thong-qua-luat
Các Đại biểu biểu quyết thông qua Luật Ngân sách nhà nước - Ảnh sưu tầm Internet

7. Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2015

Sáng ngày 24/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán nhà nước. Sau khi xem xét lần cuối dự thảo đã có 88,66% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương, 73 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động Kiểm toán nhà nước.

 Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) có nhiều điểm đổi mới so với Luật cũ. Theo Luật mới, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước từ 7 năm đã được rút xuống 5 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội và có thể được bầu lại nhưng không quá 2 nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn kiểm toán toàn diện như luật hiện hành; nhưng Luật mới bổ sung quy định, đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, giao cho Tổng Kiểm toán nhà nước trong trường hợp cần thiết thì quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

 Một nội dung quan trọng khác trong Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) được thông qua là báo cáo của Kiểm toán nhà nước có giá trị bắt buộc. Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc tính bắt buộc của báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, bộ chuyên ngành, quản lý nhà nước, Bộ Công an, tòa án xác định đó là sai phạm; có ý kiến đề nghị cần có ý kiến của cơ quan cấp trên thì đối tượng được kiểm toán mới thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định có tính bắt buộc của báo cáo kiểm toán nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, khắc phục tình trạng thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước chưa nghiêm do tồn tại của luật hiện hành. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp, Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và Kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình.

 Về nội dung trách nhiệm liên đới của Kiểm toán nhà nước khi cơ quan thanh tra, điều tra phát hiện sai phạm tại các đơn vị được kiểm toán mà trước đó Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán nhưng không phát hiện được sai phạm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nếu Luật quy định cứng trách nhiệm liên đới đối với các sai phạm do không phát hiện ra tại các đơn vị thì chưa thật hợp lý. Lý do là vì giữa các cơ quan thanh tra, điều tra và Kiểm toán nhà nước có sự khác biệt về mục đích hoạt động, phương pháp, trình độ nghiệp vụ và phạm vi hoạt động. Trong thực tế, Kiểm toán nhà nước cũng như cơ quan thanh tra, điều tra vì lý do khách quan có thể không phát hiện ra được hết các sai phạm.

Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) quy định, trường hợp phát hiện sai phạm mà trong đó có căn cứ, chứng cứ chứng minh Kiểm toán nhà nước hoặc các thành viên Đoàn kiểm toán vi phạm hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 hoặc thuộc trách nhiệm của các thành viên trong Đoàn kiểm toán, của Tổng Kiểm toán nhà nước thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

8. Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi 2015

Sáng ngày 25/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) với 442 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 89,47% tổng số).

Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) có 7 Chương, 77 Điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của  các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

Luật Ngân sách nhà nước quy định: Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật. Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên.

Luật cũng đưa ra một số quy định cấm như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước; cấm thu sai quy định của các luật thuế và các quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; cấm phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; cấm giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; cấm tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật; cấm chi không có dự toán, không đúng dự toán ngân sách được giao; cấm chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; cấm tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật; cấm thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; cấm vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách; cấm sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật...

9. Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo 2015

Sáng ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo với tỷ lệ tán thành là 91,50%.

Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương, 81 điều tập trung quy định cụ thể về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo.

Những nội dung, vấn đề quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được ghi nhận, thể chế, “Luật hóa” quy định là: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm biển và hải đảo; quản lý tài nguyên hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

Trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về: Hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp Giấy phép nhận chìm ở biển…

Việc thực hiện tốt phương thức quản lý tổng hợp với các công cụ, cơ chế, nguyên tắc, quy định nêu trên sẽ bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững; huy động được tối đa các nguồn lực đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo cùng với quy định về Quy hoạch sử dụng biển trong Luật Biển Việt Nam (là một trong những công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo) và quy định của Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc năm 1982 về Luật Biển và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Khi Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện các công cụ, cơ chế, chính sách, nguyên tắc được quy định trong Luật sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo; là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo ở nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.

Chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như sau: Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhận chìm ở biển. Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

Luật cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố; Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Thực hiện các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật này; Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật; Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải; công khai thông tin môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trình Chính phủ định kỳ hằng năm.

Định kỳ hằng năm, các bộ, ngành có trách nhiệm lập báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Định kỳ hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

10. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015

Sáng 25/6/2015, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) gồm 10 chương, 98 điều, với 90,89% ý kiến tán thành trên tổng số đại biểu có mặt.

Luật này không hạn chế quyền bầu cử cũng như quyền ứng cử của công dân Việt Nam là người cư trú, làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, vì những lý do chưa thể xử lý được về kỹ thuật bầu cử nên trong giai đoạn trước mắt chưa thể bảo đảm tổ chức việc bỏ phiếu bầu cử ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bởi vậy, để thực hiện quyền bầu cử, công dân Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).

Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương;

Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 500 người.

Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong Quốc hội.

Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Số lượng giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cũng như cấp xã bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng xác định thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 19h cùng ngày.

Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.

Luật cũng quy định về việc lập danh sách cử tri đối với người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc tại khoản 5 Điều 29; việc xóa tên cử tri là người bị tạm giam, người chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc trong danh sách cử tri tại nơi có trại tạm giam, cơ sở cai nghiện bắt buộc, giáo dục bắt buộc trong trường hợp đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà người đó được trả tự do, hết thời gian cai nghiện bắt buộc, giáo dục bắt buộc để bổ sung tên vào danh sách cử tri ở nơi cư trú (khoản 4 Điều 30).

Điều 89 của Luật cũng quy định việc bầu cử bổ sung đại biểu HĐND chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng.

11. Luật An toàn, vệ sinh lao động

Sáng 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đã biểu quyết thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động với 439 số phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 88,87%.

Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm 7 Chương và 93 Điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khảm giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động cũng có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ ngay lập tức xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động; được tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy đinh người sử dụng lao động có nghĩa vụ xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn người lao động các quy định và biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: