Hôm đó là ngày mồng 3 Tết (giai đoạn Bác Hồ mới trở lại Pác Bó, Cao Bằng - PV). Cả nhà tôi ăn cơm chiều xong, đang ngồi quây quần bên bếp lửa. Bên ngoài, trời tối dần. Nhìn ra đường đã không rõ nữa, mà trông lên các ngọn núi chung quanh nhà chỉ thấy một màu tối đen như mực. Thỉnh thoảng, một cơn gió nổi lên, lạnh rùng mình. Tôi ngồi xích lại gần đống lửa. Lúc này chỉ nghĩ đến việc phải ra ngoài cũng đã đủ thấy ngại. Chợt dưới nhà có tiếng gọi lên:
- Đại Lâm có nhà không đấy!
Tôi nghe giọng đã biết ngay là các đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm rồi. Cả nhà tôi ai cũng biết hai đồng chí ấy. Chính các đồng chí là những người đầu tiên đến tuyên truyền cách mạng ở vùng Pác Bó này, từ năm 1937.
Bác Hồ làm việc tại Pác Bó (Cao Bằng) sau hành trình 30 năm đi
tìm đường cứu nước (ảnh tư liệu).
Tưởng các đồng chí đến chơi chúc Tết, bố tôi mừng rỡ chạy ra cửa đón.
Lên nhà, chưa kịp ngồi uống chén nước, đồng chí Ba đã nói ngay:
- Chúng cháu đang có việc vội. Cụ cho chúng cháu mượn hai bộ quần áo, một cái nồi, một cái chiếu, vài cái bát đôi đũa để chúng cháu mang lên hang ở.
Giá ngày thường như vậy thì cả nhà tôi chẳng ai lấy làm lạ. Nhưng đằng này lại là ngày Tết, sao lại vội vàng thế? Bố tôi mới nghe đã lắc đầu, gạt đi ngay:
- Không được! Tôi không để các đồng chí đi đâu cả!
Vừa nói, bố tôi vừa kéo tay hai đồng chí ngồi xuống. Nhưng đồng chí Ba, đồng chí Sâm vẫn nằn nì xin đi ngay. Bố tôi lại nói:
- Đã lâu ngày các đồng chí mới về, sao lại không ở chơi với chúng tôi? Hay gia đình có điều gì thiếu sót thì các đồng chí bỏ qua cho. Hôm nay hãy cứ ở đây với chúng tôi. Ai lại lên hang ở lúc này cho rét mướt, vất vả!
Hai đồng chí cứ đứng tần ngần giữa ngõ, không biết nói thế nào. Cuối cùng đồng chí Ba đành nói thật:
- Lâu nay chúng cháu vẫn nhờ bà con trong làng để sống và hoạt động. Từ đây về sau cũng thế. Nhưng hôm nay có mấy đồng chí lạ đến, xuống làng e không tiện cho việc giữ bí mật. Vậy xin cụ tha thứ cho chúng cháu.
Đến lúc đó bố tôi mới chịu để cho các đồng chí đi. Nhưng khi các đồng chí đi rồi, bố tôi vẫn thắc mắc không yên. Tôi cũng thấy lạ. Tôi đã được đi theo đồng chí Ba từ lâu, mà lần này đồng chí Ba phải giữ bí mật như thế, chắc là có điều gì đặc biệt lắm. Cả đêm hôm đó, tôi thấp thỏm không ngủ được. Tôi nằm bên đống lửa, nghe gió rít ngoài trời lại càng thương các đồng chí phải ở trên núi đá, hang sâu lạnh lẽo. Bố tôi cũng không ngủ được, chốc chốc lại dậy hút thuốc và lẩm bẩm:
- Hảo nhân đa hữu nạn! Người tốt lại thường gặp lắm gian nan!
Sớm hôm sau, trời mới mờ sáng, bố tôi đã bắt tôi đi thu xếp rượu thịt, bánh chưng, chè lam… cho vào một cái giỏ xách đi và dẫn bố tôi lên hang. Tôi cũng đang nóng lòng biết chuyện mới lạ, nên đi nhanh lắm. Đường từ nhà tôi vào hang Cốc Bó cũng có chỗ khó đi, phải lội qua mấy cái suối, leo qua vài dốc đá, nhưng hai bố con tôi đi băng băng, chỉ một chốc đã tới nơi. Đến gần hang, còn ở bên này suối, tôi đã trông thấy mấy người đang ngồi ở bãi nương dưới chân hang, bên bờ suối. Đến gần hơn, tôi trông rõ hai đồng chí già, râu dài, đang ngồi làm việc. Tôi thầm đoán: “Đây chắc là các lão đồng chí cách mạng”. Tôi còn đang ngắm nghía, suy nghĩ thì một trong hai đồng chí già đã đứng dậy ra bắt tay hai bố con tôi. Bố tôi chào lại, còn tôi thì đứng ngây ra nhìn đồng chí già không chớp mắt. Tôi thấy đồng chí râu dài hơn có đôi mắt sáng ngời, cử chỉ nhanh nhẹn, vồn vã. Nhìn những người chung quanh tôi thấy ai đối với đồng chí già này cũng tỏ thái độ tôn kính lắm. Tôi nghĩ: “Đúng là một đồng chí cao cấp rồi”.
Trước đây, tôi đã nghe nói có đồng chí Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ của Đảng. Lúc này tôi thoáng nghĩ: “Hay là chính đồng chí này đây?”. Nhưng tôi nín lặng không dám hỏi ai. Tự nhiên trong lòng tôi thấy bồi hồi cảm động. Cách mạng đã mở ra cho tôi biết con đường phải đi tới. Bây giờ lại được thấy những đồng chí lãnh tụ già tuổi đời, cao tuổi Đảng về đây, chắc chắn cách mạng ngày càng mạnh và mau chóng thành công.
Sau này tôi được biết chính xác đồng chí già đó chính là Bác kính yêu của chúng ta. Hôm đó, câu chuyện giữa bố tôi với Bác sôi nổi vui vẻ lắm. Bác hỏi thăm tình hình địa phương, việc làm ăn của nhân dân, sự khủng bố của kẻ địch…
Bố tôi đáp lại lời Bác:
- Bọn tổng lý, kỳ hào, lính dõng, thổ phỉ ở đây ác lắm. Chúng ức hiếp nhân dân chúng tôi nhiều lắm!
Để bố tôi nói xong, Bác nhẹ nhàng giải thích, đại ý:
- Tình cảnh nhân dân địa phương ta bị áp bức cũng là tình hình chung của nhân dân cả nước hiện nay. Bọn tổng lý, kỳ hào, lính dõng đúng là ác thật, nhưng nếu không có bọn đế quốc, không có thằng Tây thì bọn chúng chẳng làm gì được ta đâu.
… Nghe đến đây tôi mới nghĩ ra: “À, thế là từ trước đến nay mình chưa thấy hết tội ác của bọn đầu sỏ, mà chỉ thấy bọn tay chân của chúng thôi. Cũng như đóng một cái đinh vào gỗ thì phải có búa, nhưng mình chỉ thấy đinh mà không thấy búa. Mỗi lần bọn thổ phỉ hoặc bọn lính đồn đến cướp bóc thì mình chỉ nghĩ làm sao đánh đuổi được bọn chúng đi thôi. Còn mấy thằng Tây trên đồn Sóc Giàng họa hoằn mới đến làng và cái bọn thống trị chung cả nước, thì mình lại chưa biết đến nó. Đúng là tầm mắt mình còn hẹp quá!”. Tôi lại chăm chú nghe. Bác nói thêm, đại ý là: Muốn đánh đổ bọn thống trị làm cho đời mình khỏi khổ thì không phải chỉ nhân dân Pác Bó làm cách mạng là được. Phải đoàn kết toàn dân, già, trẻ, trai, gái cả nước thành một sức mạnh, lợi dụng lúc bọn đế quốc đang bị suy yếu trong cuộc chiến tranh thế giới mà đứng lên đánh đuổi chúng đi, giành lại độc lập cho Tổ quốc, thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, tự người mình trông nom lấy đất nước của mình.
Nghe Bác, tôi cảm thấy đầu óc được sáng thêm ra. Mỗi lời nói của Bác làm cho tôi càng thấy rõ tương lai đất nước, lại như nhắc nhở tôi phải học nhiều, biết nhiều hơn nữa, mới có thể làm cách mạng được.
Hôm ấy Bác bảo bố con tôi ở lại ăn cơm. Đồng chí cấp dưỡng của Bác đem thức ăn ra. Tôi thấy có rau cải, rau rừng, ốc suối - món ốc này chính Bác và các đồng chí ở đây đi mò lấy. Tôi cũng không ngờ món ăn ngày Tết của các đồng chí chỉ có thế. Như hiểu ý bố con tôi, Bác nói:
- Hôm nay được cụ mang cho rượu, bánh, thịt, thế là Tết đầy đủ lắm rồi.
Bố tôi cứ nằn nì mời Bác và các đồng chí xuống ở với dân làng, với gia đình cho đỡ vất vả. Bác vừa cười vừa nói:
- Ăn Tết thế này là Tết gia đình rồi đấy. Vẫn biết các cụ và bà con trong làng rất tốt, nhưng ở đây tiện công tác, tiện giữ bí mật… Bà con không có gì đáng ngại cho chúng tôi cả.
Bố tôi lại hỏi:
- Đồng chí nhiều tuổi rồi mà vẫn còn đi hoạt động được à?
Bác lại cười và nói;
- Tôi già rồi, nhưng nhiệm vụ cách mạng còn đòi hỏi nên tôi vẫn hoạt động. Cụ cũng già mà vẫn làm cách mạng đấy thôi.
Bố tôi lắc đầu:
- Tôi suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, được việc gì đâu mà bảo làm cách mạng?
- Cụ làm nhiều rồi đấy - Bác vui vẻ nói - Lâu nay cụ vẫn giữ bí mật, chăm lo chỗ ăn chỗ ở cho cán bộ, cụ lại vẫn trông nom gia đình để cho con cháu tham gia hoạt động, thế là cụ đã làm nhiều việc cho cách mạng rồi. Chỉ có bây giờ chúng ta cùng nhau cố gắng hơn nữa, làm cho toàn dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi bọn phát-xít Nhật và bọn đế quốc Pháp, thì nhân dân ta mới được ấm no hạnh phúc…
Ở chỗ Bác về, cả hai bố con tôi đều im lặng. Chắc bố tôi đang suy nghĩ nhiều về những lời Bác nói. Tôi cũng thế. Con người tôi như mới được tiếp thêm một sức mạnh mới. Trong bụng vui mừng phấn khởi. Cảnh vật chung quanh như thêm tươi đẹp. Những cơn gió lạnh đầu xuân không còn làm tôi thấy rét buốt nữa. Mặt trời đã hiện lên đỉnh núi rồi.
(Theo hồi ký của ông Dương Đại Lâm, cán bộ bảo vệ Bác Hồ thời kỳ Bác sống và làm việc ở Pác Bó - năm 1941).
Theo Dương Quảng Nam/qdnd.vn
Kim Yến(st)