bac ho

Bác Hồ thăm Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ngày 19-5-1955. Tại đây, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Ảnh tư liệu

          Ngày 13-10-1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời được một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Bức thư của Bác có thể coi như văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân.

           Trong thư Bác viết: Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Như vậy, Bác đã xác định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân và Chính phủ, cơ quan công quyền phải có trách nhiệm đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân.

            Về mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước, Bác viết: Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân. Xác định việc nước, việc nhà phải đi đôi với nhau, đó là lời dạy rất quan trọng của Bác đối với doanh nhân trong sự nghiệp làm giàu, trong việc phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân, là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

          PGS.TS Bùi Đình Phong, trong bài viết đăng trên Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 13-10-2013, phân tích rằng, bức thư khẳng định vai trò to lớn của hoạt động công thương trong việc xây dựng một nền kinh tế - tài chính vững vàng và thịnh vượng. Hoạt động kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với sự trường tồn của dân tộc. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng thì kinh doanh công thương thịnh vượng. Kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng thì đất nước giàu mạnh. Nhiệm vụ quan trọng nhất của giới công thương là đem vốn vào làm những việc ích quốc lợi dân. Chính phủ phải có trách nhiệm với giới công thương.

          “Theo tinh thần Hồ Chí Minh, “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”, Chính phủ phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả giúp doanh nhân vượt qua cơn sóng gió này. Tuy nhiên, giới doanh nhân phải hiểu rằng, ngay từ năm 1947, Hồ Chí Minh đã có tư duy về kinh tế thị trường khi Người nói rằng “Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.65). Vì vậy, cùng với sự tận tâm giúp đỡ bằng mọi cách khác nhau của Chính phủ thì điều quyết định là ở doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân phải “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” theo tinh thần “muốn người ta giúp cho, trước hết mình phải tự cứu mình”. Cái sức mạnh vô địch mà đội ngũ doanh nhân có thể vượt qua được cơn khủng hoảng này là sự đoàn kết, quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng và lòng tin. Tất cả những điều đó đều có trong di sản Hồ Chí Minh”, PGS.TS Bùi Đình Phong viết.

           Những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử ngày 13-10-1945, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí về tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết trong các bài nói, bài viết này, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải đoàn kết: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ...

           Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều cũng như xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Bác yêu cầu phải đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất... Những chỉ dẫn cụ thể đó của Bác vẫn đang có ý nghĩa thời sự đối với cả việc điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bác như đang cùng chúng ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước./.

“Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Nam Quang

Theo http://baodanang.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: