Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng (người cầm đàn ghi ta) đang giới thiệu ca khúc mới của anh với các chiến sỹ văn nghệ Quân chủng Phòng không
Tác phẩm Bài ca hữu nghị và Xiêng Khoảng - nỗi nhớ của nhạc sỹ Vũ Việt Hùng đầy ắp tình cảm thiêng liêng với đất nước và những người bạn Lào. Quan hệ truyền thống của hai đất nước đã trở thành nghệ thuật, tạc tượng trong trái tim của mỗi người không thế lực nào có thể phá vỡ được.
Năm 1972, nhạc sỹ Vũ Việt Hùng vừa tròn 18 tuổi. Anh đã tham gia trực tiếp chiến đấu ở Binh trạm 32, thị trấn Mường Phìn, tỉnh Savannakhet, rồi chuyển về chiến đấu tại khu vực Attapư. Đến năm 2010, nhạc sỹ mới có dịp quay lại chiến trường xưa trong khuôn khổ của Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007) do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì. Tác phẩm Bài ca hữu nghị cũng khơi nguồn ở đó.
Câu mở đầu bài hát “Gặp nhau đây Attapư...” đầy ý tứ, nhiều cảm xúc, khơi dậy cả quá khứ kỷ niệm của người nhạc sỹ, chiến sỹ đã từng sống và chiến đấu ở Lào. Điều đó đã tạo nên những xúc cảm rung động, chắp cánh cho ca khúc bay bổng, vút cao. Những nốt nhạc, lời ca của Bài ca hữu nghị vang lên đậm tiếng reo vui, mừng rỡ khi được quay trở lại Attapư thân thiết.
“Gặp nhau đây Atapư, nhớ bao kỷ niệm thiết tha, Trường Sơn Đông nắng Tây mưa, mãi âm vang bài ca kết đoàn. Việt Lào ta mãi bên nhau, dẫu cho sông cạn đá trôi, tượng đài chiến sỹ thắp sáng, tình anh em Việt Lào muôn đời”.
Những lời ca chan chứa tình cảm, tái hiện lên hình ảnh những chiến sĩ Pathet Lào sát cánh cùng các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam; bộ đội biên phòng hai nước cùng tuần tra giữ vững an ninh biên giới; hình ảnh những cây cầu, những công trình trên đất nước Lào được xây dựng bằng tất cả tấm lòng Việt Nam;… Tình anh em Việt Lào sáng mãi muôn đời. Bài hát không chỉ đơn thuần là những nốt nhạc, lời ca, mà còn là tình cảm ghi bằng cả trái tim của người nhạc sỹ, chiến sỹ.
Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng tâm sự: “Khi viết bài hát này, tất cả cảm xúc ùa về thật bất ngờ. Tôi viết vội lời bài hát trên mảnh giấy của bao thuốc, rồi hát cho các anh em đồng nghiệp nghe, vui lắm, mừng lắm”.
“Nào cùng nhau ta hát, nào cùng nhau múa vui, bài ca samakhi, vòng tay samaki.
Nào cùng nhau ta hát, nào cùng nhau múa vui, Việt Lào samakhi, Lào Việt samaki”.
Tác giả đã khéo léo dùng từ tiếng Lào “samakhi” có nghĩa là đoàn kết vào trong bài hát để khẳng định tình cảm keo sơn, gắn bó, đoàn kết giữa hai nước. Lồng ghép ở cuối bài là những lời ca - những câu thơ của Bác Hồ viết năm 1963, sau khi hai nước Lào và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao được 1 năm:
“Thương nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Bài ca hữu nghị được viết dựa trên toàn bộ tiết tấu của điệu lăm vông truyền thống của Lào. Điệu múa đã trở thành biểu tượng sinh hoạt văn hoá, hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, có hiệu quả giáo dục thẩm mỹ cao của đất nước Lào từ bao đời nay. Cách thể hiện tiết tấu của bài hát thật sâu sắc và đậm đà. Chỉ cần nhạc dạo của Bài ca hữu nghị vang lên, người nghe đã cảm nhận được sự tươi vui và có thể cùng nhau hoà theo điệu múa lăm vông truyền thống! Điều đặc biệt hơn cả, Bài ca hữu nghị đã được dịch và hát bằng tiếng Lào, được các bạn Lào đón nhận và nhiều lần được biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật lớn trên cả hai đất nước.
Trái ngược với Bài ca hữu nghị, bài hát Xiêng Khoảng - nỗi nhớ lại là những tâm tư tình cảm sâu sắc và lắng đọng trong lòng tác giả Vũ Việt Hùng. Nhẹ nhàng mà da diết ngay từ mở đầu của bài hát:
“Về Xiêng Khoảng, chiều mưa rơi, lòng bồi hồi nhớ bao người… Đồng đội tôi nằm lại đất này như quê mẹ, quê cha thân yêu”.
Ca từ giản dị, gần gũi và nhắc cho người nghe nhớ tới những năm tháng hào hùng của hai dân tộc Việt - Lào, sát cánh bên nhau bảo vệ độc lập chủ quyền của mỗi nước. Ẩn sâu trong đó là sự hy sinh của các chiến sỹ, liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vì sự nghiệp quốc tế cao cả, vì hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào. Các anh nằm lại nơi đây nhưng tâm hồn luôn được bay bổng linh thiêng trong khúc Lămvông truyền thống của dân tộc Lào “Khúc Lăm vông ru hồn anh bay cao”. Điều quan trọng hơn, các anh nằm lại nơi đất này cũng như nằm lại trên chính mảnh đất quê hương Việt Nam. Hàng ngày, những người cha, người mẹ, các anh chị em Lào vẫn thắp nhang và tưởng nhớ các anh.
Tiếp theo lời bài hát “Xiêng Khoảng ơi, mong nhớ từng ngày, cánh đồng Chum gian nan chưa phai. Phu cụt ơi, một thời đạn bom, một thời chia lửa, cọng rau, hạt gạo chia đôi” gợi nhớ về một thời chiến tranh ác liệt và sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau của quân dân hai nước. Đó là tình cảm máu mủ, ruột thịt anh em, không bến bờ nào có thể tả xiết.
Đoạn đầu của Xiêng Khoảng - nỗi nhớ trầm, buồn, tưởng nhớ linh hồn các anh hùng liệt sỹ nhưng cuối bài hiển hiện hình ảnh Xiêng Khoảng sáng lạn. Đâu đâu cũng ngập tràn màu xanh, xanh mãi huyền thoại. Cánh đồng Chum bình yên. Những con đường thẳng tắp. Mường nối mường. Bà con tay trong tay, cờ chen hoa, đi trong mê say, đón bộ đội Việt Nam, đón khách Việt Nam như đón người thân của mình trở về nhà. Xiêng Khoảng đang vươn tới tương lai, xây dựng cuộc sống ấm no trong hoà bình và trong tình cảm thủy chung, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Nếu Bài ca hữu nghị tươi vui, réo rắt theo điệu lăm vông truyền thống, mang đầy ý nghĩa với những câu thơ của Bác Hồ thì Xiêng Khoảng - Nỗi nhớ lại nhẹ nhàng như nén tâm hương của người nhạc sỹ, chiến sỹ tri ân các lớp cha anh đi trước, các đồng đội của mình đã nằm lại trên quê hương Lào. Hai bài hát đối tỉ nhau về mặt khúc thức, tiết tấu, chất liệu nhạc với tâm lý khác hẳn nhau. Một bài dập dìu niềm vui khi về lại chiến trường xưa, một bài lại bùi ngùi quay về nơi trận địa mà chiến sỹ đồng đội mình nằm lại rất nhiều. Hai bài hát với những cung bậc cảm xúc khác nhau, chất liệu âm nhạc, tiết tấu khác nhau nhưng đầy ắp trong đó là tình cảm đặc biệt, quan hệ hữu nghị hợp tác đoàn kết anh em giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt-Lào.
Các tác phẩm Bài ca hữu nghị và Xiêng Khoảng - nỗi nhớ ra đời khi Ban Tuyên giáo Trung ương đang thực hiện Dự án biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007). Hiện tại, Dự án đã hoàn thành với 6 sản phẩm chính. Nhạc sỹ Vũ Việt Hùng hy vọng cùng với những sản phẩm đó và rất nhiều những hoạt động của hai nước kỷ niệm Năm hữu nghị Việt - Lào 2012, các tác phẩm sẽ góp phần bày tỏ tình cảm, tô điểm và làm sinh động quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Trong tâm hồn con người nhạc sỹ, chiến sỹ ấy lúc nào cũng dạt dào mạch nguồn cảm xúc về một tình cảm thiêng liêng với đất nước và những người bạn Lào.
Chia sẻ về những sáng tác của mình, nhạc sỹ Vũ Việt Hùng tâm sự: “Trong lịch sử, có rất nhiều bài ca đi cùng năm tháng ca ngợi tình cảm hữu nghị của Việt Nam và Lào như bài hát Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Cô gái Sầm Nưa, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, … Tôi chỉ là thế hệ đàn con đàn cháu, may mắn được quay lại chiến trường xưa và những kỷ niệm lại rung lên bồi hồi xúc động. Bác Hồ là người đã khơi nền, đặt móng cho mối quan hệ anh em Việt - Lào. Trong thời kỳ kháng chiến, đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ca ngợi tình cảm đặc biệt này. Đây là một đề tài sáng tác vô cùng to lớn. Tại sao chúng ta không tiếp tục khai thác nguồn cảm xúc vô tận đó để ngợi ca, tôn vinh mối quan tốt đẹp này. Những tác phẩm văn học nghệ thuật như thế đã, đang và sẽ góp phần đẩy lùi, phản bác lại những xuyên tạc của các thế lực phản động chống phá quan hệ chân chính, chia rẽ tình cảm giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Việt - Lào. Quan hệ truyền thống của hai đất nước đã trở thành nghệ thuật, tạc tượng trong trái tim của mỗi người mà không ai có thể phá vỡ được”.
Thu Hằng
Theo http://tuyengiao.vn
Thu Hiền (st)