Những lần gặp Bác Hồ là kỷ niệm đẹp nhất đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt. Từ những tình cảm thiêng liêng dành cho Bác, cô nữ sinh của Trường học sinh miền Nam năm xưa đã đi sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác và vận động mọi người tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt cùng những tư liệu do bà sưu tầm được.
Kỷ niệm những lần gặp Bác
Theo con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, Quận 1 chúng tôi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Nguyệt. Ở tuổi 74, nhưng người cán bộ hưu trí này vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Trong câu chuyện của mình, bà kể về kỷ niệm những lần gặp Bác với giọng đầy xúc động. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 12 tuổi cô bé Nguyệt, quê Thủ Dầu Một, Bình Dương đã đi làm liên lạc cho cách mạng. Năm 1955, Nguyệt cùng các chị em trong gia đình tập kết ra Bắc. Bà nhớ lại, khi mới ra Bắc, có lần vào Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Việt - Xô) nơi ba công tác, cô bé may mắn được nhìn thấy Bác khi Người vào thăm một cán bộ nằm điều trị tại đây. “Nghe mọi người kể về Bác đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác. Dù chỉ được nhìn thấy Bác nhưng đến giờ tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh một vị lãnh tụ thân gầy, giản dị” - Bà bộc bạch.
Với bà Nguyệt, kỷ niệm sâu sắc nhất về Bác là lần Người tới thăm Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng năm 1959. Bà kể: “Hôm đó, chúng tôi chỉ được báo trước có đoàn khách Trung ương thăm trường nhưng không ai biết có Bác tới. Là Đội thanh niên cờ đỏ của trường, tôi đứng ngoài mở cổng cho đoàn xe vào. Khi nhìn thấy Bác, trong niềm vui sướng khôn xiết, tôi ôm chầm lấy Bác. Trong tôi dâng trào niềm xúc động vui sướng”. Bà vẫn nhớ những hình ảnh, cử chỉ, câu nói của Bác khi nói chuyện với học sinh. Một vị lãnh tụ với tình thương bao la, chăm lo cho thế hệ trẻ rất ân cần. Khi nói chuyện với các học sinh của trường Bác ôn tồn hỏi: “Các cháu có khỏe không? Các cháu ăn no không? Các cháu có đói không? Các cháu có chí (chấy) không?” Rồi Bác nói với người nấu bếp: “Lấy hạt na đun nước cho các cháu gội đầu hết chí”. Cách nói chuyện của Bác làm mọi người ai cũng vui cười. Câu chuyện của bà Nguyệt như chùng xuống khi bà nhớ lại những ngày nghe tin Bác mất, cả gia đình bà đã khóc. Năm tháng trôi đi nhưng hình ảnh của Bác không hề phai mờ trong ký ức bà Nguyệt. Tấm hình Bác nói chuyện với học sinh miền Nam được bà lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật của đời mình. Giờ đây, bà dành một không gian riêng trong nhà lập bàn thờ Bác.
37 năm đi sưu tầm tư liệu về Bác
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Nguyệt trở về Nam. Nhớ miền Bắc, nhớ về người Cha già của dân tộc, bà đi sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác. Những tấm hình của Bác trên sách, báo được bà Nguyệt cất giữ sao chụp và đóng thành cuốn. Sau 37 năm, những tài sản tư liệu về Bác ngày càng dày thêm. Ðến nay bà đã lưu giữ được hơn 1.800 tấm hình của Bác. Từ những tư liệu có được, bà phân loại theo các chuyên đề: Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với thanh niên, Bác Hồ với phụ nữ... và bà tới các trường học, hội nghị nói chuyện, chia sẻ để mọi người cùng cảm nhận tư tưởng cao đẹp của Người.
Cùng với việc lưu giữ các hình ảnh của Bác, bà Nguyệt còn sưu tầm những cuốn sách, tài liệu viết về Bác. Hiện, tủ sách của bà có hơn 400 cuốn sách về Bác. Ðây là những cuốn sách được bà sưu tầm, tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau. Bà nhớ lại: “Một lần tìm được cuốn sách hay viết về Bác, tôi rất thích nhưng lại không mang đủ tiền. Thấy vậy, chủ hiệu sách đã “biếu” tôi số tiền còn thiếu. Hay lần khác, có anh thanh niên thấy tôi say sưa sưu tầm sách ảnh về Bác đã mua tặng tôi cuốn sách có tấm hình của Bác”. Ðiều đáng quý ở người cán bộ hưu trí này, dù tuổi đã cao nhưng vẫn giữ thói quen hàng ngày đọc những tài liệu viết về Bác. Ðến giờ, bà đã am tường và có thể kể rành rọt nhiều câu chuyện về Bác. Bà Nguyệt tâm sự: “Tôi đã đọc hết các tài liệu viết về Người mà tôi sưu tầm được. Trải qua thời gian tôi càng cảm phục cốt cách cao đẹp của Bác. Càng đọc, càng nghiên cứu mới thấu hiểu hơn những tư tưởng của Người. Tôi rất cảm phục tinh thần ham học hỏi của Bác; Phẩm chất của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân, không gia trưởng hay nghĩ đến lợi ích cá nhân. Những tư tưởng của Người là bài học cho chúng ta học tập và có giá trị sâu sắc trong mọi thời đại”
Theo HOÀNG HẢI/nhandan.com.vn
Huyền Trang (st)