Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Hà Nội khoảng 16 năm (từ tháng 8/1945 - 12/1946 và từ tháng 10/1954 - 9/1969), Người luôn dõi theo cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng Hà Nội thành một thành phố (TP) phồn thịnh.
Từ tháng 9 - 10/1954, Bác đã chỉ đạo chặt việc tiếp quản Hà Nội sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Ngày 5/9/1954, tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân viên các cơ quan T.Ư, các đơn vị bộ đội, công an và thanh niên xung phong chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chiến ở Đông Dương. Sau khi giải đáp một số thắc mắc về lương bổng, công việc của người sắp vào TP, Bác nhắc nhở mọi người giữ gìn đạo đức và nhân cách: "Có thể nhiều người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng khi về đến thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng "đạn bọc đường", vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, cán bộ và chiến sĩ phải luôn luôn gương mẫu trong mọi công việc, phải luôn thực hành 4 chữ: Cần, kiệm, liêm, chính" (trích: "Hồ Chí Minh toàn tập", NXB Sự Thật, Hà Nội, 1987, t.7, tr.38).
Đơn vị tiếp quản Bắc Bộ Phủ, dưới sự chứng kiến của sĩ quan Ấn Độ
thuộc Ủy ban Quốc tế Giám sát đình chiến (Ảnh tư liệu).
Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), Bác đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308) trên đường về tiếp quản Thủ đô. Bác nói: "Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được T.Ư và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn". Rồi Bác ân cần căn dặn: "Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù của hòa bình sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ chúng ta. Các chú phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, cán bộ sống gương mẫu, giản dị, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả. Quân đội ta không được vì hòa bình mà rời tay súng". (Trích "Trưởng thành trong chiến đấu", hồi ký của Trung tướng Vương Thừa Vũ, NXB Hà Nội, 2006, tr.348 và 349). Trước ngày 10/10/1954, Bác còn căn dặn các đơn vị bộ đội vào Hà Nội: "Chớ tự kiêu, tự mãn… Phải kính trọng Nhân dân, giúp đỡ Nhân dân, đoàn kết với Nhân dân. Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh. Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng. Phải thực hiện đúng 10 điều kỷ luật. Phải luôn luôn cảnh giác và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng" (Theo "Hồ Chí Minh toàn tập", NXB Sự Thật, Hà Nội, 1987, t.7, tr.44 và 45).
Ngày 10/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào Hà Nội Lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô. Bác viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể" (Theo "Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch", NXB Sự Thật, 1956, t.3, tr.42 - 43). Tiếp đó Người kêu gọi quân, dân Thủ đô hãy đoàn kết nhất trí, giữ gìn trật tự an ninh, nhanh chóng khôi phục các mặt hoạt động của Hà Nội, làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn vinh. Người cũng nói rõ chính sách của Chính phủ ta đối với kiều dân nước ngoài và khuyên họ yên tâm làm ăn như thường. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam sẽ giúp đỡ và bảo hộ họ.
Ba ngày sau khi ta tiếp quản Thủ đô, dưới bút danh C.B, Bác Hồ viết bài: "Ổn định sinh hoạt" đăng trên Báo Nhân Dân số 238 ra ngày 13/10/1954. Người biểu dương thành tích khôi phục các mặt hoạt động của nhân dân Hà Nội những ngày đầu giải phóng, và yêu cầu mỗi người cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình góp phần ổn định đời sống của thành phố. Một tuần lễ sau ngày giải phóng, tại Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách của Chính phủ ở 12 phố Ngô Quyền), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Đoàn đại biểu Nhân dân Thủ đô đến chào mừng Người. Mở đầu buổi tiếp, Bác nói: "Đồng bào Hà Nội định chuẩn bị đón tôi thật tưng bừng, tấm thịnh tình đó làm tôi rất cảm động. Nhưng tôi không muốn đồng bào bỏ nhiều vải vóc, giấy màu vào việc viết khẩu hiệu, làm cờ… Tôi không rõ việc đó sẽ gây tốn kém bao nhiêu là tiền bạc! Lãng phí hơn nữa là hàng mấy chục vạn người sẽ mất cả một ngày vì tôi. Tôi chắc mọi người sẽ đồng ý với ý kiến của tôi: Nếu đem tất cả những nhân lực, vật lực đó đưa vào công việc sản xuất và khôi phục thì sẽ làm ra rất nhiều của cải cho nước nhà… Dù tám năm xa cách, thời gian đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp mặt nhau, nhưng còn rất nhiều dịp. Việc quan trọng nhất trước mắt chúng ta là: Sản xuất, khôi phục, khôi phục, sản xuất. Nếu mọi người thực sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào các công việc trên…". Khen ngợi thành tích của bộ đội, cán bộ, Nhân dân trong việc tiếp quản Thủ đô, khôi phục và ổn định mọi mặt, Bác còn chỉ rõ công việc còn nhiều khó khăn, việc giải quyết phải từng bước, đồng bào và Chính phủ đều phải cố gắng, mọi người phải đoàn kết và làm gương để đồng bào cả nước noi theo.
60 năm đã trôi qua, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân, cảnh giác với âm mưu của kẻ thù, đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn nhân cách của người cách mạng, chống tham ô, lãng phí… đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhớ lời Bác dạy từ mùa Thu năm ấy, nhân dân Hà Nội vẫn đang tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác./.
Theo Baomoi.com.vn
Minh Thu (st)