Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm báo là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người, có giá trị toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, được thể hiện với phong cách độc đáo, cô đúc, giản dị, dễ hiểu qua rất nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết chuyên đề về đạo đức. Bản thân Người là một tấm gương sáng về đạo đức và thực hành đạo đức. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến một nội dung trong tư tưởng đạo đức báo chí của Người, đó là: Nhà báo phải gần dân, yêu dân.
Theo Người, một nhà báo có đạo đức là một nhà báo biết: "Hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng"(1). Vì quần chúng chính là đội ngũ công chúng đông đảo, gần gũi nhất của báo chí, do đó nhà báo phải có ý thức phục vụ họ một cách chân thành, tận tâm nhất. Đó cũng chính là lý do và giá trị tồn tại lâu dài của một bài báo, một tờ báo và cả một nền báo chí chân chính.
Đối với người làm báo, Người quan niệm, gần dân là phải đi sâu, đi sát vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Phải: "Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng", chứ cứ đóng cửa lại, "ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết" thì không thể viết thiết thực, "không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả". Quan niệm đó xa lạ với hành vi quan liêu, xa dân, viết những điều dân không hiểu, không muốn đọc, không muốn nhớ, không muốn hưởng ứng. Chỉ với một chi tiết nhỏ nhưng nếu nhà báo không chú ý, không gần dân thì khó có thể viết hay, viết sát với cuộc sống của đồng bào.
Tháng 3 năm 1962, tờ báo Miền Tây Nghệ An trực thuộc Ban Miền Tây (Tỉnh ủy Nghệ An) ra mắt bạn đọc số báo đầu tiên. Đây là tờ báo dành phần lớn số trang đăng những gương tốt về sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá "sạch bản, tốt nương", nêu những điển hình của người dân làm thủy lợi giỏi, đưa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tận các bản, mường vùng dân tộc, miền núi. Tuy vậy, Người phê "nội dung, hình thức thể hiện bài viết cho đồng bào miền núi – dân tộc vùng cao chưa mấy sắc sảo, thiếu bản sắc dân tộc, thậm chí "nhà báo nói hộ, nghĩ thay" cho người vùng cao"(2).
Trong một tin của phóng viên Hồ Kim Tuấn viết: "Phòng Y tế huyện Kỳ Sơn đưa thuốc lên các xã vùng cao chữa bệnh cho bà con các dân tộc", khi đọc Bác đã dùng bút chì đỏ gạch đậm dưới chữ "đưa thuốc lên" và sửa lại bằng "đưa thuốc xuống các xã". Người miền xuôi nói "đưa lên" là thuận câu, hợp cảnh nhưng đã ở vùng cao rồi thì nói "đưa lên" sẽ làm tối nghĩa câu chữ. Chỉ một lỗi nhỏ về câu chữ nhưng đã làm cho các nhà báo thấm thía hơn bài học: "Viết cho ai xem, viết để làm gì, viết như thế nào" của Bác(3).
Câu chuyện trên cũng cho thấy sự quan tâm của Người đối với tờ báo nói riêng, với báo chí nói chung. Dù bận trăm công nghìn việc lớn, nhưng Người vẫn dành thời gian đọc báo và còn đọc rất kỹ để rồi chữa lỗi câu và gửi bản đã chữa về cho nhà báo và tờ báo rút kinh nghiệm.
Người dạy, nhà báo phải viết những bài báo hợp lòng dân, phản ánh những vấn đề thiết thực với quần chúng nhân dân như: Họ cần gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì... Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết đều phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.
Khi đọc tờ Waffen Briider (cơ quan vận động lính lê dương của Cục Địch vận), Người đã viết một lá thư trên cơ sở nhận xét những số báo đã xuất bản, chỉ ra phương thức biên tập sát với nhu cầu, tâm lý, tình cảm và trình độ của đối tượng.
"Đây là một vài ý kiến nhỏ đề nghị với các bạn: Tờ báo này dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính, dễ cáu kỉnh, dễ cảm xúc, chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc. Bởi vậy, cần có những bức tranh, những bức vẽ khôi hài, những gì làm họ vui cười, những tin tức ngắn về nước Đức và nước Pháp...
Nói tóm lại, cần làm cho họ cảm động, thoải mái, làm cho họ cười và khóc, để lôi cuốn họ về phía chúng ta.
Không nên viết những bài dài.
Không nên viết những vấn đề chính trị lớn đương thời."(4)
Để viết được những bài báo hợp lòng dân, sát với cuộc sống của nhân dân, theo Người, nhà báo phải học cách tìm tài liệu trong dân. Năm cách để tìm được tài liệu phục vụ cho bài viết đã được Người đưa ra, đó là: Nghe, Hỏi, Thấy, Xem và Ghi. Năm cách này gắn bó chặt chẽ với nhau theo một hệ thống có tính lô gích. Người làm báo phải biết cách lắng nghe: Nghe xa, nghe gần, nghe nhiều người, nghe từ nhiều phía; phải biết cách hỏi: Hỏi người bên cạnh, hỏi người xung quanh, hỏi nhân dân, hỏi cán bộ, hỏi nhiều chiều...; phải đến tận nơi để tận mắt trông thấy "trăm nghe không bằng một thấy"; rồi phải đọc báo, xem sách trong và ngoài nước; chưa hết còn phải tích cực ghi chép, ghi tất cả những gì mình nghe và thấy.
Khi viết thì "cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng" hợp với trình độ nhân dân. Bởi vì, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, nếu một tờ báo nào đó mà không được đại đa số dân ưa chuộng "thì không xứng đáng là một tờ báo". Trong bài nói tại Đại Hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Người từng phê bình báo chí của ta có cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống, viết như là để đếm dòng lấy tiền. Báo viết về văn nghệ thì nhạt nhẽo, viết về chính trị thì khô khan lại có "bệnh dùng chữ là phổ biến".
Người nhắc nhở, không nên viết "tràng giang đại hải", "dây cà ra dây muống", lãng phí giấy mực, thời gian, tiền của của nhân dân. Phân tích một cách sâu sắc về lý do phải viết ngắn gọn, Người viết: ''Trình độ của đại đa số đồng bào ta không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mức của ta không cho phép viết dài và in dài, thời giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy''(5).
Là tác giả của hàng ngàn bài báo và sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng nhà báo Hồ Chí Minh luôn chú ý đến đối tượng phục vụ. Từ những bài báo viết bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc... cho độc giả chủ yếu là giới trí thức, công nhân đến những bài báo viết bằng tiếng Việt cho độc giả là quần chúng nhân dân ở miền núi - tất cả đều được Người viết cho phù hợp với trình độ của đối tượng.
Trong Sửa đổi lề lối làm việc, Người đã phê phán thói "cầu kỳ" của người viết như thế này: "Tục ngữ nói: "Gẩy đàn tai trâu" là có ý chế người nghe không hiểu. Song, những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là "trâu"(6). Nhà báo viết khó hiểu có thể do dùng từ ngữ cao xa nên đối tượng đọc không hiểu, cũng có thể do không gần dân, không nói đúng suy nghĩ và yêu cầu của dân. Như thế, dân không hiểu thì mục đích tuyên truyền không đạt vì vậy, phải sửa lại.
Trên một số báo Lao Động xuất bản năm 1948, ở trang bì có in tranh khắc gỗ mô tả người công nhân cầu kỳ, khó hiểu. Người xem xong, phê bình bằng mấy câu thơ sau:
"Vẽ như ri
Xem chẳng hiểu chi
Mà bảo đại chúng
Đại chúng gì?"(7)
Theo Người: "Mục đích tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, tuyên truyền thất bại"(8).
Muốn viết ngắn gọn, dễ hiểu, Người chỉ rõ: Đó là phải học cách nói của quần chúng, thì khi nói, khi viết mới lọt tai quần chúng. Viết xong một bài phải tự mình đọc kỹ, xem đi xem lại nhiều lần để sửa chữa những từ ngữ khó hiểu, mập mờ. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu, cho phù hợp với trình độ của đại chúng nhân dân. "Nói tóm lại: Để làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm của các báo chí phải cải thiện hơn nữa"(9).
Khi nói về mối quan hệ gắn bó giữa quần chúng nhân dân địa phương với báo Việt Nam độc lập (cơ quan của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng), Người viết: "Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết gì, nói gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức của báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm "binh vận"(10).
Thái độ khiêm tốn, gắn chặt ngôn từ, cách viết của mình với quần chúng đã nảy sinh ngay từ khi Người mới bắt đầu tập viết những bản tin đầu tiên bằng tiếng Pháp. Người kể lại: "Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí cho đăng, chỗ nào cần phải sửa thì nhờ các đồng chí sửa cho, tôi không có tính tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm"(11). Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, do luôn nắm vững đối tượng và mục đích viết nên Người "viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa"(12).
Ngay từ những bài báo đầu tiên đến những bài báo cuối cùng của Người đều luôn ngắn gọn, rõ ràng, khúc triết, nhất quán với những yêu cầu Người đưa ra. Dù dưới nhiều bài báo Người không ký tên hoặc ký các bút danh khác nhau nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra văn phong của Người bởi những chuẩn mực ít ai đạt được: Nội dung sâu sắc, phong phú; hành văn cụ thể, thiết thực; chấm phá dí dỏm, hài hước và vấn đề nêu ra mang tính giáo dục cao. Đó là tấm gương cụ thể nhất, sống động nhất đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam./.
--------------------------
(1) (4) (7) (8) (10) (11), (12) Nguyễn Thành, Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr298, tr412-413, tr414, tr286, tr247-248, tr36
(2), (3) Văn Hiền, "Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ" (NXB Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr70-72
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr443
(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Sự thật, Hà Nội, 1984
(9) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr389-390
TS. Trường Giang
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Theo nguoilambao.vn
Minh Thu (st)