Sau năm tháng tham gia chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường với mức thương tật 1/4, ông Đặng Sỹ Ngọc ở khối Trung Đông, phường Hưng Dũng vẫn luôn phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế.
Năm ấy, chàng thanh niên Đặng Sỹ Ngọc vừa tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc đã viết đơn tình nguyện bằng máu để xung phong vào bộ đội. Tháng 6 năm 1967, Đặng Sỹ Ngọc được biên chế vào đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Những ngày lăn lộn trên chiến trường, ông thường ghi lại cuộc chiến tranh vĩ đại, những góc cạnh khốc liệt của chiến tranh. Trang nhật ký chiến trường của ông, đến năm 2006 đã được Nhà xuất bản Công an nhân dân cho ra mắt cuốn nhật ký "Trời xanh không biên giới". Đây là một trong những cuốn nằm trong tủ sách "Mãi mãi tuổi 20".
Trong 6 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, có đến 7 lần ông bị thương có những lúc ông tưởng chừng như không sống nổi, nhưng bằng nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ, sau khi lành vết thương ông lại tiếp tục vào chiến trường tham gia chiến đấu. Đến lần bị thương thứ 7, ông bị thương nặng ở ổ bụng và chân, ông được đơn vị cho về điều trị và an dưỡng tại Trại điều dưỡng Thương binh nặng thuộc Đoàn 202 Quân khu IV. Tại đây, ông đã gặp bà Nguyễn Thị Vân và hai người nên duyên vợ chồng. Rồi ba đứa con lần lượt ra đời. Để nuôi dạy con khôn lớn, hai vợ chồng phải vật lộn với cuộc sống đời thường. Ông làm đủ nghề như tham gia vào tổ thương binh quản lý thu phí tại chợ, rồi chuyển sang nghề làm xe lai.
Ông Đặng Sỹ Ngọc - Thương binh 1/4 ở khối Trung Đông, Phường Hưng Dũng, thành phố Vinh tâm sự: Là người lính của Bác, sau khi bị thương được Bác nhắc nhủ thương binh tàn nhưng không phế bản thân không ngừng trau dồi đạo đức, phấn đấu trong công việc để góp phần xây dựng quê hương và gia đình...
Được trở về với cuộc sống đời thường, người thương binh ấy vẫn không nguôi khi nhớ đến đồng đội đã ngã xuống. Ông Đặng Sỹ Ngọc đã cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, nơi mà ông đã xem như một phần máu thịt của mình. Trong sự xô bồ của cuộc sống đời thường, nhưng người thương binh ấy vẫn luôn phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ. Ngày ngày không kể nắng hay mưa, ông Ngọc lại rong ruổi trên đường làm nghề xe lai. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, việc đầu tiên khi ông trở về nhà là bỏ một ít tiền vào ống tiết kiệm. Với số tiền ông bỏ vào ống tiết kiệm, ông đã mua quần áo trực tiếp trao tận tay cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm lại chiến trường xưa và đi tìm mộ đồng đội. Mặc dù sức khỏe yếu, trong mỗi chuyến đi gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng cứ nghĩ đến đồng đội đã hy sinh xương máu cho tổ quốc, lại tiếp thêm sức mạnh trong mỗi lần ông đi tìm mộ liệt sỹ. Từ những trang nhật ký trong chiến trường ông đã tìm được ba liệt sỹ và một số đồng đội của mình. Đến nay, ông đã tìm được 6 mộ kiệt sỹ, tặng hàng trăm bộ quần áo cho hộ nghèo. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn luôn là một con người mẫu mực, sống có nghĩa có tình. Noi theo tấm gương của cha, các con ông luôn chăm lo học tập. Giờ đây, các con của ông đều tốt nghiệp đại học và đã có việc làm ổn định.
Ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Hưng Dũng - thành phố Vinh cho biết: Thương binh, cựu chiến binh Ông Đặng Sỹ Ngọc, Đảng bộ và nhân dân Hưng Dũng đều biết đến. Bởi ở Đặng Sỹ Ngọc luôn toát một điều sâu sắc nhất đó là học tập và làm theo lời Bác. Mặc dù là thương binh trở về với đời thường với mức thương tật cao nhưng thương binh, cựu chiến binh Đặng Sỹ Ngọc luôn phấn đấu lao động, tham gia các hoạt động xã hội. Có thể nói bằng những việc làm cụ thể thương binh Đặng Sỹ Ngọc luôn là tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời khói lửa vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ông Đặng Sỹ Ngọc vẫn luôn lưu giữ trang viết, những tấm ảnh, Huy hiệu, Huy chương, mấy mảnh bom, viên đạn... Thấy những việc làm của ông, có thể có người sẽ cho ông Ngọc là gàn nhưng việc làm của ông chính là tấm lòng biết yêu thương, biết sẻ chia. Ghi nhận những việc làm ý nghĩa của ông, ông đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì đã có thành tích trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác.
Theo Lam Hà/ vinhcty.gov.vn
Kim Yến (st)