"Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta".

Là một vĩ nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX, từ lúc xuất hiện trên vũ đài chính trị (năm 1919) đến khi bước vào thế giới vĩnh hằng (năm 1969)... và hôm nay, sự kính trọng, ngưỡng mộ của nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh không thay đổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là "biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".

1. Từ điển "Danh nhân văn hóa thế giới" xuất bản tại Anh và Mỹ đã dành trang 332-333 ghi rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX". Còn Charle Fern - một người Mỹ hoạt động cho đồng minh chống phát xít, từng gặp Người vào tháng 3 năm 1945 tại Trung Quốc, đã viết: "Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỷ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng, trong một thời gian dài Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước cả khi Mao Trạch Đông, Gandhi, Neru, Roosevelt, Churchill hay Degon được biết đến trên thế giới. Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của Người bất chấp những khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX".

Tại sao nhân loại tiến bộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự ngưỡng mộ lớn lao như vậy? Có rất nhiều lý do. Nhà thơ, nhà báo Nga Oxip Mandenxtam khi gặp Người ở Mátxcơva năm 1923 đã viết: Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai... Qua phong thái thanh tao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới. Và như nhận xét của nhà nghiên cứu người Đức Helen Tuocmero: "Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được yêu kính nhất trong gia đình mình...".

Khi gọi một người nào đó là "thánh nhân", "vĩ nhân" hay "thiên tài", thì đó là sự tôn vinh từ trái tim mỗi người chúng ta đối với những cống hiến vĩ đại cho dân tộc và nhân loại của cá nhân đó. Với nhiều vĩ nhân, những phẩm chất tốt đẹp thường hàm chứa trong hình thức nổi bật, phong cách khác thường, xuất chúng. Nhưng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh sự vĩ đại tỏa sáng từ phong cách bình dị như mạch nguồn văn hóa ẩn sâu trong tâm hồn. Một nhà nghiên cứu nhận định: "Trong phong cách khiêm nhường, giản dị, Hồ Chí Minh chứa đựng cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí mẫn tiệp, cái hành mực thước - phong cách của một lãnh tụ đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất. Một nhân tố có tính quyết định làm nên uy tín lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, tạo nên niềm tin của nhân dân với Người".

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, một nhà tư tưởng lớn. Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khẳng định ở việc tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai cho dân tộc Việt Nam, được thể hiện trong việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng, trong việc kết hợp sức mạnh các bộ phận dân tộc, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giải quyết các mối quan hệ quốc tế... Sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ở chính tấm gương đạo đức "vô cùng cao đẹp và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ" của một con người suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp mà nhân loại đang hướng tới. "Một con người toàn diện đã sống trên thế gian này. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh" - Báo Chiến đấu - Conggo đã viết như vậy. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là tài sản vô giá và trường tồn cùng dân tộc Việt Nam. Không một thế lực thù địch nào có thể làm sai lệch những giá trị đã lắng sâu trong tiềm thức người dân nước Việt và đã được nhân loại tôn vinh.

2. Một nhà thơ Indonesia viết: "Người không màng danh dự ghế suy tôn/Ngồi vào đấy với Người không có nghĩa/Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/Thì có nghĩa gì, chiếc ghế phủ nhung êm...". Yêu nước, yêu dân, cống hiến trọn cuộc đời cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc nhân dân..., đó là cái gốc của đạo đức Hồ Chí Minh. Và từ cái gốc ấy sẽ cần, kiệm, liêm, chính; sẽ chí công vô tư; sẽ có lòng nhân ái, yêu thương con người, sống có nghĩa có tình. Người từng nói: Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cách mạng của con người. Và Người cũng nói, đó là bốn thang thuốc cách mạng để chữa những căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như cuộc đời Người vốn thế chứ không chỉ để làm gương. Có thể nói, ở Người, đạo đức đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, giữa việc công và đời tư...

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngược lại với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân: "Chủ nghĩa cá nhân, đó là mẹ đẻ ra tất cả mọi thứ hư tật xấu, là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng... "Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Người nhấn mạnh: Đảng cũng là một thực thể xã hội, cán bộ, đảng viên của Đảng có nhiều ưu điểm và đạt nhiều thành tích, nhưng cũng có những khuyết điểm là: Không giữ vững được tính cách mạng trong mỗi công việc của Đảng; thiếu chí công vô tư; không giữ được kỷ luật nghiêm từ cấp trên xuống cấp dưới; không gần dân, lắng nghe và gắn bó mật thiết với nhân dân, và nhất là không làm việc đến nơi đến chốn. Nguyên nhân của những khuyết điểm đó là do nhận thức, tư tưởng chưa đúng, mắc bệnh chủ quan, hẹp hòi, ưa dùng cánh hẩu, kéo bè kéo cánh, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữa Đảng và nhân dân; ưa ba hoa, nói dông dài, cẩu thả... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, những khuyết điểm đó sẽ được khắc phục bằng "phê bình và sửa chữa". Nhưng theo Người "phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ", cho nên khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải theo nguyên tắc "phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người", để người bị phê bình "vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét". Và hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực của tinh thần tự phê bình và phê bình.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo: Những phẩm chất nào mà ngài muốn có, và nhà hoạt động chính trị nào mà ngài cho là một tấm gương để noi theo? Nghị sĩ Angiende (sau này là Tổng thống Chile) nói: Đó là tính trọn vẹn, lòng nhân đạo và sự khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Rất nhiều người nước ngoài, trong đó có những chính khách nói rằng: Họ muốn học Bác Hồ. Như vậy, có thể thấy mỗi con người (từ những vị lãnh đạo cấp cao đến mỗi người dân, từ những chính khách nước ngoài đến đồng bào đang sống xa Tổ quốc) ở những điểm nhìn khác nhau sẽ có những cách khác nhau để tiếp cận với tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đều có thể học Bác và làm theo Bác. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức

Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, có tầm cao trí tuệ; để xây dựng đất nước độc lập, cường thịnh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế... và để mỗi con người chúng ta hoàn thiện bản thân, hướng tới những giá trị cao đẹp, đích thực của cuộc sống.

Nhà thơ Tố Hữu viết: "Yêu Bác. Lòng ta trong sáng hơn". Là con cháu Bác Hồ, mỗi người Việt Nam yêu Bác và hiểu Bác hơn ai hết. Do vậy, chúng ta có thể học và làm theo Người ở những điều lớn lao và ở cả những điều bình dị nhất trong đời sống thường nhật. Đó là sự tận tâm, tận lực với công việc của chính mình; đó là cách nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém để tự sửa đổi, tự hoàn thiện; đó là cách đối nhân xử thế trên nền tảng văn hóa, nhân ái, yêu thương giữa con người với con người; đó là sự nỗ lực hướng tới cái đẹp đích thực từ cuộc sống, là tinh thần tiết kiệm, là lối sống giản dị, chân thành... Với mỗi người chúng ta, học những điều bình dị nhất trong đời sống hằng ngày của Bác là cách tốt nhất để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa của thế kỷ XX, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức ngời sáng của Người bình dị tỏa bóng xuống tâm hồn Việt Nam và lan rộng ra toàn thế giới. Xu hướng tiến bộ của loài người là hướng tới cái đẹp, cái toàn mỹ. Lịch sử loài người luôn luôn vận động, đấu tranh để cái đẹp, cái toàn mỹ tồn tại, cũng như vận động, đấu tranh để hướng tới cái đẹp, cái toàn mỹ. Chúng ta học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để tự hoàn thiện mình, để vươn tới cái đẹp, cái toàn mỹ. Và như vậy, học Người là việc phù hợp với quy luật phát triển!

Cù Xuân Trường

 Theo Báo Hà Nội mới

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: