chu-lam-chu-tich
Ảnh Tư liệu

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công ở Hà Nội, rồi Huế, Sài Gòn. Nhiều cán bộ từ vùng rừng núi “hạ sơn” vào thành phố, nhận nhà cửa được phân, được giao nhiệm vụ này nọ. Tư tưởng hưởng lạc cầu an ở một số đảng viên đã xuất hiện. Có người “bạo phổi” đến thưa với Hồ Chủ tịch là “bao năm bóng tối, gian khổ, nay cách mạng thành công nên cho cán bộ “thở” một chút. Bác nói:

- Cách mạng chưa thành công hoàn toàn chú ạ. Mới chỉ là thắng lợi một bước quan trọng thôi, để chuyển sang giai đoạn mới cao hơn, phức tạp hơn. Giành được chính quyền đã quan trọng, nhưng bảo vệ được chính quyền còn khó khăn hơn, xây dựng đất nước phồn vinh còn quan trọng, khó khăn gấp bội. Ta cần cố gắng hy sinh nhiều hơn.

Khi thành lập Chính phủ, với mục đích “tập hợp nhân tài”, “đại đoàn kết”, “Tổ quốc trên hết” Đảng và Bác Hồ đã chủ trương mời một số nhân sĩ, trí thức tham gia công việc nước. Đồng chí Vũ trước đây đã công tác lâu năm với Bác Hồ, ở bên cạnh Bác, được phân công giữ nhiệm vụ Thứ trưởng một Bộ.

Thấy mình là dân “cách mạng gốc”, bao năm hoạt động, so với mấy anh “tạch tạch xè” (câu nói chỉ tiểu tư sản), trí thức, quan lại cũ thì hẳn là ở trên rồi. Sao lại đi làm phó!

Được cái tốt là thẳng thắn, đồng chí Vũ đến ngay Bác “thuyết phục”, “trình bày” một hồi lâu với Chủ tịch Nước. Chủ tịch Nước ngồi yên lặng, tôn trọng ý kiến người đối thoại, trầm ngâm. Tưởng “bở” đồng chí Vũ lại quá đà nói dài thêm nên có chỗ sơ hở. Biết ý, đồng chí Vũ dừng lời. Bác lại hỏi:

- Chú còn gì nữa không?

- Thưa còn, nay chỉ xin nói thế thôi ạ.

Chủ tịch Nước thong thả trả lời:

- “Thế thôi” mà đã quá dài. Bác chỉ nói ngắn: Chú giỏi lắm, công trạng nhiều quá mà chỉ làm Thứ trưởng. Vậy Bác đổi chỗ cho chú. Chú lên làm Chủ tịch để Bác làm Thứ trưởng cho…

Anh cán bộ họ Vũ vừa mới hăng hái bỗng lặng im. Lát sau đứng dậy anh nói:

- Thưa Bác cháu về.

Bác nói với theo:

- Chú về…

Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Kim Yến (st)

Bài viết khác: