Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 24/01/2025

Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Theo chân Bác” đã viết: “Như đỉnh non cao tự giấu mình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”. Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị mà cao thượng biết bao! Đó là bản chất của người cách mạng chân chính - người ‘‘đầy tớ” trung thành của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Người trở nên cao đẹp, vĩ đại. Tấm lòng và đạo đức cách mạng sáng ngời của Người mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam...”. Cuộc đời 79 mùa xuân tươi sáng, Bác đã cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước. Bác vui với niềm vui chung của dân tộc, Bác đau khi nhìn thấy nhân dân lầm than, nước mất, nhà tan… Vì vậy, sinh thời, cứ đến dịp 19-5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức linh đình vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, gian khổ.

Nhung bai hoc quy qua moi lan sinh nhat BacBác Hồ trong một lần về thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Trên cương vị là Chủ tịch nước, hàng năm, vào Ngày sinh của mình, Bác thường đi làm việc hoặc đến thăm hỏi một số nơi để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Có năm, vào dịp Ngày sinh của Bác, Người sang công tác tại Trung Quốc. Ở đây, các đồng chí nước bạn biết Ngày sinh của Bác nên chuẩn bị chúc thọ. Thấy vậy, Người ân cần nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”. Vào một dịp sinh nhật năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi bà Ðặng Dĩnh Siêu - Cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh “chúc thọ”, tránh “tặng quà”.  

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có lần Bác Hồ đi công tác ở chiến khu Việt Bắc vào đúng dịp sinh nhật của Người. Trước khi đi, Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ ở nhà đánh bắt cá tại ao cá mà Người vẫn hàng ngày chăm sóc, biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và anh chị em trong cơ quan hàng ngày vẫn phục vụ, chăm sóc Bác để cải thiện bữa ăn. Việc làm của Người vừa thể hiện sự quan tâm, chăm lo đời sống đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người đã tận tụy công tác, chăm lo cuộc sống hàng ngày cho Bác.  

Mỗi dịp sinh nhật, thay việc tổ chức tiệc chúc thọ linh đình, tặng quà, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bè bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết. Đặc biệt, Người còn làm thơ nói về tuổi tác của mình thay những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ tuy nói về Ngày sinh của mình, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước, đồng bào, đồng chí, cao hơn là nguyên tắc sống của một lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam suốt đời “Trung với Ðảng, hiếu với dân”; đồng thời, thể hiện đường lối lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam về “thực hành tiết kiệm”, chống xa hoa, lãng phí trước hoàn cảnh đất nước còn không ít khó khăn, thiếu thốn! Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, trong tài liệu “Tuyệt đối bí mật” của mình, lần đầu tiên Bác viết: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khoẻ mạnh. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người “xưa nay hiếm”… tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Tài liệu này được Bác bắt đầu viết vào ngày 15-5-1965, có sự chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.  

Ba năm sau, tình trạng sức khỏe của Bác giảm sút! Người đã nhiều lần sửa đi sửa lại và đặt bút viết câu mở đầu vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau vào lúc 9h ngày 10-5-1968: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…”. Vì vậy, sinh nhật lần thứ 78 của mình, Bác không “vắng nhà” như những năm trước mà dành tất cả thời gian, tập trung suy nghĩ, sửa chữa bản “Di chúc” - “tài sản vô giá” của Người để lại cho dân tộc Việt Nam. Năm đó, Bác viết thêm vào “tài sản” của mình một số nội dung cụ thể, căn dặn những việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Ðảng; chăm lo đời sống của nhân dân… Những lời căn dặn, chỉ dẫn thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.  

Sinh nhật lần thứ 78, tuy Bác không đi công tác xa như những năm trước, nhưng buổi tối ngày 18-5-1968, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây. Trưa ngày 19-5, Bác và một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ cùng ăn một bữa cơm thân mật nhân Ngày sinh của Người. Cũng nhân sinh nhật lần thứ 78, sau khi dự khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa III, ngày 20-5-1968, bằng những lời lẽ chân tình, mộc mạc, kèm theo bốn câu thơ chan chứa tình cảm, thể hiện khí phách của Người trước toàn dân tộc: “Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi thấy như mình trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thế thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ này: Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm/Vẫn vững hai vai việc nước nhà/Kháng chiến dân ta đang thắng lớn/Tiến bước! Ta cùng con em ta... Lời thơ như tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cổ vũ, động viên toàn dân tộc tiếp tục “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Câu kết của bài thơ như lời hứa danh dự của Bác trước dân tộc: Bác luôn sát cánh, tiến bước cùng dân tộc Việt Nam không chỉ đến ngày non sông thu về một mối mà cho cả đến tận những năm tháng bây giờ, cả nước đang tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.  

Mỗi dịp sinh nhật của Người luôn là một bài học quý giá cho chúng ta trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước. Sinh nhật của Người giản dị, thanh cao như chính con người Bác vậy! Sinh nhật là dịp để Người bày tỏ tình cảm bao la của mình đối với toàn dân tộc. Tình cảm của Người được nhà thơ Tố Hữu khắc hoạ trong bài “Theo chân Bác”: “Như đỉnh non cao tự giấu mình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”. Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng trong những dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị mà cao thượng biết bao! Đó là bản chất của người cách mạng chân chính - người ‘‘đầy tớ” trung thành của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Người trở nên cao đẹp, vĩ đại. Tấm lòng và đạo đức cách mạng sáng ngời của Người mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.  

Năm nay, kỷ niệm sinh nhật Bác đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”. Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm giản dị, trong sáng qua mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta tu chỉnh lại chính mình khi soi chung tấm gương lớn! Mong sao khi soi vào tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí lãnh đạo, chủ chốt càng gương mẫu học tập và làm theo Người, nhanh chóng khắc phục sự suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền; qua đó, công khai, lên tiếng đấu tranh với tệ tham nhũng, quan liêu, xa hoa, lãng phí, cục bộ địa phương...  

Sinh nhật Bác cũng là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phát động nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, công tác, lập nhiều thành tích xuất sắc mừng Ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Đây không chỉ là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới Bác mà còn là dịp để dân tộc Việt Nam báo công với Bác về những thành tích cả nước đạt được và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm để tiếp tục đưa đất nước Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Người hằng mong./.

Theo Phạm Thị Nhung

Tạp chí Xây dựng Đảng
Huyền Trang (st)

 

 

 

Bài viết khác: