Quyết tâm sắt đá của Bác Hồ và Bộ Chính trị về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã được truyền đến các cấp ủy, từng đảng viên, tạo sự đồng tâm nhất trí từ Trung ương tới cơ sở, động viên toàn dân, toàn quân chủ động, tích cực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết tâm đã có nhưng nên đánh địch như thế nào, khi vào mùa khô năm 1953 Tướng Nava đã tổ chức được 18 binh đoàn cơ động chiến lược và đang bày nhiều mưu sâu, kế hiểm để giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Đây là một vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo thực hiện quyết tâm. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rất rõ trong nội dung ý kiến khi nghiên cứu kế hoạch Nava. Người nói là: “Địch muốn chủ động thì ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh”. Đây là sự chỉ đạo chiến lược hết sức sáng suốt và rất sát đúng với tình hình thực tế của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Trước tình hình thực dân Pháp ra sức tập trung quân cơ động, cố gắng tạo ưu thế trên chiến trường, đồng thời lại được Mỹ chi viện to lớn... nếu để địch tập trung quân cơ động như kế hoạch của chúng thì đánh sẽ rất khó khăn. Theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, Tổng Quân ủy đã báo cáo với Bác và Bộ Chính trị một kế hoạch tấn công trên 5 hướng: Hướng thứ nhất là Tây Bắc mà quyết chiến điểm là Điện Biên Phủ; hướng thứ 2 là Trung Lào; hướng thứ 3 là Hạ Lào; hướng thứ 4 là Tây Nguyên; hướng thứ 5 là Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.

chi-dao-bqllang.gov.vn
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thực tế sau này tình hình chiến sự diễn ra đúng như kế hoạch ta đã xây dựng. Ta tấn công địch ở nhiều nơi, buộc chúng phải căng lực lượng ra đối phó. Đặc biệt cuối tháng 12 năm 1953, quân ta mở đầu tấn công địch ở Trung Lào, rồi sau đó Hạ Lào. Ở Trung Lào ta tiêu diệt nhiều vị trí, giải phóng toàn tỉnh Khăm Muộn, phá vỡ phòng tuyến Trung Lào. Ở Hạ Lào, địch phải bỏ chạy khỏi thị xã A-tô-pơ, quân ta truy kích tấn công vào thị xã Pắc-xế. Địch phải bỏ Pắc-xế chạy về Xa-ra-van... Trước nguy cơ bị mất các khu vực quan trọng ở Trung Lào và Hạ Lào, Na-va buộc phải điều lực lượng cơ động lên thành lập một tập đoàn cứ điểm ở Sế-nô (Trung Lào) và một tập đoàn cứ điểm ở Xa-ra-van...

Cuối tháng Giêng năm 1954 quân ta tấn công Tây Nguyên. Kết quả ta đã tiêu diệt nhiều vị trí của địch trong hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên… tấn công Kon Tum - một tỉnh quan trọng ở Tây Nguyên. Trước tình hình đó, địch phải vội vã điều một bộ phận lực lượng cơ động lên ứng cứu và thành lập một tập đoàn cứ điểm để giữ địa bàn này... Ngày 29 tháng Giêng năm 1954, trong lúc các đơn vị chủ lực của ta ở Điện Biên Phủ xúc tiến công tác chuẩn bị thì Đại đoàn 308 tiến đánh quân địch tại Thượng Lào, tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, giải phóng toàn bộ khu vực sông Nậm U, tiếp tục truy kích đánh địch tới sát Luông-pra-bang, buộc địch phải thành lập 2 tập đoàn cứ điểm mới để phòng thủ Luông-pra-bang và Mường Sài. Cuộc tấn công này cũng đã làm cho địch phán đoán sai lầm vì cho rằng, ta đã điều Đại đoàn 308 là đại đoàn mạnh sang Thượng Lào thì ta sẽ không đánh Điện Biên Phủ nữa.

Trong thời gian này ở chiến trường Nam Trung Bộ và Nam Bộ quân ta cũng mở liên tiếp nhiều cuộc tấn công vào các vị trí của địch, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phối hợp tích cực với các hướng. Ở đồng bằng Bắc Bộ, quân ta đã mở những trận tấn công quan trọng, đặc biệt là trận đánh vào sân bay Cát Bi (Hải Phòng) phá hủy nhiều máy bay của địch và cắt đứt Đường số 5 - tuyến đường vận chuyển quan trọng của địch trong thời gian dài.

Như vậy, các chiến trường đã phối hợp rất kịp thời, chặt chẽ và thu được những thắng lợi lớn, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược đối phó trên nhiều hướng. Đến ngày 13-3-1954, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công Điện Biên Phủ. Thế là chúng ta đã thực hiện đúng tư tưởng của Bác Hồ là phân tán địch ra mà đánh, đồng thời tập trung lực lượng chủ lực mạnh quyết chiến với địch ở chiến trường trọng điểm là Điện Biên Phủ để giành thắng lợi quyết định.

Đó cũng chính là sự kế thừa và phát huy tư tưởng giành quyền chủ động để tiến công, đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi, từ cục bộ đến toàn bộ… trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tư tưởng đó được Bác Hồ và Bộ Chính trị thể hiện rất rõ trong nhận định tình hình cách mạng, đánh giá đúng kẻ thù, chủ động đề ra kế sách, phương án vừa đề phòng địch chống phá, vừa khẩn trương chuẩn bị lực lượng kháng chiến, tìm mọi biện pháp làm cho địch phải phân tán, suy yếu, tạo ra thế và thời cơ có lợi để tiến hành phản công, tiến công giành thắng lợi. Tư tưởng đó của Bác và Bộ Chính trị đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đặc biệt là bài học về “Chiến lược tiến công, luôn giành thế chủ động”, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động đối phó trên nhiều hướng, từ đó ta tập trung tiêu diệt./.

Trung tướng Đặng Quân Thụy,

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội

Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: