Thứ bảy, 21/12/2024

 

Không biết tự bao giờ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc đã khắc sâu vào muôn triệu trái tim con người Việt Nam. Hình tượng cao đẹp của Bác vượt lên không gian và thời gian trường tồn vĩnh hằng cùng dân tộc. Mỗi chúng ta luôn hướng về Bác với sự biết ơn, lòng tôn kính và Người luôn là niềm tự hào của dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Ngay sau ngày Hồ Chủ tịch qua đời, việc xây dựng Lăng của Người đã trở thành mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân, như một cách bày tỏ ý nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng của Người. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị Trung ­ương Đảng đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Ng­ười(1).

Năm 1970, sau khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng Lăng Bác để giữ gìn thi hài Người trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, nước bạn Liên Xô đảm nhiệm về trang thiết bị, vật liệu, kể cả đá ốp trong Lăng. Nếu loại đá quý nào bạn không có, bạn sẽ mua của Italia cung cấp cho ta.Ngày 03/11/1971, Ban Chỉ huy công trường xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập. Ngày 5/2/1972, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phân công nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành, địa phương tham gia xây dựng Lăng Bác, mà lực lượng nòng cốt là Bộ Kiến trúc và Bộ Quốc phòng. Nhưng đúng lúc công việc đang tiến hành, thì ngày 16/4/1972, Mỹ đã cho máy bay bắn phá miền Bắc, trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng. Tình thế này buộc Bộ Chính trị quyết định dừng việc xây dựng Lăng, để nhân dân cả nước dồn sức đánh bại kẻ thù.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân và dân ta, Mỹ buộc chấp nhận ký Hiệp định Paris rút quân về nước. Miền Bắc không còn phải chịu cảnh ném bom đánh phá nên công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái khởi động lại. Công việc thi công được xúc tiến nhanh nhằm đáp ứng tấm lòng mong mỏi của hàng triệu đồng bào muốn vào Lăng viếng Bác. Cả nước hướng về công trường xây dựng Lăng Bác, đóng góp sức người, sức của để xây dựng Lăng Bác như một tiếng gọi thiêng liêng của mỗi người dân, mỗi địa phương trong cả nước.

Đến đầu năm 1974, các vật quý để làm vật liệu xây dựng Lăng Bác từ mọi miền quê hương trên Tổ quốc được hội tụ về Thủ đô Hà Nội, mang theo tình cảm yêu mến của đồng bào cả nước với Bác Hồ. Có thể thấy, hiếm có một công trình nào, từ ngày làm những công việc chuẩn bị, cho đến khi khởi công xây dựng lại thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế đến như vậy. Trong đó, phải kể đến những vật liệu bằng đá để xây Lăng Bác được chọn từ khắp các nơi trong cả nước: đá Nhồi ở Thanh Hoá, đá Hoa (Chùa Thầy), đá đỏ núi Non Nước, đá dăm được đưa từ mỏ đá Hoàng Thi (Thác Bà, Yên Bái). Liên Xô cũng gửi hai vạn tấm đá hoa cương và cẩm thạch mài nhẵn để trang trí cho Lăng. Riêng 2 lá cờ nơi đặt thi hài Bác, vì ý nghĩa chính trị, tình cảm cũng như ý thức dân tộc, Bộ Chính trị quyết định Việt Nam phải tự làm, bằng các loại đá quý của nước ta. Chính vì vậy, một trong những báu vật quan trọng trong Lăng Hồ Chủ tịch, đó là lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc đặt tại nơi Bác nằm, được làm từ những viên đá mầu đỏ quý hiếm độc nhất Việt Nam. Đây chẳng những là biểu hiện cao nhất về tấm lòng cả nước đối với Bác mà còn là biểu tượng của hồn nước, lòng dân, của tinh thần đoàn kết bền vững của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng thiêng liêng nhất thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn.

Còn đá vàng để làm ngôi sao trên cờ Tổ quốc và biểu tượng búa liềm trên cờ Đảng là đá Cẩm Vân (Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Đầu búa trên cờ Đảng là viên mã não do Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Nguyễn Văn Hiếu trực tiếp mang ra giao cho cụ Trần Phúc Ứng cất giữ trong két sắt hơn cả báu vật, thể hiện được tấm lòng của bà con miền Nam ruột thịt đối với Bác. Cũng xin nói thêm là, đá ốp lan can lối đi Lăng Bác là đá xanh La Giang (Đồng Bẩm - Thái Nguyên). Đá ghép hàng chữ “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên đỉnh Lăng là đá Ngọc Bích (Cao Bằng). Đá làm bậc thềm là đá hoa Hoa Pháp lấy từ Sài Sơn (Hà Tây). Đá ốp cột là đá núi Bền (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Đây là một công trình có ý nghĩa chính trị và tư tưởng vô cùng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của dân tộc Việt Nam đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với những ai đã từng vào Lăng viếng Bác hẳn sẽ không quên hình ảnh hai lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc ghép liền nhau trong phòng Bác nằm. Tuy nhiên, việc hai lá cờ được ghép lại từ những tấm đá không phải ai cũng biết.

Hành trình đi tìm đá hồng kỳ

Ngay từ đầu, Bộ Chính trị quyết tâm phải tìm bằng được đá đỏ trong nước để làm cờ và kêu gọi không chỉ nhân dân miền Bắc, miền Trung mà cả đồng bào miền Nam cùng chung sức kiếm tìm. Đặc biệt là phần ghép hai lá cờ hồng kỳ hướng về thi hài Bác được vinh dự dành cho địa chất và các nhà khoa học Việt Nam cùng nhóm các nhà thạch học đã dày công nghiên cứu, khoanh vùng xác định các vùng núi có đá quý, rồi lặn lội đến từng vùng miền khảo sát  lấy mẫu đá mang về cho các chuyên gia Nga thẩm định.

Trong các vật liệu thiết yếu để xây dựng Lăng chỉ duy nhất chưa tìm được loại đá có màu sắc hồng giống màu cờ. Khi những hạng mục của công trình Lăng Bác đã gần hoàn tất nhưng việc tìm kiếm đá có màu sắc như mong muốn chưa đem lại kết quả, thì một loại đá đỏ ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa được tìm thấy và đưa ra thử nghiệm nhưng cho kết quả không phù hợp. Khi đó, các chuyên gia Liên Xô hứa tặng cho Việt Nam đá nhuộm có màu hồng tươi để thay thế, nhưng khiếm khuyết lớn của loài đá nhuộm này là tuổi thọ chỉ giữ được khoảng 30 năm.

Lúc này, việc tìm đá có màu sắc tương ứng với hai màu đỏ và vàng được gấp rút thực hiện. Bình Định nổi tiếng là nơi có nhiều đá granit và đá rất đẹp. Tuy nhiên, do điều kiện đất nước đang có chiến tranh nên việc lấy đá ở trong đó chuyển ra rất khó khăn. Sau nhiều tháng trời, căn cứ vào bản đồ địa chất và nhất là những thông tin được các đoàn địa chất, đặc biệt là các địa phương có các loại đá cần tìm báo về, nhóm đã bất chấp khó khăn gian khổ, thiếu thốn tới nhiều nơi, đến cả những vùng rừng núi hoang vu chưa có dấu chân người, tới cả những điểm được coi là mỏ đá quý... nhưng tất thảy không có nơi nào đá có màu sắc ưng ý, đúng chuẩn với màu cờ.

Cũng trong thời gian đó, hai cán bộ địa chất băng từ Sơn La sang Lào, có qua miền Tây Thanh Hóa. Khi đến huyện Bá Thước, họ thấy có những hòn đá chỉ to bằng quả bưởi nằm lăn lóc bên đồi, dùng búa chuyên dụng gõ vào thì thấy đá bật ra màu đỏ rất đẹp, hơn hẳn mẫu đá đỏ trước đó cả về màu sắc và độ đồng nhất. Loại đá này đã được Bộ Chính trị duyệt.

Cuối cùng trong hơn 1 năm, đoàn địa chất đã tìm ra được loại hòn đá đỏ đủ tiêu chuẩn làm hồng kỳ trong Lăng tại vùng núi huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Các nghệ nhân nhanh chóng tập trung nghiên cứu đồng thời cử người vào tận Bá Thước, gần xã Điền Lư, tìm cho đủ số lượng đá theo mẫu đá trên để chế tạo thử mẫu cờ. Vậy là 2 lá cờ mẫu bằng đá quý (kích thước thu nhỏ) được làm thử và được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Trường Chinh duyệt theo nhiều bước, rồi gửi đi Liên Xô, kiểm tra tính cơ lý, tính phóng xạ, sau khi phân tích, các chuyên gia của nước bạn khẳng định chắc chắn rằng màu sắc của đá Hồng Ngọc tồn tại tới nghìn năm sau vẫn không phai. Độ cứng của đá gấp đến hai ba lần các loại đá thông thường khác. Cuối cùng, đích thân đồng chí Trường Chinh ký duyệt trên mẫu lưu để bắt tay vào sản xuất.

Theo các nhà địa chất học, đá Hồng Ngọc Bá Thước là đá thạch anh tái kết tinh từ lòng đất phun ra, thành phần gồm nhiều hợp chất của nhiều nguyên tố kim loại nhưng trong đó hàm lượng sắt lớn nó quyết định tới màu sắc hồng tươi của đá. Đá Hồng Ngọc là kết quả của hoạt động địa chất đặc biệt mà rất hiếm nơi nào trên Trái đất may mắn có được. Ấy vậy mà vùng núi Bá Thước, nơi cuộc tìm kiếm chính thức có kết quả, đá quý nằm thành từng khối, lại lộ thiên trên đỉnh núi, lưng chừng núi, và thậm chí rải rác dưới chân ruộng. Nhưng lạ hơn nữa, tất thảy chỉ đủ cho việc “may” cờ. Cứ như của báu trời đất sinh ra chỉ để dành cho công việc trọng đại ấy.

la-co-dang-to-quoc-1
Hòn đá Hồng Ngọc có màu đỏ tươi không bao giờ bị phai

Sau khi phát hiện mỏ đá quý đủ tiêu chuẩn làm cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đích thân đồng chí Đỗ Mười (khi đó là Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Xây dựng Lăng Bác) đã vào tận huyện miền núi Bá Thước để thành lập Ban Chỉ huy công trường khai thác đá nhằm đảm bảo tiến độ cho công trình được hoàn thành trước ngày Quốc khánh năm 1975. Để có đủ lượng đá cho hai lá cờ, ngày đó Huyện ủy và UBND huyện Bá Thước đã tuyển chọn hàng ngàn đoàn viên thanh niên ưu tú và dân quân, bộ đội đi bới tìm không sót từng tấc đất trong phạm vi hàng mấy kilômét vuông, ở từng ngọn đồi, khe suối, khoảng rừng,... nhặt từng viên đá (thường to bằng quả bưởi) tổng cộng được gần 20m3 đá nguyên liệu. Lúc đó, còn có hàng nghìn người dân tình nguyện từ các địa phương lân cận ùn ùn kéo về bản Duồng, xã Điền Hạ đào bới dưới lòng đất sâu để tìm được hòn đá Hồng Ngọc có màu đỏ tươi, đẹp, góp phần xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong trào đào đá làm cờ Tổ Quốc và cờ Đảng trong Lăng Bác tạo nên không khí tấp nập tại đồi Chợ Phét, thể hiện sự đồng lòng đoàn kết của đồng bào dân tộc cùng niềm tự hào lớn lao, góp công sức nhỏ vào việc xây dựng công trình Lăng Bác Hồ. 

Khi nguồn đá có dấu hiệu khan hiếm, một ngày, một nhóm người khai thác bỗng reo lên sung sướng khi phát hiện tảng đá cỡ bự, nhiều người đã bật khóc vì chỉ cần vận chuyển tảng đá này nữa là có thể đã đủ đá cho việc ghép hai lá cờ trong Lăng Bác. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lúc đó là ông Lê Thế Sơn đã lên tận nơi để thị sát và trực tiếp chỉ huy khai thác hòn đá lớn này.

Theo lời ông Trương Phúc Chủ khi ấy đang làm Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bá Thước, người được phân công trực tiếp quản lý, phân phối và điều động người dân tham gia khai thác đá, kể lại:

“Tảng đá rất to, nặng nhưng thời gian cho phép vận chuyển ra Hà Nội để kịp tiến độ lại không còn nhiều. Hơn nữa, không được phép dùng gậy sắt, lăn thăng để di chuyển đá vì sợ đá bị vỡ, sứt mẻ sẽ không làm được. Vì vậy, việc di chuyển được tảng đá xuống chân đồi để đưa ra Hà Nội xây dựng là một điều vô cùng khó khăn. Các cấp, các ngành cùng bà con nông dân lo lắng vì không tìm được cách vận chuyển đá an toàn xuống núi. Có người cho rằng nên phá 3 ha rừng rồi cho trực thăng cẩu tảng đá xuống xe để vận chuyển nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và công sức của nhiều người. Lúc đó, tôi chợt nảy ra ý tưởng là chặt các cây gỗ to và thẳng kết thành mảng rồi từ từ cho tảng đá lăn xuống chân đồi, như vậy vừa không phải phá bỏ rừng, vừa mất ít thời gian, công sức. Và rồi tảng đá to được đưa xuống núi một cách nguyên vẹn chỉ sau một tuần trời”.

Ông Chủ còn tâm tình, điều khiến ông không bao giờ quên là khi phát hiện tảng đá lớn hơn 3 khối (nặng khoảng 7 tấn) treo leo trên ngọn đồi Chợ Phét.  

la-co-dang-to-quoc-2
Ông Trương Phúc Chủ đang kể lại câu chuyện đá Hồng Ngọc làm cờ và xây Lăng Bác Hồ

Nhưng rồi lại nảy sinh vấn đề mới, đó là việc đưa tảng đá lớn lên xe để vận chuyển. Dù đã dùng ròng rọc loại to nhất để kích tảng đá nhưng ròng rọc làm bằng sắt đã bị gãy. Một lần nữa, hàng nghìn người dân địa phương phải dùng cách đào hầm dưới tảng đá rồi cho xe lùi vào đỡ tảng đá. 

Tưởng chừng mọi việc đã thuận lợi, đá có thể chuyển ra Hà Nội cho kịp tiến độ thi công, nhưng con đường vào bản Duồng rất nhỏ và lầy lội, xe ô tô không thể vận chuyển đá với khối lượng lớn đi qua. Vậy là hơn 3.000 người dân đã ngày đêm mở 3km đường xuyên qua cánh đồng, khe suối rồi dùng các loại cây gỗ xếp thành đường để xe có thể vận chuyển đá cho kịp thời gian làm cờ và xây dựng Lăng. Hiện trên ngọn đồi này, vẫn còn lại dấu tích của 40 năm về trước. Đó là những hòn đá Hồng Ngọc còn sót lại. Những hòn đá này xưa kia người dân đào dưới lòng đất lên, nhưng cán bộ kỹ thuật kiểm tra không đủ tiêu chuẩn nên đành bỏ lại.

la-co-dang-to-quoc-3
Những viên đá hồng ngọc còn sót lại ở thung lũng Ken Rai được dân bản Mường
bảo vệ rất cẩn thận

Thời gian khai thác đá Hồng Ngọc của người dân bản Duồng, xã Điền Hạ kéo dài hơn 7 tháng trời với 4000 hòn đá được chọn để làm cờ và xây dựng Lăng Bác Hồ. Đó dường như là quãng thời gian với rất nhiều kỷ niệm của người dân bản Duồng cùng những vui buồn, vất vả nhưng đầy tự hào vì được đóng góp công sức vào xây dựng công trình Lăng Bác"Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình lịch sử có ý nghĩa vô cùng to lớn, hai lá cờ Đảng và cờ Tổ Quốc trong Lăng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, đá Hồng Ngọc được chọn là niềm vinh hạnh lớn cho Bá Thước!".Sau khi khai thác xong, đích thân ông Chủ trực tiếp ra Hà Nội bàn giao đá cho bộ phận xây dựng Lăng chế tác trước khi lắp ghép hai lá cờ trong Lăng Bác.

Những điều ít biết về việc “may” cờ trong Lăng Bác

Đá quý được vận chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội, tập kết tại Xí nghiệp đá hoa An Dương. Đầu tiên, những hòn đá phải được cắt ra thành từng miếng. Việc cắt đá cũng khá công phu. Dù phía Liên Xô có hỗ trợ máy cắt nhưng chủ yếu vẫn phải làm thủ công. Theo đó, người thợ sẽ rắc cát rải lên thanh thép rồi cắt dần. Làm như thế nên khá mất công và tốn thời gian. Đá được cắt xong sẽ được mài cho nhẵn.

Tìm được đá đỏ mới chỉ là màn mở đầu của quá trình “hoá giải” những khó khăn trong việc “may” cờ trong Lăng Bác. Theo GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng là một trong số những người được vinh dự tham gia xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết:

“Dokích cỡ đá không đều nhau nên giải pháp ghép các viên đá nhỏ thành tấm lớn đã không thể thực hiện được. Ý tưởng đúc tất cả số lượng đá trên thành khối lớn rồi xẻ thành các tấm mỏng được các chuyên gia Liên Xô tán thưởng. Nhưng dù cố gắng, kích cỡ các tấm vẫn không thật đều, phải tiếp tục chọn lựa những viên gần giống nhau để mài bóng, tạo độ phẳng. Vậy mà khi ghép chúng lại thành tấm lớn, màu sắc vẫn không đều. Lại phải tiếp tục xẻ thêm lần nữa để chọn những viên tuy rất nhỏ nhưng màu sắc đều nhau ghép thành tấm lớn.

la-co-dang-to-quoc-4
GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm

Công việc ghép đá, dính keo tỷ mẩn và cẩn thận đến độ khi cờ “may” xong, không chỉ bóng đẹp mà thậm chí, trên hai lá cờ, mỗi lá rộng tới 16m2 nhưng không hề phát hiện ra muôn vàn vết ghép... Việc tìm đá để làm Sao vàng cho cờ Tổ quốc và hình Búa liềm cho cờ Đảng cũng tỷ mẩn và cẩn thận tương tự. Nhưng những điều ít biết về việc “may” cờ trong Lăng Bác không dừng lại ở đó. Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo: Dù màu sắc viên đá không đều nhau nhưng vẫn chọn lấy một viên đá màu đỏ do đồng bào miền Nam  gửi ra ghép lên cờ Tổ quốc và cờ Đảng, một viên đá màu vàng ghép vào “tim” của Ngôi Sao Vàng trên cờ Tổ quốc và một viên khác ghép vào điểm giao nhau giữa Búa và Liềm trên cờ Đảng. Tuy chỉ có ý nghĩa tượng trưng nhưng nói lên sự trân trọng, tôn kính vô hạn của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, lúc ấy là cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa được chọn là người dán các mặt đá ghép thành hình lá cờ trong Lăng và cũng chính ông còn tham gia dán dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh phía trên Lăng, kể lại:

“Trong quá trình cắt, mài đá, độ dày mỏng của từng viên rất khác nhau. Nếu cứ mài mãi cho đến khi bằng nhau sẽ rất tốn công sức và mất thời gian. Tôi cùng kỹ sư Vĩnh đã nghĩ ra cách phải lót tấm thép phía mặt sau của những tấm đá mỏng để tôn lên, đảm bảo khi dán các mặt đá sẽ nằm trên cùng một mặt phẳng, không bị tụt xuống”.

Theo thiết kế, hai lá cờ có tổng kích thước chung là 6m x 6m với 96 tấm đá. Trước khi đem dán, chúng tôi phải tiến hành ráp sơ bộ để đảm bảo khi dán ghép không xảy ra sai sót. Sau đó, chúng tôi phải dùng aceton lau sạch mặt đá cần dán vì aceton sẽ tẩy sạch những chất hữu cơ bám trên bề mặt và quan trọng là nhanh bay hơi hơn cồn. Đá được lau xong sẽ đặt lên bàn sấy. Đây là khâu rất quan trọng vì nếu không sấy, khi gặp trời nồm ẩm, dán đá sẽ rất khó bám", ông kể.

la-co-dang-to-quoc-15
GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu và bản thiết kế hai lá cờ trong Lăng Bác(Ảnh tư liệu)

Cũng theo ông Diệu, bàn sấy được trang bị hệ thống đèn hồng ngoại vì tia hồng ngoại sẽ cấp nhiệt tốt hơn. Thời điểm đó, tìm được loại đèn này rất khó vì đèn rất hiếm. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của việc xây Lăng nên việc trang bị mấy chục bóng đèn hồng ngoại nhanh chóng được đáp ứng.

Việc vận chuyển đá cũng phải vô cùng thận trọng "Chính đồng chí lái xe cho Bác Hồ được giao việc chở đá vào Lăng bằng xe Gas 69". Theo thiết kế, xe Gas 69 có thùng phía sau. "Họ đóng kệ gỗ hình chữ A ở trên thùng, mỗi bên chỉ để một tấm, mỗi lần chở hai tấm. Mỗi tấm đá được dùng chăn dạ bọc lại, cẩn thận như thế vì thời gian hết rồi, nếu bị vỡ sẽ không còn đá mà làm tiếp mà phải đợi đi tìm thêm", ông Diệu cho hay.

          Công trình được thực hiện trong những năm 1973-1974, lúc đó trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất lạc hậu, trang thiết bị, vật liệu thiếu thốn nên việc nghiên cứu rất khó khăn. Nhưng với kỹ thuật, nỗ lực, cần cù và sự tâm huyết của mình, GS Trần Vĩnh Diệu và các đồng nghiệp đã mày mò sáng tạo ra một loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính và chống chọi với thiên nhiên khá cao.

Rồi giờ khắc thiêng liêng, trọng thể: Ghép hai lá cờ vào trong Lăng Bác đã đến. Loại vữa đặc biệt để liên kết từng phần hai lá cờ trên vị trí tường Lăng do chính cụ Trần Phúc Ứng pha chế; từng môi vữa đã được lần lượt chuyển đến tay cụ Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng... để đổ vào các rãnh ghép đá với tường. Liền đó, phải dùng khăn lau thật nhanh vì vữa rất mau khô. Mọi việc diễn ra nhanh chóng đạt kết quả tốt đẹp.

Thời gian từ lúc cắt đá đến lúc dán thành hai lá cờ trong Lăng mất chừng 3 - 4 tháng, kết thúc trước ngày 30/4/1975. "Thời gian làm việc khá căng thẳng và có nhiều áp lực vì đây là công trình đầu tiên của tôi về khâu dán đá. Tôi lại chưa có kinh nghiệm mà chỉ có kiến thức được học. Sau này, có một số tấm phải dán lại. Từ đó đến giờ không bao giờ phải dán lại nữa" GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu nói.

Nhìn hai lá quốc kỳ và cờ búa liềm đá với diện tích 30m2 được đính ghép từ hơn 4.000 mảnh đá nhỏ kiêu hãnh tung bay trong Lăng, nhà khoa học Trần Vĩnh Diệu cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Bởi đây không chỉ là thành công của công trình khoa học đầu tay của ông, mà còn là tấm lòng của ông và các đồng nghiệp dâng tặng để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Một sự trùng hợp rất lý thú, lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng được ghép bằng 4.000 miếng đá đỏ, tương ứng với con số 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Với sự cố gắng, tập trung cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô, sau 2 năm xây dựng, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hoàn thành, ngày 18 tháng 7 năm 1975 đã được đón Bác từ nơi sơ tán về an nghỉ tại Lăng. Ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lễ khánh thành Lăng đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình trong niềm vui hân hoan toàn thắng, đất nước đã thu về một mối.

Và mỗi người tham gia công trình xây dựng Lăng Bác đã được lựa chọn rất kỹ, nó như phần thưởng dành cho mỗi cá nhân đã có thành tích công tác. Nhưng quan trọng hơn, với những người được lựa chọn, đây thực sự là vinh dự lớn: Bằng trách nhiệm trước công trình, họ bày tỏ tình cảm đối với Bác./.

(1) Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ngày 29/11/1969.

Minh Đức (tổng hợp)

Bài viết khác: