Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 25/01/2025

Tướng Nguyễn Sơn (1908 - 1956), sinh ngày 1-10-1908, quê làng Kiên Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội. Ông là người nổi tiếng, được đông đảo người mến mộ, có những nét đặc biệt hơn người: Một vị tướng tài ba văn võ song toàn, đánh giặc giỏi và mê văn chương thơ phú. 

mot net ung xu rat dep
 Tướng Nguyễn Sơn

Ông từng say sưa nói về Truyện Kiều 5 giờ đồng hồ liền với thầy giáo và học trò lớp chuyên khoa trường Thiếu sinh quân - Thanh Hóa; ông rất chú trọng nâng cao tâm hồn Việt Nam, thu phục được nhân tâm văn nghệ sĩ, đã xây dựng Liên khu IV trở thành một trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam trong kháng chiến; một lưỡng quốc tướng quân hào hoa mà bình dị, một người có cá tính mạnh, ngang tàng, cương trực, coi thường hiểm nguy, vào sinh ra tử, tù ngục trải qua. Ông xứng đáng được phong hàm cấp Tướng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Dịch âm Hán Việt:

Tặng Sơn đệ
Đảm dục đại,
Tâm dục tế.
Trí dục viên,
Hạnh dục phương!
Dịch nghĩa:
Tặng Nguyễn Sơn
Gan cần lớn,
Tâm cần tinh tế.
Trí vẹn toàn,
Hạnh phải thẳng ngay!

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 111/SL phong hàm cấp Tướng cho một số tướng lĩnh: Võ Nguyên Giáp - Đại tướng, Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia; Nguyễn Bình - Trung tướng, Chỉ huy Quân sự miền Nam; Nguyễn Sơn - Thiếu tướng, Chỉ huy Quân sự Liên khu IV.

Lễ thụ phong cho các tướng lĩnh theo sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể ở Việt Bắc. Do Nguyễn Sơn đang ở Liên khu IV nên Chính phủ ủy nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu IV làm Lễ thụ phong, nhưng Nguyễn Sơn chần chừ, kéo dài thời gian chưa chịu nhận.

Biết được việc này, khi nghe báo cáo, Bác Hồ điềm tĩnh, lặng lẽ lấy một tấm thiệp nhỏ thường dùng viết ngay ngắn trên thiệp: "Tặng Sơn đệ".

Những câu này, chữ này Bác lấy từ một bài thơ của bậc danh y Khổng Tử Mạc thời Tùy - Đường, Trung Quốc gửi cho bạn là Lưu Chiếu Lâm (có sách nói là của Tôn Tử Mạo). Nguyên văn như sau: "Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu,/Trí dục viên nhi hạnh dục phương,/ Niệm niệm hữu như lâm địch nhật,/Tâm tâm thường tự quá kiều thời". (Gan cần lớn mà tâm cần nhỏ, chín chắn/Trí vẹn toàn mà lòng phải thẳng ngay/ Nhớ kỹ giống như đang đánh giặc./ Ghi lòng chẳng khác lúc qua cầu). 

Bác lấy 12 chữ đầu ở hai câu thơ đầu và bỏ chữ tiểu thay bằng chữ tế là tinh tế, tế nhị; bỏ chữ tiểu là bỏ cái nhỏ, người nhận thiệp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo, tế nhị hơn nữa. Bác Hồ đã trao tấm thiệp cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lặn lội từ Việt Bắc vào Liên khu IV để trao tấm thiệp và chủ trì lễ thụ phong quân hàm cho Nguyễn Sơn.

Ứng xử của Bác Hồ với Tướng Nguyễn Sơn là lấy đại cuộc làm trọng, dùng tình để cảm hóa, thể hiện sự bao dung bởi Bác hiểu rõ cá tính, tính cách, tâm can Nguyễn Sơn. Cách ứng xử này được thực hiện một cách tinh tế và rất cụ thể:

Một là, không lấy tư cách Chủ tịch Nước và người đứng đầu Chính phủ ra mệnh lệnh, phê bình và có thể bắt tội không thi hành phép nước (nếu ở triều vua phong kiến tướng này sẽ không bảo toàn được tính mạng) mà lấy tư cách người anh nói chuyện với người em, gửi cho người em 12 chữ chân tình.

Đã là anh em thì nhẹ nhàng khuyên nhủ, bảo nhau cũng hướng về cái tốt đẹp, đạo lý ở đời, Nguyễn Sơn là người có cá tính cương nên Bác dùng nhu "lạt mềm dễ buộc". Xưa Lão Tử từng nói: "Cái mà thiên hạ cho là rất mềm lại thường thắng được cái rất cứng của thiên hạ" (Thiên hạ chi chi nhu, trù sinh thiên hạ chi phi kiên).

Hai là, Nguyễn Sơn vốn là người trọng văn hóa, yêu thích văn chương nên tấm thiệp "Tặng Sơn đệ", Bác lấy chữ từ thơ của một danh nhân để khen Nguyễn Sơn, khẳng định tài - đức của Nguyễn Sơn nhưng cũng ngầm ý nhắc nhủ đã tốt rồi cần tốt hơn nữa, nhất là cần tinh tế, chín chắn hơn, cần phải tự mình sửa mình để hoàn thiện mình.

Ba là, việc cử đặc phái viên của Chính phủ vào Liên khu IV chủ trì lễ thụ phong là Bác hiểu tường tận căn nguyên. Không để người cùng cấp chủ trì lễ thụ phong, vừa giữ được thể diện vừa ưu ái không làm mất lòng tự trọng của Nguyễn Sơn, "buộc" Nguyễn Sơn không thể không chấp nhận. Phép nước không bị tổn hại. Sắc lệnh được thi hành.

Bốn là, ở đời xử sự với nhau cần đại lượng khoan hòa. Cách hành xử của Bác với Nguyễn Sơn ngầm ý như thế khi Bác dùng chữ tế thay cho chữ tiểu và tế đi với đại thì đại có nghĩa là đại lượng, bao dung.

Những cán bộ cấp dưới của tướng Nguyễn Sơn cho biết, khi nhận được thiệp "Tặng Sơn đệ" bỗng ông ngộ ra tất cả, hoàn toàn tâm phục khẩu phục, thốt lên: - Ông cụ này khiếp thật! Và, lập tức chỉ thị ngay cho cán bộ trong Liên khu khẩn trương chuẩn bị lễ thụ phong.

Ứng xử của Bác Hồ đã đem lại kết quả như ý muốn. Sự ứng xử như thế là từ cái gốc đạo đức của Bác giàu tính nhân văn, tình thương yêu, sự khoan dung, độ lượng. Mười hai chữ trích không chỉ là tặng Nguyễn Sơn ở thời điểm cụ thể, nhất thời mà còn là tặng Nguyễn Sơn trong suốt cả cuộc đời hào hoa, phóng khoáng, huyền thoại của vị tướng này.

Tướng quân Nguyễn Sơn đã lấy 12 chữ Bác Hồ tặng, hoàn thiện cuộc đời binh nghiệp của mình, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và Trung Quốc, để trở thành một Lưỡng quốc tướng quân!

Theo http://www.baonghean.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: