khó khăn, gian khổ để qua đó hiểu biết thêm thực tiễn giúp cho giáo dục thực chất.
- Yêu cầu đối với quan hệ xã hội trong Nhà trường trước hết “phải đoàn kết”: “Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”. Trong mối quan hệ giữa trò với trò phải đảm bảo tinh thần bình đẳng, phải “thật sự coi nhau như anh em, chị em ruột thịt trong một nhà”, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, không được có ý ganh ghét, đố kỵ, hống hách,…
- Yêu cầu về phẩm chất Nhà giáo: Các cô giáo, thầy giáo cần “phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”, thường xuyên “thi đua phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm” để trở nên mẫu mực, chuẩn mực; “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. … Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng”.
Thực tiễn đời sống xã hội hiện nay đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức trong ngành giáo dục. Gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường ngày càng gia tăng và trở nên nghiêm trọng. Vấn đề giáo dục đạo đức hơn bao giờ hết trở thành mối quan tâm trước hết của toàn xã hội.
Từ những chỉ dẫn sâu sắc mang tính triết lý giáo dục trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại chính ngôi trường đại học đầu tiên của ngành sư phạm, chúng tôi đề nghị, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần đề cao hơn nữa về vai trò và sứ mệnh của các trường sư phạm, đặc biệt các trường Đại học Sư phạm phải được coi là thành trì vững chắc nhất bảo vệ, giữ gìn, giáo dục và phát huy nền tảng đạo đức xã hội(2). Bởi trước đây, đã có thời kỳ, Trường ĐHSP Hà Nội được coi như “một loại trường Đảng”, có sứ mệnh như là “pháo đài bảo vệ chủ nghĩa xã hội” và thực tế thông qua những thành quả đào tạo đã phát huy tốt vai trò đó trong toàn ngành giáo dục và toàn xã hội.
Thay đổi nhận thức là một bước cơ bản để thay đổi hành động. Đạo đức nhà giáo đại diện cho nền tảng của đạo đức xã hội. Quan tâm tới sự phát triển toàn diện trong giáo dục, đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức với những chính sách ưu tiên cụ thể, kịp thời cho chủ thể giáo dục (thầy – trò) cũng như việc xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo sẽ là cơ sở thực sự tin cậy để xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
4. Triết lý “trồng cây” – “trồng người” và tổ chức giáo dục trong nhà trường
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây vào mùa Xuân với ý nghĩa “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Lợi ích của trồng cây thì ai cũng hiểu nhưng triết lý sâu xa trong việc trồng cây chính là sự nghiệp trồng người: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Trong bài nói chuyện, sau khi nhắc nhở về kết quả làm vệ sinh và trồng cây còn hạn chế, Người đặt yêu cầu: “Các cô, các chú và các cháu phải làm cho vườn của trường thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp”.
Nếu hiểu việc trồng cây liên hệ tới sự nghiệp trồng người thì ở đây Hồ Chí Minh đã cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể, sinh động. Nếu “tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt” thì sao mà đạt kết quả tốt được. Điều đó cũng như trong công tác đào tạo, không phải cứ tham về số lượng, mà không đảm bảo về điều kiện đào tạo cho tốt, như về đội ngũ, về cơ sở vật chất, thiết bị,… thì không thể đảm bảo chất lượng được và đương nhiên không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chính vì thế, nhất định phải đảm bảo tốt về điều kiện để “trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó. Như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít”.
Từ triết lý “trồng cây” – “trồng người” của Hồ Chí Minh có thể nhận thấy rằng: Đối với việc trồng người (sự nghiệp giáo dục – điều kiện để tạo nên con người) thì không thể cho phép người ta tạo ra phế phẩm, dù chỉ ở trong suy nghĩ.
Điều đặc biệt, chỉ trong một đoạn ngắn nhắc nhở việc trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 4 từ “phải”: “phải chăm bón cho tốt cây”, “phải làm cho vườn trường thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp”, “phải làm”, “làm thì phải có tổ chức”. Triết lý sâu sắc của Người ở đây là: kể từ việc trồng cây đến việc trồng người, nhất định con người phải là chủ thể, phải chủ động thực hiện và khi thực hiện thì phải đảm bảo điều kiện, phải có trách nhiệm, phải đạt hiệu quả và có tác động thúc đẩy môi trường – xã hội phát triển. Điều này không chỉ khẳng định chân lý: Con người là chủ thể của lịch sử, của xã hội mà còn thể hiện rõ quan điểm của Hồ Chí Minh: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”.
Về công tác tổ chức giáo dục trong nhà trường, Người chỉ rõ: “Làm thì phải có tổ chức… Có tổ chức thì nhất định làm được tốt”. Về phương pháp học tập, đối với người học “không nên học gạo, không nên học vẹt” mà “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Để phương pháp dạy và học thực sự hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đối với cả giáo viên và học sinh phải đảm bảo kỷ cương nền nếp: “Cần phải giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề, luộm thuộm”.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một hệ thống quan điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của con người và toàn xã hội. Trong đó có những tư tưởng đi trước thế giới, trở thành chân lý được nhân loại tiến bộ thừa nhận và tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người(3). Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chứa đựng kho tàng triết lý sâu sắc, đó là kết quả của sự thẩm thấu và phát triển những tinh hoa, cốt lõi của nền văn hóa dân tộc cùng với những tri thức tiến bộ của văn minh nhân loại. Kho tàng triết lý ấy cần được tiếp tục khai thác nhằm xây dựng cơ sở lý luận có tính chất nền tảng, kim chỉ nam của triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, góp phần vào nội dung của chủ thuyết phát triển Việt Nam đang được đầu tư nghiên cứu. Hiện thực của triết lý giáo dục Hồ Chí Minh chính là ở cuộc đời và sự nghiệp của Người./.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr.329-332
(2) Ví dụ sinh động về vấn đề này được nêu lên trong bài “Sinh viên Sư phạm không bao giờ “phong bì” thầy cô” của tác giả Anh Đức trên báo điện tử Vietnamnet.
(3) Ví dụ: Những tư tưởng cơ bản về “Bốn trụ cột của giáo dục thế giới” do UNESCO đề ra năm 1996 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ năm 1949.
Nguyễn Bá Cường
Theo Bản tin Đại học Sư phạm Hà Nội, số 1+2/2011, tr.27-30.
Minh Thu (st)