hinh anh bac luon trong tim ảnh
Lễ treo ảnh Bác Hồ tại gia đình người cao tuổi tiêu biểu

Vượt hơn 170 km từ trung tâm thành phố Ðà Lạt, tôi kịp đến Ðạ Lây (Ðạ Tẻh, Lâm Ðồng) trong một chiều chưa tắt nắng. Ðứng trên chiếc cầu bắc qua sông Ðạ Lây chở nặng mầu đất đỏ ba-dan về tắm mát cánh đồng lúa đương thì con gái, vùng đất "kinh tế mới" giờ đã khác xưa rồi. Và ở đó, có những người con đến từ mọi miền Tổ quốc luôn mang theo hình ảnh Bác ở trong tim mình.

Không hẹn trước, không đến xã như những chuyến về cơ sở, tôi ghé vào quán cà-phê bên đường. Ðạ Lây mùa này chợt nắng, chợt mưa. Tôi gọi ly cà phê đá uống vội và không quên "kiểm chứng": "Nghe nói ở đây, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ?" - Tôi hỏi. Chị chủ quán nhanh nhảu: "Nhà mình treo ảnh Bác từ thời ba mình từ Huế vào đây lập nghiệp. Người Việt Nam, dù đi đâu thì Bác vẫn luôn ở trong tim mà". Chị bẽn lẽn, nét con gái Huế ở đâu vẫn thế.

Không kịp hỏi tên chị, tôi đến thẳng nhà ông Phan Hữu Tuyến, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ðạ Lây. Và câu chuyện cứ thế trào dâng trong chiều Nam Tây Nguyên. Hội Người cao tuổi xã Ðạ Lây thành lập từ năm 1997, đến nay có chín chi hội, với 282 hội viên, hằng năm luôn được bình xét hội vững mạnh xuất sắc. Chủ tịch Tuyến giới thiệu ngắn gọn về Hội. "Còn về cuộc vận động treo ảnh Bác?" - Tôi hỏi: "Người Huế, người Nghệ An... vào đây lập nghiệp lâu rồi. Dù ở đâu, thì hình ảnh Bác vẫn luôn ở trong tim. Cuộc vận động này cốt là để giáo dục thế hệ trẻ thôi" - Chủ tịch Tuyến cho biết.

Vùng đất này ngày xưa là đồng không mông quạnh, được thanh niên xung kích vào khai hoang, mở đất phục vụ chương trình "kinh tế mới". Năm 1978, những người Huế đầu tiên đã đưa gia đình vào đây lập nghiệp, trong đó có gia đình Chủ tịch Tuyến. Ðến năm 1986, có thêm 100 hộ ở vùng chiêm trũng Hà Nam vào làm bầu bạn, và năm 1993 thêm 44 hộ người Nghệ An vào đây sinh sống. Toàn xã giờ có chín thôn, 782 hộ và hơn 3.460 nhân khẩu quần tụ bên dòng Ðạ Lây hiền hòa, với nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp và chăn nuôi.

Với những bàn tay, khối óc của những con người chịu thương, chịu khó, giờ Ðạ Lây đã có hình hài, bộ mặt nông thôn mới. Nhớ ngày đó, tôi dẫn hơn 150 hộ từ thành phố Huế vào đây, giờ đã ngót 35 năm rồi. Người dân ở đây phần đông theo đạo Phật. Treo ảnh Phật và treo ảnh Bác ở trong nhà. Chủ tịch Tuyến cho biết thêm.

Trước khi có Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhiều gia đình ở xã Ðạ Lây đã treo ảnh Bác Hồ. Nhưng Hội Người cao tuổi xã Ðạ Lây được chọn làm "điểm của huyện để lan tỏa phong trào đến những tổ chức khác, nên phải làm bài bản. Chủ tịch hội cho biết, chúng tôi triển khai ba bước, từ tuyên truyền đến tổ chức lễ treo ảnh Bác Hồ ở gia đình hội viên tiêu biểu, rồi triển khai ra diện rộng... Tháng 1-2013, 100% gia đình cán bộ, hội viên đã treo ảnh Bác tại vị trí trang trọng, hoàn thành kế hoạch trước ba tháng.

Nhiều tổ chức đến tặng ảnh Bác Hồ cho Hội mình lắm, mình giữ đây để khi con cháu trong xã lập gia đình ra ở riêng, Hội sẽ đến tặng. Chủ tịch Tuyến nói. Ngoài việc treo ảnh Bác, Hội Người cao tuổi Ðạ Lây còn triển khai thành công đầu tiên cuộc vận động nhân dân không rải vàng mã khi đưa tang, giữ gìn vệ sinh thôn xóm. Rồi phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên và luôn đạt thành tích cao trong huyện; phong trào giúp nhau làm kinh tế... Những hội viên "tuổi cao, gương sáng" như cụ Ðặng Toản (80 tuổi), được huyện biểu dương về thành tích học tập và làm theo gương Bác; cụ Trần Văn Khuyến (78 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã được tỉnh biểu dương ba năm liền; cụ Nguyễn Chiêm (86 tuổi) vẫn dẻo dai trên những luống cày, nuôi bò phát triển kinh tế... Ðó là những cá nhân luôn học và làm theo Bác, là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã.

Trong căn nhà xưa "ba gian, hai chái" kiểu Huế của gia đình cụ Trần Văn Khuyến, ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trên bức tường giữa phòng khách. Cụ nói: Treo ở đó để khi ai bước vào nhà đều thấy Bác kính yêu. Mỗi lần nhìn ảnh Bác, tôi thấy tâm mình trong sáng hơn. Hồi ở phường Vĩnh Ninh (TP Huế), cụ được Thành ủy giao làm đội trưởng đội sản xuất, rồi được học qua lớp quản lý để dẫn 12 hộ dân hơn 40 người vào vùng kinh tế mới Ðạ Lây năm 1978. Hơn mười năm "gắn" với dân bằng nhiệm vụ đội trưởng đội 10, trưởng thôn Hương Bình 1, Phó Chủ tịch Mặt trận xã Ðạ Lây. Mình phải làm gương thì mới giáo dục được con cháu. Cụ Khuyến cho biết.

Bí thư Ðảng ủy xã Ðạ Lây Phạm Ðình Châu cho biết: Khi mới nêu ra phong trào treo ảnh Bác, Hội Người cao tuổi của xã đã đứng ra đảm nhiệm. Các cụ phấn khởi lắm. Các cụ nói, phải nhân rộng ra toàn dân ngay. Giờ thì các tổ chức chính trị - xã hội trong xã đều đã đăng ký triển khai thực hiện. Ðiều đó cũng "trùng" với ước nguyện của dân... Là thế hệ kinh qua chiến tranh, những người cao tuổi hiểu treo ảnh Bác trong gia đình là một việc nên làm để ghi nhớ công ơn Người, đó cũng là cách giáo dục thiết thực đối với thế hệ trẻ. Từ Hội Người cao tuổi xã Ðạ Lây, phong trào đã lan rộng ra toàn huyện Ðạ Tẻh. Ðến nay, hơn 92% gia đình người cao tuổi nơi đây đều treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất.

Một xã miền núi xa xôi ở phía thượng nguồn sông Ðồng Nai, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi gia đình nơi đây đều treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất. Nhiều bậc cao niên không nén được cảm xúc khi tự mình nâng chân dung Bác đặt lên bàn thờ tổ tiên. "Với tôi, Bác Hồ luôn sống mãi trong tim" - Cụ Ðặng Toản nói.

Nam Lâm Ðồng chiều buông sớm. Tạm biệt Ðạ Lây, trong trí nhớ của tôi vẫn vẹn nguyên những dòng chữ chân thành trong bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Hội Người cao tuổi Ðạ Lây: "... các cụ đã nêu gương sáng trước con cháu, gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, nhất là lớp người cao tuổi đối với công lao trời biển của Bác Hồ..."./.

Mai Văn Bảo
Theo Báo Nhân Dân
Kim Yến (st)

Bài viết khác: