Trong những ngày tháng tham gia trong Đội Thanh niên xung phong phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Huyền dù bị thương nặng vẫn lao lên phá bom, cứu đoàn xe chở đạn pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hay từng gồng gánh gà, lợn trên vai để dành cho những anh em bị ốm, sức khỏe yếu.

gặp nguoi linh a1
Người lính Điện Biên Trịnh Văn Huyền.

Thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền (khi đó là B trưởng B1 của C293, đội 34 TNXP), cùng với đồng đội nghĩ ra nhiều sáng kiến, góp phần vào chiến thắng chung của quân đội ta, được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi.

Dũng cảm phá bom, cứu đạn pháo

Những ngày đóng quân ở đèo Chẹn (Sơn La), đơn vị ông Huyền được giao nhiệm vụ đánh trả may bay địch, phá bom nổ chậm, lấp và sửa đường… Thời gian đó, ông cùng anh em trong đơn vị đã có nhiều sáng kiến để tăng năng suất công việc, phục vụ chiến đấu.

“Ngày đó toàn anh em học sinh mới ra trường, không quen gánh gồng, đường thì dốc cao nên muốn hoàn thành đúng thời hạn được giao rất khó” ông Huyền cho biết. Để tăng năng suất, ông đã đưa ra sáng kiến làm việc theo dây chuyền và được đại đội trưởng đồng ý. Chúng tôi chia những anh em khỏe nhất, quen gồng gánh phụ trách đoạn dốc, còn những anh em khác thì những đoạn ít dốc hơn, khi ai mệt thì đổi vị trí cho nhau”, ông Huyền kể.

Ngay ngày đầu tiên, khối lượng đất đá vận chuyển đã tăng gấp 4 lần hôm trước và chỉ mất vài ngày đơn vị đã chuyển xong 600 m3 để lấp hố bom. Lấp xong hố bom, chữa xong đường thì thực dân Pháp lại cho máy bay đến thả bom. Anh em trong đơn vị lại chia nhau đi đánh dấu bom nổ chậm, bom bươm bướm để tìm cách phá.

Bom bươm bướm là loại do Mỹ sản xuất, bom mẹ chứa nhiều bom con, khi có tác động là xòe cánh bay lên và nổ, rất khó phá. "Ban đầu, anh em trong đơn vị chưa quen, hay bị trúng bom bươm bướm thương vong nhiều, đau lòng lắm!” ông Huyền ngậm ngùi.

gặp nguoi linh a2
Nụ cười của người lính Điện Biên.

Để nghĩ cách phá bom, ông đã cùng đồng đội trằn trọc và đã trằn trọc nhiều đêm trắng. Sau cùng, anh em nghĩ ra cách đào hố nhỏ cách quả bom khoảng 5m, đủ 1 người ngồi nấp, sau đó dùng cây tre dài, chọc vào quả bom, rồi lại núp xuống hố tránh để phá bom.

Với bom nổ chậm, ông Huyền cùng đồng đội phải chia nhau ra, 5 người một tổ, nằm nghiêng dưới dất, rồi nhẹ nhàng dùng xẻng đào đất xung quanh quả bom. Đến khi thấy cánh ở đuôi quả bom nhô ra thì buộc dây mìn, thuốc mìn vào cổ quả bom và dòng dây dẫn ra một hố cách hơn 10m, người phá bom nấp trong hố và châm ngòi nổ.

Cuối tháng 4 năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ có biến chuyển, quân ta đang bao vây Điên Biên, cần rất nhiều đạn dược, thuốc men, thực phẩm. Vì vậy việc cung cấp đạn cho tiền tuyến rất quan trọng trong khi xe chở đạn phải chạy cả ban ngày, rất nguy hiểm. Phía địch thì bắn phá đèo Pha Đin rất mạnh.

gặp nguoi linh a3
Những chiếc Bằng khen, Giấy khen không có chỗ treo.

Ông Huyền nhớ lại: “Khi đó, tôi canh gác trên đèo Pha Đin thì có 4 chiếc máy bay địch đến bắn phá, ở hướng doanh trại có khói bốc lên. Nghĩ doanh trại bị bắn trúng, tôi cùng đồng đội chạy về cứu. Trên đường chạy, một quả đạn nổ ngay gần tôi, mảnh đạn văng vào mặt, vào chân, vào đầu, máu chảy rất nhiều nhưng tôi mặc kệ”.

Cùng đồng đội chạy đến cột khói, ông mới phát hiện một đoàn xe ô tô chở đạn cỡ lớn của ta ở đó. Ông Huyền lập tức phân công anh em và lao vào cứu đạn pháo đã có nguy cơ phát nổ. Để an toàn, ông hướng dẫn lái xe xuống khe suối. Khi đó, dù bị thương nhưng ông Huyền đã cứu được 8 xe ô tô và hơn 400 viên đạn đại bác cỡ 105 ly.

Bằng khen không có chỗ treo

Căn nhà nhỏ ông Huyền (Thanh Xuân Trung, Hà Nội) tồi tàn nhưng đầy những Bằng khen, Huân chương. “Mấy bữa trời mưa lớn, tường ẩm nên tôi phải gỡ xuống không sợ bị mốc hết”, ông Huyền chỉ những Bằng khen xếp trên giường, cười lớn.

Trong căn nhà lụp xụp được lợp trên một hành lang tiếp giáp của hai nhà hàng xóm, những câu chuyện năm xưa và sự hào sảng của người lính Điện Biên vang vọng như những lời thề. Ông Huyền bảo: “Già rồi, nhiều chuyện quên rồi, nhưng Điện Biên, đồng đội thì không thể quên được”.

“Mấy cái này (Bằng khen, Giấy khen) thì không lo, mấy bữa trước bên khách sạn Mường Thanh lợp cho cái mái nhà rồi, cho cả tivi nữa, sắp tới sửa nhà tôi sẽ treo lên” ông Huyền hỉ hả.

gặp nguoi linh a4
Bài viết của Bác Hồ về thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền.

Ông chẳng bao giờ nói về cuộc sống sau giải phóng của mình, về cuộc sống khó khăn, về căn nhà lụp xụp hay về người con bị nhiễm độc phóng xạ. Khi được hỏi, ánh mắt ông ngậm ngùi: “Mình còn sống là tốt lắm rồi, chứ biết bao đồng đội phải nằm lại đó…”.

Ông kể: “Hôm qua đi họp mặt kỉ niệm bên Bộ Quốc phòng, gặp anh em vui lắm, có người 60 năm mới được gặp, cứ tưởng không bao giờ gặp lại”. 60 năm trước, tức là khi ông mới 26 tuổi.

Ông Trịnh Văn Huyền còn có nhiều sáng kiến cải tạo đường ngầm qua suối, được phổ biến toàn đoàn hay nuôi lợn, nuôi gà “cơ động” trên vai theo đường hành quân. Cùng nhiều sáng kiến, thành tích trong quá trình chiến đấu và lao động khác. Ông được Bác Hồ khen ngợi và tặng một chiếc áo lụa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương và được TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cử đi Vacsava dự hội nghị thanh niên ưu tú thế giới vào tháng 7.1955.

“Trong một năm đồng chí ấy đã được khen thưởng 23 lần. Vừa rồi, ở Đại hội thi đua, đồng chí Huyền đã được bầu là chiến sĩ số 1 toàn đoàn”, ông Huyền vẫn nhớ như in và tự hào về những lời Bác Hồ viết về mình năm 1955./.

Nguyệt Vũ
Theo Baomoi.com
Kim Yến (st)

Bài viết khác: