Hệ thống Trợ năng

Thứ ba, 21/01/2025

di tich kim lien   phan 2  anh 1

Cụm Di tích Làng Sen - Quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cụm Di tích Làng Sen cách Cụm Di tích Hoàng Trù hơn 1,5km về hướng Tây Nam trên trục đường tham quan 540. Cụm Di tích này bao gồm: Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh); Giếng Cốc; Lò rèn Cố Điền là nơi ghi dấu những kỷ niệm sâu sắc trong quãng đời niên thiếu và hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương. Năm 1901 ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, bà con làng Kim Liên đã trích quỹ học điền mua và dựng cho ông một ngôi nhà tranh 5 gian, anh trai Nguyễn Sinh Trợ (Nguyễn Sinh Thuyết) mừng cho em ngôi nhà 3 gian dựng trên mảnh vườn rộng 4 sào 14 thước Trung Bộ tương đương 2.500m2, trong lễ mừng “Vinh quy bái tổ” ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và 3 con của mình là bà Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung về sống ở ngôi nhà này, khi về sống cùng cha, anh, chị và bà con làng xóm ở Làng Sen.

di tich kim lien   phan 2  anh 2
Ngôi nhà lá 5 gian do dân Làng Sen dựng mừng ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng khoa thi Tân Sửu (1901). Đây cũng là nơi Bác Hồ sống thời niên thiếu từ năm 1901-1906.

di tich kim lien phan 2 anh 3
Hồ Chủ tịch về thăm ngôi nhà cũ ở Quê nội tại Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn,
 tỉnh Nghệ An (tháng 12-1961). Ảnh tư liệu

Di tích Nhà Thờ Họ Nguyễn Sinh, họ nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà Thờ đại tôn họ Nguyễn Sinh cách nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khoảng 200m nằm ở trung tâm xóm Sen 3 xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An trong khu vườn rộng khoảng 800m2. Thuỷ tổ dòng tộc Nguyễn Sinh ở Làng Sen là ông Nguyễn Bá Phổ mãi đến đời thứ tư mới đổi thành Nguyễn Sinh và tên đó tồn tại mãi cho đến ngày nay. Họ Nguyễn Sinh là một dòng họ lớn ở xã Kim Liên từ xưa tới nay có nhiều người học giỏi và đỗ đạt cao, trải qua nhiều tháng năm gây dựng, phấn đấu các thế hệ tiếp nối đã tô điểm và làm nổi tiếng cho dòng họ, đặc biệt thế hệ thứ mười ba dòng họ đã có công sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không những chỉ làm vinh danh cho dòng họ mà còn dạng danh cho dân tộc Việt Nam trở thành biểu tượng Anh hùng và lương tri cho mọi thời đại.

Năm 1991, nhà thờ họ Nguyễn Sinh được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia.

 Di tích ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

di tich kim lien phan 2 anh 4
Ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm

Ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xóm Phủ Đầm, Làng Sen nay gọi là xóm Sen 3, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khoảng 250m về hướng Đông trong khu vườn rộng 3 sào, 5 thước Trung bộ tương đương 1.765m2 gồm có hai ngôi nhà, ngôi nhà lớn là nơi thờ tự và tiếp khách, ngôi nhà ngang là nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình. Cụ Nguyễn Sinh Nhậm thuộc thế hệ thứ 10, là chi họ I của dòng họ Nguyễn Sinh đây là một chi họ có truyền thống học giỏi, yêu nước và thành đạt.

Thời niên thiếu ba người con yêu nước của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành thường sang đây thắp hương tưởng niệm ông bà nội và cũng chính tại ngôi nhà này anh, chị của Bác thường lấy làm nơi bí mật để làm nơi hoạt động yêu nước. Ngày 23 tháng 8 năm Canh Dần (1950), Nguyễn Sinh Khiêm tức Nguyễn Tất Đạt người anh trai rất mẫu mực và tôn  kính của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mất tại đây. Ngôi nhà này đã chứa đựng nhiều giá trị lịch sử.

Năm 1990, ngôi nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia.

 Di tích ngôi nhà Cử nhân Vương Thúc Quý - Thầy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu.

Ngôi nhà thầy Cử nhân Vương Thúc Quý cách Di tích cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc khoảng 200m về phía Tây, nằm trong mảnh vườn rộng 3 sào 9 thước Trung bộ tương đương 1.775m2 thuộc xóm Sen 4, xã  Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An gồm có 2 ngôi nhà, ngôi nhà trên làm nơi thờ tự, dạy học, tiếp khách; ngôi nhà ngang là nơi sinh hoạt thường ngày của cả gia đình.

di tich kim lien  phan 2  anh 5
Di tích ngôi nhà Cử nhân Vương Thúc Quý

Thầy Cử nhân Vương Thúc Quý sinh năm Nhâm Tuất (1862) là con trai của Tú tài Vương Thúc Mậu, Lãnh tụ Chung nghĩa binh chống Pháp tại Kim Liên và đã hy sinh anh dũng vào năm 1896. Vương Thúc Quý đậu cử nhân ở Trường Nghệ, Khoa Tân Mão (1981), ông là một trong “Tứ hổ Nam Đàn”, ông là người tài hoa, thông minh, mẫn tiệp, giàu lòng yêu nước và đầy nghĩa khí, ông lập ra ngôi nhà này là để thờ cha mình là Lãnh tụ Chung nghĩa binh Vương Thúc Mậu, ngoài ra còn là nơi diễn ra nhiều cuộc mật đàm quan trọng của các chí sỹ yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Nguyễn Sinh Sắc... nơi đây là lớp học để ông dạy chữ cho con em trong vùng, đặc biệt vào khoảng tháng 7 năm 1901, Nguyễn Sinh Cung (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu) và cùng anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm được Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gửi sang đây để học chữ thánh hiền. Vốn là người thông minh, ham học, ham hiểu biết và có chí tiến thủ, sau nhiều lần thử tài, thầy Cử nhân Vương Thúc Quý đã phát hiện ra năng lực, ý chí hơn người và hết sức tin yêu và quan tâm đặc biệt, gửi gắm nhiều kỳ vọng lớn lao của mình đối với học trò Nguyễn Sinh Cung. Ngôi nhà học đường này cùng người thầy đáng kính Vương Thúc Quý là môi trường tư tưởng, văn hoá tốt đẹp góp phần ươm trồng tài năng, nghị lực của Nguyễn Sinh Cung. Trong hai lần về thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hỏi thăm gia đình Cử nhân Vương Thúc Quý. Người nói: “Thầy cử Vương là thầy học của Bác thời niên thiếu”.

Năm 1990, nhà thầy Cử nhân Vương Thúc Quý được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia.

Cây đa, Sân vận động, Đền Làng Sen.

di tich kim lien phan 2  anh 6
Di tích Cây Đa, Sân vận động Làng Sen

Cây đa, Sân vận động, Đền Làng Sen nằm ở trung tâm Làng Sen thuộc xóm Sen 3 và Sen 4 xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An nằm ở phía Tây Bắc, cách nhà cụ Phó bảng gần 200m, cạnh đường tham quan và trước mặt Đền làng Sen. Đây là trung tâm của Làng Sen, địa thế đẹp đẽ, xung quanh có Trường học, trụ sở Hợp tác xã... nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hoá dân gian, in đậm trong tâm thức của nhiều thế hệ dân làng.

Địa điểm Sân vân động Làng Sen trước đây là một rừng cây rậm rạp, gần đền và đình làng nên rất linh thiêng. Khu rừng này là tài sản chung của làng, cứ ba năm một lần được khai thác để lấy công quỹ chi tiêu việc làng, tế lễ đình đám. Sau Cách mạnh Tháng Tám, chính quyền xã Nam Liên mới xây dựng thành sân vận động để tổ chức các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, thể thao. Năm 1961, khi Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, nhân dân xã Nam Liên đã tập trung ở đây – dưới gốc Cây đa này để được nghe Người nói chuyện. Hiện nay, Sân vận động Làng Sen là địa điểm chính để tổ chức Lễ hội Làng Sen hàng năm.

di tich kim lien phan 2  anh 7
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Kim Liên, Nam Đàn nhân dịp Người về thăm quê năm 1961.

Cây đa, Sân vận động, Đền Làng Sen đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia năm 1991.

Di tích Giếng Cốc

Giếng Cốc do ông Nguyễn Danh Cốc người làng Phú Đầm, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh đào khoảng thời gian sau năm 1708 để lấy nước cho gia đình dùng.

Nước giếng trong nấu chè xanh thơm ngon, làm tương rất tốt.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi, tú tài Vương Thúc Mậu đã tập hợp nhân dân trong vùng lập ra đội Chung nghĩa binh để hưởng ứng. Cuối năm 1886, nghĩa quân bị đàn áp, tú tài Vương Thúc Mậu anh dũng hy sinh, nghĩa quân đã giấu vũ khí xuống Giếng Cốc để khỏi lọt vào tay giặc.

Trong thời gian sinh sống ở Làng Sen từ năm 1901 – 1906, cậu Nguyễn Sinh Cung thường ra đây lấy nước cho gia đình dùng, giúp cha đun nước pha chè tiếp các sĩ phu yêu nước, qua những câu chuyện, qua tiếp xúc với cuộc sống thực tế của nhân dân lao động cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã thấu hiểu hoàn cảnh sống khổ cực của người nông dân, nỗi nhục mất nước của người dân Việt Nam và tinh thần bất khuất anh dũng của Chung nghĩa binh. Trong 6 năm sống ở Kim Liên, giếng Cốc cũng là nơi để lại nhiều kỉ niệm sâu lắng trong lòng Người.

di tich kim lien phan 2  anh8
Di tích Giếng Cốc

Ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thăm quê hương lần đầu. Sau khi đi từ nhà ông Phó bảng ra ngõ, bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xa, Người hỏi bà con: “Giếng Cốc nay còn nữa không, nước Giếng Cốc trong và ngọt, nấu chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng cả vùng”.

Di tích Lò rèn Cố Điền

di tich kim lien phan2 anh 9

di tich kim lien phan2 anh 10

Di tích Lò rèn Cố Điền, cũng như cái giếng Cốc,“Lò rèn này do ông Hoàng Xuân Luyến (tên thường gọi là Cố Điền) dựng cuối thế kỷ XIX

Lò rèn Cố Điền được khởi dựng từ đời ông Hoàng Văn Luyến vào khoảng năm 1876. Trong thời gian sống ở Làng Sen từ năm 11 tuổi đến năm 16 tuổi, cậu Nguyễn Sinh Cung thường ra đây chơi, tìm hiểu. Người rất quý mến cụ Cố Điền và ngược lại, cụ Cố Điền rất thương yêu cậu. Tại đây, cậu hay giúp đỡ Cố Điền thụt bễ, đập đe và những việc khác. Nguyễn Sinh Cung thường lắng nghe môt cách chăm chú những chuyện bàn luận của khách hàng với cụ Cố Điền, thường đặt ra nhiều câu hỏi cho mọi người, bàn tán, trao đổi nhiều chuyện về vận mệnh đất nước và nhân dân.

Những kỉ niệm sâu sắc thời niên thiếu tại Lò rèn Cố Điền đã để lại dấu ấn đậm nét trong kí ức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, sau 50 năm xa cách quê hương, ngày 16/6/1957, trở về thăm quê lần đầu, khi đi từ nhà mình ra ngõ, Người chỉ tay về phía trước hỏi bà con đi bên cạnh: “Trong này có Lò rèn cụ Cố Điền, mấy lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?”./.

Kim Yến (Tổng hợp)
Còn nữa 

Bài viết khác: