Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5 có trưng bày tấm ảnh chân dung Bác Hồ, bên cạnh là chiếc ống tre đã bóng màu thời gian. Đó là những kỷ vật quý giá mà bà Đặng Thị Ngận (tức bà Kiểm) ở xã Kỳ Xuân - nay là xã Tam Giang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) cất giữ trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tháng 2 năm 1965, anh Nguyễn Như Lâm (con trai bà Kiểm) là Xã đội trưởng lên chiến khu học cách đánh Mỹ. Kết thúc khóa học, với kết quả xuất sắc, anh được cấp trên tặng thưởng tấm ảnh Bác Hồ. Anh đem ảnh này về trao lại cho mẹ cất giữ. Thời điểm ấy, địch tai mắt khắp nơi, Đồn Kỳ Xuân lại sát bên cạnh nhà, nếu để lộ tấm ảnh Bác Hồ thì khó mà bảo toàn tính mạng. Sau khi suy nghĩ rất lâu, bà Kiểm quyết định cuốn tấm ảnh cho vào trong một đoạn ống tre và đậy kỹ. Bà làm việc này một mình trong đêm, sau đó mới báo cho chồng con biết. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, con gái bà Kiểm hiện đang sống ở xã Tân Bình, thị xã La Gi (Bình Thuận) kể: Hồi đó, tuy mới 10 tuổi nhưng tôi đã giác ngộ cách mạng và làm liên lạc cho các chú cán bộ. Có lần, mẹ chỉ mấy ống tre giắt trên tấm phên tranh rồi thầm thì với hai chị em tôi: “Đây là tài liệu mấy chú cán bộ đưa mẹ cất và một tấm ảnh Bác Hồ thằng Lâm được trên trao tặng. Toàn những tài liệu mật và quý. Mẹ con mình phải cố giữ cho đến ngày đất nước thống nhất con nghe!”.
Tấm ảnh Bác Hồ được bà Kiểm cất giữ trong ống tre gần 20 năm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5.
Có lần, nghi ngờ gia đình bà Kiểm nuôi giấu cán bộ cách mạng, địch cho quân càn quét, lục soát và phát hiện 3 căn hầm bí mật trong nhà và ngoài vườn. Cũng may các đồng chí cán bộ đã được đưa đi nơi khác. "Chúng bắt bố, mẹ tôi và chị Năm Lũy xuống Kỳ Hải tra tấn dã man đến nỗi bố tôi hy sinh. Tôi còn nhỏ nên chỉ bị chúng đánh đòn" – Cô Hương bùi ngùi nhớ lại.
Nhà của bà Kiểm bị địch phá tan hoang. Chum sành đựng gạo khoai bị đập nát, nồi đồng bị địch dùng súng bắn thủng để không sử dụng được nữa. Tấm phên nhà bếp bị phá tung tóe, các ống tre rơi xuống đất, địch lấy chân đá qua lại vì nghĩ rằng đây là vật dụng đựng hạt giống rau quả mà người dân trong xóm vẫn hay cất giữ. Khi chúng đi khỏi, cô Hương mới dám lấy các ống tre chôn cất ngoài vườn. Sau này, khi được vào thăm nuôi mẹ ở trại giam, biết con gái đã giấu ảnh Bác Hồ và tài liệu, bà Kiểm ôm con mừng rỡ. Khi bà được thả về, dựng lại nhà, các ống tre lại tiếp tục được đặt trên gác bếp. Tháng 10 năm đó, anh Lâm hy sinh ngay trong xã, bà Kiểm đau đớn lắm, đấu tranh quyết liệt với địch mới giành được xác để chôn cất anh... Từ đó, vào mỗi tối, người mẹ già lại lấy chiếc ống tre trên bếp xuống nâng niu, tần ngần, nước mắt ngắn dài...
Ngày 24-3-1975, Kỳ Xuân được giải phóng, Ủy ban Tự quản được thành lập và ra mắt nhân dân. Khi nghe các anh trong Ủy ban trăn trở là không có ảnh Bác Hồ treo cho trang trọng, bà Kiểm đã lấy tấm ảnh Bác Hồ trong ống tre đưa cho anh Nguyễn Đình Nam (cán bộ binh vận của Khu 5) mượn để làm lễ. Năm 1983, đoàn công tác Bảo tàng Khu 5 nghe câu chuyện cảm động ấy đã vận động bà Kiểm tặng cho Bảo tàng, bà vui vẻ nhận lời. Năm 2001, bà Kiểm mất trong niềm thương tiếc của cả xóm làng.
Hiện nay, người con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Như Lâm là Trung tá Nguyễn Ngọc Quân, công an huyện Núi Thành, thờ tự ông bà nội. Câu chuyện về tấm ảnh Bác Hồ được cất giữ trong ống tre suốt cuộc chiến tranh càng làm anh tự hào về người bà dũng cảm và lòng dân Khu 5 hướng về Bác kính yêu.
Hồng Vân/ Theo qdnd.vn
Thu Hiền (st)