Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là thắng lợi vĩ đại của lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Đây là chiến thắng của sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên quy mô cả nước. Quân và dân miền Tây Nam Bộ đã phối hợp chặt chẽ với chiến trường chung, đẩy mạnh hoạt động tiến công địch, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra trong tình hình mới.

phoi-hop-tay-nam-bo-bqllang.gov.vn
Bộ đội ta vượt qua sông Nậm Rốm tiến vào trung tâm Mường Thanh.  Ảnh tư liệu

Trên địa bàn miền Tây Nam Bộ, từ năm 1953, quân Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Tại đây, địch triển khai tới 168 đồn bốt và thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá các căn cứ cách mạng của ta. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây chỉ đạo các tỉnh tích cực phát triển phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đẩy mạnh hoạt động tiến công ở vùng sau lưng địch, mở rộng vùng giải phóng. Phối hợp với chiến trường chính trong Đông Xuân 1953-1954, từ cuối năm 1953, Bộ tư lệnh Phân liên khu miền Tây và các tỉnh xây dựng kế hoạch tác chiến. Phương hướng chính là tập trung sức đánh sâu, đánh mạnh vào vùng địch hậu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá cơ sở kinh tế, cơ sở hậu cần, buộc địch phải đối phó ngay tại sào huyệt của chúng; đồng thời có kế hoạch đề phòng địch càn quét vào vùng căn cứ, nhưng không được phân tán lực lượng.

Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, các tỉnh đều xác định trọng điểm hoạt động và thành lập Ban chỉ huy trọng điểm, do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt (Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy) làm Trưởng ban. Các đơn vị bộ đội chủ lực của Phân liên khu là nòng cốt trong đấu tranh quân sự, phối hợp hoạt động với địa phương tổ chức đánh địch. Phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh, thanh niên hăng hái tòng quân vào các đơn vị bộ đội chủ lực của Phân liên khu miền Tây, như Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 410. Bộ đội địa phương và du kích luồn sâu vào vùng địch hậu vũ trang tuyên truyền, bắn tỉa, đánh phá giao thông, bao vây đồn bốt địch, bức hàng và vận động binh biến trong hàng ngũ địch.

Cuối tháng 2-1954, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây chủ trương mở đợt hoạt động tiến công quân sự nhằm tiêu diệt, làm tan rã hàng ngũ địch, hoạt động tác chiến kết hợp với ngụy địch vận để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Phát huy những thắng lợi giành được ở một số địa bàn, ta phát động phong trào quần chúng tại chỗ nổi dậy kết hợp với bộ đội và dân quân du kích giải phóng địa phương. Các địa phương tiếp tục mở các cuộc bao vây đồn bốt, đẩy mạnh công tác binh địch vận, phá rã nhiều tổ chức tề ngụy, đưa hàng loạt đồng bào về vùng giải phóng. Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây chỉ thị cho Tiểu đoàn 307 và huyện An Biên gấp rút chấn chỉnh, củng cố đơn vị về mọi mặt, kịp thời khuếch trương thắng lợi, phát động mạnh một phong trào du kích chiến tranh trong toàn khu vực. Tiểu đoàn 307 có nhiệm vụ tích cực giúp đỡ, hướng dẫn lực lượng địa  phương và dân quân du kích tiếp tục bao vây địch ở Xẻo Rô, Tắc Cậu và lô cốt trên đường Minh Lương - Tắc Cậu. Vừa bao vây, vừa tiến hành công tác binh địch vận, kêu gọi binh sĩ địch. Huyện An Biên phát động mạnh mẽ phong trào nhân dân du kích chiến tranh, đồng thời tiếp tục bao vây uy hiếp địch ở Xẻo Rô, gây dựng cơ sở để phát động phong trào trong toàn huyện. Tại An Biên, lực lượng ta đào giao thông hào lấn dần vào đồn và bắn tỉa hàng ngày. Địch cố bám giữ, huy động máy bay bắn phá xung quanh Xẻo Rô, song trước sức vây ép mạnh mẽ của ta, địch ở đồn Xẻo Rô phải rút chạy, huyện An Biên hoàn toàn giải phóng. Đây là huyện đầu tiên được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Tây Nam Bộ.

Từ đầu tháng 4-1954, phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta phát động phong trào phá “sóc tự trị vũ trang” do địch lập ra. Ta lần lượt phá được 22 “sóc tự trị vũ trang”, xây dựng chính quyền cách mạng do người dân tộc quản lý, có nhiều xã ta xây dựng được lực lượng du kích khá mạnh.

Từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn (ngày 13-3-1954), đến ngày toàn thắng (7-5-1954), quân và dân miền Tây Nam Bộ đã đẩy mạnh tiến công, giành quyền chủ động chiến trường, mở rộng nhiều vùng giải phóng. Tin thắng trận ở Điện Biên Phủ nhanh chóng lan ra khắp cả nước. Quân và dân miền Tây Nam Bộ hăng hái tập trung đánh địch với khí thế mới. Bộ đội liên tục bao vây, tiến công tiêu diệt đồn bốt và những vị trí then chốt sát các vùng đô thị bị địch tạm chiếm...

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Quân và dân miền Tây Nam Bộ tự hào đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang đó. Thắng lợi của quân và dân miền Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 nói riêng, góp phần cùng toàn Miền thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Trung ương Đảng giao cho. Bài học tác chiến phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ của quân và dân miền Tây Nam Bộ tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo trong tình hình mới của Quân đội và đất nước ta.

Trung tướng NGUYỄN PHƯƠNG NAM

Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 9

 (Lược trích từ tham luận Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: