Ở tuổi 97, Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Văn Tỵ vẫn giữ nguyên phong thái lịch lãm, trí tuệ mẫn tiệp của một cán bộ ngoại giao kỳ cựu. Cả một đời người theo cách mạng, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược cùng nhiều năm tháng công tác ở nước ngoài, cụ Nguyễn Văn Tỵ bảo, tài sản lớn nhất có được là 6 người con thành đạt và một kho tài liệu gồm hơn 3.000 bức ảnh, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cụ đã dày công sưu tầm, gìn giữ suốt hơn 40 năm qua.

"Độc giả cao niên nhất của Báo Hà Nội Mới"

Tôi đến thăm cụ vào một ngày cuối thu. Con đường lộng gió dẫn vào thôn Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm được thảm bê tông phẳng lì, triền đê xanh mướt cỏ. Trước cánh cổng khép hờ, khu vườn rợp bóng cây, gọi đến ba lần không thấy tiếng ai đáp lại, tôi đành đẩy cổng bước vào sân. Bên bậc thềm đầy nắng, một ông cụ râu tóc bạc trắng như cước đang ngồi mê mải chẻ lạt, đôi bàn tay nhanh nhẹn và chuẩn xác đến không ngờ dù đã ở độ tuổi "xưa nay vô cùng hiếm". Đã được gặp cụ ở Lễ kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, tôi nhanh chóng mở máy ghi nhanh mấy kiểu ảnh trước khi ông cụ ngẩng lên, nở nụ cười hiền hậu. Biết tôi là phóng viên của Báo Hànộimới, cụ hào hứng dẫn vào nhà, pha trà mời khách. Và câu đầu tiên của cụ làm tôi nhớ mãi: Có lẽ tôi là độc giả cao niên nhất của Báo Hànộimới, cả tuổi đời lẫn tuổi đọc báo ấy nhỉ! Tôi đọc Hà Nội Mới từ năm 1960, khi mới về công tác tại Bộ Ngoại giao và đến hôm nay vẫn đang đọc, dù giờ thì đọc chậm lắm. Mà những bức ảnh tôi sưu tập được về Bác Hồ cũng chủ yếu cắt ra từ Báo Hà Nội Mới và Báo Nhân Dân thôi.

cu Ty
Cụ Nguyễn Văn Tỵ bên bộ sưu tập ảnh, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nói rồi cụ hào hứng chỉ cho tôi 22 quyển sách đã đóng thành từng tập, xếp trên giá vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận, trong đó tất cả là các bức ảnh về Bác Hồ trên mọi lĩnh vực, trong nhiều thời điểm và có đến 6 quyển tổng hợp nhiều lời dạy của Người đã được in trên báo. Mọi bức ảnh, lời dạy đều được cắt gọn gàng, để nguyên chú thích, bọc ni lông phẳng phiu. Và có vẻ như công việc sưu tầm ấy vẫn chưa dừng lại, cho đến tận hôm nay. Tôi vẫn còn nhìn thấy rất nhiều những bức ảnh mới được cắt, cụ để phía sau cuốn số 22, vì chưa đủ để tập hợp thành cuốn tiếp theo. Nhìn đôi bàn tay già nua, nhăn nheo nâng niu từng bức ảnh, nhiều bức đã nhuốm màu thời gian, tôi có thể cảm nhận được phần nào tình cảm vô cùng tôn kính của cụ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi cụ Tỵ chậm rãi kể về kỷ niệm khó quên trong cuộc đời mình - một kỷ niệm khiến cụ ấp ủ thực hiện bộ sưu tập ảnh và lời dạy của Bác:

- Thời điểm Bác Hồ mất, năm 1969 tôi đang công tác tại Lãnh sự quán Việt Nam ở Côn Minh, Trung Quốc. Chúng tôi tổ chức Lễ truy điệu để mọi tầng lớp nhân dân đến viếng Người. Có rất nhiều đoàn từ nhiều nơi, mang nhiều quốc tịch đến chia buồn với Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhưng điều làm tôi ấn tượng sâu sắc nhất là nhiều người không chỉ đứng mặc niệm, họ còn quỳ trước bàn thờ Bác, khóc, vái lạy vô cùng thành kính, hồi lâu vẫn không muốn đứng dậy. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị Cha già của dân tộc Việt Nam mà còn là một Con Người quốc tế, được người dân trên khắp thế giới ngưỡng mộ, tôn kính. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ phải làm điều gì đó để lưu giữ những hình ảnh và lời dạy của Người, để lại cho hậu thế. Và từ đó cho đến hôm nay, sau hơn 40 năm, ngày nào còn đọc được báo là tôi còn tìm kiếm, lưu giữ. Đó cũng là một trong những lý do tôi gắn bó lâu năm, liên tục với Báo Hà Nội Mới đến vậy. Trước đây khi còn công tác tại Bộ Ngoại giao, tôi được tiêu chuẩn phát mỗi ngày một tờ Hànộimới, nghỉ hưu rồi về nhà thì tôi đặt báo qua đường bưu điện, nên đến giờ ngày nào cũng có một tờ Hà Nội Mới làm bạn. Tôi cũng không còn tìm thấy nhiều ảnh mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì hầu hết các bức ảnh tôi đều đã có nhưng ngày nào tôi cũng vẫn đọc Hànộimới như một thói quen từ nhiều chục năm nay…

Khi được hỏi trong số 22 cuốn tuyển tập ảnh về Bác, cụ tâm đắc cuốn nào nhất, đôi mắt tinh anh lấp lánh cái nhìn ấm áp, cụ nói: Đó là cuốn số 14, Bác Hồ với thiếu nhi. Sinh thời, tình cảm của Người dành cho thiếu nhi vô cùng ấm áp. Bác quan tâm đến thế hệ trẻ như một người ông trong gia đình và thanh, thiếu nhi cũng vô cùng gần gũi Người, không hề có khoảng cách. Những bức ảnh Bác Hồ với thiếu nhi đều rất cảm động.

Lật giở cuốn sổ cụ vừa đưa, tôi bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, thân thương như "Các dũng sĩ thiếu niên miền Nam vui mừng gặp Bác Hồ, Bác Tôn"; "Bác Hồ và thiếu nhi quốc tế"… Trong đó có tấm ảnh Bác Hồ âu yếm quàng khăn đỏ cho đại diện thiếu nhi Thủ đô lên chúc Tết Bác Xuân 1960 - bức ảnh sau này trở thành hình ảnh đại diện của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi cũng được cụ kẻ khung, đặt vào vị trí trang trọng. Đã bước vào cái tuổi mà theo cụ là "tổ tiên có thể gọi bất kỳ lúc nào", cụ bảo chờ Nhà văn hóa thôn Hạ xây xong sẽ mang tặng lại bộ sưu tập của mình, để các cháu thanh thiếu nhi trong thôn, xã đến xem, học tập và làm theo những điều Bác dạy.

"Thành tích của bà nhà tôi là lớn nhất"

Sinh năm 1916, cuộc đời cụ Nguyễn Văn Tỵ đã trải qua những năm tháng gian khổ của hai cuộc kháng chiến. Năm 1947, bị giặc Pháp bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò, cụ đã cùng một số đồng chí vận động được trung đội công binh của địch làm binh biến. Năm 1948, cụ chuyển về công tác tại Tỉnh ủy Bắc Ninh, mở lớp giảng dạy mặt trận các xã… rồi sau đó nhiều năm liền công tác tại Bộ Ngoại giao. Nghỉ hưu năm 1974, cụ Tỵ tiếp tục công tác tại địa phương thêm 19 năm nữa với các cương vị Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đông Dư. Quãng thời gian này để lại nhiều kỷ niệm vui vì sau nhiều năm bôn ba xa quê, bây giờ cụ mới có điều kiện góp phần vào việc xây dựng tổ chức Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân, từng bước giúp bà con Đông Dư phát triển kinh tế. Nâng cao năng suất lúa từ 40kg/sào lên 120kg/sào, xây dựng hệ thống nuôi cá đẻ nhân tạo đứng đầu huyện và thành phố lúc bấy giờ, phân phối cá giống đến nhiều địa phương của Hà Nội và các tỉnh bạn, phong trào tổ chức việc cưới, việc tang văn minh của Đông Dư nằm trong ba địa phương thực hiện tốt nhất của Hà Nội… đã có đóng góp công sức không nhỏ của "cụ Tỵ mặt trận".

Những ngày này, ở nhà vui thú điền viên, cuộc sống của ông cụ 97 tuổi vẫn là những ngày thú vị và có ý nghĩa. Cụ tham gia Câu lạc bộ thơ xóm Bãi, với những vần thơ rất trẻ trung, lạc quan. Sáng dậy tập thể dục, chẻ lạt giúp con bó rau, chiều đi câu cá, đánh cờ, tối ngồi xem tivi, bình luận bóng đá cùng con cháu và vẫn tích cực tham gia công tác khuyến học, hòa giải, vận động bà con xóm giềng tích cực hưởng ứng các phong trào xã hội… Một đời phấn đấu không ngừng, cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô… Và mới đây nhất, trong Lễ kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, cụ đã được thành phố vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú 2013. Gia đình cụ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Gia đình có công với cách mạng năm 1979.

Tiễn tôi ra về, cụ bảo: "Thành tích này là của bà nhà tôi, công bà ấy mới là lớn nhất. Trong suốt thời gian tôi đi hết chống Pháp lại chống Mỹ, bao nhiêu năm công tác ở nước ngoài, bà ấy một mình nuôi 6 đứa con ăn học nên người, tảo tần vừa buôn bán vừa làm liên lạc cho cách mạng. Bà ấy mất đã hơn chục năm nay rồi nhưng thành tích là của bà ấy cả, tôi thì làm được bao nhiêu"./.

Văn Ngọc Thủy

Theo http://hanoimoi.com.vn/

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: