Sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc, chiến tranh lan ra nhiều vùng, số người bị thương, bị hy sinh tăng lên, đời sống của chiến sĩ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn (sau đổi thành Hội Giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa - Huế, ở Hà Nội và một số địa phương khác. Hồ Chủ tịch được bầu là Hội trưởng danh dự.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và Chính phủ ta đã nghiên cứu và cho công bố những chính sách đầu tiên về công tác thương binh, liệt sỹ như: Hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho gia đình tử sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 6 năm 1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, cục Chính trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc, để Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh và người có công với nước.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm chiến tranh vẫn in đậm trong tâm khảm của bao người. Hồi tưởng lại quá khứ, càng tự hào với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh, chúng ta càng thấy rõ hơn nữa những mất mát, đau thương mà cha anh đã hy sinh để làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do... đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi”.

Trong nhiều năm qua, dẫu nền kinh tế đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác thương binh, liệt sĩ. Nhiều chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình thân nhân liệt sĩ được ban hành, đảm bảo cho các gia đình liệt sĩ có mức sống ổn định. Cứ sau mỗi giai đoạn phát triển kinh tế, chế độ, chính sách đối với người có công với đất nước lại được điều chỉnh lên mức cao hơn, phù hợp hơn với nhũng gì đất nước đang và sẽ có, để chăm sóc và lo toan cho những gia đình đã mất mát, đã hy sinh… Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi tập thể, cá nhân đã phát huy mọi điều kiện, khả năng của mình để làm nhiều việc tốt đền ơn đáp nghĩa. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được toàn xã hội hưởng ứng; các tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp luôn có hoạt động tri ân thiết thực như tặng quà nhân dịp 27/7 hàng năm cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, nhận nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa… Ðây là những việc làm mang đậm chất nhân văn mà chúng ta rất trân trọng và tiếp tục phát huy nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho đất nước để có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.

Nằm trong dự án văn hóa Uống nước nhớ nguồn, Tạp chí Trí thức và Phát triển - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, với sự chung tay góp sức của nhiều đơn vị, cá nhân, đã thực hiện bộ sách HUYỀN THOẠI VIỆT NAM gắn liền với những sự kiện lịch sử lớn, những ghi dấu sâu đậm trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Đặc biệt trong bộ sách mang tên HUYỀN THOẠI đó trang trọng lưu danh hàng chục vạn Anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do của đất nước. Trong những con người linh thiêng ấy, có những liệt sỹ chỉ còn dòng tên để lại với gia đình, với quê hương đất nước... Những cuốn sách trong bộ sách HUYỀN THOẠI có một không hai đó được xuất bản đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào, đồng chí cả nước.

Công trình đầy tính nhân văn này hiện được lưu giữ, đặt thờ và được làm lễ nhập linh tại Chùa Ba Vàng, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, tối ngày 14-12-2014 để phật tử thập phương và các thế hệ người Việt Nam mỗi khi đến Chùa đều thắp nén tâm hương tưởng niệm, thờ phụng và mãi mãi ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ. Những làn khói hương tưởng niệm, những lời cầu nguyện tri ân ngày ngày, làm an thỏa vong linh các liệt sĩ và góp phần vơi bớt nỗi đau của các gia đình thân nhân liệt sĩ trên mọi miền đất nước…

 10 pho sách Huyền thoại Việt Nam có kích thước 1,0m x 0,7m x (0,25 đến 0,35m), trọng lượng cuốn lớn nhất lên đến 500kg, đăng toàn bộ danh sách các Anh hùng liệt sĩ – những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu hi sinh gắn liền với những đại danh, chiến công như:

1. Huyền thoại Trường Sơn

2. Huyền thoại Đường 9 - Khe Sanh Anh hùng

3. Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị

4. Huyền thoại Phú Quốc

5. Huyền thoại Người chiến sĩ tình nguyện

6. Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

7. Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

8. Huyền thoại U Minh

9. Huyền thoại Điện Biên

10. Huyền thoại Thanh niên xung phong Việt Nam

Hiện nay 10 pho Đại sách lưu danh liệt sĩ được đặt thờ trang nghiêm tại chùa Ba Vàng - một trong những ngôi chùa lớn và đẹp nhất của đất nước, là sự thể hiện sinh động đạo lý truyền thống Uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc; góp phần bảo tồn ký ức trong lòng người đang sống và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2015), Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xin giới thiệu cùng bạn đọc sơ lược nội dung một số bài viết tái hiện diễn biến, nêu lên những giá trị lịch sử, bài học kinh nghiệm, tinh thần quả cảm, ý chí ngoan cường của quân và dân ta trong những trận đánh lớn gắn với những chiến dịch, địa danh lịch sử trong 10 pho sách Huyền thoại.

1. Huyền thoại Trường Sơn (Theo Bộ Sách điện tử Huyền thoại Việt Nam – Trang http://uongnuocnhonguon.vn)

Con đường chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh một thành công kiệt xuất trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

duong truong son

Trên thế giới, trong thế kỷ XX, chưa có một cuộc chiến tranh nào kéo dài suốt 30 năm như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

 Và cũng chưa hề có một tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn nào không những có quy mô lớn mà thời gian hoạt động lại kéo dài như tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh.

Tuyến đường đó là một trong những nhân tố có ý nghĩa chiến lược quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

… Ngày 19 tháng 5 năm 1959 “Đoàn quân sự đặc biệt” (sau gọi là Đoàn 559) ra đời do đồng chí Võ Bẩm được giao nhiệm vụ phụ trách đoàn để làm nhiệm vụ mở con đường mòn gùi thồ, hành quân bộ mà báo chí phương Tây gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh”.

Yêu cầu chi viện miền Nam ngày càng lớn, nhiệm vụ xây dựng con đường xuyên Trường Sơn trở thành một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của phong trào cách mạng.

Do tính chất quan trọng như vậy nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có chủ trương đúng xây dựng phát triển Đoàn 559 ngày càng mạnh. Lúc đầu là những đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn về sau phát triển lên thành Binh đoàn Trường Sơn gồm những sư đoàn, các binh chủng của “Bộ đội Trường Sơn” để thực hiện được yêu cầu chi viện chiến lược ngày càng to lớn. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là người được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn, đã có những đóng góp quan trọng cùng với các đồng chí lãnh đạo chỉ huy khác của mặt trận Trường Sơn.

Lực lượng xây dựng con đường Hồ Chí Minh, ngoài bộ đội Trường Sơn còn có đông đảo dân công, thanh niên xung phong, cán bộ công nhân giao thông, đồng bào các dân tộc dọc miền Tây Tổ quốc và nhân dân bạn.

Con đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã được phát triển từ thấp đến cao. Lúc đầu ta chủ trương “soi đường”, mở con đường mòn, đường giao liên để vận chuyển vũ khí bằng sức người mang vác, gùi thồ và đưa những đơn vị nhỏ, cán bộ chiến sĩ hành quân vào tiền tuyến. Khi tình hình cách mạng phát triển, yêu cầu chi viện khẩn trương với khối lượng lớn ta đã kịp thời chủ trương mở con đường vận chuyển cơ giới kết hợp với đường gùi, thồ, hành quân bộ, hình thành một tuyến đường vận tải khổng lồ, một tuyến giao thông chiến lược.

Đế quốc Mỹ cũng nhận thức được ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng to lớn đối với cách mạng miền Nam của con đường Hồ Chí Minh, của tuyến đường “chiến lược Trường Sơn”. Vì vậy, chúng đã tập trung mọi sức mạnh, mọi vũ khí kỹ thuật hiện đại, kể cả chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, B.52 hủy diệt. Chúng huy động sức mạnh của các quân binh chủng tập trung đánh phá hết sức ác liệt, liên tục đường Trường Sơn, kết hợp với chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, hòng cắt đứt, chặn đứng sự chi viện của hậu phương lớn. Chúng coi đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chính sách xâm lược miền Nam nước ta.

Trong vòng 10 năm từ 1965 đến 1975, ước tính Mỹ đã huy động khoảng 70 vạn lần chiếc máy bay kể cả B.52, dội gần 4 triệu tấn bom đạn suốt trên dải núi rừng đại ngàn của tuyến đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Chúng đã gây cho ta những tổn thất không nhỏ, hàng vạn cán bộ chiến sĩ thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến hy sinh và bị thương và không biết bao người bị nhiễm chất độc hóa học màu da cam, cùng hàng vạn xe cộ, phương tiện kỹ thuật, vật chất bị bom đạn phá hủy.

duong truong son1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm đơn vị pháo cao xạ thuộc Bộ đội Trường Sơn chốt giữ trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng (đầu năm 1973)

Song, quân và dân ta trên mặt trận vận tải Trường Sơn đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt của địa hình rừng núi hiểm trở, bom đạn ác liệt của kẻ thù, đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mở đường, chiến đấu bảo vệ đường, vận chuyển sức người sức của ra tiền tuyến. Mở gần 2 vạn kilômét đường ngang dọc ở cả Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, tạo thành một hệ thống cầu đường liên hoàn, vững chắc nối từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Trung – Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia; Đã xây dựng một tuyến đường ống xăng dầu dài trên l.350km, đưa nhiên liệu đến Bù Đăng, Lộc Ninh (Nam Bộ); Đã khắc phục thác ghềnh mở trên 600km đường sông để vận chuyển; Xây dựng hàng vạn kilômét đường thông tin hữu tuyến và trên 1.350km đường dây thông tin để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt từ Bộ đến các chiến trường; Đã xây dựng hệ thống binh trạm, kho tàng, bệnh viện, cơ sở bảo đảm kỹ thuật dọc Trường Sơn.

Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cho trên 2 triệu lượt người và nhiều đoàn binh khí kỹ thuật lớn, trên l triệu tấn vũ khí đạn dược, lương thực vào chiến trường và hàng vạn thương binh được đưa ra miền Bắc. Mặt trận Trường Sơn đã chiến đấu tiêu diệt và bắt sống hàng vạn tên địch, bắn rơi hàng ngàn máy bay các loại, vừa bảo vệ tuyến đường, vừa phối hợp với các chiến trường trong các chiến dịch và đã phối hợp với bạn, giải phóng Trung – Hạ Lào, làm cho căn cứ chiến lược của các chiến trường Nam Đông Dương được mở rộng củng cố vững chắc.

Thắng lợi to lớn của tuyến đường chiến lược quan trọng này là do ý chí kiên quyết và nghị lực sáng tạo từ Trung ương đến các địa phương, các chiến trường mà trực tiếp là quân và dân trên mặt trận Trường Sơn.

Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã tập trung một lực lượng ngày càng lớn để thực hiện nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bao gồm bộ binh, công binh, pháo binh, phòng không, vận tải cơ giới, hậu cần, kỹ thuật… và động viên một lực lượng đông đảo dân công, thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân giao thông và văn nghệ sĩ, đồng thời thường xuyên theo dõi, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, kịp thời giải quyết những khó khăn trở ngại hết sức gay gắt của tuyến chi viện chiến lược này.

Bộ Tư lệnh và các đơn vị của mặt trận vận tải Trường Sơn đã thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” đã thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đầy mưu trí sáng tạo; Đã xuất phát từ tình hình thực tiễn, sáng tạo các hình thức và quy mô tổ chức lực lượng, hình thành các binh chủng hợp thành của bộ đội Trường Sơn. Xây dựng thành hệ thống các binh trạm, xây dựng các sư đoàn ô tô vận tải, các sư đoàn công binh (trước nay ta chưa tổ chức) cùng với các sư đoàn bộ binh, sư đoàn phòng không, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên tuyến chiến lược Trường Sơn.

Đồng thời đã nghiên cứu sáng tạo mở đường qua những địa hình phức tạp, xuyên qua các triền núi đá, vượt qua suối sâu đèo cao, xây dựng và sửa chữa cầu đường, kỹ thuật và chiến thuật chiến đấu hợp đồng binh chủng, phương thức chuyên chở vận tải trong mọi tình huống. Đã tổ chức nghi binh, nhử địch, tránh địch, buộc địch phải phân tán lực lượng, giữ bí mật bất ngờ, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, nắm thời cơ, tổ chức thành công những chiến dịch vận tải đáp ứng kịp thời yêu cầu của các chiến trường, nhất là trong các chiến dịch lớn. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tuyến chi viện Trường Sơn đã bảo đảm cho đại quân ta, cả bộ binh và binh khí kỹ thuật nặng, bí mật, bất ngờ cơ động thần tốc tiến thẳng từ miền Bắc vào miền Nam, tạo nên ưu thế đột biến của đòn chiến lược quyết định.

Như vậy, hệ thống đường Trường Sơn thật sự là một tuyến vận tải chiến lược cực kỳ quan trọng, không những thế, còn là một vùng giải phóng rộng lớn, căn cứ hậu phương trực tiếp và là một mặt trận tiêu diệt địch phối hợp với các chiến trường. Tuyến đường chiến lược Trường Sơn, một công trình vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã góp phần phát huy sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa – nhân tố quyết định nhất, kết hợp với sức mạnh tại chỗ của cách mạng miền Nam – nhân tố quyết định trực tiếp, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn của cả nước, cả dân tộc để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Đường Trường Sơn là một biểu tượng nổi bật của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước, và thực sự là một con đường đã nối liền Nam – Bắc ngay từ lúc kẻ thù còn chia cắt đất nước, là một biểu tượng của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, là biểu tượng mối tình đoàn kết hữu nghị của ba nước anh em Việt Nam – Lào – Campuchia.

Con đường Trường Sơn – con đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân và dân ta, sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ tồn tại mãi trong ký ức, và tình cảm thiêng liêng Nam – Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam ta.

duong truong son anh 2

… Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang

Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng

Trường Sơn, vượt núi, băng sông

Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa

Trường Sơn đông nắng, tây mưa

Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình…

Tố Hữu (Trích trong “Nước non ngàn dặm”)

Lời tuyên dương công trạng bộ đội Trường sơn (Tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3-6-1976)

Bộ đội Trường Sơn là lực lượng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn bao gồm nhiều binh chủng làm nhiệm vụ chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông và hậu cần chiến lược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, tới các chiến trường toàn quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong thế trận chung của cả nước và của toàn quân, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng giao thông của Nhà nước và của các địa phương… suốt 16 năm qua bộ đội Trường Sơn đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công, vượt qua mưa bom, bão đạn, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng mở đường thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ một cách đặc biệt xuất sắc, lập nên kỳ công trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Từ buổi đầu mới thành lập, chỉ lấy gùi, thồ làm chính, vận chuyển trên những con đường mòn nhỏ hẹp, từ chỗ chỉ hoạt động theo mùa (phục vụ cho từng chiến dịch) bộ đội Trường Sơn đã đem mồ hôi, xương máu, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài mưu lược xây dựng nên tuyến đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại xuyên qua dãy Trường sơn hùng vĩ nối liền Nam – Bắc, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, với các chiến trường, hình thành một mạng đường bộ, đường ống, đường sông tương đối hoàn chỉnh, hoạt động được quanh năm, phục vụ đắc lực cho việc chi viện trên nhiều hướng chiến trường và nhiều chiến dịch lớn của các lực lượng vũ trang nhân dân ta. Đã mở được nhiều trục đường ô tô chạy dọc đông và tây Trường Sơn, cùng nhiều tuyến đường ngang tỏa đi các hướng với chiều dài hàng vạn kilômét, xây dựng hàng trăm cầu các loại vượt qua sông suối, đèo cao, dốc đứng, xây dựng hàng ngàn kilômét đường ống qua nhiều địa hình phức tạp, cải tạo hàng trăm kilômét đường sông, phá gỡ hàng chục vạn bom mìn các loại, bảo đảm yêu cầu cơ động chiến đấu và yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị, các binh đoàn, binh chủng. Đã chuyển được hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men và đồ dùng quân sự khác, tổ chức chuyển hàng chục vạn bộ đội, thương binh, bệnh binh ra vào các chiến trường chu đáo. Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, giải tỏa cầu đường, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.450 máy bay địch (có 1 máy bay B52 và 950 máy bay phản lực).

Diệt gọn 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại 5 trung đoàn khác, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 tên, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự và hàng nghìn súng các loại, hiệp đồng cùng các lực lượng khác phá vỡ một tuyến phòng thủ của địch ở dọc biên giới Việt – Lào mở ra một vùng giải phóng ngày càng liên hoàn, vững chắc, góp phần xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng đời sống cho nhân dân các dân tộc anh em. Đặc biệt từ năm 1973 đến năm 1975 bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, khẩn trương chuẩn bị cho một thế trận mới, ra sức xây dựng cơ bản, tu sửa nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa Xuân năm 1975, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh củam Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo…” bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển hai chiều từng binh đoàn lớn, đưa một khối lượng lớn cơ sở vật chất, kỹ thuật tới chiến trường, đồng thời đưa thương binh, bệnh binh về các tuyến sau. Khi cuộc tổng tiến công phát triển xuống đồng bằng Trung Trung Bộ và cực Nam Trung Bộ, bộ đội Trường Sơn đã kịp thời điều chỉnh lực lượng công binh xuống vùng đồng bằng ven biển bảo đảm cầu đường cho các binh đoàn chiến đấu hành quân thần tốc, đồng thời bảo đảm vận chuyển tiếp tế và phục vụ việc đi lại của nhân dân.

duong truong son0
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh (Khánh thành ngày 14/5/1999) nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh của những năm tháng hào hùng trên chiến trường Trường Sơn lịch sử

Bộ đội Trường Sơn càng chiến đấu càng mạnh, càng trưởng thành vững chắc về mọi mặt. Đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ từ trung đội đến trung đoàn, hàng vạn chiến sĩ lái xe và thợ sửa chữa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Thường xuyên tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng và của công tác chính trị, coi trọng công tác tổng kết lý luận, nghiệp vụ, giải quyết sáng tạo và thành công các vấn đề thực tiễn của khoa học nghệ thuật giao thông vận chuyển quân sự trong tác chiến hiệp đồng quy mô lớn của quân đội ta. Phong trào tăng gia sản xuất trên toàn tuyến được đẩy mạnh đã góp phần cải thiện đời sống của bộ đội, nâng cao tỉ lệ số quân chiến đấu và công tác.

Đã được thưởng 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhì và 22 Huân chương Quân công hạng Ba (Các số lượng công bố trong lời tuyên dương tính từ lúc đề nghị. Năm 1976 Nhà nước tuyên dương thêm 22 đơn vị và 10 cá nhân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Các đơn vị thuộc bộ đội Trường Sơn đã được thưởng 202 Huân chương Quân công và 4.814 Huân chương Chiến công các hạng; 11.000 cán bộ và chiến sĩ được thưởng nhiều huân chương, huy chương các loại; Có 55 đơn vị và 34 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh – “Một thiên anh hùng ca”

Với thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ 7/1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên CHXH, đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp, dựng lên chế độ tay sai, xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, đàn áp dã man phong trào cách mạng, âm mưu lâu dài chia cắt đất nước ta và thôn tính miền Bắc. Nhân dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 1/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II ) đã khẳng định phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh của nhân dân ta là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng.

Thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Ngày 19/5/1959 trở thành ngày truyền thống của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 - “Tuyến đường Trường Sơn” - “Đường Hồ Chí Minh”.

Lực lượng ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sỹ được tổ chức thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: Xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường…

Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn soi đường, lập trạm, ban đầu lấy sức người gùi là chính trên con đường nhỏ hẹp. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là “ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng”. Các “đường dây” gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “tuyệt đối bí mật, an toàn” của tuyến đường.

Ngày 13/8/1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên (20 khẩu tiểu liên tuyn, 20 khẩu súng trường mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường). Đây là một cái mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện của tình dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi gắm tới đồng bào, chiến sỹ miền Nam.

Cũng trong tháng 5/1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu V soi đường nối hai chiến trường Khu V và Nam Bộ, nối thành hành lang chiến lược Nam - Bắc. Đoàn B90 (gồm 25 cán bộ, chiến sỹ) ngày 20/6/1959 vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền Tây Trị - Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó Liên khu V quyết định sáp nhập Đoàn B 90 với đội vũ trang công tác tỉnh Đắc Lắc lấy phiên hiệu là B4 do đồng chí Bí Thư tỉnh ủy Đắc Lắc phụ trách. B4 chia thành 2 bộ phận soi đường vào Nam Bộ.

Để đẩy mạnh việc chi viện cho miền Nam, đặc biệt là Nam Bộ, khu 6, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy còn chủ trương mở tuyến chi viện đường biển. Đoàn 559 được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải này. Tháng 7/1959, tiểu đoàn 603 vận tải biển thuộc Đoàn 559 được thành lập, biên chế 107 cán bộ, chiến sỹ (90% là đảng viên) đóng tại Cảng cá Thanh Khê (cách cửa Sông Gianh, Quảng Bình 4km), lấy danh nghĩa là “Tập đoàn đánh cá miền Nam”, sau bàn giao cho Hải quân quản lý. Như vậy, cuối năm 1959 tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn được thiết lập, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Tuy mới nửa năm thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng, vừa soi lối mở đường, vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ, chiến sỹ từ Bắc vào Nam chiến đấu, tuyến vận tải quân sự chiến lược cũng như sự có mặt của những con người, khẩu súng, viên đạn ở chiến trường lúc này (tuy còn ít ỏi), có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới - cao trào “Đồng khởi”, mở ra một bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng luôn luôn theo dõi sát sao từng bước đi của Đoàn 559. Trong thư gửi Đoàn 559 nhân dịp Xuân Canh Tý (1960), Tổng Quân ủy đánh giá: “Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta... Nhờ có tinh thần yêu nước, cách mạng cao, nên các đồng chí đã vượt khó khăn gian khổ, đạt được những kết quả bước đầu rất tốt đẹp... ”

Trưởng thành nhanh chóng và những kỳ tích anh hùng của đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế vẻ vang

Phong trào cách mạng ở miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển mạnh mẽ. “Đồng khởi” thắng lợi. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, công cuộc giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi sự chi viện lớn lao hơn về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương lớn của cả nước.

Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến vận tải quân sự chiến lược - đường Hồ Chí Minh, nên đế quốc Mỹ và tay sai đã tìm trăm phương ngàn kế để đánh phá, ngăn chặn với đủ loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh diễn ra ngày càng quyết liệt.

Trước sự đòi hỏi ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 phải phát triển nhanh chóng cả về lực lượng và phương thức vận chuyển.

Với chân lý sáng ngời của Hồ Chủ tịch “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước đã đứng lên “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu đã từng bước trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, luôn luôn chủ động đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường. Quân số của Đoàn 559 có lúc đã lên tới 20 vạn người.

Về phương thức vận chuyển, từ gùi, thồ tiến lên vận chuyển bằng cơ giới; từ một tuyến cơ giới đã phát triển thành mạng đường cả Đông và Tây Trường Sơn; từ phục vụ cho xe chạy ban đêm nay có “Đường kín” cho xe chạy ban ngày bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, chi viện sức người, sức của cho chiến trường, làm nên cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, 1972, chiến thắng đường 9 Nam Lào. Đặc biệt là từ năm 1973 đến năm 1975, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng cơ bản, tu sửa nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo”, bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển hai chiều từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng lớn cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật vũ khí tới các chiến trường.

Khi cuộc tổng tiến công phát triển xuống đồng bằng Trung Trung Bộ và Cực Nam Trung Bộ, bộ đội Trường Sơn đã triển khai lực lượng công binh dọc theo Quốc lộ 1, bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng 30/4/1975.

Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, cán bộ, chiến sỹ bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sángtạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ, ác liệt nào.

Cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng. Con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa. Bộ đội đường Hồ Chí Minh đã thắng địch, “Thắng trời” làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh, con đường đi tới độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Lực lượng cầu đường đã nguyện làm “Tường đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng thước đường - “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”.

Một đường bị chặn lại, hai, ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày (“Đường kín”) xuất hiện. Địch đánh một, ta làm mười, lực lượng công binh, thanh niên xung phong Trường Sơn đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn nối tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000km đường ô tô, (trong đó có 3.140km “Đường kín” cho xe chạy ban ngày) và xây dựng hàng ngàn cầu, cống, ngầm...

Lực lượng vận tải từ bí mật luồn rừng, mang vác tiến đến cơ giới hóa vận tải trên đường bộ, vận tải bằng đường sông, vận chuyển xăng dầu bằng đường ống hợp thành một binh chủng vận tải cơ giới phát triển đến đỉnh cao trong việc đảm bảo khối lượng cơ sở vật chất đồ sộ và cơ động đáp ứng các yêu cầu của lực lượng chiến đấu chủ lực của Bộ cho các chiến trường. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, cán bộ, chiến sỹ, lái xe, thợ máy xứng đáng với danh hiệu “Gan vàng, dạ ngọc”, thà hy sinh trên tay lái với ý chí “Còn người, còn xe, còn hàng”; luôn luôn chủ động, táo bạo vượt lên trên tất cả mọi thủ đoạn xảo quyệt với những phương tiện chiến tranh hiện đại sự đánh phá ác liệt của địch,để chạy đêm, chạy ngày, lấn sáng, lấn chiều, chạy đội hình nhỏ, chạy đội hình lớn, chạy cung ngắn, cung dài... tranh thủ mọi thời cơ, lợi dụng sơ hở của địch, gây cho chúng hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Kẻ địch dù hung hãn và giàu phương tiện chiến tranh hiện đại cũng đành bất lực.

duong truong son anh 3
Tất cả cho cuộc Tổng tiến công Xuân 1975

Lực lượng pháo phòng không, từ những phân đội nhỏ ban đầu, đã nhanh chóng phát triển thành những lực lượng chiến đấu lớn, đủ sức đánh địch trên không, bảo vệ thắng lợi công cuộc chi viện chiến lược. Cán bộ, chiến sỹ phòng không đã xứng đáng với danh hiệu “đánh giỏi, bắn trúng”, luôn luôn quay nòng pháo theo bánh xe lăn, đánh nhỏ, đánh lớn, đánh ngày, đánh đêm đều giỏi, đã bắn rơi 2.455 máy bay giặc Mỹ trên mục tiêu bảo vệ. Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, lực lượng phòng không đường Hồ Chí Minh tạo ra những lưới lửa dày đặc, đập tan chiến thuật cơ động ồ ạt bằng máy bay lên thẳng của Mỹ - Ngụy.

Lực lượng bộ binh, từ những phân đội nhỏ đến Trường Sơn sớm nhất để bảo vệ tuyến đường, đã nhanh chóng hình thành binh đoàn lớn, đủ sức đập tan những cuộc hành quân ngăn chặn của địch. Đỉnh cao nhất là góp phần đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - Ngụy ra đường 9 Nam - Lào (1971). Binh đoàn Trường Sơn đã đánh hàng ngàn trận chống hành quân nống lấn, biệt kích, thám báo của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch, bắt sống 1.190 tên, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự và hàng nghìn súng các loại. Các đơn vị bộ binh Trường Sơn xứng đáng là lực lượng xung kích, liên tục tấn công tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, tạo và mở rộng địa bàn hoạt động cho tuyến chi viện chiến lược. Các đơn vị làm nhiệm vụ vận động quần chúng, xây dựng cơ sở giúp nước bạn Lào luôn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, góp phần tăng cường tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Lực lượng giao liên, với đôi chân vạn dặm bảo đảm hành quân, đưa đón bố trí nơi ăn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sỹ, thương, bệnh binh vào, ra các chiến trường an toàn, bí mật, xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường”.

Cán bộ cơ quan chỉ huy, lực lượng thông tin, cơ yếu, quân y, lực lượng kỹ thuật, đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ... đã ngày đêm bám sát tuyến đường phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy và các lực lượng khác hoàn thành nhiệm vụ.

Các lực lượng Binh đoàn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh càng chiến đấu, càng trưởng thành vững chắc về mọi mặt: Đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ từ trung đội đến trung đoàn, hàng vạn lái xe, thợ sửa chữa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ; Thường xuyên tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng và công tác Đảng, công tác chính trị, coi trọng tổng kết thực tiễn, nên đã giải quyết thành công nhiều vấn đề khó khăn, thử thách, ác liệt của thực tiễn chiến trường đặt ra trên vấn đề tư tưởng, tác chiến hiệp đồng binh chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, quân đội, nhân dân giao phó.

Suốt 16 năm, đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược “Chiến tranh ngăn chặn”. “Chiến tranh bóp ngẹt” bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và các loại vũ khí, thiết bị tối tân, hiện đại của nền khoa học công nghệ của đế quốc Mỹ. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc của địch trút xuống, gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, hơn 32.000 cán bộ, chiến sỹ bị thương và hàng vạn người mang thương tích chất độc màu da cam, 14.500 xe máy, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa bị phá hỏng. Song sự hy sinh của các chiến sỹ trên tuyến đường Trường Sơn không thể chỉ đo đếm bằng những con số, mà bằng sự cống hiến, hy sinh vô cùng lớn lao ấy, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Binh đoàn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương sao vàng; 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra hàng trăm đơn vị, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ được tặng Huân chương các loại.

Một khúc tráng ca

Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của bộ đội đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Thắng lợi đó trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Thắng lợi ấy không tách rời sự hỗ trợ của các Bộ, các ngành; sự phối hợp của các quân chủng, binh chủng, các chiến trường; sự chi viện của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh; sự giúp đỡ hết lòng của quân và dân Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu cực kỳ mưu trí, dũng cảm ngoan cường của toàn thể cán bộ, chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong... trên đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH; là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân, binh chủng của bộ đội đường Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn chiến đấu và hoạt động chi viện đầy gian lao thử thách, bộ đội đường Hồ Chí minh rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử vô cùng quý báu, những giá trị sáng tạo mới về khoa học và nghệ thuật quân sự:

- Quán triệt đường lối chiến lược chống Mỹ, cứu nước của Đảng; Thực hiện nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Trung ương; Chỉ thị, mệnh lệnh của Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh, là nguyên tắc cơ bản để tổ chức và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược.

- Xây dựng con người có ý chí quyết chiến, quyết thắng, có dũng, có mưu, có trình độ năng lực hành động, là yếu tố quyết định thắng lợi.

- Xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng, lấy xây dựng mạng đường giao thông và thông tin đi trước một bước, là vấn đề sống còn của tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh; đồng thời là khâu đột phá đầu tiên bảo đảm cho vận tải cơ giới lớn và chiến đấu chống chiến tranh ngăn chặn ác liệt của địch.

- Trong công cuộc chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam nhằm đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ - cường quốc đế quốc chủ nghĩa, nhất thiết phải khẳng định vận tải cơ giới là phương thức chủ yếu nằm trong thế bảo đảm của bộ đội hợp thành.

- Vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào tuyến chi viện chiến lược nhằm đánh bại cuộc chiến tranh ngăn chặn của không quân, bộ binh Mỹ, thực hiện chi viện miền Nam thắng lợi.

- Đoàn kết liên minh chiến đấu với quân dân Trung - Hạ Lào và đông bắc Campuchia, xây dựng thành công căn cứ chiến lược trực tiếp các chiến trường ba nước Đông Dương.

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt... ”.

(Trang văn bia Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn)

Con số - kỷ lục - sự kiện của Đoàn 559 Binh đoàn Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống mỹ, cứu nước (19/5/1959 - 30/4/1975)

* Thành lập 19/5/1959. Chuyến hàng đầu tiên chi viện cho miền Nam xuất phát từ Khe Hó (Tây Nam Vĩnh Linh).

* Qua 16 năm xây dựng, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, đã:

- Đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá.

- Xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km; 1 tuyến đường “kín” dài 3.140km. Hệ thống đường sông dài gần 500km.

- Hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu dài 1.400km vào tới Đông Nam bộ. 

- San lấp 78.000 hố bom.

- Phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại.

- Đánh 2.500 trận bộ binh, diệt 18.740 tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại.

- Bắn rơi 2.455 máy bay các loại.

- Vận chuyển, tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân, chính, đảng vào ra qua Trường Sơn. Mỗi năm bình quân chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng chi viện cho chiến trường, riêng năm 1974 có lượng hàng gấp 22 lần năm 1966.

- Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bộ đội Trường

Sơn đã đảm bảo giao thông toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1 và 7 tuyến đường khác, có tổng chiều dài 2.577km, bắc lại 88 cầu, sử dụng trên 1.000 xe ô tô chở các quân đoàn chủ lực và chở bổ sung gần 20 vạn quân cho các chiến dịch để giải phóng miền Nam.

* Khen thưởng:

Tập thể bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng; 81 tập thể đơn vị (có 4 đơn vị cấp Sư đoàn, 17 đơn vị cấp Trung đoàn, 32 tiểu đoàn, 25 đại đội, 1 Đội điều trị quân y, 1 Trạm sửa chữa ô tô, 1 trạm giao liên; trong đó có 3 đơn vị được tuyên dương Đơn vị Anh hùng lần thứ hai); 48 cán bộ, chiến sỹ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Các đơn vị được tặng thưởng 202 Huân chương Quân công, 4.814 Huân chương chiến công và 11.000 Huân chương các loại khác, 30 cán bộ, chiến sỹ được tặng “Huy hiệu Bác Hồ”.

Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn có hơn 20.000 cán bộ, chiến sỹ ta đã anh dũng hy sinh và hơn 32.000 người bị thương. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn hiện nay là nơi an nghỉ của hơn 10.263 liệt sỹ Trường Sơn.

* Con số - kỷ lục - sự kiện:

- Đồng chí Phan Mài đã gùi nặng 100 kg trong nhiều chuyến liền. Đồng chí Nguyễn Thiều thồ xe đạp mỗi chuyến 420 kg.

- Chiếc xe thồ đầu tiên được đưa vào Trường Sơn từ năm 1961 là chiếc xe Favorit có số khung 20.220, từ năm 1963 - 1965, Đại đội 9 (Đoàn 70) đã dùng chiếc xe này thồ 1.800 tấn hàng vào chiến trường. Năm 1966, chiếc xe được đưa về trạm 34 do đồng chí Hồng, tiểu đội trưởng sử dụng thồ hàng vào, chở thương binh ra. Hai năm 1969 – 1970 đã chở được 50 thương binh, 450 ba lô, 1.000 kg lương thực, thực phẩm, tiết kiệm được 500 công cáng bộ.

- Chiếc bao gùi đầu tiên dùng để gùi hàng vào chiến trường làm bằng vải bạt dài 0,7 m, rộng 0,4m đã cũ do đồng chí Thái, đại đội 3, sử dụng vận chuyển hàng. Tính đến ngày 15/3/1970 (khi đưa về nhà truyền thống), chiếc bao đó đã cùng nhiều chủ nhân chuyển được 50 tấn hàng, 915 kg công văn, thư từ đến chiến trường. Chiếc gùi đã bị rách nhiều lỗ nhỏ, có 5 lỗ rách to được vá lại nhiều lần.

- Ngày 20/8/1959, chuyến hàng gùi bộ đầu tiên được giao cho chiến trường là vũ khí, công văn tài liệu bí mật.

- Ngày 9/8/1964, ngày đầu tiên Trung đoàn 98 đơn vị Anh hùng thực hiện mở đường cơ giới lên Trường Sơn.

- Ngày 25/10/1965, đoàn xe ô tô đầu tiên chở hàng vào chiến trường, mở đầu giai đoạn vận tải cơ giới trên Trường Sơn.

- Ngày 24/7/1965, tiểu đoàn 20 cao xạ bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên trên tuyến.

- Đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trên tuyến là tiểu đoàn 36 cao xạ (E28), bắn rơi 157 máy bay Mỹ.

- Đại đội 4 súng máy 12,7 ly là đơn vị hai lần Anh hùng, bắn rơi 156 máy bay, bình quân mỗi chiến sỹ bắn rơi 2 máy bay.

- Ngày 3/3/1971, toàn tuyến bắn rơi 16 chiếc, riêng D28 hạ 8 chiếc.

- Ngày 5/3/1971, toàn tuyến bắn rơi 40 chiếc, riêng D24 anh hùng hạ tại chỗ 19 chiếc.

- Ngày 18/2/1971, trong 25 phút chiến đấu, D24 hạ tại chỗ 18 máy bay Mỹ (cả phản lực và trực thăng).

- Ngày 16/6/1973, hai đồng chí Nguyễn Văn Thể và Lê Văn Thái (thông tin 470) hạ tại chỗ 1 máy bay bằng 2 viên đạn AK.

- Trong mùa khô 1969 - 1970 đồng chí Bùi Xuân Nơ (chiến sỹ công binh) hạ tại chỗ 1 máy bay F4 bằng 9 viên đạn súng trung liên.

- Anh hùng Nguyễn Viết Sinh gần 6 năm làm nhiệm vụ gùi, thồ, vận chuyển hàng vượt Trường Sơn. Tổng cộng chặng đường anh vượt bằng độ dài vòng quanh trái đất. 5 năm kể từ khi nhập ngũ cho tới lúc bị thương ở Tà Khống (đầu năm 1966), hầu như anh không ốm và nghỉ ngày nào.

- Dấu chân lõm sâu trong thớ đá: Cuối năm 1966, ta mở đường 20 (đường Quyết thắng), thì đường giao liên chạy song song cũng được hình thành, các trạm giao liên T6, T7, T8 được lập lên, nối thành hệ thống giao liên hoàn chỉnh. ở trước trạm T6, địa thế hiểm hóc, có một hòn đá bên cạnh suối, bất cứ ai đi qua cũng phải đặt chân lên đó. Hàng triệu dấu chân ngày nọ tiếp ngày kia lần lượt giẫm lên làm cho hòn đá lõm hẳn xuống in rõ dấu chân người.

- Trong chiến dịch phản công chống cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch (3/1971), các lực lượng bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 365 máy bay, diệt 8.105 tên, bắt sống 1.160 tên địch, phá hủy 136 xe tăng, xe cơ giới và 86 khẩu pháo.

- Trong 8 năm chiến đấu ở Trường Sơn, Trung đoàn 98 công binh - đơn vị anh hùng đã mở được 2.000km đường ô tô, 500km đường giao liên, khai thông 200km đường sông, bắc 400 cầu, bắn rơi 38 máy bay, diệt 137 tên biệt kích, thám báo.

Văn bia Đường Hồ Chí Minh những năm đánh Mỹ

Núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, từ xưa được coi là thế tựa của non sông đất nước muôn đời. Đường Hồ Chí Minh chạy dọc dải Trường Sơn là một mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hệ thống chi viện chiến lược của mặt trận đoàn kết chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của ba nước Đông Dương.

Suốt 16 năm ròng, lớp lớp những người con của các dân tộc khắp mọi miền Tổ quốc, đã sống và chiến đấu trên tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!

Khi hiệp định Giơnevơ 1954 bị kẻ địch phá hoại toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đã đứng lên quyết chấp nhận một cuộc đọ sức mới cực kỳ quan trọng.

Ngày 19/5/1959, tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh được thành lập với nhiệm vụ vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cơ động lực lượng và đưa đón cán bộ vào, ra cả ba chiến trường, đồng thời tuyến vận tải quân sự chiến lược Hồ Chí Minh cũng là một chiến trường chiến đấu lớn.

Do vị trí hết sức lợi hại của tuyến đường nên đế quốc Mỹ và bọn tay sai cả ba nước đã tìm trăm phương ngàn kế để đánh phá và ngăn chặn.

Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh đã diễn ra ngày càng quyết liệt: không quân đủ loại, bộ binh đủ quy mô, thủ đoạn đầy nham hiểm, với gần bốn triệu tấn bom đạn đủ kiểu đã trút xuống tuyến đường, núi rừng Trường Sơn ngày đêm rung chuyển, đất đá bị cày xới, cỏ cây bị thiêu trụi. Đế quốc Mỹ tưởng rằng sẽ chặn đứng được sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và các chiến trường bạn, nhưng kết quả đã không theo ý chúng, phía chống ngăn chặn đã đè bẹp kẻ đi ngăn chặn và chiến thắng lẫy lừng!

Với chân lý sáng ngời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, cả nước đã đứng lên “tất cả cho chiến trường, tất cả để chiến thắng”. Với khí thế hào hùng như triều dâng thác đổ, quyết thắng giặc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ trong sức mạnh đó, tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh với 500 chiến sĩ ban đầu tiến vào Trường Sơn soi đường, lập trạm, quân đi tính từng người, hàng chuyển tính từng cân đã từng bước phát triển lớn mạnh thực sự trở thành một chiến trường tổng hợp hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, luôn chủ động đáp ứng sự phát triển lớn mạnh của các hướng chiến trường.

Trong cuộc chiến đấu một mất, một còn với kẻ địch, cán bộ, chiến sĩ tuyến đường Hồ Chí Minh luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, nắm vững phương châm cơ giới hóa; Chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước bất cứ khó khăn ác liệt nào, người trước ngã xuống, người sau xông lên, cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng, binh chủng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích Anh hùng, con đường nào, trọng điểm nào cũng có mảnh đất thiêng và rực lửa.

Lực lượng cầu đường đã nguyện làm “tường đồng vách sắt” kiên cường bám trụ, giành đi giật lại từng thước đường. Một đường bị chặn, hai, ba đường xuất hiện, đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày xuất hiện, địch đánh một, ta làm mười, hình thành trục đường, mạng đường... ngang nối dọc, Đông nối Tây; trong vòng 16 năm đường Hồ Chí Minh đã có tổng chiều dài gần 17 ngàn km, vươn tới tất cả các hướng chiến trường.

Lực lượng vận tải từ bí mật luồn rừng mang vác, tiến lên cơ giới hóa đường bộ rồi đường sông, đường ống hợp thành một binh chủng vận tải cơ giới phát triển đến các Sư đoàn vận tải đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ động lực lượng chiến đấu cho các chiến trường, đặc biệt là chiến dịch mùa xuân lịch sử năm 1975. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, cán bộ, chiến sĩ lái xe và thợ máy đã xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc”, thà hy sinh trên tay lái, còn người, còn xe, còn hàng, luôn chủ động táo bạo vượt lên trên tất cả mọi âm mưu đánh phá của địch, chạy ngày, chạy đêm, chạy lấn sáng, lấn chiều, chạy đội hình nhỏ, đội hình lớn, chạy cung ngắn, cung dài, tranh thủ mọi thời cơ và sơ hở của địch, gây cho địch hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, dù kẻ địch rất hung hãn và giàu phương tiện hiện đại cũng đành bất lực.

Lực lượng phòng không, từ những phân đội nhỏ ban đầu, đã nhanh chóng phát triển thành những lực lượng chiến đấu lớn đủ sức đánh địch trên không, bảo vệ thắng lợi công cuộc chi viện chiến lược. Cán bộ, chiến sĩ phòng không đã xứng đáng với danh hiệu “đánh giỏi, bắn trúng” luôn quay nòng pháo theo bánh xe lăn, đánh nhỏ, đánh lớn, đánh ngày, đánh đêm đều giỏi, đã bắn tan xác 2.455 máy bay giặc Mỹ trên mục tiêu bảo vệ. Trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, lực lượng phòng không đường Hồ Chí Minh đã tỏ ra khá lợi hại, tạo ra được những lưới lửa dày đặc, đập tan chiến thuật cơ động ồ ạt bằng máy bay lên thẳng của Mỹ nguỵ.

Lực lượng bộ binh từ những phân đội nhỏ đến Trường Sơn sớm nhất để bảo vệ tuyến đường, đã nhanh chóng tiến lên binh đoàn lớn đủ sức đập tan những cuộc hành quân ngăn chặn của địch mà đỉnh cao nhất là góp phần đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ ra Đường 9 Nam Lào.

Bộ binh đường Hồ Chí Minh xứng đáng là lực lượng xung kích liên tục tiến công tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, tạo và mở rộng địa bàn hoạt động cho tuyến chi viện chiến lược.

Lực lượng giao liên với đôi chân vạn dặm đã đảm bảo hành quân đưa đón cán bộ thương bệnh binh, đảm bảo đường sá, ăn, ở cho hàng triệu lượt cán bộ chiến sĩ vào, ra các hướng chiến trường an toàn, bí mật, xứng đáng với mười chữ vàng “tận tình với đồng chí, tận tình với chiến trường”.

Cán bộ cơ quan chỉ huy, lực lượng thông tin cơ yếu, lực lượng quân y, lực lượng kỹ thuật, đội ngũ văn hóa văn nghệ đã ngày đêm bám sát tuyến đường phục vụ đắc lực cho các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi ghi trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một bản anh hùng ca bất diệt.

Tuyến vận tải quân sự chiến lược đường Hồ Chí Minh rất xứng đáng với Danh hiệu Anh hùng mà Quốc hội và Chính phủ đã tuyên dương.

Nay giang sơn đã thu về một mối, đất nước đã độc lập trọn vẹn và thống nhất vĩnh viễn, cán bộ, chiến sĩ đường Hồ Chí Minh nguyện noi gương các đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp cao cả, ra sức làm tròn hai nhiệm vụ chính trị của Quân đội: bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Quân và dân cả nước kính cẩn nghiêng mình và đời đời ghi nhớ công ơn các Liệtsĩ và hàng năm lấy ngày 19 tháng 5 làm ngày tưởng niệm.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - Một công trình, một di tích lịch sử văn hóa độc đáo thể hiện sâu sắc đạo lý Uống nước nhớ nguồn (*) - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn

duong truong son anh 4
Bia Di tích lịch sử nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Quá trình hình thành Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn Xác định rõ trách nhiệm và nặng nghĩa tình với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh dũng cảm trên chiến trường Trường Sơn, tuyến chi viện chiến lược; trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã sớm có chủ trương quy tập phần mộ các liệt sĩ về một nghĩa trang trung tâm và một số nghĩa trang lẻ. Từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết, thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến gần, yêu cầu cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ ở hành lang Tây Trường Sơn càng trở nên bức xúc. Bởi lẽ, khi chiến tranh kết thúc, việc đi lại giữa Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, cuối năm 1973 Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương trước mắt tập trung cất bốc, quy tập những phần mộ liệt sĩ trên đất bạn Lào, Campuchia về nước; không để đồng đội phải ở lại lâu trên “đất khách quê người”.

Thực hiện chủ trương nói trên, từ đầu năm 1974, các binh trạm, sư đoàn, trung đoàn, bệnh viện, kho, xưởng ... đã cử những cán bộ am hiểu, huy động phương tiện vận tải, tổ chức cất bốc cơ bản hết số hài cốt liệt sĩ ở hành lang Tây Trường Sơn về nước.

Công việc này cơ bản hoàn tất vào cuối năm 1974. Phần mộ của các liệt sĩ ở hành lang phía Đông Trường Sơn được quy tập sau.

* Chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang

Cùng với chủ trương quy tập phần mộ các liệt sĩ, việc chọn địa điểm để xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - vừa có tính tôn nghiêm, vừa gắn kết khăng khít với lịch sử bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; địa lý, địa hình thuận tiện; tương xứng với nghĩa trang liệt sĩ cấp Quốc gia; đồng thời sẽ là một di tích lịch sử - văn hóa, một địa điểm thăm viếng, tham quan của đồng bào cả nước và du khách nước ngoài ..., đã được Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn thực hiện.

Từ cuối năm 1974, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã cùng cơ quan tham mưu công binh tìm chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn theo những tiêu chí kể trên.

Theo đề nghị của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, được sự chấp nhận của Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị và các địa phương có liên quan, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn quyết định chọn khu vực đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị để xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, bởi nơi đây hội đủ những yếu tố đặt ra từ đầu.

* Khu đồi Bến Tắt nằm ở chân phía Đông dãy Trường Sơn, cạnh trục đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn; ở bờ Nam sông Bến Hải - dòng sông đã chứng kiến nỗi đau đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc suốt thời kỳ Kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nơi đây đã in dấu chân những đoàn quân bộ đội cụ Hồ vượt qua sông Bến Hải vào miền Nam chiến đấu.

Nơi đây có đồi, núi, sông, đường giao thông; địa lý, địa hình ở vào thế “địa linh”, phù hợp cho việc xây dựng nghĩa trang kiểu lăng tẩm.

Để nâng tầm thế của địa danh lịch sử giàu ý nghĩa này, từ cuối năm 1973, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã cho xây dựng cầu treo Bến Tắt nối hai bờ sông Bến Hải - đây là chiếc cầu treo đầu tiên trên tuyến đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn.

* Khu vực Bến Tắt, ngay bờ Nam sông Bến Hải thuộc xã Vĩnh Trường, là nơi đóng sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tại “đại bản doanh” của bộ đội Trường Sơn đã có các cuộc làm việc của một số đồng chí ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Lê Văn Lương, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Thọ Chân...), kiểm tra năng lực hậu cần, năng lực tăng cường tác hợp chiến đấu, khả năng cơ động binh lực của Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

duong truong son anh 5
Toàn cảnh khu nhà khánh tiết

* Bến Tắt còn là nơi lưu giữ đậm nét dấu ấn của thuở “phôi thai” đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Bởi vì, đối diện với Bến Tắt, Khe Hó, một vị trí ở gần bờ Bắc sông Bến Hải, là nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn) vào mùa Hè năm 1959.

* Xây dựng Nghĩa trang Trường Sơn tại đây, sau đó sẽ xây dựng một quốc lộ lớn nay là đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đi qua. Ngoài ý nghĩa kinh tế - xã hội của con đường, còn là điều kiện để thân nhân các liệt sĩ và đồng bào cả nước qua lại thăm viếng nghĩa trang.

* Quy hoạch và thiết kế nghĩa trang

Sau khi quyết định chọn khu vực Bến Tắt để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn giao cho Cục Công binh nghiên cứu làm quy hoạch, thiết kế hoàn chỉnh một nghĩa trang với bố cục, kiến trúc mang tính đặc thù theo hình thế lăng tẩm mở rộng, tránh tình trạng “sao chép” các nghĩa trang đã có.

Toàn bộ nghĩa trang được bố trí trên một khu đồi có diện mạo, cảnh quan khá đẹp; rộng chừng 100ha, gồm 11 quả đồi nhỏ, liên hoàn với địa hình, địa mạo, bình độ khác nhau; trong đó, phân hạng mục công trình theo các khu chức năng như sau:

- Sáu quả đồi lượn theo thế hình vòng cung hướng về phía Tây dành để bố trí các khu mộ. Phần mộ các liệt sĩ được an táng theo từng tỉnh.

- Một quả đồi trung tâm là nơi đặt Đài tưởng niệm và sân hành lễ.

- Hai quả đồi bên phải: Một quả dành bố trí khu quần tượng, một quả bố trí nhà văn bia.

- Một quả đồi bên trái: Xây hầm chỉ huy (thu nhỏ).

- Một quả đồi gần cổng ra vào: Bố trí nhà quản trang, nhà khách, kho.

- Hồ nước, ở phía trước Đài tưởng niệm.

- Cổng nghĩa trang, hướng về phía Tây.

- Đường dành cho xe ô tô và người đi bộ trong nghĩa trang, quanh hồ; rải thảm nhựa 6 km đường Hồ Chí Minh phía trước cổng nghĩa trang.

- Đất và và vị trí trồng cây xanh, gồm: cây bóng mát, trồng hoa, cây cảnh thảm cỏ hai bên đường và xen giữa các khu chức năng; trồng cây bản địa hai bên 4km đường Hồ Chí Minh trước cổng nghĩa trang.

Để bảo đảm được tính đặc thù hình thế lăng tẩm mở rộng, tất cả các hạng mục công trình đều giữ nguyên tính đa dạng của địa hình; chỉ được san ủi tạo mặt bằng để đặt các khu mộ, hoặc tạo hình che chắn cần thiết.

* Quá trình xây dựng nghĩa trang

+ Xây dựng nghĩa trang giai đoạn 1 (24/2/1975 - 22/12/1976)

Căn cứ kết quả cất bốc, quy tập hài cốt các liệt sĩ và công việc chuẩn bị, ngày 24 tháng 2 năm 1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định khởi công xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Cơ quan tham mưu Công binh được phân công chỉ huy, điều hành.

Tiểu đoàn Công binh 73 do Trần Ngọc Nhị làm tiểu đoàn trưởng được tăng cường 2 đại đội của các Sư đoàn Công binh 472, 473 chịu trách nhiệm thi công. Phần việc được “ưu tiên” triển khai là san mặt bằng các khu mộ để ngày 19 tháng 5 năm 1975, bắt đầu an táng hài cốt các liệt sĩ. Đến ngày 22 tháng 12 năm 1975, an táng xong 10.263 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về nước; gồm con, em của 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (vào thời điểm 1975) thuộc 3 miền: Bắc - Trung - Nam. Điều đặc biệt quý là tất cả các liệt sĩ đều đầy đủ họ tên, địa chỉ đơn vị, quê quán, gia đình. Đây là kết quả nỗ lực về công tác chính sách thương binh - liệt sĩ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn; thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình của người còn sống đối với đồng chí, đồng đội đã hy sinh.

Số liệt sĩ trên được an táng trong 24 khu mộ trên 6 quả đồi thiết kế theo thế vòng cung. Sử dụng địa hình cao, thấp khác nhau, trồng xen cây xanh, tạo thế che chắn ẩn hiện, tĩnh lặng, tôn nghiêm, ấm áp; tránh gây ấn tượng nặng nề đối với gia đình thăm viếng, khách tham quan, du lịch, mỗi khi nhìn thấy những khu mộ dài, rộng có số lượng lớn liền nhau. Liệt sĩ được an táng tập trung theo từng tỉnh, mỗi khu mộ liệt sĩ, gồm từ một đến ba tỉnh; mỗi tỉnh đều có biểu tượng riêng.

Từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1976, cơ bản xây dựng xong các hạng mục công trình: Khu quần tượng, nhà văn bia, hồ nước và đảo, nhà quản trang, cổng, đường nhựa vào nghĩa trang và đường quanh hồ; đường cấp phối cho xe ôtô quanh nghĩa trang. Đồng thời, trồng cây xanh trong nghĩa trang và cây quanh hồ.

Ngày 22 tháng 12 năm 1976, hoàn thành việc xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn giai đoạn 1. Các hoạt động của nghĩa trang được tiến hành bình thường. Tháng 4 - 1977 khánh thành.

Từ đó trở đi, hầu như ngày nào cũng có gia đình liệt sĩ khắp các tỉnh, thành đến viếng; Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến viếng; khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước đến thăm.

+ Trùng tu lần một nghĩa trang (từ tháng 5 năm 1992 đến tháng 5 năm 1994):

Tháng 5 năm 1992, nhận thấy cần tu sửa và làm thêm một số hạng mục công trình trong quy hoạch cũ, sau khi thống nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Binh đoàn 12, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn, với danh nghĩa Tư lệnh binh đoàn Trường Sơn cũ, tôi (Đồng Sĩ Nguyên) đã viết thư gửi các Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huy động được một số tiền gần một tỷ đồng.

Số tiền này, được sử dụng để tu sửa các ngôi mộ, xây tường rào xung quanh nghĩa trang, tu sửa đường đi trong nghĩa trang, làm mới nhà quản trang, nhà khách, phòng kho; làm mới hầm chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn thu nhỏ, đặt một số tượng.

Đồng thời, xin tiền chương trình 327 trồng thêm cây trong nghĩa trang; trồng mới 4km cây xanh hai bên đường Hồ Chí Minh từ cổng nghĩa trang trở đi.

Đặc biệt, đã đề nghị các tỉnh tu sửa hoặc làm mới thêm biểu tượng của tỉnh mình ngang tầm một nghĩa trang Quốc gia. Các tỉnh: Nam Định, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Thái Bình và thành phố Hà Nội... đã làm biểu tượng đẹp, khá độc đáo, theo kiểu kiến trúc dân tộc, đậm nét địa phương mình.

Công việc trùng tu, làm mới một số hạng mục công trình và tu sửa, làm mới biểu tượng của các tỉnh, thành phố được thực hiện trong hơn 2 năm, đến ngày 19 tháng 5 năm 1994 khánh thành.

Lần trung tu này, nghĩa trang được nâng cấp thêm một bước, nhưng vẫn mang tính chắp vá.

+ Cải tạo, nâng cấp nghĩa trang theo Quyết định số 70 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (từ ngày 19 tháng 5 năm 1999 đến cuối năm 2003).

Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống (ngày 19 tháng 5 năm 1959 đến ngày 19 tháng 5 năm 1999) Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Sao vàng do Đảng, Nhà nước trao tặng, Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 12, tôi (Đồng Sĩ Nguyên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng trình Chính phủ cho nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn xứng với tầm vóc một nghĩa trang Quốc gia. Sau khi Chính phủ đồng ý, ngày 30 tháng 01 năm 1999, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 70/QĐ-LĐTBXH cho nâng cấp, cải tạo nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Ba lần duyệt thiết kế và mô hình các công trình mới, Bộ và tỉnh đều mời tôi (Đồng Sĩ Nguyên) tham gia.

Với tư cách là người tìm địa điểm, trước đây chỉ đạo xây dựng quy hoạch, thiết kế, thi công nghĩa trang, tôi có nêu một số ý kiến đã được Bộ, tỉnh chấp nhận như:

+ Giữ đúng mặt bằng quy hoạch.

+ Cải tạo cục bộ những chỗ thật cần thiết để làm mới một số công trình.

+ Triệt để giữ, bảo vệ cây xanh hiện có, đặc biệt là cây Bồ đề “Ôm” Đài tưởng niệm.

Ngày 19 tháng 5 năm 1999, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã khởi công nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đến ngày 25 tháng 7 năm 2002, đã hoàn thành các công việc như:

duong truong son anh 6
Lính thợ Trường Sơn kè đường chống sụt lở tại Nghĩa trang

+ Thay đổi vỏ mộ âm đẹp.

+ Xây nhà khánh tiết, văn bia.

+ Khu quản trang, nhà làm việc, kho để hiện vật, nhà khách.

+ Nâng cấp đường.

Riêng khu lâm viên cải tạo hồ nước sẽ làm trong giai đoạn tiếp.

* Quản lý nghĩa trang.

- Từ năm 1975 đến tháng 10 năm 1979, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn do Binh đoàn 12, đơn vị kế thừa của Binh đoàn Trường Sơn quản lý. Ban Quản lý nghĩa trang có 8 cán bộ, chiến sĩ quân đội, trong điều kiện vật chất khó khăn, vì nghĩa tình đồng đội anh em đã hương khói, chăm sóc các phần mộ, phục vụ tận tình các gia đình, thân nhân liệt sĩ đến viếng; chu đáo đối với khách trong nước, khách nước ngoài đến thăm viếng, tham quan, du lịch.

- Từ tháng 10 năm 1979 đến tháng 7 năm 1989, nghĩa trang được chuyển giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình - Trị - Thiên quản lý.

Sau khi tách tỉnh Bình - Trị - Thiên, thành lập lại tỉnh Quảng Trị, từ tháng 7 năm 1989 đến nay, nghĩa trang được bàn giao lại cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị quản lý. Mọi công việc của nghĩa trang được tiếp tục hoạt động bình thường, chỉ có khác là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và hầu hết các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành, các gia đình liệt sĩ của các tỉnh, thành phố thường đến viếng nhiều hơn. Khách quốc tế tham quan, du lịch ngày càng tăng.

Địa điểm đóng Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Trường Sơn sau Hiệp định Pari về Việt Nam

Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/01/1973) cả nước và Bắc Quảng Trị không còn tiếng đạn, bom. Nhân dân ta từ nông thôn tới đô thị, từ hải đảo xa xôi tới vùng núi cao hồ hởi, mừng vui đón nhận cuộc sống thanh bình sau những năm dài chiến tranh tàn khốc.

Tình hình mới cho phép Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn chọn một vị trí đặt Sở Chỉ huy cơ bản - Đại bản doanh của Binh đoàn kề cận chiến trường, tiện cho việc chỉ huy, điều hành toàn tuyến Đông, Tây. Vị trí đó là Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là Sở Chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đóng công khai trong giai đoạn cuối thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sở Chỉ huy cơ bản ở Bến Tắt được đặt ở một vị trí cao, rộng; ngay bờ Nam sông Bến Hải. Địa hình, địa thế nơi đây đẹp, gần đường tiêu chuẩn - đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn. Các công trình của Sở Chỉ huy gồm: nhà làm việc, nhà Bộ Tư lệnh, nhà khách, nhà ở của chuyên gia Cu Ba (1) làm đường.

duong truong son anh 7
Hầm chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở Bến Tắt

Nhà của Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trường Sơn ở nơi đây được làm bằng gỗ, rất đẹp, thoáng mát, kiểu nhà sàn, giống nhà của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Sở Chỉ huy ở Bến Tắt, có đường cấp phối đi ven theo bờ sông Bến Hải, nối thông với đường số l ở phía Nam cầu Hiền Lương; nối với đường tiêu chuẩn - đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn ở khu vực Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; có sân bay trực thăng.

Về đường thủy, dùng thuyền máy đi từ Sở Chỉ huy theo sông Bến Hải về huyện lỵ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tại Sở chỉ huy Bến Tắt, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đã nhiều lần vinh dự được đón và làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào chỉ đạo tuyến chi viện chiến lược, chỉ đạo chiến trường giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sự tích Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Trong quá trình xây dựng và vận hành Nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn, có 2 sự tích sau đây mang tính huyền thoại.

- Một là “Cây Bồ đề thiêng”.

Cuối năm 1976, vào thời điểm chuẩn bị khánh thành nghĩa trang giai đoạn l, phát hiện thấy một cây Bồ đề cao 0,80m, tự mọc ở phía mặt sau Đài tưởng niệm, tôi (Đồng Sỹ Nguyên) giao Ban Quản lý nghĩa trang đắp đất, rào lại; hàng năm cây Bồ đề lớn lên rất nhanh nên cho đắp đất thêm, xây tường vây quanh, trông coi cẩn thận. Năm 1999, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thiết kế để cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm, tôi (Đồng Sỹ Nguyên) yêu cầu: bất luận trường hợp nào, thì cây Bồ đề vẫn phải được giữ gìn nguyên vẹn. Các nhà kiến trúc thiết kế việc cải tạo Đài tưởng niệm cũng rất đồng tình và ủng hộ yêu cầu này.

duong truong son anh 8
Toàn cảnh Đài Tổ quốc ghi công

Tiếng lành đồn xa về “Cây Bồ đề thiêng”, nên gần đây, các nhà tu hành đạo Phật đã đến cầu kinh ở Đài tưởng niệm và gốc “cây đề thiêng”.

Quen gần gũi, tôn giữ cây Bồ đề, các nhà sư đều cho rằng đây là cây Bồ đề tự mọc đẹp kỳ lạ, hiếm thấy; cây lớn nhanh; thân có 3 cành phát triển đều nhau, nằm trung tâm phía sau Đài tưởng niệm, cành lá xum xuê, xanh tươi, thân cây vươn cao quá đỉnh Đài, “ôm” hẳn 3 cạnh của Đài, mà theo thiết kế cũ: 3 cạnh Đài là tượng trưng cho 3 miền:

Bắc - Trung - Nam. Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi đây. Hàng ngày có hàng trăm gia đình liệt sĩ đến viếng, khách du lịch trong, ngoài nước đến tham quan, ai cũng muốn ngắt một lá cây Bồ đề thiêng cho vào túi để lấy phúc.

Mong rằng mọi người cùng nhau giữ lấy cây Bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ nơi đây, đừng hái lá, bẻ cành ảnh hưởng tới sự phát triển tôn nghiêm của cây, để phúc đức của liệt sĩ Trường Sơn đời đời ban tặng cho chúng ta.

- Hai là, mạch nước ngầm phun ở hồ nước:

Theo quy hoạch, năm 1975 - 1976, bộ đội Trường Sơn đào hồ nước ở phía trước mặt Đài tưởng niệm để trữ nước mưa, tạo môi trường cảnh quan cho nghĩa trang. Ai cũng lo mùa hạn ở miền Trung, hồ sẽ khô kiệt nước. Bỗng nhiên, khi đào xuống gần 2 mét, tại một vị trí cách tường rào phía Tây của nghĩa trang về bên trong là 9 mét, thì gặp một mạch nước ngầm phun lên rất mạnh. Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định cho đào hồ sâu hơn, rộng hơn. Từ đó đến nay, nước hồ lúc nào cũng nhiều; những năm hạn hán, vào mùa Hạ, nước có cạn nhưng không bao giờ khô kiệt, trừ trường hợp tháo nước đi.

Để ngắm cảnh, gần chỗ mạch nước ngầm, bộ đội Trường Sơn đã đắp một đảo nhỏ, có tượng một cô giao liên xinh xắn, duyên dáng. Ai qua đây cũng không quên ra đảo ngắm  cảnh, ngắm tượng.

Trong lần nâng cấp nghĩa trang từ ngày 19 tháng 5 năm 1999 đến cuối năm 2003, các nhà kiến trúc đánh giá đảo và tượng ở đây là hài hòa và đẹp, cần giữ nguyên. Đây lại là một phúc âm nữa của liệt sĩ Trường Sơn ban tặng. Mong du khách, đồng bào hãy gìn giữ vệ sinh, đảm bảo nước hồ luôn trong xanh, soi bóng hàng cây đa loại quanh hồ, tắm mát hương hồn liệt sĩ.

duong truong son anh 9
Hồ Sen nơi có mạch nước ngầm

Uống nước nhớ nguồn

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành trong cả nước nên nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn được chăm nom chu đáo; được liên tục cải tạo, nâng cấp. Sau đợt nâng cấp từ tháng 5 năm 1999 đến cuối năm 2003, nghĩa trang xứng đáng là một nghĩa trang liệt sĩ tầm cỡ Quốc gia - một di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, tôn nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc, một danh lam thắng cảnh xanh mát, tĩnh lặng...

Thay mặt các binh chủng quân đội, 2 vạn thanh niên xung phong của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trước đây, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn của mười ngàn hai trăm sáu mươi ba (10.263) liệt sĩ đồng đội được nghìn thu an nghỉ tại nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn; và hàng vạn liệt sĩ Trường Sơn an nghỉ ở các nghĩa trang và nơi khác. Cùng với liệt sĩ cả nước, liệt sĩ bộ đội Trường Sơn đã nằm xuống vĩnh viễn để Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam mãi mãi ngẩng cao đầu cùng nhân loại. Tên tuổi của các liệt sĩ sống mãi cùng non sông, đất nước Việt Nam anh hùng.

duong truong son anh 10
Ban thờ Bác Hồ và nơi dâng hương tưởng niệm
 các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn

Thay mặt tất cả những người còn sống của các binh chủng quân đội, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ... thuộc Binh đoàn Trường Sơn cũ, chúng tôi rất cảm ơn Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Quảng Trị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, huyện Gio Linh, xã Vĩnh Trường, các kiến trúc sư, cán bộ quản lý, công nhân đã tham gia cải tạo, nâng cấp nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn với tầm cỡ mới. Đồng thời, chúng tôi cũng rất cảm ơn các tỉnh, thành đã tham gia cải tạo, nâng cấp các biểu tượng của mình phù hợp, xinh đẹp, tôn nghiêm. Cảm ơn Ban Quản lý nghĩa trang tiếp tục quản lý một nghĩa trang Quốc gia với nội dung công việc mới hơn, nhiều hơn trước.

Kính mong các gia đình liệt sĩ có người thân nằm tại nghĩa trang Quốc gia liệt sĩ Trường Sơn yên tâm.

Kính chúc tất cả quý khách trong nước và nước ngoài đến thăm viếng, tham quan, du lịch được các liệt sĩ an nghỉ nơi đây phù hộ.

Kim Yến (Tổng hợp)

Còn nữa

(1) Nhóm chuyên gia Cu Ba sang giúp ta sử dụng thiết bị hiện đại (do Chủ tịch Phi Đen Caxtơrô gửi tặng Bộ đội Trường Sơn) rải nhựa 6km đường tiêu chuẩn Đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn, gần nghĩa trang, kéo dài đến Cam Lộ, nối với Đường 9.

Bài viết khác: