Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 23/01/2025

1. Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc. Ngay khi bước chân tới biên giới, với cảm xúc dạt dào, Người đã ôm hôn mảnh đất Việt Nam và bắt đầu tiếp xúc với những đồng bào nghèo khổ. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là từ khi trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, Người đã có nhiều năm công tác, sống và sinh hoạt cùng các đồng chí và đồng bào các dân tộc thiểu số.

1-xuyen-suot-la-doan-ket
Bác Hồ với đồng bào dân tộc

Có thể nói, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Người luôn coi trọng công tác dân vận, từ việc tuyên truyền giáo dục đến giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Người quan tâm chăm lo đến đời sống của đồng bào về cái ăn, cái mặc, chỗ ở, y tế, giáo dục... với mong muốn đồng bào có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc hơn và từ đó xác định sức mạnh, trách nhiệm và niềm tin đối với sự nghiệp của cả nước.

2. Thực hiện lời dạy của Bác, từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, đề ra những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Hàng loạt chương trình, chính sách được triển khai như: Chương trình 135, đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc ít người, đề án tăng trưởng hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đến nay, các dân tộc thiểu số Việt Nam đã phát triển cùng sự phát triển của đất nước, có sự thay đổi rõ rệt trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc trên mọi lĩnh vực. Sản xuất ở một số vùng đã có bước tiến theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Công tác giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều tiến bộ. Việc phát triển văn hóa giữ gìn bản sắc dân tộc được quan tâm, chú ý...

3. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế phát triển chậm so với tiềm năng của vùng. Sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh. Cơ sở hạ tầng yếu kém. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng dân tộc và miền núi vẫn cao nhất cả nước. Chất lượng giáo dục và hiệu quả giáo dục còn thấp. Đội ngũ cán bộ có năng lực chưa nhiều, trình độ hạn chế. Đặc biệt là con em người dân tộc được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng trên thực tế, số lượng được sử dụng tại các địa phương rất ít.

Đội ngũ cán bộ y tế vùng dân tộc và miền núi vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn. Phần lớn người nghèo vùng dân tộc và miền núi không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng tốt.

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một. Nguy cơ mất bản sắc văn hóa riêng và bị đồng hóa đang hiện hữu đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người...

4. Để khắc phục những hạn chế trên, sự đồng thuận và tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sự lãnh đạo sáng suốt và khẩn trương của Đảng và các cấp chính quyền đóng vai trò vô cùng quan trọng. Muốn chính sách đoàn kết dân tộc và chương trình xóa đói, giảm nghèo được đồng bào các dân tộc thiểu số hưởng ứng thì người lãnh đạo cần thấu hiểu dân, thương dân, tận tụy với dân, làm cho dân hiểu được cần phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng ra sức phát triển sản xuất, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cùng đồng bào cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là niềm mong mỏi của Bác Hồ: “Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc. Phải ra sức làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp. Giữa nông trường và đồng bào địa phương, giữa đồng bào ở đồng bằng đến vỡ hoang và đồng bào miền núi, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”./.

Hà Nội, Xuân Ất Mùi 2015

Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu

Theo http://baocongthuong.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: