Tháng 5-1945, Bác Hồ về Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sáu mươi chín năm đã qua, nhưng trên từng bậc cầu thang của Lán Nà Nưa đơn sơ, mái đình Hồng Thái, bên gốc đa Tân Trào thiêng liêng và trong ký ức của đồng bào các dân tộc xã Tân Trào, Bác như vẫn còn đây. .. Những câu chuyện về Bác vẫn luôn được nhân dân nơi đây nhắc đến với lòng thành kính, sự tự hào lớn lao.

tan-trao-bqllang.gov.vn
Lán Nà Nưa – nơi Bác Hồ đã ở tại Tân Trào

          “Nhân dân nắng thì Bác cũng nắng”

          Đó là ký ức không bao giờ phai mờ về Bác Hồ của ông Viên Phúc Tần, 87 tuổi, thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Ông Tần kể: “Trước Cách mạng tháng Tám, tôi làm Thư ký Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã Kim Trận (nay là xã Tân Trào). Nhận chỉ đạo của cấp trên, tôi đã đi vận động cán bộ, nhân dân trong xã làm bè để đón Bác Hồ qua sông Phó Đáy về Tân Trào lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Trong thời gian Bác ở Tân Trào, tôi đã nhiều lần được gặp Bác. Có lần chúng tôi đi học Điều lệ Đảng về thì gặp Bác. Bác liền hỏi “Các cháu đi đâu về?”. Chúng tôi trả lời Bác là đi học về. Bác lại hỏi “Học cái gì?”. Chúng tôi trả lời: “Thưa Bác, chúng cháu đi học Các Mác ạ!”.

          Tuy nhiên, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất về Bác là vào năm 1961, Bác về lại Tân Trào, nói chuyện với bà con. Lúc đó, tôi đang là quyền Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào. Biết Bác Hồ về thăm, bà con trong xã náo nức lắm. Ngay từ sáng sớm mọi người tập trung tại khu vực đình Tân Trào rất đông để nghe Bác nói chuyện. Trời nắng, một cán bộ bảo vệ lấy mấy tàu lá cọ để che cho Bác, Bác liền xua tay và bảo: “Không phải che cho Bác. Nhân dân nắng thì Bác cũng nắng”.

          Cũng theo ông Tần, trong thời gian ở Tân Trào, Bác thường xuyên đi bộ và cải trang bằng chiếc khăn mặt trắng trùm lên đầu…

          Không ai khôn hết được đâu

          Cách cây đa Tân Trào 50m là ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự - nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Giờ đây, tuy ông Sự không còn nữa, nhưng các thế hệ con cháu ông vẫn luôn nhớ hình ảnh và những việc làm của Bác. Bà Hoàng Thị Mai, con dâu trưởng của ông Nguyễn Tiến Sự, năm nay đã 71 tuổi, kể lại: “Năm 1945, bố chồng tôi (ông Sự) là Chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào. Một hôm, gia đình được giao nhiệm vụ đón tiếp bộ đội. Đến sẩm tối thì có một ông cụ mặc áo chàm dân tộc Nùng, đi giày vải, dẫn mấy người vào ngõ. Người trong làng được giới thiệu đó là đồng chí Thượng cấp và đều gọi Người là "Ông Cụ". Gia đình dành một gian nhà để “Ông Cụ” ở và làm việc. Thường cứ 4 giờ sáng, “Ông Cụ” dậy và đánh thức mọi người dậy cùng tập thể dục, sau đó Cụ mới vào bàn làm việc. Thời gian rảnh Cụ dạy dân học chữ, trồng lúa, thực hiện nếp sống vệ sinh để tránh ốm đau bệnh tật, Cụ luôn gương mẫu đi đầu để mọi người làm theo. Những câu chuyện về Cụ giản dị, nhưng luôn chứa đựng những bài học sâu sắc, nhân văn. Đó là bài học về việc không ngừng học tập, trau dồi, học mọi lúc mọi nơi, học điều hay ý đẹp ở tất cả mọi người xung quanh.

          Một lần sau bữa ăn, Bác hỏi ông Nguyễn Tiến Sự:

          - Ông chủ nhiệm Việt Minh của xã Tân Trào bao nhiêu tuổi rồi?

          - Thưa Bác, tôi ba mươi tám. Tuy chưa già nhưng đã yếu.

          Bác liền bảo:

          - Chú còn khoẻ lắm. Nên đi học cho biết chữ, phải học nhiều. Học văn hoá, học kinh nghiệm công tác ở mọi người, mọi lứa tuổi để làm việc tốt hơn. Không ai khôn hết được đâu.

          Rồi Bác kể chuyện: Một hôm đi công tác, giữa đường gặp mưa to. Đường vừa dốc lại trơn nên phải thận trọng bước từng bước một. Bỗng gặp ba em bé cùng trú mưa ở cái lều bên đường. Nhìn Bác đi chậm, một em nói: Chà, Cụ già này đi trời mưa, đường trơn không có gậy mà không sợ ngã nhỉ?

Từ bữa ấy về sau hễ đi đường gặp mưa trơn, nhớ lời các cháu Bác lại tìm gậy để chống. Quả nhiên có chiếc gậy đi dễ hơn mà lại không sợ ngã chú ạ!

          Như giữ đồng bạc trắng

          Những câu chuyện giản dị về Bác vẫn được đồng bào dân tộc xã Tân Trào nói chung và gia đình ông Nguyễn Tiến Sự nói riêng trân trọng, gìn giữ và lấy đó làm cách giáo dục con cháu mình nhẹ nhàng mà sâu sắc.

          Khi nói với đồng bào Tân Trào về việc giữ bí mật cho cán bộ, cho đảng, cách mạng, Bác dùng hình ảnh đồng bạc trắng giản dị, giúp đồng bào dễ hiểu, dễ nghe và sẵn sàng đi theo, làm theo lời Bác dạy.

          Một bữa chị em phụ nữ bản Tân Lập (Tân Trào, Tuyên Quang) tập trung xay thóc giã gạo chuẩn bị lương thực cho cán bộ, bộ đội thì Bác đi công tác qua, dừng lại hỏi chuyện:

          - Chị em có biết mình xay thóc, giã gạo thế này là để làm gì không?

          Mọi người chưa hiểu, nên đưa mắt nhìn nhau, Bác nói tiếp:

          - Xay thóc, giã gạo để cán bộ và bộ đội có cơm ăn đánh Tây, đuổi Nhật. Như vậy là chị em ta cũng góp phần đánh Tây, đuổi Nhật đó.

          Bác lại hỏi:

           - Nếu chị em ta có đồng bạc trắng thì cất giấu ở đâu cho khỏi mất?

          Chị em vui vẻ trả lời Bác. Người thì nói là cho vào hòm chắc khoá lại. Người thì cho là bỏ vào túi vải luôn luôn mang ở bên mình...

          Đợi mọi người nói hết, Bác kết luận:

          - Ai nói cũng đúng. Cất như vậy là kín. Bây giờ ở bản ta có cán bộ, bộ đội chúng ta cũng phải bí mật bảo vệ họ cẩn thận như giữ đồng bạc trắng. Vì nếu để lộ ra thì dễ hỏng mất việc nước.

          Người được Bác Hồ tặng quà cưới

          Còn với bà Nông Thị Mơ, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - người vinh dự được Bác Hồ tặng quà trong ngày cưới, thì dù năm nay đã bước sang tuổi 87, nhưng mỗi khi nhắc đến Bác Hồ, bà vẫn bồi hồi xúc động.

          Bà Mơ tâm sự: “Vào trung tuần tháng 6 năm 1945, vợ chồng tôi tổ chức lễ cưới. Và thật vinh dự cho vợ chồng tôi là hôm tổ chức lễ cưới, Bác Hồ đã tới dự và tặng vợ chồng tôi hai đồng. Số tiền đó được Bác để trong chiếc hộp hình chữ nhật. Bác dặn vợ chồng tôi phải sống hạnh phúc, suốt đời yêu thương nhau”.

          Gần 70 năm trôi qua, chiếc hộp đựng tiền của Bác tặng vẫn được bà Mơ lưu giữ cẩn thận như một báu vật trong cuộc đời. Cũng theo bà Mơ, nhớ lời Bác dặn, dù hoàn cảnh gia đình nhiều khi rất khó khăn, nhưng vợ chồng bà luôn thương yêu nhau, chưa khi nào nặng lời với nhau. Hiện 5 người con của bà đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định.

          Không chỉ hạnh phúc vì được Bác tặng quà cưới, mà kỷ niệm về những ngày tham gia Việt Minh ở căn cứ địa cách mạng Tân Trào, hình ảnh "Ông Ké Cách mạng" vẫn in sâu trong tâm trí bà và những người dân nơi đây. Ngoài thời gian làm việc, Bác Hồ dành sự quan tâm, thăm hỏi mọi người trong làng. Người còn cùng với bà con lao động, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, động viên chị em phụ nữ hăng hái tăng gia sản xuất. Bác Hồ luôn động viên các chiến sỹ phải ăn thật no mới có sức đánh giặc, đem lại tự do cho đồng bào. Bà Mơ kể lại: “Thấy tôi và các chị em khác giã gạo, nấu cơm, Bác Hồ ân cần bảo "Các cô nấu cơm cho bộ đội cũng là đánh giặc đó…”.

          Nhớ Bác, nhớ về những câu chuyện giản dị nhưng đầy cảm động đó, Tân Trào hôm nay đang gắng sức vượt lên chính mình để xây dựng và phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa các xã vùng ATK căn cứ địa cách mạng xưa, xứng đáng tầm vóc lịch sử của ''thủ đô kháng chiến'', đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân cả nước./.

Ma Lệ Minh (Tổng hợp)

Bài viết khác: